21/03/2014

NGHĨ VỤN VỀ NHỮNG GÃ ĐÀN ÔNG VÀ MỘT CÔ GÁI NHỎ

Vũ Thị Phương Anh
Nhã Thuyên: Tôi không nói những lời này để kết thúc một sự việc, chỉ là để khép lại một đoạn đường. Và dù tôi đã làm bạn thất vọng lẫn lo âu, tôi chỉ muốn nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… Cảm ơn vì đã gặp, đã biết, đã nghe, đã va chạm, đã hiểu, đã yêu nhau, dù chỉ trong những khoảnh khắc.

Lúc này, tôi chỉ muốn nói yêu.

Tôi chưa bao giờ nặng lời về đàn ông VN. Vì tôi nghĩ như thế là vơ đũa cả nắm, và bất công. Vì tôi kính trọng cha tôi, yêu người đàn ông duy nhất của đời tôi, cũng như quý mến những người đàn ông khác là thầy, là bạn, là đồng nghiệp mà tôi biết.

Nhưng đọc xong những dòng "Thư cuối năm", cũng là entry gần đây nhất (dù đã cách đây hơn 3 tháng) trên blog của Nhã Thuyên, cô gái vừa bị tước bằng thạc sĩ ở ĐH SP Hà Nội (ai chưa biết có thể google để biết) rồi nhớ lại những gì người ta đã viết và đã làm với cô gái nhỏ ấy (trong độ tuổi 20, vừa bằng tuổi con tôi), thì tôi bỗng thấy vừa phẫn nộ vừa ghê sợ những gã đàn ông có liên quan đến "vụ Nhân văn Giai phẩm hiện đại" này. Và ghê sợ đàn ông Việt Nam nói chung, vì quả thật những gã đàn ông như vậy ở VN sao nhiều quá.



Thử nghĩ xem: Một bên là rất đông những kẻ có tuổi bằng cha cô ấy, có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo. Một bên là một cô gái trẻ, yêu văn học, liều lĩnh tìm cho mình một con đường mới, chọn một góc nhìn mới, và nói lên những điều mình tin với một sự can đảm không ngờ. Cô ấy chỉ có một mình - hoặc đúng hơn, là còn một phụ nữ khác đồng cảnh ngộ, người hướng dẫn của cô ấy, bà Nguyễn Thị Bình, giờ đã bị buộc nghỉ hưu trong khi lẽ ra bà còn có thể làm việc thêm 7 năm nữa. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm, một thầy một trò, bị một bọn (xin lỗi về từ này) đàn ông xúm vào đánh hội đồng. Thật không thể tưởng tượng được.

Tôi nặng lời quá phải không? Không đâu, hãy đọc những lời lẽ của Nguyễn Văn Lưu, Vũ Hạnh, Đông La ... khi viết về Nhã Thuyên (có thể tìm trên mạng), rồi đọc lời lẽ trong bài viết của cô gái trẻ ấy, để đánh giá xem sự phẫn nộ và ghê sợ của tôi như trong những dòng chữ này đã đủ nặng nề chưa.

Vâng, cô gái ấy chân yếu tay mềm và không có một tấc sắt trong tay làm vũ khí. Họ, những gã đàn ông ấy, đã không hề run tay hoặc có chút mủi lòng khi triệt hạ cô, đã ra sức sử dụng những ngôn ngữ thô bỉ và lý lẽ khốn nạn nhất để đạt được mục đích. Họ đã xúm nhau vào, những gã đàn ông sức dài vai rộng, trổ hết những ngón nghề lừa lọc xảo trá của mình để tước đi của cô ấy nghề nghiệp, bằng cấp, niềm tin vào cuộc đời, vào lòng tốt của con người, vào sự tồn tại của lẽ công bằng và điều thiện. Giờ đây, chắc họ đã rất hài lòng, bởi họ đã tước đi của cô ấy gần như không còn gì cả. Chỉ còn mỗi một điều họ không làm được, đó là tước đi của cô ấy sự lương thiện và lòng tự trọng. Mà những cái ấy thì họ cho là không có giá trị, không đáng quan tâm, vì bản thân họ không thấy cần đến chúng bao giờ!

Còn cô gái ấy thì chỉ nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn. Và bây giờ, cô chỉ muốn nói yêu ...
--------------

Đọc lời tâm sự của Nhã Thuyên ở đây: http://junglepoetry.wordpress.com/2013/12/23/thu-cuoi-nam/
Blog Anh Vũ

5 commentaires:

  1. Mời đọc một bài báo đăng trên báo Nhân Dân cách đây 60 năm:

    Địa chủ ác ghê

    Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

    Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

    Giết chết 14 nông dân.

    Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.

    Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.

    Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

    Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

    Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!

    Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:

    Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.

    Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.

    Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.

    Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.

    Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.

    Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.

    Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:

    Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
    Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!

    (21-7-1953)

    RépondreSupprimer
  2. Thật ra mấy "gã" này là những kẻ vô tích sự. Ở tuổi này đối với các "gã" thường là nhàn cư vì chúng có biết làm gì ngoài chém gió đâu, vì thế mà chức vụ học vị học hàm càng cao thì chúng càng vi bất thiện một cách hết sức vô học.

    RépondreSupprimer
  3. Bọn (chữ của tác giả) nô lệ tư tưởng thì thường vừa ác lại vừa nhát, dù là đàn ông.
    Mà bọn này thường thì sẽ kết thúc cuộc đời không ra gì !
    Mong Nhã Thuyên bình tĩnh và chờ đợi ngày tự do, cô còn rất trẻ mà, những gã khốn kia thì đã già.

    RépondreSupprimer
  4. Tôi thấy xấu hổ vì cái chất đàn ông VN của mình. Đúng là trong quàn hệ xã hội chúng tôi có lục áp đặt, gia trưởng. Nhưng ỏ tầm vốc quốc gia như trong trường hợp nay mà giở trò đám đông ném đá vào phụ nữ thì đúng là quá tồi tệ. Cho dù các ông ý nhân danh bất cứ lý do gì trên đời này. Lý do định hướng chính trị thì còn nhục hơn cả. Tại sao không dùng lý lẽ công khai tranh luận đúng sai mà người ta lại hồ đồ và phải dấu tay như vậy nhỉ?

    RépondreSupprimer
  5. Đồng ý với nhận xét của Vũ Thị Phương Anh. Mình muốn cho thêm hai cái tên nữa "GS Phong Lê và Vũ Hạnh" vào cuối chỗ này: "... những lời lẽ của Nguyễn Văn Lưu, Vũ Hạnh, Đông La ..."

    RépondreSupprimer