29/03/2015

Xin đừng giết chết huyền thoại

Hà Văn Thùy 



Tượng Thánh Gióng
trên đỉnh núi Sóc, Sóc Sơn,
Hà Nội.
Gần đây, trên diễn đàn lại rộ lên chuyện Thánh Gióng. Là huyền thoại nên có nhiều biến thể khác nhau là chuyện bình thường. Ý kiến cho rằng, Thánh Gióng đánh giặc xong, xuống Hồ Tây tắm rồi vào rừng sâu chết là quyền tưởng tượng, hư cấu của một nhà thơ khi còn trè người non dạ.




Cũng như hơn trăm năm trước, có mấy cụ ở làng nào đó cũng rất giầu óc tưởng tượng nên viết vào thần phả làng mình việc Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây. Nó không khác lắm với việc Đại học sĩ Nguyễn Bính thời xưa sáng tác hàng loạt “thần phả” cho các đền miếu!

Những ý tưởng hư cấu như vậy trôi nổi trên sách báo, nơi thờ cúng dân gian là chuyện bình thường nhưng khi đưa vào sách cho trẻ học thì đó là việc làm thiếu thận trọng, thiếu nghiêm túc, gây ngộ nhận, hoang mang cho trẻ cùng phản ứng của công luận. Đó là bài học cho cuốn sách lớp 5 mà dư luận đang bàn.

Nhưng dù bàn luận bao nhiêu, chúng ta cũng chưa thể giải được câu hỏi đặt ra hàng nghìn năm trước: Tại Việt Nam có việc đánh giặc Ân thực không? Đúng như nhiều người phát hiện, giặc Ân không thể nào đặt chân tới đất Việt Nam! Vậy tại sao lại có chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân?

Từ khảo cứu của mình, tôi xin lý giải như sau:

Năm 2698 TCN, người Mông Cổ xâm lăng đất của người Việt ở phía nam Hoàng Hà. Sau sự hy sinh của Đế Lai (sau này mang tên Si Vưu), quốc gia cổ của người Việt tan rã thành nhiều nước nhỏ tiếp tục chống trả quân xâm lăng suốt từ thời Hoàng Đế tới Nghiêu, Thuấn, Vũ.

Mảnh đất tranh chấp khốc liệt giữa hai bên là đồng bằng Trong Nguồn, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của người Việt. Sau khi chiếm vùng này, người Hoa gọi là Trung Nguyên bằng cách chuyển âm Trong àTrung; Nguồn à Nguyên.

Trong quá trình tranh giành hàng nghìn năm này, nhiều thế hệ người Việt vùng Núi Thái sông Nguồn lánh nạn về phía nam Dương Tử và đất Việt Nam. Lứa di cư đầu tiên có thể từ sau trận Trác Lộc, theo Lạc Long Quân đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ. Những lứa di cư sau vào châu thổ sông Hồng, lúc này bồi tụ gần xong. Những người di cư thời kỳ này đắp mộ gió của tổ Thần Nông, kinh Dương Vương tại vùng cao của châu thổ để thờ bái vọng.

Theo chính sử Trung Hoa, khoảng năm 1384 TCN, vua Bàn Canh nhà Thương chiếm đất Hà Nam của người Dương Việt, lập nhà Ân với kinh đô An Dương.

Cuộc xâm lăng của Bàn Canh là một cuộc chiến tàn khốc và dai dẳng. Một dòng người từ Hà Nam chạy về Việt Nam. Chính dòng di dân này mang theo kỷ niệm về cuộc chiến chống nhà Ân. Hình tượng anh hùng của cuộc chiến được gom đúc thành cậu bé thần. Và chính những người định cư ở Bắc Ninh lấy hình tượng đứa bé thần dựng nên câu chuyện ở quê mới.

Trong câu chuyện, những địa danh ở Hà Nam được thay bằng tên đất Bắc Ninh. Tuy nhiên, kẻ thù là giặc Ân thì không thể nào quên nên được ghi nguyên bản! Thần thoại ra đời như vậy. Chính lòng căm hờn đòi vạch mặt chỉ tên kẻ thù đã khiến người kể chuyện chấp nhận điều vô lý: giặc Ân tới Việt Nam! Nhưng nhờ vậy mà hôm nay ta tìm ra sự thật!

Trên đây là một cách lý giải, có lẽ chưa phải cuối cùng. Điều chắc chắn, truyện Thánh Gióng là một truyền thuyết đẹp, đầy tinh thần minh triết được kết tinh từ tâm hồn cùng lịch sử người Việt.

Xin đừng giết huyền thoại bằng cách hiện thực hóa nó theo những "sự thực" thô thiển!


Hà Văn Thùy

Nguồn: Theo Báo Đất Việt


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire