16/02/2013

CẢM NGHĨ và NỖI LO

                                       
                                                                            Nguyễn Huy Canh

Nhân đọc bài “Thử tìm cơ chế đặc thù cho ban nội chính...” trên trang n/v Phạm Viết Đào của ông mang bút danh Trường Sơn nào đó, những suy nghĩ miên man về thực trạng của đất nước, về cấu trúc và bản chất của thế chế chính trị nước  nhà, và những quyết tâm đầy sắt đá của đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu của đảng làm chủ thuyết, cứ chảy dài ra trong nỗi lo âu...

Tôi suy nghĩ về một số đời Tổng bí thư của đảng. Bắt đầu từ ông Lê Duẩn. Chẳng hiểu trong cuộc chiến tranh chống Mĩ và thống nhất đất nước, ông đã có những công trạng gì với dân, với đảng. Nhưng trong công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước, ông đã đẩy đất nước này vào thảm trạng vô chủ và đói nghèo đến quệt quệ bởi tư tưởng và phạm trù “làm chủ tập thể”, “chuyên chính vô sản” do mấy ông lí luận gia cao siêu của đảng nhưng lại mù lòa xui dại như ông Hoàng Tùng, Nguyễn Đức Bình...Trong ý nghĩa ấy, ông và những kẻ a tòng với ông là có tội với đất nước, với dân tộc đầy dũng cảm, thông minh và cần cù này.
Tổng bí thư Nguyễn văn Linh, trong cơn khốn cùng của đất nước vào những năm của thập niên 80 đã có được hành động đầy sáng tạo: quyết định đổi mới đất nước theo chủ thuyết không tuyên chiến, không xóa bỏ chế độ sở hưu tư nhân nữa. Về lí thuyết, đó chính là quá trình phục hồi Tồn Tại, lịch sử từ trạng thái vô chủ, vô thân sang hữu thân, hữu ngã, có chủ. Nhưng quá tiếc rằng ông chỉ sử dụng nó như một phương tiện-mà không nhìn thấy đây là cứu cánh của một học thuyết trị quốc mới-để cứu nguy, để hóa giải tình thế cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà ông đang tôn thờ
Tuy chỉ sử dụng nó như một công cụ tạm thời nhưng đất nước này cũng đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Trên cái nền kinh tế non trẻ, đầy sức sống mới cùng với tư duy hội nhập quốc tế ấy, ông Đỗ Mười đã thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế thị trường tương đối đầy đủ với các thị trường thành phần và các bộ phận cấu thành nó; ông đã đẩy mạnh việc cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp nhà nước để lại ở thời kì bao cấp kéo dài. Đó chính là cơ sở cho sự phát triển nền kinh tế đất nước trong nhiều năm sau đó.Nhưng có thể do tuổi tác đã cao lại bị các nhà cố vấn chính trị với cái nhìn của những đầu óc cơ hội và nô bộc tham vấn, nên ông đã không nhìn thấy được tầm quan trọng có tính sống còn trong việc cần phải đổi mới từng bước cái cơ chế chính trị: “đảng lãnh đạo-nhà nước quản lí...” đầy tính đảng trị để thích ứng với một hiện thực đã biến đổi.
Nông Đức Mạnh xuất hiện trong vai trò người đứng đầu của đảng, có thể đây là lần đầu tiên trong tư cách ấy, ông đã có suy nghĩ về những hạn chế và hệ lụy của cái cơ chế chính trị nói trên đối với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước .Và ông đã đi đến quyết định hành động cải biến nó theo hướng dân chủ: xóa bỏ 2 ban của đảng-mà một thời, cũng từ những cấu trúc quyền lực này, ông Lê Đức Thọ một mình đã làm mưa làm gió-và hạn chế ở mức có thể sự can thiệp của đảng vào các công việc của nhà nước và chính quyền các cấp. Tôi cho rằng đây là một hành động mang tính lịch sử trong phạm vi nước nhà, và nó có ý nghĩa cũng chẳng kém gì so với công cuộc đổi mới nửa chừng mà ông Nguyễn Văn Linh đã làm.
Có thể rồi đây các nhà viết sử như ông Dương Trung Quốc sẽ phải nhắc đến ông như một sao sáng vụt lóe trên bầu trời chính trị VN.
Tiếc rằng việc làm sáng tạo có tính lịch sử này của ông đã không được ai nhìn nhận thấy ngoài mặt tiêu cực phái sinh của nó, thậm chí còn bị rất nhiều ý kiến bác bỏ, dèm pha khi đánh giá về ông!
Cái hạn chế trong hành động biến cải của ông chính là chỗ khi quyền lực của đảng bớt dần đi thì ông lại không định hình được tư tưởng cần trao quyền lực đó cho nhân dân, và quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát từ một hệ qui chiếu mới...
Tiếc rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, với tư duy giáo điều, kinh viện đã không thể nhìn thấy cái điều cần khắc phục, và nên phải tiếp nối sự nghiệp của người tiền nhiệm, ông đã đi đến quyết định tái hiện lại một lịch sử đau đớn đã qua bằng việc tái lập 2 ban tw, và củng cố quyền uy của đảng.
Ôi ,bi kịch của lịch sử là ở chỗ nhiều người trong đảng không nhìn thấy đảng đang lâm nguy, cần phải “cứu chuộc” theo hướng dân chủ: tăng quyền lực cho nhà nước, và kiểm soát nó cũng bằng chính những bộ phận của quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân thông qua Hiến pháp dân chủ, qua báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển, thì lại ca ngợi, tung hô, hiến kế và quyết định gửi gắm chút niềm tin ít ỏi còn lại vào nó như ông Trường Sơn với bài viết sặc mùi nhà nước hóa đảng theo tư duy chuyên chính, đảng trị và cũ rích này.
Tôi có nghe ở đâu đó có lời nói rằng, nếu lịch sử lần đầu là một bi kịch, thì việc lịch sử tái diễn lại lần 2 sẽ là một tấn bi hài. Chẳng biết rồi đây danh ngôn này có vận vào lịch sử chính trị nước nhà nữa hay không...?
Ôi, có lẽ đất nước này còn quá nhiều trình tư duy như cái ông Trường Sơn này chăng? Nếu quả có như thế sẽ là mối lo ngại còn nặng hơn, nguy hiểm hơn nghìn lần hậu quả do tham nhũng đem lại cho đất nước này mà nhiều triệu người dân đang rất bức xúc, và căm ghét nó.
Sự căm ghét, bức xúc này của dân chúng đã không được các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng đáp ứng theo cách tiếp tục sự nghiệp sáng tạo lịch sử của cựu Tbt Mạnh mà bằng phương pháp đẩy mạnh điều tra,xét hỏi, bắt bớ tù đày từ một uy quyền tối thượng để từ đó có thể làm trong sạch đảng và xã hội theo tâm lí của những người nông dân sản xuất nhỏ, và duy ý chí. Điều đó có thể rồi đây sẽ lại là điều đáng tiếc giống như cảm xúc sám hối mà cựu phó thủ tướng Vũ Khoan đã gặp phải trong những ngày đầu năm vậy.
Đầu năm tôi biết người ta chỉ nên đến với nhau bằng những lời chúc an khang, thịnh vượng. Một cảm nghĩ đầy nỗi lo âu và phê phán như thế này, quả thực chẳng hay tí nào...!
Ngày 5 tháng giêng. Xuân Qúi tị
Nguyễn Huy Canh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

11 commentaires:

  1. Ông Canh cũng oải rồi!

    RépondreSupprimer
  2. Còn nhiều cái đầu có kiểu tư duy quyến luyến đảng thế này lắm bác ơi, đất nước còn lầm than dài dài

    RépondreSupprimer
  3. Các đời tổng bí thư:
    - Lê Duẩn chỉ là bí thư thứ nhất Ban chấp hành TW Đảng. sau chiến thắng 30/4/1975 là lãnh đạo đảng cao nhất đưa dân tộc mò mẫm trong đêm. Dân ta có câu nói về thời kì này là " đêm trước của đổi mới"!
    Tiếp đến là Trường chinh, người tái làm TBT ( phải từ chức trong cải cách ruộng đất ( 1953 - 1956), có lúc dân ta nói vui là thời kì lãnh đạo của " Ba - Đồng - Chinh " !
    Sau đó đến TBT Nguyễn Văn Linh được dân ta gọi là " nhảy vào lửa "!
    Kế đến là TBT Đỗ mười , dân ta lại phải kêu lên " tiến sĩ , đại học còn chả ăn ai nữa là mới đỗ lớp 10 " !
    Lê Khả Phiêu chỉ làm TBT có nửa nhiệm kì , hạ bệ được ban cố vấn , song cũng bị đổ luôn!
    Còn TBT họ Nông làm TBT 2 nhiệm kì , đã được dân ta phong cho câu: " nông tài - đức mạnh"!
    Thế còn TBT đương nhiệm? Khi còn trẻ tuổi , còn ở độ minh mẫn khi làm bí thư thành ủy HN mà dân đã có ca dao: " chơi như phú ; Lú như Trọng; lật lọng như Nghiên; luyên thuyên như Triệu"!
    Nay đã già đi nhiều chắc độ Lú chỉ tăng thêm chứ không thể giảm!!!

    RépondreSupprimer
  4. Đây là một quan điểm hết sức giáo điều và tôi nghĩ ông Nguyễn Huy Canh này còn tệ hơn cả những người ông lên tiếng công kích trong bài viết .
    Bạn Trường Sơn chỉ nêu quan điểm của riêng mình với mong muốn công cuộc chống tham nhũng được tiến hành có hiệu quả hơn,đáp ứng được phần nào nguyện vọng của người lao động .Cò thể quan điểm ấy ko phù hợp với ông Canh và nhiều người khác nhưng ông Canh ko có quyền dùng những lời lẽ nặng nề và ngạo mạn như thế .
    Tôi hiểu,chúng ta ,trong đó có tôi,có cả ông Canh và nhiều người khác nữa,đều cầu mong và góp sức để quá trình dân chủ hóa được thực hiện nhanh hơn .Nhưng sẽ tập hợp được ai,thu hút được ai trong cuộc tranh đấu vốn rất cần sức mạnh tổng hợp của số đông quần chúng .
    Đừng gậm nhấm nỗi lo âu bằng những thán từ như thế .

    RépondreSupprimer
  5. Ở vị trí TBT,NĐM ko làm gì nhiều ngoài việc đi thăm thú, cắt băng khánh thành-đó mới là kẻ cao đạo. Phải nhiều năm nữa các bạn mới thấy sự cao thâm của ông.

    RépondreSupprimer
  6. Gửi nathuy:Không có sức mạnh của nền đại công nghiệp TBCN thì bạn đừng có mơ gì đến quá trình dân chủ hóa đất nước. Cùng lắm cũng chỉ là nền dân chủ của mấy cái công xã nông thôn mà thôi. Tiếc rằng cái dân chủ nhà quê ấy bao giờ cũng cần có thần hoàng làng, cần có vua bảo trợ.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Chả biết bạn là tác giả bài viết hay ko ? Thế làm thế nào để thực hiện giấc mơ có sức mạnh của nền đại công nghiệp TBCN ?Có ai chọn được nơi sinh ra mình,có ai chọn được cha mẹ đẻ của mình đâu ? Tôi sinh ra ở một đất nước còng lưng chữ S với nền văn minh lúa nước .Ông bà,cha mẹ tôi còng lưng bắt sâu,làm cỏ,chân cắm dưới bùn nuôi anh em chúng tôi trưởng thành và tôi chả tủi hổ gì cái nguồn gốc nhà quê của mình cả ,và tôi vẫn tôn trọng thần hoàng làng của tôi .Với những lời lẽ đầy mạt sát như thế thì quả thật là thêm nhiều "cảm nghĩ" và thêm những "nỗi lo" thật !

      Supprimer
  7. Nói một cách tổng quát chẳng có TBT nào ra hồn lo cho dân cho nước mà họ chỉ lo cho Đảng ,cho cái địa vị TBT của họ mà thôi.Còn dân chúng có nghèo khổ đất nước có lạc hậu thế nào thì họ cũng mặc kệ .Họ chỉ có tuyên bố vung vít cho nhiều để che đậy những yếu kém và sai lầm trong việc đưa đất nước đến thảm trạng như ngày nay.

    RépondreSupprimer
  8. Hy vọng "thế hệ" đi sau lái con tàu đi đúng hướng để phát triển đất nước.Chứ đừng như"các cụ"đi trước lái tàu không định được hướng mà cứ bảo chúng ta sắp tới bờ vinh quang.Và khi tỉnh ra khổ một thế hệ nữa.

    RépondreSupprimer
  9. Ông Canh viết bài này để phản biện lại quan điểm của ông Trường Sơn. Những ý kiến tranh luận thế này rất bổ ích và cần thiết. Ước gì nó được đăng trên báo chí công khai để mọi người được xem và tự điều chỉnh tư duy nhận thức của mình- Nói phải, củ cải cũng nghe. nói trái, nói một chiều thì sao gọi là dân chủ,là công khai để đi đến chân lí được.Người đọc bây giờ cũng tỉnh lắm,không ngây thơ dễ lôi kéo như vài chục năm trước.
    Nhược điểm của bài viết là trình bày không rõ đâu là ý ông Canh, đâu là ý ông Trường Sơn. Ngay câu đầu người đọc lại tưởng nhà văn PVĐ có but danh mới là Trương Sơn.

    RépondreSupprimer
  10. Đừng bao giờ đem đất nước và con dân vn này ra làm vật thì nghiệm nữa.Học thuyết của mấy ông bên trời tây đã làm cho dân vn đau khổ ,sống trên mây cả mấy thế hệ rồi.

    RépondreSupprimer