11/04/2012

Cồn Dầu, mùa thương khó kéo dài – Kỳ II

                                                                                                 JB Nguyễn Hữu Vinh
Chúng tôi vào làng Cồn Dầu trên lối mòn đầy bụi đỏ và khu đất mới san lấp cao ngập gần mái nhà. Con đường cũ đi qua những mảnh ruộng, những bờ đất không còn nữa, thay vào đó là những hố nước, ngập đường và những ụ đất bên cạnh cánh đồng giữ nước bẩn tràn ra lênh láng.
Cuối những con đường làng Cồn Dầu là những ụ đất cao, làng Cồn Dầu thành vũng khi mưa



Con đường trước đây hơn một năm vào làng, đã bị chặn lại bởi những khu đất tạo ra cảm giác chỉ cần một trận mưa, cả làng Cồn Dầu sẽ trở thành hồ nước. Đứng dưới đường làng, nhìn lên khu đất mới thấy được cách làm của những kẻ đi cướp đất của dân ở đây thật là khoa học. Không cần nói nhiều, không cần làm gì thì chỉ cần trời làm mưa lớn cũng đủ cho họ buộc phải lựa chọn sống hay chết chìm trong rác rưởi và nước bẩn.


Bên cạnh khu đất mới san nền phân lô là một ngôi chùa, ngôi chùa này nhìn cũ kỹ và rêu phong đã sát ngay mép của khu đất mới san. Nghe nói rằng chùa cũng đã được lệnh di chuyển để “thu hồi đất của nhà nước” và đang chuẩn bị phải chuyển đi.



Ngôi chùa cổ bên làng Cồn Dầu cũng sắp phải tái định cư để chính quyền thu hồi đất 
Làng Cồn Dầu không còn cảnh tượng một ngôi làng cổ như lần trước chúng tôi đến, thay vào đó là khung cảnh hoang tàn như nơi đây đang trong một cuộc chiến ở hồi khốc liệt. Những căn nhà đập phá dở dang bên cạnh ít ỏi những căn nhà trơ trọi còn lại. Những cây cối trong vườn bị chặt ngang cây, bị đốn ngã như vừa qua trận bão. Đây đó là những mảng tường, những nền nhà bị phá vỡ như muốn xóa đi nhanh chóng dấu tích một thời tồn tại ngôi làng cổ kính và đầm ấm. Nhiều khu vườn, căn nhà đã đập nhưng những cây cau, cây ổi vẫn đứng im như tiếc nuối một thời đã tôn tạo cho khu vườn nhà ai đó thêm trù phú và yên bình.


Nhiều cây dừa, cây cau bị đốn ngang lưng, gục ngã như vừa bị qua trận bom phá những năm chiến tranh ở quê tôi. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn gặp những ngôi nhà còn nguyên vẹn trong những khu vườn mà nền đất dựng nhà được tôn cao hơn một mét, mới thấy được công sức người dân Cồn Dầu đã đổ ra bao đời nay lớn lao thế nào.


Giờ đây, đi trong làng Cồn Dầu cỏ hoang đã mọc cao ngập tràn ra cả lối đi, những nền nhà cũ và những khu vườn vốn trước đây được chăm chút từng ngày.


Những người chúng tôi đã từng gặp như gia đình anh Nguyễn Hữu Liêm, anh Lê Thanh Lâm, anh Trần Thanh Việt, chị Đào Thị Hồng Anh… không còn ở làng nữa, họ đã khiếp sợ và bỏ chạy đi lánh nạn đâu đó. Những người còn lại nhìn chúng tôi ngờ vực ban đầu, sau khi biết chúng tôi đã từng đến Cồn Dầu trước đây, họ mới giãy bày tâm sự u uất của họ.


Cả làng không nghe tiếng chó sủa, không thấy bóng trẻ con đùa nghịch, không khí trong làng lạnh tanh và hoang vắng, người dân nhìn người lạ vào làng với con mắt cảnh giác và sợ hãi. Theo họ, thường người lạ vào đây, chỉ là công an, cán bộ hoặc những người vào tận nhà mình xem “đất đai của họ” mà mình đang ở(!) Những người dân ở đây cho chúng tôi biết: Đàn chó của làng đã bị tuyệt diệt bởi những nhóm người bí mật bắt đầu từ khi có nhiều công an vào khủng bố trong làng. Công an không chỉ làm việc ban ngày, mà cứ đến khoảng giữa đêm thì mới vào từng gia đình neo đơn, cô độc để giở bài kiểm tra hộ khẩu, hộ tịch rồi ngồi giảng giải về đường lối quang vinh của đảng, chính sách của nhà nước và cuối cùng là ép dân bỏ nhà ra đi.


Một bà già tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cuối làng, ngôi nhà của bà với hàng cau thẳng tắp như hàng kiêu binh đón chúng tôi vào căn nhà trơ trọi còn lại. Căn nhà khá đẹp và mới làm xong chưa lâu. Bà cho biết: Cứ đến tối, khoảng 8 đến 10giờ là công an vào gõ cửa. Không mở cửa là chống người thi hành công vụ, mở cửa là những màn khủng bố tinh thần. Hết chuyện phải di chuyển nhà cửa lại đến chuyện hỏi con cái đi đâu? Bà cho biết, khi con trai bà bị bắt bà lên tận Công an Cẩm Lệ đề nghị thả con bà ra vì con bà vô tội. Công an trả lời là con bà đã lớn, nó phải chịu trách nhiệm độc lập mà bà không can thiệp được. Thế nhưng, khi con bà hoảng sợ và bỏ trốn khỏi làng thì công an lại vào hạch sách yêu cầu bà cho biết con bà đi đâu, làm gì và ở chỗ nào? Bà trả lời bà không biết thì công an bảo bà phải chịu trách nhiệm (?). Đúng là pháp luật của ta cũng có điều hay, nó sẽ được sử dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý muốn của người thi hành. Đấy là đặc thù của nền Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa chăng?


Những người dân Cồn Dầu cho chúng tôi biết: Thời gian gần đây, công an, chính quyền liên tục vào ép buộc giáo dân phải sớm nhận tiền đền bù để biến khỏi làng. Thậm chí không chỉ giáo dân mà cha xứ cũng bị tình trạng gây sức ép liên tục buộc phải nhận ký vào quyết định đập phá Thánh Giá nơi Nghĩa trang. Nhưng, tâm tình người dân nơi đây là họ muốn được trụ lại, sống lại nơi chôn rau cắt rốn của mình với ngôi Thánh đường quen thuộc và đầm ấm. Mặt khác, họ biết những gì đang đợi họ phía trước sau khi họ nhận tiền đền bù và bàn giao nhà cửa vườn tược cho nhà nước.


Nhiều người đã nhận đền bù và ra đi, nhưng đã không đủ sức để kiếm sống bằng một nghề mới giữa đô thị Đà Nẵng đang dần dần xua đuổi những người nghèo và dân nhập cư. Nhiều gia đình đã phải về gom góp lại tấm tôn, mảnh ván, tấm lều bạt để sống qua ngày tại đây.

Tan hoang Cồn Dầu
Những vết tích còn sót lại
Ngôi nhà còn bám trụ lại ở Cồn Dầu

Người Cồn Dầu về che tạm nơi sống qua ngày

Một mình bà ở nhà, đêm đêm công an đến kiểm tra và làm việc 

Cánh đồng đã từng xanh tốt của Cồn Dầu hôm nay
Nhiều hộ cho biết, nhà cầm quyền ở đây khá vui tính trong cách làm việc, ngoài chuyện ép buộc người dân đến mức bỏ nhà bỏ cửa ra đi, thì họ bán đất tái định cư theo suất. Nơi được cấp đất tái định cư là một nơi đã từng làm nghĩa trang nào đó mà tôi không có dịp đến xem được. Người dân cho chúng tôi biết, có nhiều người đến đó nhưng không thể ở đó được vì vấn đề tâm linh, không thể mình ở trên mồ mả của người khác. Ngoài vấn đề đó thì khi bán đất định cư có thể mua lại. Nhưng, tiền đâu để xây dựng cơ ngơi và ổn định cuộc sống ở đó. Cuộc sống con người đâu chỉ cần có một chỗ cắm dùi mà thôi? Trái lại cuộc sống của họ là tổng hợp của các mối quan hệ, cách làm ăn, thói quen và văn hóa đã bao đời nay xây đắp nên làng Cồn Dầu cổ kính. Xa môi trường đó, họ không sống được, nhất là khi Đà Nẵng đang chỉ chuộng những công dân chất lượng cao, thì người dân Cồn Dầu càng không phải là đối tượng dễ sống.


Nhưng, trở về hay ở lại, thì cuộc sống của người dân Cồn Dầu hôm nay cũng là bài toán cả hàng ngàn người không tìm ra lời giải. Ruộng đồng bị chiếm cướp và san lấp phân lô. Những thửa ruộng chưa được thể thu hồi thì cả mấy mùa qua cũng không thể cấy trồng được như trước. Nguồn nước bị chặn lại bởi sự đào bới và đất lấp. Nước ô nhiễm tha hồ chảy về và đọng lại xung quanh Cồn Dầu, gây ngập úng ruộng đồng, đường sá…


Như vậy con đường sống của người dân đã bị cắt đứt.
(còn tiếp)
Blog JB Nguyễn Hữu Vinh

10 commentaires:

  1. Một bài viết cảm động !
    Rất cảm ơn anh Vinh .
    Những con cá mập đang giết đồng loại .
    Và giết luôn cả thành phố Đà Nẵng .

    RépondreSupprimer
  2. Không biết ngoài chiêu phân lô bán đất ăn , ông Thanh còn chiêu gì để ăn tiếp cho hàng vạn nông dân thất nghiệp không ?
    Rõ ràng là lợi trước mắt mà rất hại cho lâu dài .

    RépondreSupprimer
  3. Bác Chênh coi chừng. Có người đụng chạm đến Cồn Dầu đã bị nhận án :2 BCS đã qua sử dụng.
    Chúng không làm gì được bác thì thân nhân bác ở quê cũng khó sống. Đừng có lôi ba cái bằng :gia đình có công... ra nghe. Tướng c/a cùng phe chúng còn cho xe cứu thương khiêng ra toà nữa kia.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Kẻ tiểu nhân đắc chí làm càn, người quân tử như bác khó lòng phòng bị.

      Supprimer
  4. Người Cùng Quê11 avril 2012 à 11:43

    Muôn vàn cám ơn anh Nguyễn Hữu Vinh đã cất công đi xe đò lặn lội từ Hà Nội vào tiếp xúc với người dân bị áp bức ở quê hương Hòa Xuân của chúng tôi để viết nên những giòng chữ rất cảm động. Trong khi đó cả xứ Quảng Nam Đà Nẵng vốn tự hào giỏi làm báo, giỏi phản kháng nhưng không có ai viết được một lời. Kể cả ông Chênh ở ngay trên làng Trung Lương bên cạnh Cồn Dầu, nhà cửa, ruộng vườn của dòng họ ông để lại mấy chục đời có đến mấy ha cũng bị cày ủi sạch, cha mẹ của ông có công với cách mạng, có huân chương kháng chiến...thế mà ông cũng không viết được một chữ nào về quê hương mình.

    RépondreSupprimer
  5. Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
    Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
    Không còn nữa !
    Nước mắt chảy vào trong .
    Còn vài triệu đồng đền bù sống nốt qua ngày ...
    Cho những quan thêm vài ngàn tỷ .

    RépondreSupprimer
  6. Người dân mấy đời ở Cồn Dầu an cư lạc nghiệp hơn 100 năm
    với biết bao kỷ niệm vui buồn,đổ mồ hôi lẫn nước mắt hầu
    xây dựng nên một ngôi làng đầm ấm như thế,bỗng chốc thành
    trắng tay không phải vì giặc xâm lược mà mỉa mai thay lại
    từ chính đồng bào của mình !
    Từ việc bán đất Cồn Dầu cho người ta lập khu sinh thái du
    lịch (lại du lịch phục vu giới nhà giàu),NBT.cũng đã đuổi
    cả người bệnh Phong (Cùi) sống quây quần ở làng Hoà Vân từ
    lâu nay để lấy đất bán cho 1 công ty đầu tư sẽ xây dựng 1
    Vinperal thứ 2 như mô hình ở Nha Trang.

    RépondreSupprimer
  7. That ua nuoc mat ,buon qua anh Vinh oi

    RépondreSupprimer
  8. Nguyễn An Liên11 avril 2012 à 20:56

    Nguyễn Bá Thanh là kẻ " Cướp đất của người nghèo chia cho người giàu !". Trung ương biết vậy nhưng tại sao lại không có ý kiến ? Chắc là vì NBThanh đã đấm mõm hết rồi ! NBThanh là bậc thầy trong vụ này !
    Còn nữa ! Trước đây dân cư tại đường Lê Độ cũ nay là Nguyễn Tri Phương cũng không chấp nhận đền bù để mở đường, NBThanh, lúc đó là CT TP đã chơi trò tương tự như Cồn Dầu bây giờ, tức là cho sửa đường ở phía công viên 29/3, còn phía đối diện thì để cho hư hỏng nặng khiến người dân phải chịu cảnh nắng bụi mưa bùn, một thời gian sau dân chịu không xiết phải chấp nhận mở đường. Bây giờ đối với Cồn Dầu hắn lại "bổn cũ soạn lại", cầu mong cho dân Cồn Dầu đủ kiên cường, mạnh mẽ chống lại những kẻ bất lương này !

    RépondreSupprimer
  9. Thật man rợ và hèn hạ- những kẻ muốn triệt hạ cuộc sống dân lành. Kẻ nào đã làm dự án và phê duyệt dự án ở một khu dân cư lâu đời, quả thật chúng đã coi dân như địch. Đến bao giờ thì những hành động thù địch ở một đất nước độc lập, tự chủ, tự xưng là dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản, mới ngừng tay o ép dân nghèo để nhận tiền thưởng của kẻ giàu???

    RépondreSupprimer