04/10/2011

NHÂN TÀI VIỆT Ở HẢI NGOẠI 2


Người Việt Tại NASA


Eugene Trinh (Trịnh Hữu Châu) người thứ hai từ phải và phi hành đoàn Columbia
Ðược làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là ước mơ của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Suốt 40 năm qua, tại đây đã ghi lại nhiều dấu ấn của các nhà khoa học Việt Nam.

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có thể lên đến vài trăm nhà khoa học Việt đang làm việc cho NASA. Chỉ riêng Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở bang California, hiện đã có khoảng 100 chuyên gia người Việt.



Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh
Nếu có dịp thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Trung tâm điều khiển bay ở Houston, bang Texas, bạn sẽ thấy tên của một người Việt được trang trọng tôn vinh: GS.TS toán học Nguyễn Xuân Vinh.

Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Ðại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên Mặt Trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất.

Ngoài ra, ông còn dạy về không gian tại Ðại học Michigan (Mỹ), Trường Cao đẳng quốc gia nghiên cứu Hàng không và Không gian (Pháp) và phụ trách môn toán học ứng dụng tại Ðại học Thanh Hoa (Ðài Loan).

Tiến sĩ Trịnh Hữu Châu
Trên một trong những chuyến bay dài ngày nhất trong chương trình tàu vũ trụ con thoi Columbia của Mỹ có một phi hành gia gốc Việt. Ðó là TS. Vật lý Thiên văn Eugene H. Trinh, tên Việt là Trịnh Hữu Châu, làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.

TS. Châu, sinh năm 1950 tại Sài Gòn, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Ðại học Yale năm 1977. Ông từng là giám đốc Bộ phận nghiên cứu Vật lý tại Tổng hành dinh của NASA và hiện là giám đốc Bộ phận Khoa học tự nhiên của NASA tại Washington.

Năm 1992, ông đã thực hiện chuyến bay trên tàu vũ trụ con thoi Columbia mang ký hiệu là STS-50 (chuyến bay thứ 50 của tàu vũ trụ con thoi) cùng đoàn phi hành 7 người và đây là một trong những chuyến bay dài ngày nhất trong chương trình tàu con thoi vũ trụ của Mỹ (kéo dài 13 ngày 19 giờ 30 phút, từ 25.6.1992-9.7.1992). Thông thường, các chuyến bay khác chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. TS. Châu cũng đã có trên 40 công trình nghiên cứu khoa học, là thành viên của nhiều hiệp hội tại Mỹ và Châu Âu. Ông cũng nhận được nhiều huy chương của NASA, trong đó có Huy chương Phi hành gia vũ trụ và Huy chương Thành tựu khoa học xuất sắc.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến
Cùng làm việc tại JPL của NASA còn có TS. Nguyễn Thành Tiến, người đã được NASA trao tặng Huy chương ngoại hạng vì những đóng góp trong chương trình đưa trạm thăm dò Galileo lên thám hiểm sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. Trạm thăm dò này phóng ngày 19.10.1989 sau khi đi mất 6 năm trên chặng đường dài 4 tỉ kilômét, ngày 7.12.1995 đã đến bầu khí quyển sao Mộc, đo nhiệt độ, áp suất, thành phần khí quyển sao Mộc và truyền kết quả về Trái Ðất.

Tiến sĩ Bùi Trí Trọng
Một trong những tên tuổi của ngành hàng không thế giới được ghi nhận có cái tên Bùi Trí Trọng (sinh 1965 tại Sài Gòn), TS. Hàng không và Không gian Ðại học Stanford. Ông hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các loại hoả tiễn.

Tiến sĩ Bruce Vu (Thanh Vũ)
Bảo vệ tiến sĩ ngành kỹ sư hàng không Ðại học Mississippi năm 1999, TS. Thanh Vũ về làm việc cho Trung tâm Marshall của NASA, chuyên chế tạo các hệ thống giả lập trên máy tính để nghiên cứu động học chất lỏng, những chuyển động của khí và chất lỏng có thể tác động đến các phương tiện lưu giữ, lắp ráp và phóng phi thuyền con thoi. Hiện nay, ông đang làm việc ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, nghiên cứu cách ứng dụng công nghệ nano để chế tạo những máy tính có kích thước nhỏ như tế bào.

Tiến sĩ Ðinh Bá Tiến
Khác với các tiến sĩ gốc Việt khác đang làm việc ở NASA, họ hầu hết được đào tạo tại nước ngoài, TS. Ðinh Bá Tiến trước khi sang Anh là giảng viên Ðại học Khoa học tự nhiên tại Sài Gòn. Năm 2004, lúc mới 25 tuổi, khi đang theo học chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về tin học tại Ðại học Huddersfield (Anh), Ðinh Bá Tiến đã chiến thắng hàng trăm ứng viên khác trên toàn cầu và được tuyển dụng vào chương trình nghiên cứu trí thông minh nhân tạo của NASA để chế tạo các phần mềm điều khiển robot, phi thuyền tự hành.

(Nguồn NORA/THUY NGUYEN)

7 commentaires:

  1. Nhân tài gốc Việt sống rải rác khắp thế giới càng ngày càng tăng cao, so với các quôc gia khác, ngừoi Việt giỏi Toán hoc, Vật lý, và Hoa' học.. là những môn chính đào tạo kỷ sư, khoa hoc gia ...và ngoai ngử (English) vẫn là quan trong nhât.
    Ngoài trung tâm NASA, còn có (USPTO) hơn một ngàn kỷ sư gốc Việt về điên tử, vật lý gia, hóa hoc gia v.v. đang làm việc cho bộ thương mại ... họ là người kiểm duyêt, và cấp bằng sáng kiến(patent)cho khắp nơi trên thế giới, tôi có xem một vài đơn tư` Viet Nam, hy vong có ngày sẻ về VN gop ý kiến trong lảnh vực này ... hihi
    Ước gì sẻ co' một ngày tất cả các nhân tài gốc Viet trên thế giới cùng nhau về xây dựng Viet Nam quê hương yêu mến hỉ ...

    RépondreSupprimer
  2. ừ mong một ngày nào đó tất cả những người tài ấy có thể về góp sức xây dựng và phát triển đất nước.

    RépondreSupprimer
  3. [ ừ mong một ngày nào đó tất cả những người tài ấy có thể về góp sức xây dựng và phát triển đất nước.]

    Thành ngữ việt có câu « nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống »: Giống đồng nghĩa với Gốc, đứng chót. Lấy ví dụ cũng một giống cam nhưng khi trồng ở bản địa thì èo uột hay chỉ bình thường, mang trồng nơi xứ khác lại phát triển vượt bực, ấy theo tôi nhất định là nhờ yếu tố nước-phân-cần. Đơn cữ thêm vài trường hợp « giống cam việt » thành công nơi xứ lạ: Dương Nguyệt Ánh (Mỹ), Ngô Bảo Châu (Pháp), Philipp Roesler (Đức), 2 anh em Võ Bá Ngự, Võ Bá Tường (Úc)...vv.

    Ngược lại, có thứ cam gốc việt đã thành công nơi xứ lạ, quyết định quay về đất cũ…, để rồi còi cọt chìm vào quên lãng như trường hợp GS-TS toán học Lê Bá Khánh Trình hoặc có người, vì tấm lòng hồi đáp, phủi bỏ tiền tài & danh vọng đang có, quay trở về « bay theo đường dân tộc đang bay » hầu góp phần đào tạo thế hệ kế thừa để rồi vô phúc vướng vào vòng lao lý bởi mấy bài báo biểu hiện tư tưởng không thể tiếp tục yêu chế độ đương quyền: GS Phạm Minh Hoàng !

    Đã đành chúng ta nên vui mừng và hãnh diện vì những nhân tài gốc việt nhưng chỉ nên tương đối gọi là thôi, nhất là trên mặt truyền thông nói chung ; phải tránh tình trạng vồ vập « thấy sang bắt quàng làm họ » như đã từng xảy ra, dân gian gọi đó là « nhận vơ ». Tôi vẫn tin quyết rằng công dưỡng lớn hơn nhiều lần công sinh: Philipp Roesler là một ví dụ điển hình.

    RépondreSupprimer
  4. đồng ý hoàn toàn với anh Phan. Dĩ nhiên để nhân tài quay về và phục vụ tốt cho đất nước thì đất nước phải hội đủ một số điều kiện mà không nói ra nhưng ai cũng biết.Rất tiếc đất nước đã phung phí bao nhiêu nhân tài. Cây chỉ phát triển và ra hoa kết quả trong một môi trường thích hợp.

    RépondreSupprimer
  5. Vồ vập nhận vơ Fields Ngô Bảo Châu dưới dạng "dụ khị với tiền thuế nhân dân" của TT 3D + 700 tờ báo tại VN và vô số báo chí việt ngữ trên mạng ở hải ngoại, với tôi là trơ trẻn, biểu hiện tâm ý ti tiểu còn lưu cửu so với thái độ chừng mực "chia vui" của TT Sarko và truyền thông trên nước Pháp, đất nước đã thật sự đào tạo ra NBC. Anh Chênh thấy đó, những nhân tài gốc việt đã nêu ra đều Made in Oversea ! Con cháu trong đại gia đình tôi (không tính dâu rể) có đúng 10 thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ nhưng tất cả đều Made in France, nói tiếng việt bình thường. Cá nhân tôi chẳng lấy đó làm điều hãnh diện dù bản thân cũng tập tành viết lách từ 40 năm qua, nghĩa là đủ phương tiện đưa chúng nó lên mây, ít ra biến chúng nó thành "tự hào gia tộc" trong mắt bàn dân thiên hạ. Tôi nhất định sẽ không bao giờ làm như thế bởi quan niệm của tôi là đã đành chúng nó thành đạt nhưng sự thành đạt của chúng nó đâu đã chia sẻ chút gì cho "gốc" của chúng nó !

    Kính, VTP.

    RépondreSupprimer
  6. Nhân tài thì thời nào, ở đâu cũng có. Nhưng tính theo tỷ lệ dân số thì ở hải ngoại cao hơn trong nước. Môi trường sống và giáo dục tốt giúp người Việt hải ngoại phát triển, môi trường làm ăn lành mạnh giúp họ thi thố được tài năng. Đất nước mình nghèo và lạc hậu nên hiếm nhân tài hơn thiên hạ, thấy người Việt mình thành đạt thì ai cũng vui mừng và hãnh diện. Sự phấn khởi thái quá là do vậy.Cũng không trách được.
    Nói chung thì những trí thức lớn của VN, trong hay ngoài thì cũng do từ nước ngoài đào tạo. Rất buồn là nước mình chưa biết hoặc chưa muốn thu hút sự đóng góp của những nhân tài từ bốn phương. TQ từ lâu đã có chính sách cực kỳ nhạy bén về vấn đề này nên họ phát triển rất nhanh trên nhiều lãnh vực đỉnh cao như: vũ khí, vũ trụ, hạt nhân, tin học, kinh tế....

    RépondreSupprimer
  7. Xin nhắc lại lần cuối trường hợp Ngô Bảo Châu: VN đã sinh ra chú ngựa nòi, Pháp ròng rả nuôi dưỡng thành chàng Thiên lý mã và Mỹ chỉ với tay là túm được con ngựa việt-pháp. Việt và Pháp chỉ được hít hưởng cái tiếng, cái miếng dành cho chú Sam. Đó đích thị là « xuất não » (la fuite des cerveaux / brain drain). Ông Mc Namara có câu « Bộ óc cũng như trái tim hễ ở đâu được quí trọng thì hướng về đó.», đương nhiên là thế, nhưng, ví dụ bất ngờ NBC lấy quyết định bỏ hẳn Mỹ quay về trong hiện tình đất nước, đau lòng mà nói, tôi tin rằng chóng chầy con Thiên lý mã cũng trở thành ‘ngựa của chúa Trịnh’.

    Tôi ví nhân tài (theo nghĩa rộng) như nước, mà ai cũng biết nước chỉ chảy về chỗ trũng và những cái trũng cụ thể từ non thế kỷ qua là Âu-Mỹ-Nhật, cái lớn nhất là Mỹ - đến nỗi Liên Âu cũng phải sợ, được bủa ra dưới nhiều hình thức, ngấm ngầm hay hiển hiện, trực tiếp hay gián tiếp, đặc biệt dưới dạng Học Bổng đại học, sau đại học. Đương nhiên phải nói tới phương tiện (đủ) sống và quan trọng nhất, theo tôi, là điều kiện cho nhân tài phát huy tài năng, điều mà VN ta chưa thể có, cụ thể là bởi ba chữ ‘Hồng hơn Chuyên’, cọng thêm ‘văn hoá phong bì’ trong mọi ngóc ngách, do đó nói chuyện thu hút nhân tài từ hải ngoại vẫn không khác nói chuyện hoạt kê.

    VTP
    TB : rất vui được ‘bàn loạn’ với anh.

    RépondreSupprimer