12/10/2013

HÀ NỘI TRONG MẮT AI ? *

   Nguyễn Văn Mỹ                     
Hà Nội vừa tổng kết 5 năm nghị quyết 15 của Quốc Hội “về việc mở rộng thủ đô”. Trực tiếp chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và hồ hởi đánh giá “Diện mạo Hà Nội khang trang hơn, đàng hoàng hơn”. 5 năm trước, việc mở rộng Hà Nội không phải ai cũng đồnh tình. Phe ủng hộ cho rằng mở rộng để xứng tầm thủ đô ?, để có thêm quỹ đất cho giáo dục, y tế, dân sinh, kinh tế…Các nhà phản biện thì e rằng càng to càng khó quản lý, chất Tràng An càng dễ phôi pha. Hà Nội có thể thuê đất các tỉnh…


Ngay từ lúc còn bàn luận, nhiều người đã không tin vào mục đích thật sự của việc mở rộng. Càng nghi ngờ khả năng quản lý. Quan trọng hơn, việc mở rộng thủ đô đi ngược lại xu thế của thời đại. Để xứng tầm về địa lý thì rất dễ, chỉ cần to. Còn xứng tầm về văn hóa và nhiều thứ khác thì cực khó, càng to càng khó. Malaysia là minh chứng cụ thể. Thủ đô Kuala Lumpur rộng 243 km2, dân số gần 1.700.000 người; cũng tầm cỡ châu Á nhưng họ vẫn dời đô và thu hẹp diện tích. Thủ đô mới Putrajaya chỉ rộng 50 km2, dân số 350.000 người nhưng mang tầm vóc thế giới. Putrajaya là thủ đô resort vì chỉ xây dựng 25% diện tích, 75% còn lại là công viên và các công trình công cộng, trong đó hồ nước chiếm 10 km2. Putrajaya là thành phố điện tử, không ai dùng bút giấy kể cả học sinh tiểu học…

  Hà Nội xưa nổi tiếng thanh lịch. Đó là Hà Nội trước 1954, còn nguyên vẹn 36 phố phường. Dù diện tích chỉ 153 km2 và dân số khoảng 54.000 người nhưng đậm đặc chất Tràng An. Năm 1978, Hà Nội “đại nhảy vọt” lên 2.136 km2 và dân số gần 2.700.000 người vào năm 2007. Chưa bằng lòng, năm 2008, Hà Nội tiếp tục “tăng đột biến” lên 3.345 km2 và dân số gần 8 triệu. Lập tức, Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới nhưng ì ạch nhất thiên hạ. Ai ra Hà Nội lần đầu vào thập niên 80 thế kỷ trước đều hơi thất vọng vì Hà Nội không như tưởng tượng. Mấy năm gần đây, ra Hà Nội càng thất vọng.Thủ đô, trái tim của cả nước, thường đi trước và gương mẫu về mọi mặt để các tỉnh noi theo. Nhưng Hà Nội thì ngược lại. Du khách từ phía Nam, trừ khi kết hợp thăm người nhà hoặc bạn thân, không ghé Hà Nôi lần thứ 2. Xuống sân bay Nội Bài là đi thẳng lên các tuyến Việt Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Lúc về cũng vậy, bay thẳng vào Sài Gòn.

Hà Nội xưa nói tiếng Việt giọng chuẩn nhất nước. Giờ thì ngọng líu lo. Dân Hà Nội chính gốc chỉ còn thiểu số vì đã vào Sài Gòn hoặc tỏa đi các nước. Các tệ nạn xã hội xuất hiện trên báo đài thì Hà Nội chiếm hơn 1/3. Thủ đô mà có vùng dân chưa có điện, chưa có đường, chưa có nước sạch. Trẻ con đi học phải đu dây đến trường (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai), trường học chưa có nhà vệ sinh (xã Hữu Bằng, Thạch Thất), người sống ở chung với người chết (phường Quan Hoa, Cầu Giấy). Cứ tưởng miền Nam mới có Nhà Bè, ai dè ngay giữa thủ đô, dưới chân cầu Long Biên, có cả “làng chị Dậu”. Giao thông thì ôi thôi, hỗn loạn. Thanh niên chạy xe máy nghênh ngang, không thèm đội nón bảo hiểm. Xe buýt thì tùy tiện đậu, dừng. Các xe bảng số Hà Nội và TW vào Sài Gòn vẫn quen thói thủ đô, giành đường, lấn tuyến…
Nhiều người cho rằng, nếu không mở rộng, Hà Nội  sẽ khá hơn bây giờ, ít kẹt xe hơn, ít tệ nạn hơn. Cái gọi là “Khang trang hơn, đàng hoàng hơn” chỉ là bề ngoài, phần xác. Phần hồn mới quan trọng thì không ai nhắc tới. Thử làm bài toán so sánh xem, 5 năm qua, Hà Nội mất và được gì? Cụ thể bằng số liệu, chứ không đánh giá cảm tính. Không mở rộng thì các công trình 1.000 năm Thăng Long vẫn được tiến hành và Hà Nội vẫn phát triển, thậm chí nhanh hơn. Có điều chắc chắn là giá đất những vùng sau khi sát nhập thủ đô đã tăng vụt, làm giàu cho không ít người biết trước thời cơ. Ở đây, không phủ nhận những nỗ lực của thủ đô, cả người dân lẫn nhà nước nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác vì “Lực bất tòng tâm”.
Mọi việc đều phải theo qui luật. Vấn đề là “Hà Nội trong mắt ai?” mà có cách nhìn tương ứng. Nhiều người suy đoán, trong tương lai, hoặc phải chọn thủ đô mới hoặc phải thu hẹp diện tích thủ đô để phát triển theo qui luật.
                                   Nguyễn Văn Mỹ.
* Tên bô phim do Trần văn Thủy làm đạo diễn, sản xuất năm 1982, bị cấm chiếu đến năm 1987 và sau đó giàng giả Bông Sen Vàng phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam.

5 commentaires:

  1. Càng có nhiều công trình , tốt xấu , lợi hại , không Cần biết , càng nhiều càng tốt . Tất cả cũng vì cái túi tham nhũng hối lộ . Không mở rộng , không công trình thì cạp đất như dân .

    Mấy chục năm qua , từ ngày đổi mới ., chỉ có VN nghèo mà chơi sang , ắt có ngày sạt nghiệp . Nợ nần con cháu gánh , lại tiếp tục đi ở đợ , làm mướn cho thế giới để mà trả nợ .

    RépondreSupprimer
  2. Bác cứ thử tưởng tượng trong tương lai Hà nội sẽ mở rộng đến đâu nữa?
    Chúng ta có thể học ở thủ đô nước Úc là Canberra không? Thật là tuyệt vời khi nhìn trên bản đồ và được đi trên những con đường đó.

    RépondreSupprimer
  3. Người bạn Saigon cùng tôi đi uống café tại 1 quán phố Bà Triệu. Anh ta gọi cô bé chạy bàn: "Cho bình trà nóng." Cô bé đứng ngớ ra. Tôi phải diễn giải. Vậy là cô ta gào lên với bạn đồng nghiệp:
    - Cho một ấm chè lóng!

    RépondreSupprimer
  4. "* Tên bô phim do Trần văn Thủy làm đạo diễn, sản xuất năm 1982, bị cấm chiếu đến năm 1987 và sau đó giàng giả Bông Sen Vàng phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam." -> * Tên bô phim do Trần văn Thủy làm đạo diễn, sản xuất năm 1982, bị cấm chiếu đến năm 1987 và sau đó GIÀNH GIẢI Bông Sen Vàng phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam.

    RépondreSupprimer
  5. Không mở rộng lấy gì ăn các bác?

    RépondreSupprimer