08/07/2014

TRUYỀN THÔNG TỰ DO – TRUYỀN THÔNG ĐỘC LẬP.

Caubay Thiem.

Tôi vừa đọc bài "Cuộc thập tự chinh tuyệt thực của một blogger Việt Nam" của Phạm Đoan Trang viết về anh Điếu Cày . Bài viết tóm tắt khá đầy đủ về con người và quá trình hoạt động của một blogger Việt Nam tiên phong. Rõ ràng Điếu Cày là người yêu chuộng sự thật và tự do, cụ thể là tự do ngôn luận. Điều đó cùng với tinh thần bất khuất đã khiến anh vào tù của cộng sản.



"Câu lạc bộ Nhà báo Tự do", mà anh là một trong những người sáng lập, ra đời vào tháng 9/2007 đã nói lên lòng khát khao về một hệ thống truyền thông độc lập và trung thực. Cũng thời điểm ấy, trong dịp họp mặt bạn đọc và tác giả của nhóm "Đàn Chim Việt" tại Nam California, tôi có hân hạnh trình bày bài tham luận cùng đề tài. Nay xin tóm tắt gởi đến các bạn.

Kể từ khi hệ thống internet được phát triển rộng rãi, báo chí gần như được mùa. Ngày nay để ra một tờ báo hay một trang web không còn là chuyện khó khăn, nhờ thế chúng ta có hệ thống thông tin báo chí rất phong phú, đa dạng. Các hội đoàn, tôn giáo, đảng phái,... đều có các đặc san, tạp chí hay website giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền cho tổ chức của mình.

Tuy vậy các loại hình báo đài này không nằm trong khái niệm truyền thông mà tôi sẽ đề cập đến vì rõ ràng bộ phận thông tin văn hóa này không có tính độc lập.

Một trong những kỳ vọng của độc giả đối với một cơ quan truyền thông là tính độc lập của nó. Một cơ quan truyền thông độc lập khi nó chỉ phục vụ đại chúng, không phân biêt đối tượng phục vụ và đồng thời không lệ thuộc vào bất cứ tổ chức hay thế lực nào. Nó không là công cụ của bất cứ phe nhóm nào, nó chỉ là đầy tớ trùng thành của sự thật và lẽ phải. Nó đồng thời cũng phải độc lập với cả đồng tiền, dù rằng trong hầu hết trường hợp truyền thông cũng là một nghề để kiếm sống như những nghề khác.

Có thể nói một cơ sở truyền thông độc lập chỉ nhằm vào mục đích thuần túy chuyển tải thông tin, mà không có mục đích tuyên truyền theo ý muốn thiên vị hay chủ quan.

Vài đặc tính của cơ quan truyền thông độc lập

Với cái nhìn như vậy, tôi xin thưa về một vài yếu tố mà tôi cho là rất quan trong trong lãnh vực thông tin.

Thứ nhất, đó là tính trung thực.

Yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định giá trị và sự thành bại của một cơ quan truyền thông là tạo đưoc sự tin cậy của người đọc, người nghe. Nếu không tin vào tính trung thực của một tờ báo thì chắc chắn không ai chịu tốn tiền để mua, nếu không tin vào tính trung thực của một trang web, không ai chịu phí thì giờ để đoc.

Một cơ quan truyền thông không đạt được sự tin cậy của độc giả chắc chắn không thể tồn tại lâu, dù nó có những thủ thuật tinh vi để hấp dẫn người đọc. Hơn nữa, đối với một cơ quan truyền thông mà giá trị và sự hấp dẫn không nằm ở yếu tố thông tin mà lại ở vào một yếu tố khác, như thỏa mãn tính tò mò, tạo những chuyện ly kỳ, giật gân… thì nó không còn là cơ quan truyền thông đúng nghĩa.

Tóm lại, sự trung thực, chính xác là yếu tố quan trọng hàng đầu mà độc giả đặt ra cho người làm công tác truyền thông.

Yếu tố thứ hai là tính khách quan.

Ngoài tính trung thực, một cơ quan truyền thông có nhiệm vụ mang đến cho độc giả những tin tức khách quan và đa chiều. Một tờ báo dù có loan tin trung thực, không bóp méo sự thật, nhưng thiếu tính khách quan, chắc chắn sẽ phiến diện và tất nhiên chỉ đem đến cho độc giả thông tin một chiều. Điều này cũng có hại, có khi không kém cái tai hại của thông tin thiếu chính xác, vì loại thông tin một chiều sẽ dễ dàng hướng dẫn dư luận một cách sai lạc.

Điều kiện để có được một cơ quan truyền thông độc lập

Hai yếu tố bên trên, tính trung thực và khách quan của một cơ quan truyền thông chỉ có được khi nó có được sự độc lập.

Tôi cho rằng điều kiện để có độc lập là phải có tự do.

Có tự do thì mới nghĩ đến độc lập chứ còn không có tự do thì những suy nghĩ, việc làm của mình do người khác áp đặt thì mong gì nói tới chuyện độc lập. Xin được nói sang đàng một chút. Điều này cũng đúng trên bình diện một quốc gia. Cái lý lẽ hy sinh sự tự do để giành độc lập cái đã, rồi sau khi đã có độc lập rồi mới nói đến tự do chỉ là chiêu bài mị dân hay là một lối suy nghĩ sai lầm rất tai hại.

Rất nhiều ví dụ cho thấy một khi thiếu tự do, người ta chỉ đi từ sự nô lệ này đến sự nô lệ khác. Nếu không có tự do thì giỏi lắm chỉ giành được độc lập với thế lực này nhưng lại phải lệ thuộc vào thế lực khác, đó là cái thế lực đã hạn chế sự tự do của mình.

Điều này lại càng đúng trong lĩnh vực truyền thông. Một xã hội không có tự do báo chí thì không thể có truyền thông độc lập. Dẫn chứng hiển nhiên ai cũng thấy là hệ thống báo chí ở các nước độc tài, cụ thể là Việt nam hiện nay. Hiện trong nước có khoảng 600 tờ báo mà đều là báo đảng, báo của một đảng. Người dân trong nước làm sao tìm được thông tin trung thực đầy đủ ở 600 tờ báo này. Để tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, một tờ báo Nhân Dân đã là quá đủ, đến 600 tờ báo chỉ nhai lại luận điệu giống nhau thì quả là lố bịch, lãng phí ghê gớm.

Tôi có đọc đâu đó rằng hiện ở Việt nam không có báo chí, không có truyền thông mà chỉ có tuyên truyền. Điều này đúng quá. Lập luận đó càng đuợc củng cố khi mới đây trong nước người ta còn cẩn thận khuyến cáo báo chí phải đi theo lề.

Như vậy có thể nói "tự do là trên hết."Vậy thì câu hỏi tiếp đến là “có phải tự do là yếu tố duy nhất để một cơ quan truyền thông có đựơc tính độc lập khách quan hay không?”

Tôi nghĩ rằng tự do chỉ là điều kiện cần nhưng không là điều kiện đủ để có được hệ thống truyền thông có sắc thái độc lập. Cái điều kiện đủ đó, theo thiển ý, là cái lương tâm trong sáng của người làm truyền thông.

Tôi muốn nói đến sự độc lập không chỉ với đối tượng khách quan, mà ngay với chính bản thân người làm truyền thông. Tính độc lập chủ quan đó là sự vượt ra khỏi định kiến, tình cảm, quyền lợi riêng tư của cá nhân hay phe nhóm để đặt sự thật, công lý và quyền lợi của đại chúng lên trên hết. Người làm báo phải có đủ dũng khí để độc lập với mọi thế lực bên ngoài và một tấm lòng trong sáng để vượt qua mọi cám dỗ tự bên trong.

Nhờ có lương tâm mà tự do không bị lạm dụng. Không phải có tự do ngôn luận là có quyền viết ra bất kỳ điều gì miễn là trong khuôn khổ pháp luật cho phép, bởi vì không có hệ thống pháp luật nào là hoàn hảo. Trong xã hội dân chủ, quyền tự do ngôn luận và tự do cá nhân đuợc đề cao và vì vậy kẽ hở càng nhiều. Người làm truyền thông có lương tâm không cho phép mình lợi dụng khe hở của luật pháp, của tự do ngôn luận mà làm mất đi tính sự trung thực, tính khách quan của thông tin mình chuyển tải. Cái lương tâm trong sáng của người làm truyền thông chính là chất xi măng bổ khuyết, hàn gắn, hoàn thiện những kẻ hở, nhược điểm do môi trường tự do tạo ra.

Tóm lại, một cái tâm hướng thiện, yêu công lý, chuộng sự thật trong một môi trường tự do không bị áp chế sẽ là điều kiện cần và đủ cho một cơ quan truyền thông đạt được tính độc lập, khách quan.

Cần phân biệt giữa độc lập và trung lập

Một điều khác mà tôi cho là rất quan trọng và cần phải được phân biệt một cách minh bạch. Đó là trong lãnh vực truyền thông, độc lập không có nghĩa là trung lập.

Người làm truyền thông thường được xưng tụng là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghĩa là họ có nghĩa vụ của một chiến sĩ đóng góp xây dựng một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ trực tiếp của họ là xiển dương công lý, cổ vũ cho cái thiện và bài trừ cái ác. Nói một cách cụ thể, đối với những mục tiêu cao đẹp như tự do, nhân quyền, bình đẳng, bác ái, cải thiện môi trường...người làm truyền thông phải góp phần cổ vũ. Đối với những tội ác mà loài người đã thừa nhận như nạn phân biệt chủng tộc, buôn người, ma tuý, khủng bố, độc tài và nạn cộng sản là những mục tiêu mà người làm truyền thông phải có nghĩa vụ góp phần loại bỏ.

Đặc biệt với người Việt Nam ta, tôi không ngại ngần khi cho rằng một trong những trách nhiệm quan trọng và cao cả nhất của nguời làm truyền thông là quảng bá tự do dân chủ, đề cao nhân quyền và bài trừ chủ nghĩa cộng sản.
Không thể nhầm lẫn vai trò độc lập với thái độ sống chết mặc bay, bàng quang, thờ ơ với những vấn nạn của xã hội.

Sự cần thiết của truyền thông độc lập:

Do hoàn cảnh lịch sử đất nước ta, của đồng bào ta trong và ngoài nước tôi cho rằng sự có mặt của cơ quan truyền thông độc lập là vô cùng cần thiết bởi vì:

1. Đối với đồng bào, nhất là giới trẻ trong nước, do sự nhồi sọ, xuyên tạc, thông tin một chiều của nhà cầm quyền cộng sản, không nhiều thì ít cũng gây ra một cái nhìn nghi kỵ với những thông tin từ bên ngoài mà họ cho là không có tính độc lập.

2. Một cách hoàn toàn trái ngược nhưng lại có chung hệ quả, giới trẻ tại hải ngoại, do hấp thụ tư tưởng dân chủ, phóng khoáng, họ luôn luôn có khuynh hướng đặt câu hỏi trước khi chấp nhận, tìm tòi sự việc từ nhiều góc cạnh. Nói cách khác, họ ưa thích những thông tin có được từ những nguồn độc lập. Họ muốn nghe tranh luận từ nhiều phía hơn là thông tin hay lý luận một chiều.

Như vậy một cơ quan truyền thông độc lập đứng đắn sẽ là nhịp cầu xóa tan ranh giới của sự cách biệt, nghi kỵ.

Kết luận

Tôi nghĩ rằng trong thời đại thông tin toàn cầu ngày nay, tầm ảnh hưởng của giới truyền thông đã được nâng cao hơn bao giờ hết. Và càng có vai trò quan trong, vinh dự càng nhiều thì trách nhiệm và bổn phận càng cao. Trách nhiệm đó không chỉ với tha nhân và ngay cả với chính mình. Là một độc giả, tôi không mong gì hơn được đón nhận thông tin trung thực từ giới báo chí. Từ lâu người ta thường nói đùa, có phần mai mỉa rằng “nhà báo nói láo ăn tiền”. Theo tôi, khi đã nói láo ăn tiền thì cái “nhà báo” trong ngoặc kép đó không còn xứng đáng cho chúng ta gọi là nhà báo nữa.

CBT.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire