24/04/2014

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Cầu siêu chỉ là một chuyện…

Hoàng Nhân thực hiện / Thể thao& văn Hóa 

Trước 1975, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, từng học tập và trưởng thành tại miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông trở thành người lính làm nghĩa vụ nhiều năm liền ở chiến trường Campuchia. Câu chuyện về sự hòa giải dân tộc từ góc nhìn của một người sống qua “hai chế độ” được Phạm Sỹ Sáu chia sẻ với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhân kỷ niệm 39 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 2014). 

*Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết tháng 4 năm nay sẽ có lễ cầu siêu được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn và dọc hành trình từ đất liền ra Trường Sa, hướng đến các anh hùng liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, chiến sĩ VN cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa và cả các thuyền nhân tử nạn.Thông tin này nhận được rất nhiều quan tâm, chia sẻ, nhất là những người từng sống qua thời điểm lịch sử của dất nước gần 40 năm về trước. Cá nhân ông nghĩ sao ?
- Có thể xem đây là một động thái tốt trong quá trình tiến tới hòa giải dân tộc, nhưng đó vẫn còn là chuyện nhỏ. Thực ra cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể hóa giải được chuyện ta, chuyện "ngụy", chuyện yêu nước thương nòi, chuyện tổ quốc nhân dân. 
* Ông từng học đại học tại miền Nam trước 1975, sau 1975 cầm súng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Riêng ông, làm cách nào để ông vẫn tiếp tục sống vui vẻ, hòa nhập với mọi người sau 1975?
- Thực ra, với tôi cũng khá bình thường. Những ngày đầu là sự háo hức, rạo rực của niềm vui thống nhất, của sự đoàn tụ thiêng liêng. Nhưng có một thực tế thay đổi không dễ nhận ra, hay người chiến thắng ít nhận ra là trong sự đoàn tụ của bên này thì cũng là sự xa cách của bên kia. Chiến thắng là niềm vui của người này và nỗi buồn của người kia, không thể khác được. Sau những choáng ngợp buổi đầu, tôi dần nhận ra những điều mà có thể trước đó, hào quang chiến thắng khiến chúng ta ít để ý tới, hoặc bỏ qua một cách dễ dàng.
Giữa năm 1977, tôi vào bộ đội, và cảm nhận khá đầy đủ về những thiếu thốn không thể khỏa lấp của một đội quân vô địch. Tôi nhận ra và tôi viết, bên cạnh sự hùng tráng là những bi kịch thật sự. Những năm tháng trong quân đội, giữa muôn vàn hiểm nguy, tôi nhận ra giá trị thực sự của những bài học văn học từ nhà trường phổ thông và tôi chọn cho mình một cách sống với những gì có thật. Và tôi cảm ơn những năm tháng học trung học đã cho tôi từng bước làm người để không hổ thẹn với những ngày tôi đang sống.
* Với tư cách một trí thức, một nhà thơ sống qua hai thời kỳ trước và sau 1975 tại miền Nam, ông suy nghĩ gì về vấn đề hòa hợp dân tộc?
- Theo tôi, quá trình hòa hợp dân tộc sau 1975 diễn ra thực sự chậm. Có thể là do ta quá say sưa với chiến thắng, với sức mạnh mà quên phân tích, lý giải nguồn cơn của bên thất bại. Chúng ta đã nhanh chóng xóa đi những gì của 20 năm Việt Nam cộng hòa mà ít băn khoăn, trăn trở. Và cũng vì thế chúng ta đã không xử lí được những vấn đề của hòa giải dân tộc một cách căn cơ, thấu đáo. Không thể nói người công dân của chính thể Việt Nam cộng hòa không yêu nước. Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm là câu khẩu hiệu đã biến thành hành động thật trong rất nhiều viên chức binh lính chế độ cũ.
* Ngoài sáng tác, ông còn là biên tập viên lâu năm mảng sách văn học của NXB Trẻ và đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM; theo quan sát của ông, tiến trình hòa hợp dân tộc sau ngày 30/4/1975 được thể hiện ra sao trong văn học Việt?
- Đây là một lĩnh vực quá khó so với những quy định hiện nay. Chúng ta không có chế độ kiểm duyệt nhưng thật ra chúng ta đã tiến hành một sự kiểm duyệt đặc biệt thông qua người viết, người biên tập và cơ quan xuất bản bằng những quy định cực kỳ nhạy cảm. Những vấn đề nhạy cảm ngày càng không rõ ràng và “nhạy cảm” hơn khiến chúng ta khó tìm thấy những tác phẩm mạnh dạn đề cập đến vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. 
* Để một dân tộc thật sự hòa hợp, không còn thù hận, theo kinh nghiệm mà ông biết được thì chúng ta cần những động thái nào khác?
- Theo tôi, lễ cầu siêu được tổ chức trong dịp này chỉ là một chuyện. Còn nhiều việc phải làm nữa. Tôi nhớ không nhầm là khoảng tháng 8/1975, sau hơn 3 tháng tiếp quản miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có dự thảo một văn bản đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí từ tháng 9/1975 không dùng từ ngụy quân, ngụy quyền khi đề cập đến những vấn đề về con người của chế độ Việt Nam cộng hòa. Rất tiếc cái dự thảo đó không thành hiện thực.
Đã gần 40 năm rồi, đừng nhắc lại những nỗi đau hay niềm vui xưa bằng một giọng điệu cũ, hãy làm mềm nó đi bằng niềm tự hào và nỗi tiếc thương bi tráng. Khó thay. Khó thay. Nhưng lẽ nào không làm được.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG NHÂN thực hiện

4 commentaires:

  1. Cái gọi là " hòa hợp, hòa giải dân tộc " chi là động tác mị " kiều bào " .để mõi tiền bạc. Kẻ như Nguyễn Tấn Dũng dùng áo vàng công an bán suât " thuyền nhân " sống chết 50-50, rồi áp lực không cho Malaysia dựng bia tưởng những thuyên nhân Việt xấu số làm mồi cho cá, cho cướp biển thi làm sao hòa hợp dân tộc được.
    Đồng bào thắp nhang cho các chiến sĩ hi sinh mạng sống quí báu để bảo vệ Hoàng Sa bị côn an một mực theo đảng phá đám, đe dọa, trấn áp. Thứ trưởng ngoại giao giảo hoạt đưa kiều bào ra Trường Sa thả hoa xuóng biển cầu siêu cho các ciến si đã ngã xuống vì đất mẹ.
    Ông chủ tịt nước sang Mi rối rít cám ơn tổng thống vì nước Mĩ giang tay cưu mang " thuyền nhân" sang lập nghiệp cứu đói đồng bào, góp đô la cho kinh tế trong nước. Nhưng lại để lính Tàu ngang nhiên bắn chết người Trung Hoa tị nạn chánh trí sang ta.
    Với đầu óc xã hội chủ nghĩa làm sao hòa hợp dân tộc được.

    RépondreSupprimer
  2. Lại Mạnh Cường24 avril 2014 à 23:20



    Thưa blogger Huỳnh Ngọc Chênh,
    ông Phạm Sỹ Sáu và bà con gần xa,

    Phải nói ngay là tôi rất buồn, bởi cho đến giờ phút này mà người ta vẫn còn NGỘ NHẬN rất nhiều về nan đề căn bản của dân và nước ta.

    1/
    Thứ nhất trình tự cụm từ phải là HÒA GIẢI- HÒA HỢP DÂN TỘC, ngắn gọn HG-HH.

    Tại sao lại thế ? Đơn giản là phải có HÒA GIẢI (Reconciliation) để hóa giải mọi xung đột, bất đồng làm căn bản để tiến tới việc bàn đên chuyện HÒA HỢP lại với nhau (Re-uniting), tức đoàn kết với nhau trước khi có sự xung đột, bất đồng gây chia tam xẻ tứ.

    Như thế không thể nào làm ngược lại tiến trình là HÒA HỢP với nhau rồi mới tính tới chuyện HÒA GIẢI !

    Ngắn gọn, Hoà giải là một BẮT BUỘC LỊCH SỬ (A Historic MUST).

    2/
    Tại sao lại bảo đó là một bắt buộc lịch sử ?

    2.1/
    Điểm lại lịch sử hàng mấy trăm năm qua, nhất là khi có Nam tiến, dân tộc Kinh đã xâm chiếm và đồng hóa dân và nước lân bang là Chăm với Thủy Chân Lạp (thuộc Miên bao gồm lúc đó hai vùng Thủy Chân Lạp là Nam bộ hiện nay và Thổ Chân Lạp là nước Miên hay Khmer hiện tại). Như thế tối thiểu có sự xung khắc sắc tộc với hai dân tộc ít người này hiện nay ở VN ta. Đó là tôi chưa kể tới các dân tộc ít người khác đã là dân bản địa ở hai vùng đất trên, chẳng hạn những dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên (Ra-đê, Ba-na v.v...)
    Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân áp dụng biện pháp chia để trị với hậu quả là xung đột mang tính địa phương, ở mức độ lớn nhất là Bắc, Trung, Nam, nhưng thường được biết giữa dân Bắc và Nam. Nội chiến hai miền Nam Bắc làm cho nan đề này thêm sâu sắc như ai cũng rõ.
    Việc cấm đạo ngu xuẩn thời nhà Nguyễn, cộng với thái độ thù địch của giới sĩ phu trong phong trào Văn Thân (với khẩu hiệu nổi tiếng "Bình Tây Sát Tả", tả đây là bàng môn tả đạo, tức giáo dân đạo Gia Tô) gây ra hận thù giữa dân tôc theo đạo Gia Tô và đạo khác (hồi đó gọi đại khái là bên giáo bên lương). Chính sách phân biệt đối xử ở hai miền Nam Bắc làm cho nan đề này kéo dài không dứt, qua trò chơi chính trị "nhất bên trọng nhất bên khinh" mị dân để làm hoả mù khiến cho hai giáo hội hai bên nghi ngờ không giao tiếp nhau.
    Chia rẽ trong chính trị do đảng phái chính trị làm dân ta thêm chia rẽ sâu sắc, mà đậm nét nhất thành ít ra hai phe Quốc và Cộng, Xanh vs Đỏ ! Thực chất lập trường chính trị của dân ta như quang phổ có bảy màu chính, cũng như lắm mầu phụ do pha trộn với nhau nằm giữa hai cực XANH và ĐỎ. Đáng tiếc là do trình độ nhận thức chính trị còn âu trĩ cũng như để tiện việc, người ta tự tiện đồng hoá thành giống trừ HẮC BẠCH PHÂN MINH. Hơi đỏ bị lùa sang tả phái, gọi chung là tả khuynh; hơi xanh cũng bị lùa sang hữu phái và bảo là hữu khuynh.

    (còn tiếp)

    RépondreSupprimer
  3. Lại Mạnh Cường24 avril 2014 à 23:21

    (tiếp theo)

    Nan đề hiện tại lớn nhât ở mọi nơi trên thế giới là SẮC TỘC và TÔN GIÁO. Xung đột này hiện nay ngày một nổi cộm ở ta chẳng thua gì xung đột chính trị giữa hai phe Quốc-Cộng. Đồng thời xuất hiện các xung đột xã hội (social conflicts) bắt đầu từ thời mở cửa qua cái gọi là chính sách Đổi Mới, với trò chơi mới "kinh tế thị trường theo định hướng xã nghĩa", đã tạo ra những phong trào dân oan, giáo oan ngày một lan rộng khắp nước. Đó là hình thái của DÂN SỰ BẤT TUÂN CHÍNH PHỦ (Civil disobedience), hệ quả tất yếu của LỖI HỆ THỐNG độc tài độc đảng mà ra cả.

    Như vậy, ta có thể hình dung ra TIẾN TRÌNH HÒA GIẢI DÂN TỘC rất phức tạp, không giản đơn như người ta nghĩ, chỉ là xung đột chính trị, hay giữa kẻ bị trị với giới cai trị.

    Tại Nam Phi chính tổng thống da đen đầu tiên là Nelson Mandela đã nhận thức trọn vẹn điều này, nên ông đã giao trọng trách đó cho hồng y Tutu làm chủ tịch hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc. Tôi xem thử một vài phim để thấy vấn đề vô cùng tế nhị và phức tạp, bởi bứt dây động rừng. Trong phim mới chỉ đề cập đến một địa phương nhỏ thôi.

    2.2/
    Thực tế trước mắt cho thấy như ở Miên, hòa hợp không hòa giải hay làm đảo ngược hòa hợp trước khi hòa giải, chỉ là một sự chuẩn bị cho thanh toán nhau thật khốc liệt. Hunsen sau đó đã tìm cách hất văng phe bảo hoàng FUNCINPEC của hoàng tử N. Ranarith ngày nào, khiến ông này phải lưu vong sang Pháp một thòi gian để cầu cứu với mẫu quốc cũ. Giờ đây có ba đảng lớn,trong đó có hai đảng đang cầm quyền là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Mặt trận Đoàn kết Dân tộc vì một Kampuchia độc lập, trung lập, hòa bình và thống nhất (FUNCINPEC) là hai đảng chính đang cầm quyền. Đảng Sam Rainsy (SRP) là đảng đối lập chính và khoảng 58 đảng phái khác. Tuy nhiên Hun Sen, dựa vào Bắc Kinh, là kẻ nắm thực quyền sinh sát trong tay, kiểu như Putin ở Nga vậy, cho nên chính trị và xã hội vẫn còn nhiều bất ổn và tham nhũng trở thành quốc nạn bởi tập đoàn bè phái của Hun Sen.

    Xin tạm trình bày sơ lược một số nét căn bản, để thấy rõ hơn tình trạng bi đát ở nước ta.
    Đồng thời tại sao lại phải thủ tiêu đảng CS càng sớm càng tốt, để thực thi dân chủ đa nguyên .

    Amsterdam, 24-04-2014
    Lại Mạnh Cường

    RépondreSupprimer
  4. This is too little,. too late for both winners and losers. Nothing could erase my mind of the years living under our "brothers"'s rule from the north.

    RépondreSupprimer