22/05/2014

TẢN MẠN VỀ GIÁO DỤC VÀ CÁI CHỢ

Giàn khoan Tàu cộng xuất hiện cứu nguy cho bao ông ở các bộ, cho bao quan chức làm bậy, cho bao nhiêu vụ tham nhũng sắp được khai quật ra nay bị chìm đi. Giàn khoan thì vẫn còn nằm đó, từ từ giải quyết, vì thật ra cũng chẳng ai muốn giải quyết, nên chúng ta cùng với tác giả Nguyễn Đại quay về với giáo dục vậy. Về với cái bộ vốn đang rất lộn xộn nhiều vụ việc nên rất ưng trong bụng khi thấy cái giàn khoan lừng lững cắm vào.

Nguyễn Đại
Năm 2011, Bộ Giáo Dục công bố thi tốt nghiệp có môn Địa. Điều này dẫn đến sự “sốc, thẫn thờ, hoang mang” của cả học sinh lẫn giáo viên vì “không ngờ năm ngoái Địa rồi, không ngờ năm nay lại Địa”.
Năm 2013, Bộ Giáo Dục công bố thi tốt nghiệp không có môn Sử. Điều này dẫn đến sự “sốc, thẫn thờ, hoang mang” của các nhà Sử học và quan chức Bộ GD vì “học sinh xé tài liệu môn Sử”.
Theo tôi, học sinh “thẫn thờ vì thi Địa” và “xé tài liệu vì không thi Sử” thật ra không phải vì bọn trẻ “ghét Sử hay ghét Địa”. Nguyên nhân chính là câu chuyện “cái chợ của Phùng Hoan”. Khi Mạnh Thường Quân gặp khó khăn, khách lần lượt bỏ ra đi. Mạnh Thường Quân tỏ ý không hài lòng thì Phùng Hoan phân tích “sáng sớm, chợ đông; chiều, chợ vắng; không phải vì buổi sáng người ta thích chợ hay buổi chiều người ta ghét chợ. Quan trọng là người ta cần cái chợ vào lúc nào”. Tôi dám khẳng định rằng học sinh “xé Sử” đơn giản bởi vì bọn trẻ “không cần Sử” nữa. Nếu năm đó không thi môn Văn thì bọn trẻ chẳng ngại gì mà không xé Văn.
Thực tế cho thấy, Giáo Dục Việt Nam có cái gì đó rất giống … cái chợ. Gần đây nhất là vụ nói thách 34.000 tỷ. Đợi các trí thức “trả giá” cho đã thì chuyển sang “nhầm lẫn”. Nếu nhầm lẫn thì ngay khi người ta lên tiếng phải xác định nhầm lẫn liền, làm gì có chuyện thanh minh thanh nga cho đã rồi mới “nhầm lẫn”. Hay là chuyện thành tích thi tốt nghiệp. Đề ra cái việc cắt thi đua nếu tỉ lệ tốt ngiệp thấp đã là tào lao rồi. Nhưng cắt thi đua vì “cao quá, không thực tế” (do các trường “quên” hạ tỉ lệ xuống) lại càng láo nháo hơn nữa. Hay là chuyện thi tốt nghiệp 4 môn hay 6 môn? Hay học gì thi nấy? Học gì thi nấy thì quá tải, 4 môn thì sợ học lệch (xé hết tất cả các môn không thi), 6 môn thì … trước giờ vẫn 6 môn (đã và đang nát bét). Sau khi quyết định 4 môn thì sinh ra chuyện hầu như chẳng em nào chọn Sử cả. Lại hoang mang, lại diễn đàn “tại sao học sinh không yêu Sử”? “làm cách nào để cứu Sử”. Rồi nhảy sang vấn đề khác là thi 4 môn trong mấy ngày? 3 ngày thì tốn kém mà 2 ngày thì “rát quá”, thôi lấy trung bình cộng là … 2 ngày rưỡi.
Chúng ta hãy cùng phân tích tỉ lệ đăng ký môn tự chọn để làm rõ vấn đề. Hóa học chiếm hơn 57,6%; Vật lý chiếm 48%; Sinh học 30,7%; Địa lý 36%; Ngoại ngữ; Lịch sử chiếm 11,5%. Rất đơn giản. Hóa học là môn thi Đại học cho 2 khối, khối A và khối B nên chiếm tỉ lệ cao nhất. Lý chỉ có khối A (khối chiếm nhiều học sinh thi nhất) nên ít hơn Hóa một chút v.vv.. Bọn trẻ không chọn Sử vì rất ít trường Đại học thi Sử. Nếu có so sánh thì chỉ so sánh Địa và Sử. Trong hai môn nay, môn Địa có tính khoa học hơn. Học sinh không cần thuộc lòng nhiều mà cần biết vận dụng bản đồ. Trong khi Sử thì toàn học gạo, toàn con số ngày nào tháng mấy giết bao nhiêu quân địch. Và môn Sử bị “chính trị hóa” nhiều hơn Địa.
Muốn học sinh không “xé Sử” việc dễ nhất là thay đổi môn thi Đại học. Ngoại trừ các trường kỹ thuật hay Y khoa, còn lại từ kinh tế đến ngoại thương, ngân hàng… bắt buộc thi Sử hết. Cách này sẽ có hiệu quả tức thì nhưng lại là cách “cơ bắp” và “thô bạo” nhất. Điều cần thiết là một chiến lược khoa học hơn, văn minh hơn; không chỉ giải quyết một sự việc cụ thể là “xé Sử” mà giải quyết toàn bộ vấn đề.
Đã có bao giờ lãnh đạo ngành giáo dục cảm thấy xấy hổ và tự hỏi “tại sao chỉ với 4, 5 con người mà nhóm Cánh Buồm vẫn trình làng được những đầu sách đầy tính nhân văn như vậy”?
Nguyễn Đại (tháng 5 /2014)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire