19/06/2012

CHUYỆN LẠ THỨ BA: CON ĐƯỜNG VIỆT NAM


Chuyện lạ thứ ba là chuyện liên quan đến "Con Đường Việt Nam".
Con đường Việt Nam không phải là chuyện lạ, cách khởi xướng ra con đường Việt Nam của ông Lê Thăng Long mới là chuyện lạ.

Lạ vì ông Long là một trong 4 người bị kết án tù trước đây do liên quan đến "Con đường Việt Nam", thì ông Long bị tù nhẹ nhất rồi lại được giảm án, rồi lại được cho ra tù trước thời hạn.
Lạ là vì mới vừa ra tù, ngay trong thời gian bị quản thúc, ông Long đã công khai phát động một cuộc khởi xướng rầm rộ, kêu gọi mọi người tham gia vào một phong trào vốn rất kiêng kỵ đối với nhà cầm quyền. Trong lúc bị quản thúc, ông lại hai lần thoải mái lên đài BBC tuyên bố về việc khởi xướng phong trào.
Lạ là vì cách ông thay mặt cho các đồng chí còn ở trong tù của ông mà từ hai năm nay ông chưa gặp lại, ký vào cương lĩnh, vào các văn bản kêu gọi, vào các thư mời đến từng cá nhân cũng như danh sách người được mời.
Lạ là vì trong danh sách những người được mời có đủ các thành phần khác nhau kể cả những người đang đương chức của đảng cầm quyền..v.v...
Quá nhiều những chuyện lạ như vậy không thể không khiến cho nhiều người, đặc biệt là những người được mời tham gia, dấy lên lòng nghi ngờ về động cơ mờ ám của kẻ chủ trương khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam(CĐVN).
Nghi ngờ cái gì? Nghi ngờ phong trào CĐVN là một cái bẫy.
Cơ chế hoạt động của cái bẫy ấy như thế nào thì tùy mức độ cảnh giác (và có thể là sợ hãi) của mỗi người mà suy đoán ra.
- Mức độ 1, cảnh giác cao: Hể ai có tên trong danh sách được mời là có nguy cơ bị bắt. Do vậy những người nầy bật lên phản ứng ngay, tuyên bố từ chối quyết liệt, để ngay tức khắc cho ai đó phải hiểu rằng họ không những không liên quan gì đến phong trào mà còn rất khinh miệt nó.
- Mức độ 2, cảnh giác chừng mực: Ai ấu trĩ đồng ý tham gia vào phong trào là bị lộ diện, xem như tự đưa đầu vào rọ.
- Mức độ 3, cảnh giác chiến lược: Đây là cái bẫy nhưng không phải là cái bẫy để bắt người mà để gây ra sự nghi kị, chia rẽ, chống đối lẫn nhau giữa những người được cho là tiến bộ. Đó là cái bẫy làm sụp đổ phong trào dân chủ (nếu như đang có một phong trào như vậy).
Bình luận về mức độ cảnh giác 1 và 2, bạn Hùng Quân đã có ý kiến phản hồi trên blog nầy:
Hùng Quân 13:42 Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Nếu ai cho rằng Lê Thăng Long là con chim mồi được đưa ra để dụ bắt các nhân sỹ trí thức tiến bộ thì đã đánh giá CA quá thấp. Họ không ấu trĩ đến mức là tin rằng sẽ có những con chim quá ấu trĩ để chui vào bẫy sập. Và họ không ngu dại gì làm bẫy để bắt người hàng loạt. Trong các nhân sỹ trí thức tiến bộ, ai nguy hiểm, ai không nguy hiểm, họ đều biết quá rõ, cần thiết họ sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ để đánh lẻ từng người (như Cù Huy Hà Vũ hoặc Điếu Cày) chứ không ngu dại gì đánh đồng loạt để gây ra tiếng vang và phản ứng của dư luận.

Và blog Hiệu Minh đã phân tích như sau trong bài viết  Về "con đường Việt Nam" , xin được trích một đoạn:
 “Cạm bẫy”?
Chính quyền uy tín luôn làm việc theo chính danh. Nếu coi đây là “cạm bẫy” thì cũng ngây thơ.
Chuyện nghi ngờ có thể hiểu được vì trong lịch sử đã có những chuyện “tiền hậu bất nhất” trong chính sách đối nội.
Chả lẽ Việt Nam có vai trò trong khu vực, với hệ thống chính trị mạnh, quân đội đông, an ninh hùng hậu, sao lại cần đến một “con mồi” mới ra tù để nhử mấy trăm trí thức, nhân sỹ và cả những cán bộ cao cấp về hưu, để qui kết họ phạm vào điều 88.
Chả lẽ bỏ tù mấy trăm người trong danh sách vì do anh Long mời mà không báo trước.
Khó mà tin lãnh đạo cao cấp của Việt Nam lại để tiền của, trí tuệ và cả chiến lược vào một người vừa ra tù và 3 người đang trong tù, chỉ để tìm ra ai là người chống đảng, chống nhà nước. Một việc làm không cần thiết.
Với hệ thống tường lửa, an ninh trên mạng, hệ thống nghe lén, các quốc gia thừa sức biết ai định lật đổ chính quyền có tổ chức, ai thấy điều trái tai thì phát biểu và ai là người a dua theo đám đông. An ninh chính trị thừa biết những phát biểu có trách nhiệm và vô trách nhiệm dù trên mạng ảo.
Riêng về những phản ứng hơi thái quá của vài người có mức độ cảnh giác cao, một bạn đọc trên trang Ba Sàm đã viết:

Hồ Linh Giang đã nói
17/06/2012 lúc 19:25
...Tôi nghĩ các bác nếu không đồng ý với con đường của Lê Thăng Long thì cứ từ chối và phản biện thoải mái. Nghi ngờ để cảnh giác là tốt. Nhưng mới nghi ngờ đã kết tội và thi hành án người ta bằng những lời chửi bới thô tục, xúc phạm đến người ta là không đàng hoàng. Bạn mới nghi người ta ăn trộm tiền của bạn, bạn có dám chửi bới, kết tội người ta không? ....


Qua các ý kiến phản hồi trên mạng cho thấy có sự đồng tình cao nhất với những người cảnh giác ở mức độ 3. Nếu việc khởi xướng " Con đường Việt Nam" là cái bẫy thì đó là cái bẫy chiến lược, gây ra sự chia rẽ giữa những người tiến bộ. Và qua những động thái đang diễn ra, dường như cái bẫy ấy đang thu được vài kết quả bước đầu nếu như thực sự có một cái bẫy như vậy.


Bên cạnh việc rất nhiều người tập trung vào động cơ của việc khởi xướng, thì cũng có không ít người quan tâm đến nội dung cương lĩnh của " Con đường Việt Nam" và hầu như phần lớn đó là những ý kiến đồng tình.
Blog Trương Nhân Tuấn đã có một bài phân tích khá chi tiết về cương lĩnh của CĐVN. Đó là bài viết khá nghiêm túc rất được hoan nghênh vì qua đó làm cho nhiều người hiểu cặn kẻ hơn về cương lĩnh của phong trào, dù rằng theo tôi, có vài điểm cần trao đổi thêm.

Xuất phát từ tấm lòng mến mộ nhóm khởi xướng ban đầu, blog Mẹ Nấm có một bài viết khá xúc cảm về hướng đi của "Con đường Việt Nam".
Trên Dân Luận có khá nhiều bài viết đồng tình với cương lĩnh của phong trào CĐVN. Đó là những bài viết của các tác giả Nguyễn Ngọc Già, Khánh Sơn, Đàm Mai Đạo...
Qua những bài viết đó, và qua những gì ông Lê Thăng Long công bố, nhiều người hiểu ra "Con đường Việt Nam" là con đường gì.
Và nếu đã hiểu ra điều đó, thì sẽ hiểu rằng, tất cả chúng ta, những người dân Việt Nam của thế kỷ 21, kể cả những người đang có những phản ứng không đồng tình đều đang đi trên con đường Việt Nam. Đây mới là chuyện lạ.
Con đường Việt Nam không của riêng ai, đó là con đường của tất cả chúng ta.
Tại sao lại như vậy, có lẽ chúng ta sẽ bàn trong bài viết tiếp theo.




Thân phụ của anh Trần Huỳnh Duy Thức nói về phong trào Con đường Việt Nam

23 commentaires:

  1. Nguyễn An Liên20 juin 2012 à 00:01

    Mong cho "con đường" này hình thành và phát triển đúng như mong muốn của những người khởi xướng ra nó và tuyệt đại đa số chúng ta. Mong lắm thay!

    RépondreSupprimer
  2. Bài viết này của bác còn thuyết phục hơn bài của HM.vì tôi
    mới đọc được trễ nên phải đánh giá lại như vậy.
    Nói thẳng ra là nhiều người chỉ sợ mình liên lụy với nhà
    "phản động" LTL.chứ chẳng biết gì về nội dung CĐVN.
    Như tôi đã đưa ra ý kiến thì đây chỉ là một thứ "thuốc thử"!

    RépondreSupprimer
  3. Tôi nghĩ là chúng ta nên đọc và hiểu cho hết những chương trình của Con đường VN , rồi hảy đưa ra nhận xét chứ đừng nên vội vã hay lo sợ rồi chửi rủa mắng mỏ miệt thị hàng tôm hàng cá om sòm như một vài bậc trí thức khã kính đã tuôn ra mấy tuần nay. tôi đã xem qua và thấy ko có gì là kêu gọi lật đổ, hay phản động hay tay sai hay diễn biến này diễn nọ gì đâu, nói chung là rất ôn hòa . Tất nhiên là sẽ tùy vào khả năng cũng như la quan diểm của mỗi người để có một cách phân tích rồi khen hay chê gì cũng tốt thôi. Tóm lại theo ngu ý của tui là chúng ta nên ăn nói tử tế với nhau thì chuyện tốt xấu gì hay con đường gì rồi cũng sẽ tìm ra thôi

    RépondreSupprimer
  4. Anh Chênh chia mức độ phản ứng ra thành 3 loại (hay 3 cấp chi đó).
    Và có vẻ như anh chọn mức độ 3.
    Rất đồng tình với anh. Nhưng xin được góp ý thế này:
    Các anh, nhất là anh Hiệu Minh tư duy theo kiểu người quân tử và tưởng rằng "người ta" cũng tư duy như vậy. Xin các anh nhớ lại những gì đã xảy ra trong các cuộc chiến xâu xé để tranh giành quyền lực, các anh sẽ thấy một quy luật, một sự thật kinh hoàng: "người ta" không từ bất cứ một thủ đoạn nào, dù là thủ đoạn đó đầy tính chất tiểu nhân và thú dữ. Ngay cả đồng chí của mình "người ta" cũng hủy diệt một cách tàn độc, nói chi đối thủ.
    Vậy nên có thể nói: cả 3 mức độ mà anh Chênh nêu ra trong bài viết này đều có khả năng xảy ra ngang nhau, chưa chắc "mèo nào cắn mỉu nào"

    RépondreSupprimer
  5. Bài viết rất hay. Cám ơn Nhà báo của nhân dân Huỳnh Ngọc Chênh

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Cám ơn bác Hahien, chỉ vài lời tâm sự lúc vui buồn. Được là nhà báo của nhân dân là vinh dự rất lớn mà lúc còn làm báo tôi hằng mơ ước. Tuy nhiên tôi đã nghĩ làm báo rồi cho nên vinh dự nầy xin nhường lại cho những nhà báo trẻ, những người viết blog kỳ cựu khác như: Ba Sàm, Osin, Quê Choa,Trương Duy Nhất, Nguyễn Xuân Diện, Đoan Trang, Thùy Linh, Phạm Viết Đào, Nguyễn Thông, Mẹ Nấm, Điêu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Tường Thụy, Mai Xuân Dũng, Bauxite Việt Nam...và nhiều người khác nữa mà tôi chưa kịp nhớ ra.
      Nhân tiện và nhân ngày nhà báo chúc các nhà báo nhân dân ấy mạnh khỏe, kiên cường, sáng suốt để càng ngày càng có nhiều bài viết xuất sắc.

      Supprimer
  6. Hoàng Cương20 juin 2012 à 10:14

    Tôi hoan nghênh ý tưởng hay này ( Con đường Việt Nam ) Nếu chúng ta thấy sốt ruột với sự trì trệ của Dân Tộc Việt -

    RépondreSupprimer
  7. Chẳng biết là cái bẫy hay không tôi không dám suy đoán mò. Nhưng thông qua lời mời của LTL thì mọi người đều đoán ra "những người dân chủ Việt Nam" là ai, nhiều hay ít. Đó cũng là phép thử tuyệt vời cho ai cần quan tâm. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

    RépondreSupprimer
  8. Quân tử phòng thân ,tiểu nhân phòng bị gậy...
    Cách phản ứng đáo để cũng có lý do của nó và phản ứng nào cũng có cái hay riêng, nhưng nói như bác Chênh là đủ...
    Đến mặc cái áo đỏ còn bị nhốt vào trại phục hồi nhân phẩm vì phản đối đất đai bị thu hồi hay giản đơn chỉ là miếng cơm manh áo, huống hồ việc tầy trời sao lại có thể hàm hồ được?

    RépondreSupprimer
  9. Để hiểu hơn về LTL mọi người nên xem một số trang tham khảo sau:
    http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200909/20090226000659.aspx (vụ này xảy ra trước khi LTL bị bắt nửa năm nhé).

    Trước khi bị bắt LTL còn là ứng cử viên đại biểu quốc hội khóa XII (Đơn vị bầu cử số 5 - Hà nội): http://media.tuoitre.com.vn/download/Tailieu/quochoikhoaxii/danhsachungcuvien25042007.pdf
    Tuy không trúng cử nhưng để đi qua giai đoạn Hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên ĐBQH thì phải thuận theo QUY TRÌNH.

    Hy vọng các bác sẽ sáng suốt phân tích thêm sau khi xem các trang trên.

    RépondreSupprimer
  10. Mời các bác tham khảo thêm:
    http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200909/20090301001312.aspx

    RépondreSupprimer
  11. rất tiếc ông lê thăng long là người đã nhận tội trong phiên tòa ,ông lại được giảm án ,khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tư cách của ông /đó là một trong những lý do làm cho lời kêu gọi của lê thăng long bị phản ứng /

    RépondreSupprimer
  12. Đừng thấy đỏ nghĩ là chín.Nhẹ nhất trong trường hợp anh Lê thăng Long và CDVN là mọi người có tư duy sẽ nghĩ vậy.Trong lúc thông tin trái ,phải đang theo các chiều ngược nhau và đều có sức khuấy động như bán dâm của hot girl,đường dây nghìn đô của hoa hậu, cục trường hàng hải bỏ trốn,thí sinh Đồi Ngô đem phao...thì nhà dân chủ Lê thăng Long xuất hiện.Phải nói sự kiện này cùng bản danh sách mời vào Con đường Việt nam nhanh chóng đẩy bản danh sách của hoa hậu Mỹ Xuân vào hàng quan tâm thứ yếu.Thậm chí hình ánh những người dân Dương nội lầm lũi đòi đất kéo dài cho đến ngày hôm nay(20/6/2012)cũng giảm phần bùng nổ bức xúc trong dân chúng.
    Hơn nữa cùng được thả sớm nhưng hình ảnh người phụ nữ kiêu hãnh trong đau khổ Bùi thị Minh Hằng khác vời hình ảnh béo tốt của anh Lê thăng Long.Sự truy bức của chình quyền với chị Hằng ngay cả khi được thả, sự tiều tụy của anh Điếu cày khác với sự tự do của anh Long.Ngoài ra tại sao người ta phải tin anh Long là cùng chí hướng, đáng tin cậy thậm chí như chỉ là một người trung thực?
    Thậm chí nếu anh là người tốt nhưng ngây ngô, thì xin anh đi trên con đương Việt nam dành cho anh thôi.Thế nhé.

    RépondreSupprimer
  13. Nguyễn An Liên20 juin 2012 à 21:17

    Chúc mừng Thầy nhân dịp ngày Nhà báo VN!

    RépondreSupprimer
  14. Theo dõi sự tranh luận quanh vấn đề: " con đường việt nam" sôi nổi mấy ngày qua, tôi xin được góp ý mạn đàm đôi điều thế này:
    1 - Đảng CSVN là Đảng cầm quyền ở nước ta. Mọi đường lối của đất nước do Đảng đề xuất, xây dựng và lãnh đạo!
    2 - Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Là cơ quan lập pháp? Vừa qua QH họp bàn về sửa đổi hiến pháp 1992, Tổng bí thư Đảng đã có ý kiến chỉ đạo ngay: " Việt nam không thực hiện tam quyền phân lập..."
    Vậy " con đường việt nam " do ông Lê Thăng Long vừa qua đề xuất và công khai mời 240 các vị có địa vị và uy tín trong xã hội tham gia thì sao?
    1 - Nếu tổ chức này tuân thủ theo pháp luật hiện hành, xin phép CQ được chấp thuận, Hoạt động trong khuân khổ của hiến pháp và pháp luật, thuận chiều theo sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền thì sẽ có bao nhiêu vị tham dự? Và ý kiến của 1 số người đánh giá ông LTL là con chim mồi chắc là điều không quá đáng!
    2 - Nếu tổ chức này hoạt động không được CQ cho phép, thì mọi hoạt động dù ôn hòa hay phản biện, phản ứng với thể chế đều được coi là vi phạm pháp luật, và chính quyển sẽ không cho tổ chức này thành lập, chứ đừng nói là hoạt động. CQ sẽ bóp chết ngay trong trứng nước! Chắc chắn sau khi dẹp xong tổ chức đi con đường khác con đường do Đảng vạch ra, kèm theo các tít lớn trên các trang báo:
    TOÀN DAN TỘC VIỆT NAM ĐI THEO CON ĐƯỜNG DO ĐẢNG VẠCH RA, DO ĐẢNG LÃNH ĐẠO. ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐÚNG CHO VIỆT NAM!
    Không tin, các quí vị sẽ chờ xem!

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Tôi yêu nước , yêu dân tộc, yêu lao động , yêu sự thật nhưng tôi không yêu đảng .
      Tôi có con đường của tôi : sống thật , cần cù và không ăn bẩn .

      Supprimer
  15. Vở bi hài kịch NHÂN QUYỀN do đạo diễn Nhà Nước viết và gầy dựng quá hấp tấp khiến cho tình tiết rối beeng, diễn viên chính thì chỉ xuất hiện trên đài BBC, diễn viên phụ (ông Trần Văn Huỳnh) thì đứng sau cánh gà ca 6 câu vọng cổ mùi mẫn làm sa lệ khán giả. Còn hàng trăm diễn viên phụ nằm trong Danh Sách thì nhốn nháo, khiến cho toàn cảnh nhộn nhịp vui ra phết.

    Dẫu sao trong bối cảnh căng thẳng với ông láng giềng phương Bắc nên ông Nhà Nước đành phải cố gắng diễn vở tuồng NHÂN QUYỀN vội vã để quảng cáo với chú Sam Hoa Kỳ ngõ hầu đổi chác lấy sự cân bằng quân sự ở Biển Đông.

    Vở tuồng này hao hao giống bổn cũ soạn lại, đạo diễn muốn dấy lên phong trào mang lớp vỏ Mặt Trận Tổ Quốc giai đoạn II, ở thời đại a còng (@). Do đó mới thấy một cái list khách mời bát nháo khôi hài tệ: nào là cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết, đi đôi với cặp MC Nguyễn Ngọc Ngạn và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, rồi cũng có dăm ni sư, thượng toạ cộng với vài vị linh mục công giáo nữa. Phải chi cố gắng phụ lục thêm vài vị Hồi giáo và Ấn Độ giáo và Pháp Luân Công thì đạt tiêu chuẩn dân chủ 100% cho thế giới ngưỡng mộ.

    Le Quoc Trinh, Canada

    RépondreSupprimer
  16. Xin lỗi,không biết bác LQT.giả hay thật đây ?
    Sở dĩ tôi nói thế là vì nếu THẬT thì bác LQT.này sẽ không viết
    "Vở bi hài kịch Nhân quyền do đạo diễn nhà nước viết..." một cách
    khẩu thưyết vô bằng như vậy được ! Từ nghi ngờ đến khẳng định thế
    mới là hấp tấp đấy bác ạ !
    Bác đã đọc hết "Con đường VN." chưa ? CĐVN.chỉ đề cập đến một việc đã cũ,rất bình thường,chứ không đao to búa lớn gì hết mà bác còn suy diễn qúa xa như vậy,e là không nên,thưa bác !
    Trân trọng.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Chào bác Nhật Lệ,

      Đương nhiên là tôi đã đọc hết toàn bộ Phong Trao Con Đường Việt Nam trong blog movementcdvn.wordpress.com, không những thế mà tôi còn phát giác nhiều chi tiết "ấu trĩ" nữa. Tôi mong muốn tác giả Lê Thăng Long dũng cảm xuất hiện trước dư luận (một trong những Trang Mạng nổi tiếng) để tôi có dịp đối thoại.

      Có quá nhiều khuất tất trong sự kiện này khiến tôi có cảm tưởng vở tuồng NHÂN QUYỀN CỨU ĐẢNG biên soạn trong bối cảnh vội vã hấp tấp, để lòi ra nhiều sơ hở.

      Thân chào bác,

      Lê Quốc Trinh, Canada

      TB: Xin lỗi anh Huỳnh Ngọc Chênh vì sử dụng blog của anh để trao đổi với bác Nhật Lệ

      Supprimer
    2. Rất đồng ý với anh Lê Quốc Trinh là cần trao đổi thêm về một số điểm với tác giả Lê Thăng Long.
      Nhưng tôi cho rằng sự xuất hiện phong trào con đường VN là một tín hiệu tích cực dù nó là của ai, do ai, dù nó có là cạm bẫy hay không, dù nó có phải là một vở kịch hay không?
      Vì sao? vì nó ra đời được thì những phong trào của những người khác theo một đường lối khác cũng sẽ ra đời được, và đó là sự khởi đầu của dân chủ.

      Supprimer
    3. Đống ý với bác Huỳnh Ngọc Chênh.

      Supprimer
    4. Cám ơn anh Huỳnh Ngọc Chênh,

      Mỗi người tuỳ theo phong cách riêng đã lên tiếng phản hồi sự kiện này trong thế giới Mạng, trước tiên là AnhBaSàm, anh Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Quang Lập, chị Phạm Thị Hoài và anh Chênh nữa. Tôi là người làm KHKT dĩ nhiên có cách phân tích suy luận theo cách nhìn của tôi, nhưng toàn thể sẽ góp phần tạo nên một nền móng xây dựng dân chủ vững chắc cho thời cuộc chung.

      Tôi không thể nào chỉ nhìn một sự kiện riêng lẻ, một nhóm người cá biệt như các ông LT Long, THD Thức, LC Định, NT Trung và bác Trần Văn Hùynh để bị thu hút vào cục bộ mà quên đi những diễn tiến khác đang xảy ra dồn dập. Do đó mà tôi nảy sinh nhiều nghi vấn trước diễn tiến "hơi mờ ám" của sự kiện PT CĐVN này.

      Chúng ta cương quyết hướng tới phía trước để tiến lên, nhưng bước chân phải vững chắc không thể vì ngộ nhận nhất thời để cho phải hối tiếc.

      Thân chào anh,

      Lê Quốc Trinh, Canada

      Supprimer
  17. Cho tôi tham gia con đường Việt nam .
    Tôi tin con đường này rất cần thiết cho dân tộc ta.
    Thời gian sẽ trả lời cho quý vị .
    Cảm ơn các anh Long-Thức -Định .

    RépondreSupprimer