09/08/2013

Những phản ứng thông minh và dũng cảm của blogger Việt


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Một người đàn ông sử dụng iPad kết nối internet tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 06/8/2013
AFP photo
Khi hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt ngay, lập tức chính quyền vận dụng luật 258 để tống giam hai người mà không đưa ra chi tiết sai phạm của họ cụ thể như thế nào. Họ là những nhà báo giỏi nhưng khi Internet tiến vào Việt Nam cả hai đều bỏ làm báo và viết blog, một hình thức thoát ly sự kềm kẹp của nền báo chí chính thống để viết những gì mà họ nghĩ là đáng viết.


Luật 258, cái còng cho bất cứ ai

Luật 258 trước đó cũng đã được áp dụng với một nhà báo khác là Phạm Chí Dũng. Ông Dũng bị bắt trong một tình trạng hoàn toàn bí mật. Việc bắt bớ ông tạo ra một màn sương mù dư luận và hàng chục nghi vấn bao trùm trên báo lề trái. Cho tới khi ông được thả người ta mới biết là ông đã vi phạm điều 258 và lý do ông mà được trả tự do vì cơ quan điều tra nhận thấy ông không vi phạm như cáo buộc trước khi bị bắt.

Hành vi bắt và thả người một cách tùy tiện chỉ dựa vào một điều luật mơ hồ đã đánh động dư luận, đặc biệt trong giới blogger. Ban đầu là chỉ trích sau đó là giận dữ vì chính quyền đã đi quá trớn trong việc đàn áp tự do ngôn luận. Sự giận dữ tuy không dấy lên biểu tình hay bạo động nhưng lại chống đối bằng một hình thức khác do giới trẻ thực hiện: báo động với thế giới biết sự ngược đãi quyền tư do ngôn luận của chính phủ Việt Nam.

Ngày 31 tháng 7 một nhóm nam nữ thanh niên rất trẻ gồm Nguyễn Thảo Chi, Phạm Đoan Trang (Hà Nội), Nguyễn Nữ Phương Dung (Sài Gòn), Nguyễn Anh Tuấn (Đà Nẵng), Nguyễn Lân Thắng (Hà Nội) đã sang Bangkok gặp gỡ với cơ quan nhân quyền Liên Hiệp quốc và Human Rights Watch để trao cho họ thông báo chống lại điều 258.

Cũng tại Bangkok một số đại diện của Goggle, Yahoo đã gặp gỡ những người trẻ này và lắng nghe sự thật đang xảy ra bên trong một đất nước được xem là Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng phía sau những hình ảnh hứa hẹn ấy là thế giới của những nhà tù, những sách nhiễu và nhất là một nền pháp lý bị bóp méo, diễn giải một cách tùy tiện về nhân quyền và tự do ngôn luận trên hệ thống intenet.

Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một trong những thành viên của nhóm 258 từ Việt Nam sang Bangkok cho biết:

"Nội dung mà nhóm trao đổi với Google thì mình cũng đã cam kết với người ta là tạm thời không tiết lộ về nội dung. Muốn thông báo điều gì chính thức thì phải cho người ta xem trước. Đại ý nội dung những lần gặp là cung cấp thông tin cho người ta để họ có thêm thông tin tại Việt Nam. Mình cũng giới thiệu cho họ biết về đìều 258. Như anh biết Google không giống như các tổ chức nhân quyền khác vì họ có những mục tiêu khác nên họ không cam kết gì với mình nhiều nhưng trước sau gì thì họ cũng sẽ có một official statement, tuyên bố chính thức về việc này có lẽ cho tới ngày 1 tháng 9 khi quyết định 72 này hiệu lực."

Quyết định 72, mở đầu những làn sóng mới

Khi sự chống đối luật 258 lên tới cao trào thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tiếp quyết định 72 như một câu trả lời cứng rắn trước đòi hỏi chính đáng của nhóm tranh đấu chống lại điều 258. Nghị định 72 có tất cả 6 chương với 46 điều, nhưng dư luận, đặc biệt là giới blogger và chơi Facebook, Twitter chỉ tập trung vào việc cấm "cung cấp thông tin tổng hợp".

Thông tin tổng hợp là gì? Đó là những tin tức hay ý kiến quan trọng của báo chí hay cá nhân nào đó mà blog hay Facebook mang vào trang cá nhân của mình để rồi sau đó hàng ngàn người vào đọc rồi lại lấy ra tiếp tục post trên trang cá nhân của họ. Cứ như thế một bản tin, một bài viết được nhân lên nhiều lần và có khi một tin tức như vậy thu hút hàng trăm ngàn lượt nguời đọc.

Rõ ràng đây là một điều rất nguy hiểm cho sự an nguy của chế độ.

Trước tiên nó làm cho người dân quen với những bản tin trái chiều với báo lề đảng, kế đó những phiên tòa, bản án tối tăm không được truyền thông lề phải đưa tin thì hôm nay cả thế giới đều biết qua các trang blog và Facebook cá nhân. Các bài viết bàn về dân chủ, nhân quyền cũng như sự lạm quyền, độc tài của chính phủ cũng sẽ được nhân rộng ra trong cộng đồng mạng và từ đó một xã hội dân sự hình thành khiến các điều cấm kỵ trước đây bây giờ sẽ bị xóa bỏ.

Lổ hổng tạo ra nguy cơ đó được trám kín bằng hai điều 258 và 72.

Bạn Nguyễn Đình Hà một thành viên trong nhóm 258 cho biết ý kiến về quyết định 72:

"Về nghị định 72 đang xôn xao trên mạng theo tôi thì rất ngây thơ và ấu trĩ vì không thề áp dụng được. Hiện nay việc chia sẻ thông tin trên mạng quá dễ dàng vì vậy nếu họ có cố gắng cũng không thề áp dụng được vì họ không biết sử dụng cách chế tài nào để áp dụng vào các hành vi đó. Bọn em hôm nay cũng trao đổi với bà Phó đại sứ Thụy Điển về điều này và bà ấy rất ngạc nhiên khi Việt Nam lại có thể ra một nghị định như thế. Bà ấy nói là sẽ chuyển tất cả các công điện đến Ủy ban Nhân quyền Châu Âu."

Những con chim câu dũng cảm

Thế hệ trẻ Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của Internet và những nguy hiểm của hai luật 258 và 72. Một tuần lễ sau sự việc Bangkok, sáng ngày 7 tháng 8, năm blogger khác đã có mặt trong  Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để trao cho Bà Phó Đại sứ Elenore Kanter bản tuyên bố 258 và đồng thời chia sẻ với bà tất cả những thông tin mà chính phủ đang cố thực hiện nhằm chống lại tự do ngôn luận cũng như đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Lân Thắng đại diện nhóm blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho đại diện Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bangkok hôm 31/7/2013Photo: Nguyễn Lân Thắng
Năm bạn trẻ Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nghiêm Ngọc Trai và Nguyễn Văn Viên như những chú chim câu đã thành công trong việc mang những thông tin cần thiết ra thế giới bên ngoài một cách thông minh và khôn khéo. Đại sứ Thụy Điển có lẽ không lạ gì với những hành động trấn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam nhưng khi một nhóm thanh niên trí thức với sự can đảm khó luờng đường hoàng vào thẳng đại sứ quán của họ thì vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Từ Thụy Điển, sáng hôm sau có lẽ hầu hết các đại sứ trong khối EU sẽ biết con số 258 và 72 nói lên điều gì tại đất nước Việt Nam. Họ không thể im lặng hay lẩn tránh mà buộc phải lên tiếng trực tiếp với chính quyền Hà Nội, giống như Đại sứ quán Hoa Kỳ đã lên tiếng quan ngại về nghị định 72 một ngày trước đó.

Bạn Thu Trang, một trong năm thành viên vào Đại sứ quán Thụy Điển trao thông  báo 258 chia sẻ ý kiến qua việc Hoa Kỳ quan tâm tới luật 72 vừa mới xuất hiện, bạn nói:

"Theo em đây là một động thái tích cực của Washington cũng như bên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vì quyết định 72 này nó giới hạn quyền tự do thông tin của cá nhân. Theo em nghĩ thì các tổ chức trên thế giới cũng vô cùng quan ngại về điều này và các tuyên bố của Hoa Kỳ là một điểm nhấn mạnh sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ vừa rồi."

Luật 72 không những lợi dụng pháp luật để đàn áp tiếng nói người dân mà nó còn gây khó khăn cho các công ty khi vào làm ăn tại Việt Nam. Nghị định 72 đòi hỏi tất cả website nước ngoài phải có ít nhất một máy chủ tại VN để chính phủ kiểm soát nhiều hơn nội dung thông tin trên mạng của những người sử dụng.

Theo Liên hiệp Internet Á Châu, do eBay, Facebook, Google và Yahoo thành lập, thì nghị định 72 này sẽ có tác dụng tiêu cực đối với môi trường Internet của VN và gây trở ngại cho nguồn đầu tư.

Việt Nam cần phải lựa chọn giữa phát triển hay dẫm chân tại chỗ khi cấm cửa sự tự do chia sẻ thông tin, đặc biệt là thông tin về nhân quyền và tự do ngôn luận. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông David Shear vừa tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ nghiêm túc xem xét việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng kèm theo một số điều kiện.
Đại diện Mạng lưới bloggers Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho bà Elenore Kanter, phó Đại sứ Thụy Điển. Photo courtesy of cafevn.org
Không nói thì ai cũng biết những điều kiện ấy là nhân quyền và tự do ngôn luận, điều mà những bạn trẻ Việt Nam đang đánh động với thế giới trong vài ngày vừa qua.

Lúc 8 giờ tối ngày 5/8/2013 hai bạn trẻ Nguyễn Thảo Chi và Nguyễn Nữ Phương Dung khi từ Thái Lan về lại Tân Sơn Nhất đã được các bloggers đón chào nồng nhiệt cho thấy rằng trong hoàn cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay mọi biện pháp bịt miệng thông tin là vô vọng. Chính quyền làm sao có thể đối phó với những con người trẻ trung và gan dạ này khi sự trong sáng của họ đã thuyết phục tất cả mọi người?
RFA

9 commentaires:

  1. Bài này Mặc Lâm viết nhiều chỗ bị nhầm lẫn, Nghị định 72 mà không phải là Quyết định 72.

    RépondreSupprimer
  2. Thưa anh Thụy và Chênh ,
    Nhân đọc bài 'Giới blogger lên tiếng bảo vệ mẹ con Đoan Trang' , tôi xin góp ý :
    Nguyên tắc pháp lý từ ở hầu như mọi nước là AI LÀM NGƯỜI ẤY CHỊU .
    Xin lấy một ví dụ : ngày xưa phi công VNCH Nguyễn thành Trung đã lái máy bay F-5 để ném bom dinh Độc lập rồi sau đó đáp xuống vùng đã được CS 'giải phóng' .
    Trong bài 'Đại tá Nguyễn Thành Trung: Vợ con tôi 'sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn' , ông Trung cho biết :
    . . .
    "Mặt khác, thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn.
    Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ."
    . . .

    RépondreSupprimer
  3. sao làm đến thủ tướng mà cũng chưa biết một điều hiển nhiên là không thể cấm được người dân suy nghĩ.

    RépondreSupprimer
  4. Tuổi Trẻ Việt Nam đang cùng nhau tiếp bước và truyền cho nhau sự gan dạ, lòng dũng cảm và mưu trí trong một trò chơi lớn của đất nước: Cố Gắng Tìm Ra Cho Bằng Được Những Cơ Hội Để Con Dân Đất Việt Vươn Vai Phù Đổng!

    Xin cảm phục các bạn Trẻ!

    RépondreSupprimer
  5. Hạu sinh khả kính! Dòng máu Tiên Long không giặc nào dứt được! Bọn già vô dụng chúng tôi yên tâm nhắm mắt được rồi!

    RépondreSupprimer
  6. Hoan hô các bạn trẻ Việt Nam! Tổ Quốc và Tương Lai tươi sáng đất nước nằm trong tay các bạn.

    Dân Chủ

    RépondreSupprimer
  7. Người sông Tiền10 août 2013 à 09:37

    Giới viết blog VN đáng khâm phục. Đặt biệt là các bloggers Việt đại diện gới viết blog ở VN đã bước qua nổi sợ hãi khi vào Đại sứ quán hai nước Mỹ và Thụy Điển để trao tuyến bồ phản đối điều luật 258 của nước CHXHCN Việt Nam. Mong rằng, giới blog dũng cảm tiến lên, tôi ủng hộ các bạn.

    RépondreSupprimer
  8. Chính quyền Việt Nam đang hết sức mập mờ đánh lận con đen giữa số lượng thuê bao Internet và tự do Internet. Ai dám nói Trung Quốc có tự do Internet với số lượng thuê bao khổng lồ đang có?

    RépondreSupprimer
  9. Nhà báo-blogger Đoan Trang nói về quyền của công dân: "Chụp ảnh công an" rất hay. Mời bác Chênh cùng mọi người tham khảo tại đây:

    http://www.phamdoantrang.com/2013/08/hay-biet-quyen-cua-minh-1-chup-anh-cong.html

    RépondreSupprimer