09/01/2014

ĐÃ TÌM RA NGUYÊN LÝ CỦA VẤN NẠN MÃI LỘ

Nguyễn Văn Thạnh
Mãi lộ là một vấn nạn nhức nhối.  Báo chí thỉnh thoảng làm cho sự việc rộ lên nhưng rồi sau đó, đâu lại vào đó. Đáng buồn là vấn nạn này có lịch sử rất “lâu dài”.
Tôi có quen với một số người trong giới tài xế, tôi biết nỗi gian truân của họ trong trò chơi mãi lộ. Mỗi khi báo chí phanh phui nạn mãi lộ; vài tên “đứng đường” xộ khám hay mất chức, công luận hả hê nhưng giới tài xế méo mặt. Xe họ bị chặn, bị ách, bị hoạnh họe đủ đường, thậm chí là câu lưu, đưa về đồn. Nhiều tài xế bực tức, văng tục “mẹ, mấy thằng nhà báo là bọn ngu xuẩn, nó tưởng vậy là ngon, là anh hùng, là cứu bọn tao; bọn tao còn khốn khổ hơn, giờ không phải là đưa tiền nữa mà lạy rồi mới đưa”. Vì sao có thảm cảnh vậy?
Không có thì thôi.
Dù mới ra lại ĐN, tôi nhận được ngay giấy mời làm việc của CA TP ĐN, cùng được mời với tôi có vợ tôi. Đúng 14h ngày 8.1.2014, tôi cùng vợ đến trụ sở CA Tp ĐN để làm việc theo như yêu cầu trong giấy mời. Tiếp tôi có Thượng Tá N, Đại Úy T, ngoài ra còn có một nhân viên công lực nữa hàm úy, tôi không để ý cấp bậc, tên tuổi và một người dân thường tên M.

Mục đích buổi làm việc là việc có liên quan đến tài liệu, tài sản đội thanh tra liên ngành tịch thu ở xe hàng của tôi ngày 17.12.2013 chuyển cho họ.
Bước vào buổi làm việc, tôi rất hài lòng không phải màn chào hỏi xã giao mà là tất cả nhân viên công lực đều mặc quân phục với phù hiệu, tên tuổi, mã ngành,…rất đàng hoàng. Không phải là người câu nợ, nhưng tôi cho rằng, điều này rất quan trọng. Lý do là ở đây.
Thượng tá N làm việc chính với tôi, Đại Úy T ghi biên bản, nhân viên công lực còn lại chạy lăng xăng, người dân tên Mười ngồi chứng kiến. Sau khi giới thiệu qua chức vụ, lý do buổi làm việc và nói một số vấn đề về trách nhiệm của công dân hợp tác với cơ quan chức năng để bảo đảm an ninh chung, thượng tá N hỏi tôi giờ có thể làm việc được không? Tôi trả lời vâng và xin phát biểu trước.
Tôi: “những kiện hàng này, các anh nói được bên quản lý thị trường bàn giao, các anh đã xác minh nguồn gốc chưa hay bất cứ hàng nào họ chuyển qua, các anh đều mời người có liên quan đến làm việc?”
Thượng tá N: “Chúng tôi có cho xác minh rõ ràng rồi mới mời công dân hợp tác làm việc”
Tôi: Xin anh trình bày cho biết nguồn gốc số hàng này.
Thượng tá N kể lại chuyện ông ta biết về đội kiểm tra liên ngành chặn xe tôi, rồi áp tải xe về trụ sở CA quận NHS, rồi họ tiến hành khám xe, niêm phong một số hàng hóa, rồi chuyển số hàng hóa này về cơ quan ông (Cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ). Nói chung quá trình ông ấy kể giống như diễn biến tôi đã thông tin trước đây về việc tôi bị chặn xe hàng khi chuyển nhà. Kể xong, ông ấy hỏi vợ tôi để xác nhận ba kiện hàng đang ở trạng thái niêm phong là có phải lấy ra từ thùng niêm phong trước đây không. Vợ tôi quan sát và xác nhận vâng (trước đây, vợ tôi có bị họ mời lên làm việc về nguồn gốc số hàng đó. Họ yêu cầu xác nhận một số hàng họ lấy ra từ thùng niêm phong là của chồng nhưng vợ tôi không đồng ý mà chỉ có thể xác nhận là số hàng này được lấy ra từ thùng niêm phong).
Tôi: Đó là điều anh đã nghe từ người tịch thu hàng của tôi, để công tâm, tôi xin trình bày về vấn đề này cho anh nghe.
Thượng tá N: Rồi, anh cứ nói
Tôi trình bày lại toàn bộ quá trình xe hàng tôi bị đội kiểm tra liên ngành chặn và diễn biến của nó. Chi tiết, các bạn có thể xem ở đây (www.danquyen.org - loạt bài số 5). Tôi nói thêm, quan điểm của tôi, cơ quan chức năng chặn xe mà không đưa lệnh khám là sai.
Thượng tá N: Họ làm đúng, cơ quan chức năng có quyền chặn xe khi họ có nghi ngờ trên xe có hàng phạm pháp, họ làm vậy là để bảo đảm an ninh, mục đích cũng là để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm. Họ được pháp luật cho phép họ có quyền làm như vậy.
Ông ta nói về vấn đề này rất dài nhưng đại ý là như vậy. Ông ấy nêu ra rất nhiều dẫn chứng như nhờ quyền chặn xe khi nghi ngờ mà công an có thể chặn được trộm cướp, côn đồ khi phát hiện trong xe nó có tàng trữ dao, mã tấu hay xe có chứa hàng lậu, hay có chở số người vượt qua qui định như ta thường thấy,….Ông cho biết thêm: xã hội rất phức tạp, tội phạm đầy rẫy. Trong tấn công tội phạm gồm có phòng và chống. Nghi ngờ, khám xét là công tác phòng ngừa tội phạm rất hiệu quả.
Nói xong ông ấy có vẻ tự hào. Ông kết luận nhờ nghi ngờ, kiểm tra mà đã phát hiện, ngăn chặn nhiều mầm móng tội phạm, bảo vệ được cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tôi nói “nghĩ xuôi thì thấy đúng nhưng nghĩ ngược thì rất bất ổn vì nếu như vậy thì trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng, đây là hiểm họa của việc nhũng nhiễu, hối lộ, mãi lộ, tham nhũng như ta thấy”.
Ông ta có vẻ lúng túng, nhưng cho rằng, việc gì cũng có hai mặt của nó. Cơ quan chức năng đã nghi ngờ thì không bao giờ sai. Họ sẽ tìm cho ra được hàng phạm pháp. Có thể dừng cả xe tháo dễ, khám xét từng loại hàng để tìm ra hàng gian.
Tôi nói đùa “nhiều tội phạm ma túy dấu hàng rất tinh vi, nếu các anh nghi ngờ chắc cũng phải tháo cả lốc máy ra để kiểm tra,…”
Ông ấy nói đúng, phải như vậy mới tấn công được tội phạm.
Tôi nói: giả sử trong thường hợp không có thì sao
Ông ấy: không có thì thôi. Cười hờ hờ.
Tôi nói “họ thiệt hại thời gian thì sao”
Thượng tá N: phải chấp nhận thôi, có vậy cơ quan chức năng mới tấn công được tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Tôi ngẫm nghĩ và giật cả mình vì kiểu suy nghĩ này của cơ quan công quyền.
Đây chính là nguyên lý của vấn nạn mãi lộ. Các bạn có đồng ý không?
Nguyễn Văn Thạnh
P.s: Vì tôi kiên quyết cho rằng cơ quan chức năng chặn, khám xét xe hàng, tịch thu hàng là sai và tôi có trình báo việc này cho cơ quan chức năng, tôi đợi họ trả lời rồi mới làm việc tiếp. Do vậy tôi không thể xác nhận số hàng họ đưa ra là của tôi. Cuộc làm việc tạm dừng, họ niêm phong lại một kiện hàng đã tháo ra. Hai vợ chồng tôi ra về tầm 16h ngày 8.1.2014.


Bài tiếp: Ai nên quan tâm đến vẫn nạn mãi lộ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire