Trang

08/10/2012

C. VÀ TÔI

Ảnh minh họa mới copy vào

Ngày đầu tiên tôi đi học không lãng mạn chút nào như ngày đầu tiên đi học của nhà văn Thanh Tịnh. Hôm ấy, sáng sớm không biết vào mùa nào, có lẽ vào mùa xuân sau tết, ba tôi và các chị tôi áp giải tôi đến trường. Một chị ôm vở đi trước, một chị kẹp bên cạnh tôi, ba vừa cầm roi vừa kẹp bên còn lại, tôi gào khóc như mưa bão, thỉnh thoảng lại vùng ra định thoát thân để về với mẹ. Đường từ nhà đến trường chừng vài trăm mét mà cả nhà phải khổ sở với tôi. Mẹ chạy theo sau dỗ dành tôi đến khỏi cổng nhà, bị ba nạt phải quay trở lại. Tôi khóc thét lên và vùng vẫy quyết liệt như sắp bị mất mẹ. Ba phải bế thốc tôi lên đi nhanh ra đến con đường bướm trắng mới thả tôi xuống và áp giải đi. Tôi uất ức gào lên, vì sao bao thằng bạn cùng tuổi và lớn tuổi hơn tôi lại chưa đi học mà tôi phải đi học. Con Đê, thằng Quý, thằng Nhị, thằng Kha, thằng Cu...không đi học mà tại sao tôi lại bị đi học?

Cuối cùng thì tôi cũng bị áp giải đến trường, đưa vào lớp học ra mắt thầy. Thầy Năm Thanh cầm roi mây lăm lăm và quắc mắt lên nhìn. Tôi sợ quá, nín khe và ngồi im thin thít vào dãy bàn cuối cùng của lớp học.
Hồi đó vào năm 1957, 58 gì đó, dân làng Trung Lương của tôi mới từ khu kháng chiến chạy về được vài năm nên chưa có trường học. Thầy Huỳnh Ngọc Thanh, tức thầy Năm Thanh là người thầy đầu tiên của hầu hết trẻ con và thanh niên trong làng, phải mượn nhà của ông trưởng thôn để dạy học. Tất cả học sinh từ lớp i tờ như tôi đến lớp tư, lớp ba như hai chị của tôi đều học chung trong một phòng. Phòng học là nhà kho bằng tranh, trống hoác tứ bề, nằm trong vườn của nhà ông trưởng thôn. Một mình thầy Năm Thanh dạy hết từng ấy lớp với chừng gần 20 học sinh lớn bé.
Thầy mặc áo sơ mi trắng toát có cổ cole dựng đứng trông rất oai vệ và sang trọng. Nhưng sợ mồ hôi ra làm dơ áo, khi vào lớp, thầy cởi áo treo lên cây đinh cạnh bảng đen. Thầy chỉ còn mặc áo may dô ba lỗ không trắng lắm, nhưng với tôi, hồi đó trông thầy vẫn rất cao sang.
Tôi cố bấu víu để được ngồi gần hai chị nhưng không được. Thầy xếp học sinh ngồi trong lớp theo thứ tự từ lớn đến bé. Các anh chị lớp ba ngồi hai bàn đầu, kế tiếp là lớp tư rồi lớp năm. Hồi đó không có lớp mẫu giáo, lớp đầu tiên đến trường như tôi gọi là lớp i tờ tức là lớp dự bị để chuẩn bị vào lớp năm, được xếp ngồi vào dãy bàn sau cùng. Nói là bàn nhưng thật ra là một miếng ván kê trên cái gì đó cho cao. Còn ghế, tôi nhớ là một miếng ván dài  kê trên hai đống gạch hai đầu.
Vào giờ học, thầy sai một anh lớp ba lớn tuổi, viết chữ đẹp xuống chép vào vỡ chúng tôi khoảng năm hàng chữ a rồi bảo chúng tôi ngồi đồ lại. Còn thầy lo giảng bài cho các anh chị lớp trên.

Hôm ấy tôi đang gồng mình, vận hết công lực vào nắm tay để khống chế cây bút chì cứng đầu đi vào đúng đường vạch trước của sư huynh thì bỗng dưng các bạn tôi nhốn nháo đứng dậy chạy ra ngoài. Tôi giật mình nhìn lên, thấy một thằng bé trạc tuổi tôi và ăn mặc giống hệt như tôi khi đang ở nhà, nghĩa là chẳng có bất kỳ một thứ trang phục gì trên người. Tay hắn lại lăm lăm một con roi mây chỉ nhỏ hơn con roi của thầy Năm Thanh một tí.
Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra, thì thằng bé ở truồng ấy xăm xăm về phía tôi quật ngay vào lưng tôi một roi đau đến quặn người kèm theo một tiếng nạt: "Mi cứng đầu hả?"
Các bạn cùng lớp với tôi đã đi học trước tôi vài tuần hoặc vài ngày nên hiểu chuyện, thấy thằng ấy là lo bỏ chạy ra ngoài, còn tôi ngày đâu tiên mới đi học chưa hiểu chuyện gì. Vài tiếng nói của bạn tôi hối thúc: "Bước lẹ ra, bước lẹ ra chớ hắn đánh nữa".
Tôi quặn lưng chạy vội ra ngoài đứng chung với đám bạn. Thằng ở truồng xoay ra chỉ roi vào bốn đứa lớn nhất nói: "Vào xếp lại ngay". Mấy đứa bạn tôi hiểu ý từ trước, chạy vội vào, hai thằng khiên tấm ván làm ghế lên, hai thằng còn lại vội vàng xếp hai đống gạch kê hai đầu vào thành một đống ở giữa. Sau đó, miếng ván được kê trở lại thành cái bập bênh. Thằng bé ở truồng chia chúng tôi ra làm hai nhóm kể cả nó, ngồi ở hai đầu miếng ván và bập bênh lên xuống chơi. Đó là lần đầu tiên tôi được chơi trò bập bênh trong đời.
Thằng bé ở truồng ấy là con áp út trong đám con trên chục đứa của ông trưởng thôn. Tên nó là Cặc. Ngày đầu tiên đi học cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Cặc như vậy.
Nhưng trước khi nói tiếp về Cặc, tôi xin kể chuyện bướm.
Con đường tôi đi học, nối từ cổng nhà tôi đến cổng nhà ông trưởng thôn, là con đường đẹp nhất trong những con đường trên thế gian  mà tôi được biết đến. Ra khỏi cổng nhà tôi một đoạn ngắn là gặp bến đò Đệ, từ bến đò Đệ đến cổng nhà ông trưởng thôn là một con đường nhỏ hẹp luôn được che mát bởi hàng tre xanh cao vút phía bên tay mặt và hàng dâm bụt đầy hoa đỏ bên tay trái. Từ những ngày sau tết cho đến cuối hè, vào buổi sáng, con đường ấy được đan kín bởi một đàn bướm trắng đến hàng vạn con. Những con bướm xinh xắn ấy nhỏ bằng một đồng xu, tuyền một màu trắng tinh khiết cho đến bây giờ tôi chưa từng thấy lại ở bất cứ nơi nào. Chúng bay qua bay lại giữa hàng tre và hàng dâm bụt hai bên đường như mắc cửi, làm cho cả một đoạn đường trở nên lung linh sống động và lốm đốm trắng, đẹp như bức tranh ấn tượng của Van Gogh. Mỗi sáng đi học và mỗi trưa đi về, tôi đều được đắm mình trong bức tranh sinh động đó.

Bây giờ ngồi nhớ lại mới thấy đoạn đường ấy đẹp như vậy chứ hồi đó, những ngày đầu tiên đi học, đoạn đường đầy hoa và bướm ấy là đoạn đường đau khổ nhất trần đời của tôi.
Những ngày ấy tôi sợ đến trường vì sợ thằng Cặc. Tôi sợ nó còn hơn sợ thầy Năm.
Ngày thứ hai đi học, mẹ dỗ dành tôi từ trong nhà ra khỏi sân gạch, ba cầm roi tiễn tôi ra khỏi cổng. Đoạn còn lại đến trường, hai chị kèm hai bên. Đi xuyên qua khỏi con đường bướm trắng, tôi cùng hai chị đến trước cổng nhà ông trưởng thôn. Tôi hoảng hốt khóc ré lên, vùng ra khỏi hai chị định chạy ngược về nhà. Thằng Cặc đã đứng trước cổng, vẫn trần truồng như trang phục thường xuyên của nó, một tay cầm roi lăm lăm, tay kia cầm  một đầu dây thừng, chăng ngang từ bên nầy qua bên kia cổng. Mọi học sinh lớn bé, ai muốn đi vào trường phải nộp cho nó một sợi dây thun, ai không có bị nó quất một roi mới cho vào. Hai chị tôi đã chuẩn bị sẵn ba sợi dây thun nộp mãi lộ cho nó. Tôi ôm ghì lấy hai chị, run lẫy bẫy bước ngang qua trước mặt nó.
Tôi không còn nhớ đến ngày học thứ mấy tôi mới quen với Cặc và trở nên hết sợ nó. Có lẽ cũng không quá lâu vì ngoài trò chơi bập bênh giữa giờ học, Cặc còn cần chúng tôi cùng chơi với nó nhiều trò khác như bắn dây thun, bắn bi, tán mạng, trốn tìm, u mọi, bắt tổ chim, tát ao cá và chia phe đánh giặc.
Nhà ông trưởng thôn là ngôi nhà ngói to lớn với một cái vườn rộng bao la có thể chịu được mọi sự tàn phá của lũ chúng tôi mà đầu têu là thằng Cặc, con cưng của ông.
Tôi nhớ sau khi vào lớp mới đồ xong chừng hai, ba chữ a, chưa đến giờ nghỉ giải lao thì Cặc đã cầm roi bước đến ra lệnh cho chúng tôi ra ngoài. Mấy ngày đầu tôi rất sợ, nhưng về sau tôi cũng mừng rơn như những thằng bạn khác vì việc cầm bút đồ lại mấy chữ a còn đáng sợ hơn là cái roi của Cặc. Hơn nữa đã hiểu ý Cặc rồi, không những không bị nó đánh mà còn được vui chơi thỏa thích.
Ra khỏi lớp, chúng tôi bắt chước Cặc, cởi phăng hết quần áo máng lên gốc cây cho mát mẻ, rồi cả bọn chừng sáu đứa, nhông nhông quậy phá cho đến khi có ba tiếng trống báo hiệu hết giờ giải lao thì mới chịu quay trở lại lớp học. Chúng tôi chỉ thực sự được học hành từ sau giờ giải lao cho đến trưa. Khi ấy ngoài vườn quá nắng, mẹ Cặc không cho Cặc chạy rông ra ngoài.
Không biết bao lâu thì tôi trở thành thằng bạn thân nhất của Cặc. Nó chơi thân với tôi nhất vì trong đám 6,7 thằng học lớp dự bị tiểu học, tôi là đứa bé nhất bằng y tuổi nó. Những đứa khác đều lớn tông ngồng mới đi học, thậm chí có đứa, tôi vẫn còn nhớ là chỗ đó đã khác chúng tôi, mọc cái gì đó đen đen như râu người lớn.
Ngày chủ nhật không đi học tôi lại nhớ Cặc nên mò đến trường để chơi với nó. Té ra nhà nó chỉ cách nhà tôi hai khu vườn. Tôi băng qua nhà chú tôi, vào vườn nhà bà Tán rồi chui qua hàng rào tre đầy gai, xước hết cả mình trần là vào khu vườn nhà nó. Và Cặc đã đứng sẵn chờ tôi với một đống âm mưu trong đầu.
Cặc có nhiều sáng kiến bày ra các trò chơi. Nào trèo lên tổ chim chích chòe ăn cắp trứng bỏ qua tổ chim sẻ và nghĩ rằng một ngày nào đó vợ chồng chim sẻ sẽ giật mình rơi xuống đất khi thấy trứng mình nở ra một con chích chòe. Nào đánh cắp chuột trong bẫy ra cột dây vào cổ cho nó làm trâu kéo xe đất sét cho đến nhừ tử. Nào bắt chuồn chuồn làm mồi câu rắn mối và tắc kè rồi cho chúng vào quan tài làm bằng bẹ chuối và làm đám tang cho chúng thật rình rang với tiếng khóc tỉ tê như thật của tôi và Cặc...

Tuy vậy tình bạn khăng khít giữa tôi và Cặc chỉ kéo dài chừng bốn, năm tháng. Sau đó làng tôi xây dựng được một ngôi trường mới khang trang với hai phòng học. Tôi chuyển lên trường mới và được chính thức vào học lớp Năm (là lớp Một ngày nay). Cặc vẫn chưa đi học nên dần dần hai đứa "xa mặt cách lòng"
Khi tôi lên học lớp Ba trường Cồn Dầu thì dường như Cặc mới bắt đầu đi học. Rồi khi tôi lên học cấp hai trường huyện được vài năm thì nghe tin Cặc đã thoát ly gia đình đi du kích. Từ đó tôi không còn nghe tin tức gì về Cặc.
Sau tháng tư 75, tôi về lại quê làm ruộng, hỏi thăm mới biết Cặc đã hy sinh từ lâu.
Khi ấy tôi cũng mới biết tên trên giấy tờ của nó không phải là Cặc. Nó tên Mai, nó là liệt sỹ Phạm Mai.
Nhiều bạn bè thuở ấu thơ của tôi cũng có số phận như Mai. Đó cũng có thể là số phận của tôi, nếu như tôi không được học hành tạm gọi là đến nơi đến chốn.
Mà trước năm 75, cà làng tôi, chỉ có mình tôi là được học hành lên cao nhất.
Vô cùng biết ơn ba mẹ và các chị.





24 commentaires:

  1. Trời ạ, tưởng anh viết về đề tài "tự do và tôi" theo đúng "mẫu" của trung tá công an phường 6 quận 3 tại Sài Gòn chứ ! Hì hì ...

    RépondreSupprimer
  2. Anh Chênh sướng nhỉ, được làm bạn với Tự Do ngay từ thời thơ ấu!

    RépondreSupprimer

  3. Đúng là viết như...CĂC!

    RépondreSupprimer
  4. Rat thich may bai nhu the nay cua bac. Bac viet hay nhu Nguyen Quang Lap :). Mong bac tiep tuc.

    RépondreSupprimer
  5. Vậy căc này không phải là cặc của ông trung tá rồi, Cặc này đỡ ti tiện hơn nhiều.

    RépondreSupprimer
  6. Nhớ lại chuyện của nhà văn Võ Hồng, "đang ngồi học trong lớp bổng thấy...mát mát" thì ra cu cậu vội quá nên không kịp mặc quần, thập kỷ 50 miền quê VN là vậy, còn tên con nít chính xác cở như vậy vì sợ ma bắt, khó nuôi. Suốt một thời gian dài, văn học chủ yếu tô hồng, chiến đấu, ai thắng ai...lãng quên những mộc mạc quê mùa nhưng khó phai của một thời. Nay Ngọc Chênh gợi lại, thô cộc, trần trụi,đặc biệt "không giả dối" như là tuyên ngôn của cách mạng mùa thu (2012) chăng?

    RépondreSupprimer
  7. ... Nhiều bạn bè thuở ấu thơ của tôi cũng có số phận như Mai. Đó cũng có thể là số phận của tôi, nếu như tôi không được học hành tạm gọi là đến nơi đến chốn ...

    Bac Chenh tha^m qua', dung la "nho ma khong hoc, lon len lam ... "
    Xin loi vi may nay khong danh dau duoc bac a.

    RépondreSupprimer
  8. Vậy mà tôi tưởng bạn của anh Chênh sau này làm thủ tướng.

    RépondreSupprimer
  9. Ở xứ Quảng của ông Chênh thì không rõ, chứ ngoài Bắc ( từ Hà Tĩnh đổ ra) ngày xưa thường đặt tên trẻ con "khác người" để cho dễ nuôi, hay ăn chóng nhớn và khỏi bị ma bắt.
    Hai nhà gần nhau, cùng sinh bé gái. Nhà đặt là Lồn, nhà đặt Thớt.
    Đâu khoảng 4,5 tuổi, Lồn bị đậu mùa chết.
    Chừng 18,19 Thớt lấy chồng. Mẹ Lồn được mời đi ăn cỗ cưới Thớt. Vừa nhấp chén rượu, mẹ Lồn nức nở. Mẹ Thớt thấy vậy ngạc nhiên. Mẹ Lồn thanh minh: "Hức hức, Lồn tôi còn thì hôm nay như Thớt nhà bà!"
    Đại loại thế!

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Đúng như bác nói, tôi dân bắc ngày xưa đi sơ tán (trong nam gọi là di tản) từ thành phố về nông thôn tránh bom Mỹ, hôm đầu tiên vào nhà chủ đúng lúc cả nhà họ đang ăn cơm sáng, bà chủ mời cháu ơi (hồi ấy mình mới 5 tuổi) ra ăn cơm với buồi. Tưởng nhà chủ nói đểu bảo mình ăn buồi, hóa ra con bà chủ tên là thằng Buồi. Ở đó người ta bảo chọn những cái tên thật xấu để đặt cho con cái để ma quỷ đỡ bắt đi. Nhưng ở nhà gọi thế thôi chứ ra Ủy ban xã làm khai sinh người ta bắt đổi thành Nguyễn Văn Bươi.

      Supprimer
  10. Quang lập đéo bằng CẶC

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Còn "Nặc danh01:57 Ngày 09 tháng 10 năm 2012" đích thị là đéo bằng mồm rồi.

      Supprimer
  11. Hay, một câu chuyện quá thú vị!

    RépondreSupprimer
  12. Hóa ra chỉ những ai thiếu may mắn không được học hanh hoặc it học
    mới đi theo cọng sản.Bác Chênh quái lắm.

    RépondreSupprimer
  13. Ngày xưa ở miền Nam, mấy ông theo Việt cộng đều là ít học hay thất học. Ông bác tôi theo cộng sản từ rất sớm, nghe đâu thời đánh Pháp ông đã làm lớn rồi. Nhưng ông có học hành gì mấy đâu, chơi bời quá bị ông nội tôi la mắng quá bỏ nhà chạy lên núi theo... Mấy ông cậu tôi cũng vậy, sau 75, hai ông từ miền bắc trở về cũng làm cán bộ nhưng có học mấy đâu. Còn một ông từ trên núi xuống, nghe nói lúc trước "đánh giặc" hăng lắm làm đến chức huyện đội nhưng một chữ bẻ đôi cũng không rành, được nhà nước cho đi học bổ túc mấy năm rồi...về hưu. Cái hay là các ông được Đảng biến từ người nông dân bị bóc lột thành người cách mạng thấm nhuần tư tưởng mac-lenin để lãnh đạo đất nước.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Bạn nói chuyện đương nhiên không à, có học có hiểu biết chút thì ai lại đi theo ... chứ.

      Supprimer
  14. Thật hay và cảm động Bác Chênh .
    Câu chuyện thật gần gủi .
    Rất cảm ơn Bác Chênh .

    RépondreSupprimer
  15. Có một chút sạn, nhỏ thôi, nhưng không thể không nói ra. Tui cũng như anh, cũng lớp quê, trường làng vào những năm 60 ở miền Nam. Chắc anh cũng không bao giờ quên, quê mình hồi ấy ông thầy oai dữ lắm, sợ ba mẹ không bằng sợ thầy, không đi học cũng sợ thầy! Chẳng có thằng cu, con bé ở bất cứ lứa tuổi mô dám bén mảng đến lớp học mà dùng roi mây thị uy như thằng Tự Do bạn anh. Hihi!!!

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Sự thực là như vậy. Cậu bé ấy con chủ nhà, thầy lại bận bịu quá nhiều lớp nên không để ý đến. Theo các chị tôi kể, cậu bé ấy hay cầm roi đánh học sinh là bắt chước thầy Năm. Thầy giáo thời đó ai cũng dùng roi để răn đe và trừng phạt học sinh.Cậu bé ấy suốt ngày qua xem thầy dạy và đánh học sinh nên bắt chước. Trước đó lúc tôi chưa đi học các chị tôi cũng thường hay bị đánh. Lớp học trống hoác bốn bề nên cậu bé, vào từ phía sau, thầy giáo không chú ý đến.

      Supprimer
  16. Cũng được nhưng tiêu đề hơi tục tỉu!

    RépondreSupprimer
  17. Về em không thích bài này vì thấy nó có vẽ dung tục sao ấy!

    RépondreSupprimer
  18. "Đẹp như bức tranh ấn tượng của Van Gogh"? Hơi khập khễnh chăng? Van Gogh đã là postimpressionism rồi .Mà Postimpressionism (nhấn mạnh trật tự & cấu trúc)lại đả phá cái trường phái ấn tượng (màu& và ánh sáng)kia.Có lẽ nên nói là "Đẹp như tranh ấn tượng của Claude Monet (hoặc Auguste Renoire)"?

    RépondreSupprimer
  19. Van Gogh thuộc trường phái hậu ấn tượng. Tuy nhiên tranh Van gogh mà tôi thấy đa số được thể hiện bằng những nét cọ lốm đốm nhìn cảnh vật như đang rung lên. Cảnh tôi trông thấy thì y hệt như vậy, những cánh bướm trắng bay qua bay lại làm nhòe hình ảnh như những nét cọ lộ ra của Van Gogh. Claude Monet hoặc Auguste Renoire không có những bức tranh như vậy.
    Cám ơn bạn đã chỉ ra. Có lẽ phải nói là giống như tranh hậu ấn tượng của Van Gogh.

    RépondreSupprimer
  20. Khúc đầu nhớ Võ Quảng trong "Quê nội", định đem cho con trai đọc nhưng khúc giữa thì thời sự, khó hiểu cho nó và khúc cuối thì cảm động quá, suýt khóc

    RépondreSupprimer