04/01/2015

Thực túc, binh cường


Nguồn: Theo Lao Động


 Đào Tuấn


 Đào Tuấn: "Không có gì có thể tạo nên sự bền vững bằng sản xuất, bằng việc tạo ra các thương hiệu Việt tầm cỡ thế giới.
Nhưng cũng không thể nói đến bền vững nếu như mỗi năm vẫn còn 68.000 - 70.000 doanh nghiệp khai tử."



Trong thông điệp đầu năm, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã dẫn lời người xưa để khẳng định: “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước”. Bởi cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ "mất-còn", không có ngoại lệ.

Chủ tịch Nước cũng nhấn mạnh đến sự tụt hậu về kinh tế, nguy cơ mà tròn 20 năm trước, tháng 1.1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua. Tụt hậu là tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, nhất là phụ thuộc về kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên họp Chính phủ cuối năm, cũng cho rằng "Nếu sản xuất không phát triển, kinh tế không phát triển thì đừng nói đến việc khác nữa. Không có kinh tế phát triển thì lấy đâu giải quyết việc làm, lấy đâu mà thu ngân sách, giải quyết các vấn đề xã hội".

"Thực túc, binh cường". Lương thực, hay rộng hơn là nền tảng kinh tế xã hội có vững thì quân đội mới cường thịnh, quốc gia mới vững mạnh.

Ngay trong năm 2014, chúng ta có một bài học về sự lệ thuộc kinh tế được nói công khai trước QH khi chiếc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được kéo bất hợp pháp vào vùng biển Việt Nam. Hay thời sự hơn, bài học của Nga, của Venezuela, nơi đồng tiền mất giá tới 50%, khi tỉ trọng nguồn thu phụ thuộc quá lớn vào việc "đào lên và bán". Ngay trong nước, với mỗi USD giá dầu giảm, ngân sách đang hụt thu không dưới 1.000 tỉ đồng.

Không có gì có thể tạo nên sự bền vững bằng sản xuất, bằng việc tạo ra các thương hiệu Việt tầm cỡ thế giới.

Nhưng cũng không thể nói đến bền vững nếu như mỗi năm vẫn còn 68.000 - 70.000 doanh nghiệp khai tử.

Muốn không tụt hậu, không lệ thuộc, không còn cách nào khác là tạo điều kiện đến mức tối đa cho doanh nghiệp, từ việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, nguồn vốn dồi dào dễ tiếp cận với lãi suất cạnh tranh, cho đến gỡ bỏ đến mức tối đa những thủ tục hành chính. Đã không còn có thể "đủng đỉnh” khi các thỏa thuận FTA đã đến thời điểm thực thi với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Trong phiên họp Chính phủ cuối năm, khi nghe chữ "nhưng" của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi ông nói: So sánh với 6 nước dẫn đầu khu vực về môi trường kinh doanh (nhóm ASEAN-6), chúng ta vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng đã bày tỏ sự không hài lòng "cứ lúc nào mình cũng thấp kém hơn sao được. Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ".

Hy vọng với cái nhìn, cách nhìn đầu năm của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, năm 2015 bên cạnh những tỉ phú quen thuộc trên bảng xếp hạng mỗi cuối năm cũng sẽ không còn nữa con số nhức nhối 68.000 doanh nghiệp khai tử.


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire