06/12/2012

KHÔNG CÒN LÀ DỰ ĐOÁN KINH TẾ NỮA


30 Nov 2012
Khi không biết đích đến là đâu, thì con đường nào cũng đều đến đích.
Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu.Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự đoán…ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân không có trẩy lộc mai đào…và báo Xuân không có dự đoán.
Các năm trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.

Quá dễ để tiên đoán
Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM (tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ trong một thời gian dài).
67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong bong BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo. Không thể có kết luận nào khác.
Trong khi đó, nguồn vốn thực của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các chủ ngân hàng, vì “quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án….Ngày mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo tử.
Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.
Lạm phát, lãi suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải “lên đồng” và mọi người thi nhau ca múa.
Thị trường là một thế lực cứng đầu
Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm (tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.
Tôi kể lại chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói). Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể luận giải được điều này.
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.
Định hướng nào đây, bác Mao ơi?
Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF..) đem chiếc xe câu tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ) dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là “không gì là miễn phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc chức quyền của mọi người trong phe nhóm . Chúng ta cũng có thể về nhà, bắt mẹ đĩ phải lấy “vàng” hay “đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa đầm lầy như Bắc Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không chuyên gia kinh tế nào có thể…dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là …kinh tế, mà là chánh trị. Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5, 10 người sẽ “đóng cửa bảo nhau”.
Vì thế, khi các báo yêu cầu tôi viết một bài về …”dự đoán kinh tế cho 2013” thì tôi chỉ mỉm cười. Sau 5 năm đi về thường xuyên ở đây, nhân vật quyền lực nhất mà tôi quen biết là ..ông bảo vệ trong khu chung cư tôi sống. Tôi nghĩ ông cũng như 99.99% các người Việt hoàn toàn không can dự và hay biết gì về quyết định ảnh hưởng đến đời sống của ông và kinh tế Việt năm 2013 và 5, 10 năm sau đó.
Tôi quen làm khán thính giả cho rất nhiều vở kịch suốt 67 năm qua tại rất nhiều hí viện. Có nhiều vở kịch nồng hơn mắm ruốc…nhưng tôi bị cấm không được bỏ về sớm.  Phần lớn đạo diễn và diễn viên đều ghét nhà phê bình. Nhưng mọi thứ rồi cũng thành thói quen. Mizaru, Kikazaru, Iwazaru….(a)

8 commentaires:

  1. Đúng như TS Phan nói, chỉ là dân thường (cũng làm trong ngành TC-NH) tôi xin khoe là đã đoán được 70-80 phần diễn trình kinh tế và các "sân chơi" có mùi tiền ở VN từ năm...2006, thời điểm sôi của thị trường CK Việt.Bây giờ thì dễ đoán hơn nhiều. Thứ nhất, CP là gì? nguồn gốc của nó? Xin nói ngay ở VN nó là những lá bài từ 2 đến ách, bằng giấy.Có đại gia là bạn hỏi, tôi xin can ngay từ 2006. Vì để chuẩn bị cho sàn HOSE hoạt động,tôi đã thấy ra đời những Cty cổ phần mua được những tài sản khổng lồ, có danh tiếng thậm chí trước 75 ở TP của tôi với giá bèo mà chỉ quan chức và đại gia từ SG, Hà Nội nhúng tay vào.Thứ hai là đất, cũng liên minh ma quỹ giữa kẻ nắm quyền và bọn nắm tiền (không phải tiền túi, cuả hương hỏa, mà của nhà nước). Cả nước VN có 1 bài làm giàu từ đất, học của Tàu: đó là thu hết, trả giá bèo bọt còn hơn cướp, sau đó bán ra với giá 10, 50 đến 100 lần hơn. Hỏi, không có sức người, không có chất xám, không có tiếng máy chạy, vậy của cải ở đâu phọt ra khắp hang cùng ngõ hẻm? Cả nước, không chỉ kinh tế mà đến chính trị, giáo dục, quân sự...người ta tự hoang tưởng và khi chết cũng chết trong sự hoang tưởng. Đó chính là cái nguy hiểm hiện nay. Một số kẻ tỉnh táo nhưng lại có đầy sự trân tráo để biến không thành có và biến có thành không, đó là cách lãnh đạo và mánh lới chính trị (y như Tàu trong vụ biển đông hiện nay)đang thống trị quốc gia này.

    RépondreSupprimer
  2. Như mọi lần, bài viết của anh Alan Phan thiệt là dí dỏm và.. hay.
    Giá mỗi ngày đều có một bài viết ngắn của anh để đọc vào buổi sáng trước khi làm việc.

    RépondreSupprimer
  3. Thập Tam phản kết quả.
    Thập Tứ chính nguyên nhân.
    Thổ cư như bình địa.
    Thổ Điền tựa sơn lâm.

    TIỂU THƯƠNG.

    RépondreSupprimer
  4. Tiến sĩ Phan ơi! Vậy đành botay.com thôi nhỉ ! Nhưng một tiên luợng cho nền kinh tế Việt Nam 2013 sẽ là bức tranh màu xám xịt hơn chăng?

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Theo tôi câu kết luận đã rõ:

      Một chiếc xe to xác, nặng, thiết kế rắc rối và không khoa học, máy yếu, thiết bị nâng hỏng, hết nhiên liệu lại bị đâm xuống đầm lầy với bùn rất dày và đặc quánh trong rừng rậm không một bóng người.

      Liệu chiếc xe đó có tự lên bờ được không hay chìm nghỉm?

      Tốt nhất là lái xe bỏ xe, tìm cách chuồn khỏi cái chết thảm thương giữa đầm lầy đó.

      Supprimer
  5. Tương lai VN rồi lại tiếp tục xoá bàn làm lại . Nhưng quan trọng si là kẻ xoá bàn , và si sẽ là người làm lại . Phương cách xoá bàn thì dễ . Nhưng làm lại như thế nào cho tốt , thật khó khăn .

    Chúng ta đang ở trong một nền Văn hoá mất gốc . Chỉ biết đam mê thần tượng , quên mất chính mình , còn nguy hiểm nào bằng . Chỉ biết tiêu xài nhưng không biết tạo nên của cải , chỉ biết bán ra không biết tích lũy , đấy chính là nhược điểm của xã hội .

    Chúng ta chỉ biết chạy theo nền Văn Minh của thế giới , quên mất cái bản chất vừa thoát khỏi ruộng đồng . Chúng ta bị lường gạt , bị dụ dổ , nhưng chúng ta vẫn tự hào là kẻ khôn ngoan . Chúng ta chết vì không biết nhún nhường và thận trọng .

    Trong tương lai , xã hội VN loạn lạc là điều không tránh khỏi . Như chúa phục sinh , có chết đi may ra mới có thể sống lại . Nếu không chỉ là con chim thương tật truyền kiếp .

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Thuyền nhỏ trong ao tù.
      Dù chìm đâu khó cứu.
      Chỉ thiếu người gắng chịu.
      Lội bùn dơ nâng lên.

      Tiểu Thương

      Supprimer
  6. Doi nghèo u? So gi? Chung ong da co tiền gửi ngan hang a. ..x...n...z...roi. !

    RépondreSupprimer