Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhắc lại con số nhập siêu từ Trung Quốc năm 2013 lên đến hơn 23 tỷ USD, trong khi về đầu tư, chúng ta còn nhiều hạn chế cả về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường và cạnh tranh. “Tôi không hiểu sao 90% dự án nguồn điện, 80% dự án giao thông, các nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói - Trúng thầu, sau đó để xảy ra tình trạng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, làm tăng giá thành, và đặc biệt là không sử dụng nhân công Việt Nam”. 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: “Đây là vấn đề trong điều hành kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu để giảm nhập siêu”.
Nhìn nhận việc dự báo nắm tình hình, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cũng cho là “chưa tốt, nếu như không nói là yếu kém”. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nêu ví dụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa là “hoàn toàn bất ngờ, không có trong dự báo, trong khi phản ứng, đối phó của chúng ta là không linh hoạt và chậm”; hay như sự kiện ngày 12.5, khi công nhân phản đối các hành động của Trung Quốc rất đáng hoan nghênh, nhưng “có những thế lực âm mưu, tổ chức kích động, lôi kéo, lợi dụng lòng yêu nước xúi giục đập phá nhà máy”. Những phản ứng của cơ quan chức năng sau đó, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng, là chưa kịp thời, gây hậu quả rất lớn về kinh tế, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như dư luận thế giới. “Đây là bài học lớn” - Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nói.
Đối với việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, nhưng nhất định không chấp nhận một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó, như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt”- ông Tùng nói.
Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với chính sách của Chính phủ đối với ngư dân, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho rằng với quyết sách này, ngư dân sẽ có điều kiện bám biển: “Ngư dân đang cần tàu lớn, tàu sắt, tàu hậu cần nghề cá để mua sản phẩm cho ngư dân ngay trên biển, để họ không những bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà còn hướng ra đại dương rộng lớn”.

Báo Tuổi trẻ:  

Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục

Đại Biểu  Lê Nam : Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh

“Điều rất đặc biệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc chọn thời điểm xâm lấn biển Đông đúng vào lúc Quốc hội chúng ta tổ chức kỳ họp thứ 7. Có lẽ đó cũng là một sự tính toán để thử thách tấm lòng trung kiên, bản lĩnh, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội” - ông Nam nói.

Bảo vệ giang sơn của cha ông để lại

Ông Lê Nam bày tỏ sự đồng tình với chủ trương giải quyết, đặc biệt là sự thể hiện của Thủ tướng về vấn đề biển Đông. “Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nam, Chính phủ đã quyết định những chính sách mới hỗ trợ ngư dân. Đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay, hàng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong khi vẫn còn khó khăn nhưng Chính phủ đã dự kiến dành ra 16.000 tỷ đồng để tăng cường trang thiết bị cho cảnh sát biển, kiểm ngư. Dành 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi 3%/năm và được mang chính con tàu ấy thế chấp. Những ước mơ, khao khát của ngư dân đã lâu lắm rồi giờ mới có khả năng được đáp ứng.

Đồng thời, đại biểu Nam đề nghị cùng với quyết sách mới thì công tác chỉ đạo của Chính phủ phải quyết liệt. “Bóng ma của các dự án đánh bắt xa bờ từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn lởn vởn” - đại biểu Nam nhắc lại và đề nghị Chính phủ “theo dõi chặt chẽ việc thực hiện chính sách dành cho ngư dân, ngăn chặn kịp thời việc ăn chặn của ngư dân”.

Đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân

“Tròn một tháng qua, hàng ngày, từng giờ nhân dân VN và người VN ở nước ngoài hướng về biển Đông với sự quan tâm, lo lắng, phẫn nộ, bất bình lên án hành vi ngang ngược, bất chấp đạo lý, nhân nghĩa láng giềng, trắng trợn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ VN của Trung Quốc” - đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói.

Đại biểu Học cảm động chứng kiến hình ảnh: bằng các hình thức khác nhau, từ người già đến con trẻ, đã có những việc làm cụ thể, thiết thực khẳng định lòng yêu nước, khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước. Những cựu chiến binh bày tỏ nguyện vọng sẵn sằng ra Hoàng Sa sát cánh cùng cảnh sát biển, kiểm ngư. Những em nhỏ dành khoản tiết kiệm để đóng góp cho chương trình chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông, đã có 850.000 tin nhắn góp sức bảo vệ biển đảo quê hương…

“Hòa bình và an ninh bị đe dọa” - ông Học nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Và ông nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Từ đó, đại biểu Học đề nghị: “Đại biểu Quốc hội chúng tôi trân trọng và thiết tha đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác, toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

“Đây sẽ là tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước, là nguyện vọng tiềm ẩn của dân tộc VN. Hưởng ứng lời kêu gọi này, toàn thể dân tộc VN sẽ đoàn kết một lòng, tạo thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn để lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” - đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.


LÊ KIÊN - Tuổi Trẻ