18/05/2014

Khủng hoảng giữa Hà Nội và Bắc Kinh leo thang

Lần tiến vào biển Đông của vương quốc khổng lồ đã đẩy người Việt Nam xuống đường. Họ tấn công các nhà máy. Hàng trăm người đã chạy trốn.
Johnny Erling
Báo Thế Giới [Die Welt]
Nhiều nhà máy bị hôi của và bị phóng hỏa ở miền Nam Việt Nam. Hình: Reuters
Nhiều nhà máy bị hôi của và bị phóng hỏa ở miền Nam Việt Nam. Hình: Reuters
Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam vượt tầm kiểm soát. Có lỗi ở đây là một vụ việc đã được lo ngại là sẽ xảy ra trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đang cháy âm ỉ vì quyền sở hữu ở biển Đông, vụ việc mà các nhà nghiên cứu khủng hoảng đã cảnh báo Trung Quốc và các quốc gia lân cận từ nhiều năm nay. Trung Quốc một lần nữa lại khởi đầu, đất nước mà trong tranh chấp với tất cả các nước lân cận đã tuyên bố gần 90 phần trăm biển Đông là lãnh hải và đảo của họ. Cũng cho cả quần đảo Hoàng Sa mà hai quốc gia đã từng có một trận hải chiến ngắn nhưng đẫm máu vì chúng. Việt Nam thất trận.

Bây giờ, vào ngày 1 tháng Năm,  Bắc Kinh gửi giàn khoan hiện đại nhất của họ, và với 30.000 tấn cũng là giàn khoan nặng nhất và mạnh nhất của họ tới vùng biển này để tìm dầu. Họ định vị giàn khoan của họ cách Hoàng Sa do họ kiểm soát 17 hải lý, trước bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Hoa Kỳ lo ngại gọi hành động này trong một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là một sự khiêu khích. Vương phản bác lời cáo buộc này. Nhưng để phản đối, Việt Nam đã gửi hàng chục tàu với thiết bị dùng để đâm tàu tới. Sau khi những tàu này không thể xua đuổi được giàn khoan Trung Quốc và những chiếc tàu hộ tống của nó, và bị đẩy lui bởi tàu hải giám Trung Quốc với súng nước, biểu tình bùng nổ khắp Việt Nam, lúc ban đầu rõ ràng là được điều khiển. Trong đêm rạng sáng thứ tư, tình hình bây giờ leo thang trở thành cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Từ thứ năm, cả hai chính phủ đang cố gắng hạn chế thiệt hại, một ngày sau những bạo động chống Trung Quốc lớn nhất từ nhiều thập niên nay. Cơn thịnh nộ về sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc trước bờ biển Việt Nam đã để cho những cuộc biểu tình hòa bình vào lúc ban đầu vượt quá tầm kiểm soát.
Cuối cùng, 20.000 người Việt đã xông vào một vùng công nghiệp sâu trong phía Nam và cướp bóc nhà máy của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư khác từ châu Á. Trong đó, có ít nhất là 460 nhà máy trong khu công nghiệp “Việt Nam Singapore” bị phá hủy. Nhưng phần lớn các nhà đầu tư này đều từ Đài Loan, Singapore, Nam Hàn hay Hongkong và đã thu hút cơn giận dữ của những người tấn công vì tên doanh nghiệp giống như Trung Quốc.
Hai giới lãnh đạo đảng xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội và Bắc Kinh bị sốc vì hoàn toàn bất ngờ trước những việc đã xảy ra, những người mà trong năm vừa qua đã cải thiện quan hệ của họ trở thành một quan hệ đối tác chiến lược. Vào tối thứ năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan cảnh sát trong đất nước ông hãy làm mọi điều có thể để bảo vệ tính mạng các nhà đầu tư người nước ngoài và doanh nghiệp của họ, và bắt giam tất cả những người cầm đầu các cuộc xâm phạm đầy bạo lực này. Cảnh sát Việt Nam, trong những lần bố ráp quy mô lớn ở tỉnh Bình Dương, nơi có khu công nghiệp Việt Nam – Singapore bị cướp bóc đó, đã bắt giam 700 người được cho là những người cầm đầu và tội phạm bạo lực đã tham dự các bạo động đó, trang mạng tin tức “Thanh Niên” ở địa phương tường thuật. Có 40 cảnh sát bị thương vì đá ném trong những lần bắt giữ đó.
Cả Bắc Kinh cũng hoạt động, để đừng đổ thêm dầu vào lửa. Họ cấm các nhật báo Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước và các đài phát thanh tường thuật chi tiết về những cuộc bạo động chống Trung Quốc này. Truyền thông phải giảm nhẹ sự việc và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được phép khai thác theo lối dân tộc chủ nghĩa. Thế nhưng khi người ta biết được vào chiều tối ngày thứ năm, rằng thiệt hại về vật chất lên tới bạc tỉ và có nhiều nạn nhân người Trung Quốc thì phía Trung Quốc sôi sục kích động. Tân Hoa xã đưa tin có ít nhất một người chết, 149 bị thương và tám người mất tích. Nhiều nhà máy Trung Quốc bị phá hủy, hơn 600 người Trung Quốc trong lúc hoảng loạn đã chạy trốn qua Campuchia. Báo Hongkong, như tờ “South China Morning Post”, trích dẫn thông tin bác sĩ Việt Nam mà theo đó có 16 người Trung Quốc và năm người Việt chết.
Báo tuyên truyền như tờ Thời Báo Toàn Cầu của Bắc Kinh nói Việt Nam có lỗi trong cuộc khủng hoảng đang leo thang này. Tờ báo yêu cầu Việt Nam hãy quỳ xuống hối lỗi và trả tiền bồi thường cho tất cả mọi tàn phá. Tờ báo cảnh cáo: “Hà Nội phải biết rằng không thể đối xử như thế với một cường quốc như Trung Quốc được.” Khủng hoảng cũng leo thang trên biển: Trang mạng của đải truyền hình Việt Nam đưa tin rằng Hải quân Trung Quốc được cho là đã mang ra hai chiếc tàu chiến để bảo vệ giàn khoan. Bắc Kinh im lặng về điều này. Nhưng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh nhiều lần, rằng Trung Quốc có chủ quyền “không tranh cãi” quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy mà khoan tìm dầu ở đây là hợp lý.
Khu vực bị bất ngờ vì xung đột này. Các quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam dường như là ổn định. Theo thông tin của các cơ quan thương  mại, doanh nghiệp Trung Quốc thuộc trong số các nhà đầu tư lớn nhất của nước này. Điều khó hiểu là tại sao Bắc Kinh lại đánh liều thành công này. Nhất là chính họ lại phản ứng rất gay gắt trước mỗi một vi phạm chủ quyền của họ. Nhiều kịch bản khủng hoảng tới đây phụ thuộc vào giải pháp cho xung đột vì giàn khoan này ở trước bờ biển Việt Nam. Cuối cùng thì Trung Quốc trong một “Đường Chín Đoạn” do chính phủ Trung Quốc đưa ra như là biên giới, chạy dọc theo bờ biển tất cả các quốc gia nằm cạnh đó, từ Việt Nam cho tới Malaysia, của Brunei hay Philippines, tuyên bố rằng hầu hết biển Đông là lãnh thổ của họ. Trong tương lai, họ có thể gửi tàu chiến và giàn khoan đi khắp nơi. Việt Nam hiện là điểm khủng hoảng thứ ba của Trung Quốc, bên cạnh các đối đầu trong tranh cãi lãnh thổ không khoan nhượng với Philippines và với Nhật ở biển Hoa Đông.
Johnny Erling
Phan Ba dịch từ báo Thế Giới:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire