19/07/2011

TRÊN THIÊN ĐƯỜNG KÝ ỨC HOÀ VANG



                  Riêng tặng các bạn một thời Hoà Vang nhân 50 năm thành lập trường


1.   Tôi không nhớ vào lúc nào, đã lâu lắm rồi, hồi đó làng tôi có một người bà con trong họ tốt nghiệp xong tiểu học, vì chưa có trường trung học ở huyện Hoà Vang lại không thi đậu vào trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, nên phải thi vào một trường kỷ thuật nào đó ở Huế. Sau khi chú ấy thi đậu, gia đình chú ấy có mấy con trâu định bán để lo cho chú ấy đi học. Nhưng vì là việc hệ trọng nên gia đình phải họp bà con lại xin ý kiến. Sau nhiều bàn cải thì cuối cùng đi đến thống nhất là nên để chú ấy ở nhà lo chuyện cưới vợ thay vì đi học xa. Bởi lẻ nếu lo vợ cho chú thì chỉ cần bán một con trâu còn lo cho chú đi học phải bán hết cả đàn trâu nhưng không biết có đủ cho các năm về sau nữa không. Thế là chú ấy tiếp tục làm một nông dân lam lủ và đã mất cách đây khá lâu.
Kể ra chuyện nầy để thấy rằng tôi rất may mắn, khi tôi đậu xong tiểu học vào năm 1963 thì đã có trường Trung học Hoà Vang. Tôi là người đầu tiên của làng tôi vào học trường nầy. Nếu không, không biết số phận của tôi bây giờ sẽ ra sao vì sức học tôi hồi đó không đủ để thi đậu vào trường công lập Phan chu trinh Đà Nẵng mà gia đình tôi lại không đủ sức cho tôi học trường tư.
Tôi tin rằng trường Hoà Vang đã thay đổi cuộc đời của bao nhiêu người con nông dân ở huyện Hoà Vang vào thế hệ của tôi.


2Vào học lớp Đệ Thất 2 (lớp sáu)  Hoà Vang tôi vào nhóm những học sinh nhỏ của lớp. Thời đó có những anh rất lớn tuổi cũng học cùng lớp chúng tôi như Lê Văn Chua, Trần Cáo… Tôi thuộc nhóm nhỏ tuổi và nhỏ con nên chơi rất thân với Trần Quang, Huỳnh Đăng Tâm, Lê Đức Đoan, Lê Công Đào, Nguyễn Hải, Trần Hường, Trần Cảnh, Nguyễn Phụng, Lê Văn Đấu, Huỳnh Văn Hạnh, Lê Văn Chiếu, Trần Liên …Tôi bắt đầu biết làm báo từ thời điểm nầy và cũng từ những người bạn nầy.
Hiện nay tôi đang làm báo. Tôi chính thức vào nghề từ năm 1992 nhưng tôi bắt đầu làm báo từ năm 1964 lúc ấy đang học lớp đệ Thất trường Hoà Vang. Tết năm đó cô Thuận An, giáo sư hướng dẫn ( bây giờ gọi là GV chủ nhiệm)  bảo lớp lập ra ban báo chí để làm bích báo (báo tường) mừng xuân. Dưới sự chỉ huy của lớp trưởng Lê Văn Chua và lớp phó Trần Cáo, chúng tôi lập ra ban báo chí gồm Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Công Đào, Lê Đức Đoan, Nguyễn Phụng, Phan Quý…và nhiều bạn nữa mà tôi đã quên (vô cùng xin lỗi các bạn ấy vì thời gian đã qua gần 50 năm rồi) rồi bắt tay vào làm trong một tuần lễ đã xong tờ báo. Tôi nhớ tờ báo chúng tôi mặc dù thuộc lớp nhỏ nhất nhưng được rất nhiều thầy cô khen ngợi và được chấm giãi nhì toàn trường ( Lúc đó cả trường mới chỉ có tám lớp, mỗi khối hai lớp).
Lên lớp Đệ lục (lớp bảy) tôi đã biết vẽ tranh châm biếm trên báo tường để châm chọc thầy Nguyễn Xuân. Bức vẽ đó ấn tượng cho đến trước ngày qua đời thầy Nguyễn Xuân vẫn còn nhớ đến tôi dù tôi chỉ học thầy có hai năm đệ Lục và Đệ Ngũ. Thầy Xuân lúc đó mới tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế về dạy lớp tôi. Có một lần thầy bắt khoảng năm, sáu học sinh quậy phá trong đó có tôi lên đứng úp mặt vào bảng, rồi thầy dùng roi quât vào mông mỗi đứa vài roi đau điếng. Tôi phê phán cách phạt học sinh kiểu đó bằng một biếm hoạ trên bích báo. Tôi vẽ thầy Xuân dưới dạng lão Cái Hồng Thất Công múa đã cẩu bổng đánh vào mông một hàng học sinh đứng úp mặt vào bảng đen, rồi ghi chú thích bên dưới: Môn học mới của thầy mới: Đã trò bổng. Các thầy cô khác xem chẳng hiểu chuyện gì, riêng thầy Xuân cười phá lên đầy sảng khoái: “Hắn vẽ chọc tôi đó!”   Nhiều chục năm về sau, được gặp lại thầy ở Sài Gòn, lần nào thầy cũng đem chuyện nầy ra kể một cách thích thú và khen: “Thằng Chênh có tố chất làm báo từ hồi còn bé”. Đó là lời khen về nghề nghiệp của tôi mà tôi thấy lâng lâng sung sướng nhất.
3.   Những bạn nữ cùng lớp thời đó mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tên là Trần Thị Hường, Bích Liên, Kim Anh (Cẫm Lệ), Kim Anh (Đà Nẵng), Nguyễn thị Thanh…Hồi đó tôi thuộc nhóm nhỏ nên chưa có ý tứ gì với các bạn ấy, các anh lớn hơn thì đã biết để ý các bạn nữ rồi, có vài cặp yêu nhau và tôi biết một cặp đã giữ tình yêu đó cho đến lúc cưới nhau và bây giờ đang sống hạnh phúc bên nhau với con cháu sum vầy, đó là cặp Lê Văn Chua và Bích Liên.
Mãi đến năm đệ ngũ tôi mới để ý đến Nguyễn Thị Thanh vì chúng tôi đi học chung đường từ Cẫm Lệ về Chợ Mới(Đà Nẵng). Ngày nào tôi cũng lủi thủi đạp xe theo sau Thanh riết rồi bổng dưng…ghiền đơn phương chứ chưa hề dám nói một lời gì với bạn ấy. Nhưng có lẻ cũng mê mệt bạn ấy lắm vì sáng nào đi học ngang qua nhà bạn mà gặp bạn đi ra cùng lúc  là nao nao mừng rơn, còn không gặp lòng dạ xốn xang buồn bả. Vậy có phải là yêu không nhỉ?
Những bạn nữ khác lớp mà tôi biết được đó là Nguyễn Thị Thu Miều lớp Đệ Thất 1, Hồ thị Nhàn lớp Đệ Lục 1, Nguyễn Thị Tuyết lớp Đệ Tứ 1. Nhàn và Thu Miều là bạn học với tôi từ hồi tiểu học, hai cô ấy là con nhà giàu ở làng Lỗ Giáng gần trường, tôi nhà nghèo ở làng Trung Lương. Ngày ngày đi học trường xã  ngang qua nhà hai cô nhìn vào mà ngưỡng mộ…do vậy lên trung học, tuy khác lớp nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ hai cô.
Nguyễn Thị Tuyết, do chiến tranh nên đến lớp Đệ Tứ mới từ Vĩnh Điện ra Hoà Vang nhập học. Tuyết đẹp não nùng nhất lớp Đệ Tứ 1, nam sinh cả trường ai cũng để ý đến riêng tôi lại không hề biết. Cuối năm đệ tứ tôi chuyển xuống Sao Mai Đà Nẵng để học băng lên lớp Đệ Nhị (bỏ lớp đệ Tam) run rủi thế nào gia đình Tuyết cũng chuyển xuống Đà nẵng, thuê nhà ở cách nhà tôi một bờ rào. Từ đó tôi quen Tuyết…và chúng tôi yêu nhau. Đó là mối tình đầu thuở học trò của cả hai chúng tôi.
4.  Năm tôi vào lớp đệ Thất 2(học Anh Văn), thầy Võ Viết Di làm hiệu trưỡng, vợ thầy, cô Thuận An làm giáo sư hướng dẫn. Lớp cùng khối là Đệ Thất 1(học Pháp văn) do cô Nguyễn Thị Cúc làm giáo sư hướng dẫn Tôi chưa hề học cô một giờ nhưng tôi vẫn quý mến cô vì cô dạy tiếng Pháp rất giõi và rất yêu quý học sinh- học sinh Hoà Vang nhiều thế hệ đều yêu mến cô và thêm nữa cô là giáo sư duy nhất ở trường Hoà Vang thời đó nói giọng Sài Gòn. Tôi lần đầu tiên được nghe giọng Sài Gòn là nghe qua cô. Suốt bốn năm học ở Hoà Vang tôi được cô dạy cho một lần và một câu duy nhất mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến hôm nay. Hồi năm lớp đệ Ngũ cả trường Hoà Vang chỉ có hai người đi xe gắn máy Yamaha xanh đó là tôi và một bạn lớp cô hướng dẫn. Bạn đó bị mất kiếng chiếu hậu và đinh ninh rằng tôi ăn cắp của bạn gắn qua xe tôi. Bạn ấy méc với cô và một lần vào giờ ra chơi cô gọi tôi đến nói: còn nhỏ đã ăn cắp trứng gà thì lớn lên sẽ ăn cắp con trâu. Tôi hoàn toàn bị oan nhưng nghẹn ngào không biết nói lại như thế nào, chỉ biết xấu hổ đến muốn chui xuống đất và nhiều nhiều năm về sau khi nhớ lại vẫn thấy đau.
Cô Thuận An dạy văn nói giọng Huế nhỏ nhẹ ngọt ngào rất ưa nghe do vậy những bài dạy của cô ngấm vào chúng tôi lúc nào không hay . Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một số câu thơ trong Bích Câu Kỳ Ngộ, trong Kim Vân Kiều là nhờ cô. Tôi biết làm báo mà không hề học qua văn chương báo chí cũng là nhờ cô hướng dẫn vào thời làm báo tường rồi sau đó làm báo tập in roneo ở Hoà Vang.
Năm đệ Thất, tôi nhớ các thầy cô dạy lớp tôi có thầy Phan Văn Sóc, cô Tuyết Ngọc, cô Kim Ngọc, cô Minh Ngọc, thầy Phạm Hường, thầy Phạm Vinh….Cô Tuyết Ngọc có cái tên rất dài là Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Ngọc, dạy môn toán, cô rất đẹp và quý phái. Tôi còn nhớ như in cô cắt tóc “đờ mi gạc sông” lộ ra cái cổ cao sang trọng và trắng ngần. Lần đầu tiên trong đời tôi được gặp người đẹp có lẻ là cô. Tôi biết thời đó có nhiều thầy giáo trẻ và học sinh mơ về cô, trong đó có tôi.
Qua năm đệ lục, có nhiều thầy cô cấp ba (giáo sư trung học đệ nhị cấp) mới ra trường về Hoà Vang dạy học mang một luồng sinh khí mới về cho trường. Dường như năm đó, Hoà Vang mới bắt đầu có cấp ba. Đó là thầy Nguyễn Xuân dạy Sử địa, Thầy Nguyễn Công Thuần dạy văn…và còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không còn nhớ vì không được học các thầy cô. Những năm tiếp theo, chúng tôi học toán thầy Hường “Apolo”. Thầy đi chiếc xe Lambretta trắng rất cà tàng, trông rất bụi nên thầy bị gán thêm biệt danh Apolo. Thầy dạy toán rất hứng thú và dễ hiểu, tôi bắt đầu giõi môn toán cũng từ thầy.
Mỗi thầy cô thuở ấy ngoài việc bồi bổ cho trí tuệ chúng tôi những kiến thức cần thiết còn tạc vào trong tâm hồn non trẻ của chúng tôi những dấu ấn đẹp để chúng tôi làm hành trang đi đến hết cuộc đời nầy. Muôn vàn lần cám ơn các thầy cô yêu quý của tôi.
5Năm 1968 tôi rời xa trường Hoà vang và  không hề quay lại cho mãi đến năm 1976. Năm đó tôi trở về trường với tư cách là một giáo viên dạy hoá. Ngôi trường vẫn còn y dáng vẽ của thời tôi đi học. Sau những giờ dạy mệt nhọc, những buổi họp hành căng thẳng, tôi thường thơ thẫn bên hàng phượng ngày xưa và kỷ niệm tươi đẹp của thời đi học cứ dần dần hiện về, gọt rữa trong tôi mọi nổi niềm, tôi cứ thế chìm đắm trong thiên đường ký ức Hoà Vang.
        SÀI GÒN, chiều 13.7.2011
TB: Vì viết theo ký ức đã qua gần 50 năm nên có thể có nhiều chi tiết chưa chính xác như họ tên của một số bạn bè và thầy cô...xin niệm tình thứ lỗi. Và vô cùng xin lỗi vì đã quên đi  nhiều bạn.

3 commentaires:

  1. Sao 50 nam roi ma anh con nho ten cac thay co va ban be. Phuc lan! :)

    RépondreSupprimer
  2. dần dần tự dưng nhớ lại, à mà một phần cũng do gặp lại một số người rồi qua nhắc nhở mà nhớ dần lại

    RépondreSupprimer