06/06/2014

'BIẾN CHỨNG' TỪ VỤ ÁN BẦU KIÊN

Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, theo báo Pháp Luật & Xã Hội, Bầu Kiên tố đích danh nhiều cán bộ điều tra tuy nhiên không nêu tên ai ra (http://phapluatxahoi.vn/20140602113933779p0c1002/noi-loi-sau-cung-bau-kien-to-dich-danh-nhieu-can-bo-dieu-tra.htm), sau đó cũng trên báo nầy xuất hiện bài viết 'Luật sư ''tố'' DN của bộ Công an kinh doanh kiểu "bầu Kiên" ', và ngay sau đó cơ quan an ninh điều tra của bộ CA đã ra thông báo khởi tố vụ án hình sự theo điều 258 đối với báo Pháp Luật & Xã Hội. Đúng là đụng vào doanh nghiệp của bộ Công An là bị xử lý rất nhanh.
Chưa biết vụ việc sẽ diễn biến như thế nào, nhưng vụ án bầu Kiên đã nêu lên rất nhiều vấn đề phức tạp về hệ thống pháp luật hiện hành cũng như gây ra nhiều 'biến chứng' khó lường.
Hai bài báo trên PL&XH đã được gỡ xuống sau khi có quyết định khởi tố, tuy nhiên bản copy vẫn còn trên
http://webcache.googleusercontent.com/search?

Luật sư "tố" DN của Bộ Công an kinh doanh kiểu "bầu Kiên"

Thứ Hai, 02/06/2014 23:11
 (PL&XH) - Vụ án Nguyễn Đức Kiên được tòa "hẹn" tuyên án vào sáng 9-6. Trước giờ "G", luật sư lại tìm được bằng chứng ngay cả DN của Bộ Công an cũng không đăng ký kinh doanh đầu tư tài chính mà vẫn góp vốn, mua cổ phần, chẳng khác nào "bầu Kiên".
Xin nhắc lại, diễn biến tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Hoàng Đôn Hùng đều khẳng định quy buộc của VKS về tội danh “Kinh doanh trái phép” cho ông Kiên là không có căn cứ pháp luật. Theo VKS thì 5 công ty của ông Kiên trong giấy phép đăng ký kinh doanh, không có đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, do vậy quy buộc ông Kiên tội “Kinh Doanh trái phép”, trong khi đó, các luật sư chứng minh trên cơ sở pháp lý, thì đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu không cần phải đăng ký giấy phép kinh doanh.

 
Chính bản thân luật sư Hoàng Đôn Hùng vào đầu năm 2014 đã làm 2 hồ sơ thành lập doanh nghiệp với ngành nghề được đăng ký là “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”, thì ngày 21-3-2014, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT TP.HCM trả lời bằng công văn số 01777/ĐKKD-TNXL cho rằng “Hiện Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa quy định về đăng ký hoạt động này”. Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT TP.Hà Nội cũng trả lời bằng công văn số 24/ĐKKD01 ngày 18-3-2014, “Luật doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh theo quy định của luật này”.
Tại tòa, luật sư Hùng đã chứng minh bằng các bằng chứng này và khẳng định: “Góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và cũng không thể đăng ký kinh doanh”.


Hàng loạt bằng chứng cơ quan quản lý Nhà nước “đầu tư góp vốn, mua cổ phần không cần đăng ký kinh doanh”. Ảnh: Minh Thắng


Trao đổi với phóng viên chiều 2-6, các luật sư đã cho biết, hàng loạt bằng chứng mới vừa được các luật sư thu thập được, để chứng minh hàng loạt công ty đã đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu mà trong giấy phép đã được cấp hoàn toàn không có đăng ký “đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu”. Đặc biệt là các công ty của chính Bộ Công an cũng không hề đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, mà họ vẫn thực hiện hành vi này từ lâu nay.

Theo "điểm danh" của các luật sư này, đó là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL), Bộ Công an là chủ sở hữu công ty này. GTEL không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu. Vậy mà ngay trên Website của công ty này (http://gtel.com.vn/vi-VN/caccongtythanhvien/6/23/Default.aspx) cũng công bố công ty này góp vốn thành lập rất nhiều công ty khác, trong đó có việc góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dich vụ Kỹ thuật GTEL và công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL.

Như vậy, công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL, công ty này có chủ sở hữu là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Mà chính Bộ Công an là chủ sở hữu của Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Công ty này không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, nhưng công ty này đã góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dich vụ Kỹ thuật GTEL… Theo các luật sư, cơ cấu góp vốn ở nhiều công ty khác, cũng minh chứng đều này.

Các luật sư băn khoăn đặt câu hỏi, với bằng chứng này, thì ngay cả Bộ Công an cũng có công ty hoạt động đầu tư tài chính góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu kiểu …"bầu Kiên". Liệu các DN này có bị xem xét quy buộc là “Kinh doanh trái phép” như theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra-Bộ Công an và VKSND tối cao trong vụ án Nguyễn Đức Kiên !?

Sự việc cần câu trả lời từ các cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý vụ án Nguyễn Đức Kiên, đặc biệt cần hồi âm rõ ràng từ phía Bộ Công an.
Minh Thắng


Thông báo của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an
Ngày 02/6/2014, trên Báo điện tử Pháp luật và Xã hội (http://phapluatxahoi.vn) có đăng bài báo của tác giả Minh Thắng với tiêu đề: Luật sư “tố” DN của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên”; nội dung phản ánh sai sự thật về hoạt động của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) thuộc Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an, làm người khác hiểu sai, giảm uy tín, mất lòng tin về hoạt động của Tổng công ty này.

Ngày 04/6/2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an nhận được Công văn số 253/GTEL-VP của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu do Chủ tịch Nguyễn Văn Dư ký, khẳng định: nội dung bài báo là sai sự thật, đã xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác của Tổng công ty...; đồng thời đề nghị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xem xét, xử lý việc đăng tải bài báo trên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào Công văn trên của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu và kết quả bước đầu xác minh của cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu tội phạm theo Điều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Ngày 05/6/2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, xảy ra tại Báo điện tử Pháp luật và Xã hội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.


Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an

05/06/2014
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
 Vụ Bầu Kiên: Có tranh biện mới ra lý lẽ

Nguyễn Vạn Phú
Thứ Sáu,  6/6/2014, 11:59 (GMT+7)

(TBKTSG Online) – Những tranh luận của các luật sư tại tòa luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoài tâm lý tò mò, muốn biết tình tiết của vụ án, người ta còn quan tâm đến các tranh luận này vì nó là cách cập nhật kiến thức về luật pháp một cách thực tiễn nhất.

Đó là với đông đảo công chúng; còn trong các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm theo dõi vì muốn rút ra những bài học cho mình. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, ai mà không muốn tận dụng hết mức phạm vi luật pháp cho phép để ganh đua với đối thủ. Mà muốn biết cái gì được luật pháp thừa nhận cái gì chưa, cách hay nhất là theo dõi diễn biến tại tòa xem thử cáo buộc của bên công tố và bào chữa của bên luật sư, ai được chấp nhận, ai không.

Nguyên tắc quan trọng nhất ở đây là gì? Đó là cho đến khi tòa có phán quyết cuối cùng, không ai có thể phán xét lập luận bên nào là đúng, bên nào là sai. Nếu ai cũng làm được chuyện đó thì còn gì là vai trò của quan tòa, của hội đồng xét xử?

Giả thử Tổng công ty đó thấy mình bị nói sai, gây tai hại cho uy tín thì việc đầu tiên là họ kiện bên nói sai ra tòa dân sự, theo Bộ luật Dân sự. Nên nhớ hoạt động báo chí trước tiên bị chế tài bởi Luật Báo chí; chưa gì mà đã áp dụng điều luật  258 của Bộ luật Hình sự: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là quá vội vàng, sẽ tạo ra những tác động không mong muốn.
Cái thứ hai là mọi bị cáo khi ra trước tòa đều có quyền bào chữa cho mình. Họ lập luận sắc bén, lô-gích hay hồ đồ, bao biện, cái đó để tòa phán xét, không ai có quyền chê trách bị cáo cả. Nếu bị cáo nói những gì vượt quá phạm vi phiên tòa đã có hội đồng xét xử cầm cương nảy mực quyết định ngưng hay không ngưng.

Thế mà không biết tự dưng ở đâu ra những lập luận nghe thật trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền, phê phán chuyện bị cáo được quyền nói “thoải mái” ở tòa. Bị cáo được trình bày thoải mái là một minh chứng cho tính ưu việt của hệ thống tư pháp, vì sao lại xem đó là biểu hiện đáng phê phán?

Lấy ví dụ trong vụ án Bầu Kiên và đồng phạm; có lẽ những người theo dõi kỹ vụ án đều thấy trong một thời gian dài, do thiếu vắng luật lệ chế tài nên ông Nguyễn Đức Kiên đã có những hoạt động kinh doanh mang tính đầu cơ, thao túng thị trường.

Nhưng khi bị đưa ra tòa để xét xử, ông Kiên vẫn được quyền dùng hết mọi lý lẽ để bào chữa rằng mình không thao túng thị trường. Ông Kiên và các luật sư bào chữa cho ông thuyết phục tòa đến đâu thì cứ để tòa phán quyết, tại sao lại lên án sự bào chữa này? Nếu chưa đồng tình với cách bào chữa đó vì cho rằng nó là một cách “ngụy biện” khéo léo thì hãy trưng ra chứng cứ để phản bác. Báo chí đang làm chuyện đó – và đó là hoạt động bình thường của một xã hội tuân thủ luật pháp.

Sẽ có bài lên án hoạt động của Bầu Kiên và đồng phạm ở mức độ “đạo đức kinh doanh”; có bài nêu ra những sơ hở trong lập luận của Bầu Kiên vì rõ ràng đã có sự “xung đột lợi ích” khi Bầu Kiên dùng tiền tay phải cho tay trái hưởng lợi; vẫn sẽ có bài nói khó lòng buộc tội Bầu Kiên khi luật chưa quy định, nhưng nên dùng vụ án này để rút kinh nghiệm cho việc bịt khe hở luật pháp…

Sự ra đời của các bài viết như thế mới là điều hữu ích từ vụ án chứ không phải là các tình tiết giật gân câu khách như dùng hình ảnh vợ Bầu Kiên hay các tuyên bố gây sốc của Bầu Kiên.

Gần đây nhất là quyết định của cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại báo điện tử Pháp luật và Xã hội vì đã đăng bài viết được cho là phản ánh sai sự thật, “xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác” của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu…

Nội dung bài báo được cho là dùng trường hợp của tổng công ty này để minh họa cho một lập luận của các luật sư rằng các công ty của Bầu Kiên không phạm tội kinh doanh trái phép. Bởi tổng công ty này, cũng như các công ty của Bầu Kiên, không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng tổng công ty này đã góp vốn vào công ty khác – liệu họ có bị xem xét buộc tội “kinh doanh trái phép” như trong vụ án Bầu Kiên hay không.

Ngoài việc luật sư có quyền trình bày các lập luận để bào chữa cho bị cáo và báo chí được quyền tường thuật đầy đủ như đã nói ở trên, giả sử báo tường thuật sai, rút tít mang tính “câu khách” làm độc giả hiểu sai bản chất vấn đề thì cũng đâu có thể “hình sự hóa” một cách vội vàng như thế được.

Giả thử Tổng công ty đó thấy mình bị nói sai, gây tai hại cho uy tín thì việc đầu tiên là họ kiện bên nói sai ra tòa dân sự, theo Bộ luật Dân sự. Nên nhớ hoạt động báo chí trước tiên bị chế tài bởi Luật Báo chí; chưa gì mà đã áp dụng điều luật  258 của Bộ luật Hình sự: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là quá vội vàng, sẽ tạo ra những tác động không mong muốn.

Làng báo mong chờ sự giải thích rõ ràng kịp thời của các cơ quan hữu quan.

3 commentaires:

  1. Vừa rồi đi thăm đứa con đang học ở Washington D.C. Sẳn cuối tuần đứa con rủ đi ra sông Potomac phía bên Northern Virginia (còn bờ bên kia là Abraham Lincoln memorial) để câu cá rock cải thiện. Còn sớm nên cá chưa ăn, bèn tản bộ xem bà con chạy tập thể dục trên đường mòn dọc theo bờ sông. Tôi thấy có ông Mỹ chạy bộ với con chó... bổng dưng tôi thấy con chó chạy xuống bờ đá mé sông rồi ông Mỹ chạy theo chửi rủa um xùm, té ra con chó đánh hơi thấy phân nên nhào xuống đớp, tôi lẩm bẩm trong bụng "có chó nào lại chê c.". Nay nhớ lại nó cũng giống như Bộ công an của nước ta bị nhà báo tố cáo vậy. Chớ bà con không nhớ vừa rồi tướng công an Phạm Qúy Ngọ chết qúa đẹp (có thễ viết thành sách) để cứu một bàn thua trông thấy cho Bộ công an đó sao?

    RépondreSupprimer
  2. Luật là tao? Tòa án là tao? Nhà tù là tao? Bét hết, hốt hết là xong?

    RépondreSupprimer
  3. Từ cơ quan trung ương như ông bá thanh hay hải quan,công an ,thuế vụ tôi thách các ông dám đụng đến nhửng công ty và tổng công ty trực thuộc ban tài chánh thành quỷ ! bộ công an ,bộ cuốc phòng hay kinh tài của cơ quan TW đảng ,
    luật là tao /tao là luật ,tao nói cái đó đúng thì đúng mà sai là nó sai /cái điều 4 hiến pháp đả ghi rành rành bất khả xâm phạm ,hiến pháp đứng thứ 2 sau cương lỉnh của 3 triêu đảng viên thì ai ai dám sờ vào chúng ông ,
    nguyển đức Kiên là sản phẩm của nhóm lợi ích tạo ra .luật do họ đề ra cho cuốc hội quyết và nhửng kẻ hở của nó được nhửng kẻ lách luật soạn ra thì hỏi sao họ vướng bẩy cho được ! bao nhiêu đại diện pháp luật mà không ai trả lời được BẤT KỲ CÂU HỎI NÀO CỦA BẦU KIÊN thật đáng để làm cố vấn cho nhửng tên ,,,,,,,bóc lủm

    RépondreSupprimer