18/04/2015

Vụ biểu tình chặn QL1A: Đừng xem thường người dân


Nam Nguyên

Xe ùn tắc trên quốc lộ 1A - RFA file
Cuộc biểu tình bạo động chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ từ chiều 14 đến đêm 15/4/2015, làm kẹt xe hàng chục km ngang qua huyện Tuy Phong và Thuận Nam tỉnh Bình Thuận, đã gây chấn động dư luận toàn quốc. Điểm đáng chú ý, nguyên nhân của sự phản kháng giận dữ là vì môi trường sống của người dân địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng.



Cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Khiếu nại nhiều lần mà tình trạng ô nhiễm không giảm nên cuối cùng sự nổi giận của người dân đã bùng phát thành biểu tình và khi bị ngăn chặn thì bạo động đã xảy ra. Theo Vn Express, trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng (tức chai chứa xăng có nùi giẻ mồi lửa) tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Một khách sạn và 3 ô tô gần khu vực bị hư hại nặng.

Tương đồng: phản ứng của dân


Có điều gì tương đồng khi vụ biểu tình bạo động chặn QL 1A đã diễn ra không lâu sau các vụ đình công qui tụ 90.000 người ở Saigon để phản đối một điều khoản của Luật Bảo hiểm Xã hội; hay các vụ xuống đường ở Hà Nội để chống chính quyền chặt hạ cây xanh vô tội vạ. TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động Xã hội Dân sự từ Hà Nội nhận định:

SB: “ Những phản ứng của người dân đối với quyền lợi của họ chứng tỏ người dân càng ngày càng ý thức về quyền và lợi ích của mình và họ đã cất tiếng nói lên. Nhà nước cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý để cho người dân thể hiện tiếng nói của mình một cách hữu hiệu ôn hòa. Không có những khung khổ như thế, không có sự đối thoại như thế giữa người dân với nhà nước thì rất đáng tiếc, những việc cất tiếng nói đấy có thể có những hậu quả rất khó lường và có thể có hại cho tình hình chung của đất nước. Nếu những việc cất tiếng nói ấy dẫn đến bạo loạn, dẫn đến những thiệt hại không đáng có.”
 

Ô nhiễm "khủng khiếp"

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân,
Bình Thuận
Báo điện tử Pháp luật (PLO) trong bài tường thuật ngày 16/4 ghi nhận "Cận cảnh bãi xỉ khổng lồ lộ thiên gây ô nhiễm khủng khiếp". Theo quan sát của nhà báo, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có bãi chứa vặng xỉ thải rộng tới 30.000 m2, khu vực này lộ thiên không có tường che chắn, bụi xỉ bay mịt mù vào nhà dân. Khi có gió lốc thì toàn khu vực xã Vĩnh Tân chìm trong bão bụi xỉ, trẻ em bị bệnh hô hấp khó thở. Người dân phản ánh, từ tháng 12/2014 bắt đầu bị bụi xỉ, thì toàn bộ cây trôm cây hoa màu đều không thể sống nổi. Ngay cả tôm cá trong ao cũng chết sạch.

Một người dân xã Vĩnh Tân Huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận cũng nói với Đài chúng tôi câu chuyện tương tự:

SB: " Người ta chặn xe do hệ thống lọc bụi lọc khí của nhà máy Vĩnh Tân thải bụi than ra mỗi ngày, nó đổ ra từng đống tro bụi xỉ rồi gặp gió lớn thuận chiều bay tới người dân làm cho người dân bức xúc…"

Được biết dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Điện lực VN một Tập đoàn Nhà nước. Các thông tin trên mạng cho thấy trong 3 năm xây dựng thi công nhà máy này cho tới khi hoàn thành cuối năm 2013, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã trực tiếp kiểm tra nghiệm thu từng giai đoạn một, bảo đảm các yêu cầu về môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Tuy vậy hai tổ máy với tổng công suất thiết kết 1.244 MW mới lần lượt vận hành một thời gian khoảng hơn 1 năm, mà vấn đề xả thải đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng từ Hà Nội nhận định:

SB: " Công trình lớn như thế này tất nhiên phài có đánh giá tác động môi trường khi làm dự án chứ không phải là đợi xong mới xem. Nếu mà đã được nghiệm thu nhà nước thì tôi chắc rằng những thủ tục ấy là người ta đã kiểm tra. Thế nhưng trong thực tế thì nó lại diễn ra những điều như là vấn đề ô nhiễm môi trường, điều này chứng tỏ rằng việc có những kẻ hở nào đó mà họ không tuân thủ, hoặc ngay trong lúc vận hành họ bỏ qua những khâu nào đó. Ví dụ như tôi biết có nhiều khu vực thì có hệ thống xử lý nước thải nhưng người ta không dùng vì kinh phí tốn kém; họ xây ra đấy để nghiệm thu cho có chứ vận hành thì không làm. Những chuyện đó đều có cả, tôi không biết trong trường hợp này cụ thể là gì. Nhưng tôi chắc rằng trong việc vận hành có thiếu sót, có những việc không đúng theo như đã duyệt. Khi mà nhân dân đã có phản ứng như vậy thì các cấp chính quyền, đặc biệt là Bộ Tài nguyên Môi trường phải vào cuộc và nhanh nhất thì Cảnh sát Môi trường phải vào cuộc."

Yếu tố Trung Quốc: lạc hậu, ô nhiễm


Lướt mạng ngược dòng thời gian, vietbao.vn bản tin trên mạng ngày 17/12/2010 đưa tin Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc tài trợ 300 triệu USD tín dụng ưu đãi cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, chưa kể vay thương mại và ODA cũng của Trung Quốc. Như vậy Tập đoàn Điện lực VN chỉ phải bỏ ra 15% tổng vốn đầu tư cho Dự án. Sự lệ thuộc nguồn vốn Trung Quốc cho nên hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng được giao cho một công ty Trung Quốc là Tập đoàn Điện khí Thương Hải.

Câu chuyện Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với các yếu tố Trung Quốc làm các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. TS Nguyễn Quang A nhận định:

SB: “ Vấn đề hết sức nghiêm trọng bởi vì các nhà thầu Trung Quốc viện vào chính sách của Chính phủ Trung Quốc cung cấp và dàn xếp về vốn và những người chủ đầu tư Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp quốc doanh thì hăm hở chấp nhận những nhà thầu như vậy. Rất đáng tiếc Việt nam có thể trở thành một cái bãi thử nghiệm cho họ và một cái bãi thực sự là để xả rác công nghệ."
TS Nguyễn Quang A kêu gọi những người có trách nhiệm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thay vì sử dụng công cụ truyền thông nhà nước để lý giải loanh quanh.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là để giải quyết tận gốc vấn đề công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, vấn đề ô nhiễm môi trường như trường hợp Vĩnh Tân 2 thì cụ thể có thể làm gì. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:

SB: “ Việt Nam đã có những qui định về đấu thầu hoặc những qui định ngặt nghèo về các tiêu chuẩn. Nhưng rất đáng tiếc tất cả những gói thầu chìa khóa trao tay hay tổng thầu EPC…thì bản thân người chấm thầu, quyết định thầu tức các doanh nghiệp nhà nước, hay bản thân chính quyền VN đã không theo đúng những qui trình do chính họ đưa ra trong Luật Đấu thầu. Và họ chỉ tính đến cái giá mới đầu tưởng là rẻ, cuối cùng nó nảy sinh vấn đề như nhà máy nhiệt điện chúng ta đang nói tới, nó sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. Hoặc như các nhà máy bauxite ở Tây Nguyên, những khoản đầu tư đó tưởng như là rẻ, nếu tính hết các khoản khác mà theo Luật Đấu thầu của VN bây giờ phải tính đến, thì những gói thầu đấy những nhà thầu kém chất lượng như của Trung Quốc không bao giờ thắng thầu được. Thực sự ở đây có vấn đề chính trị đứng đằng sau, cho nên dẫn đến kết quả đầu tư kém hiệu quả, tưởng như là rẻ nhưng thực sự rất là đắt

 
Khó giải thích

  Bụi xỉ than để bừa bãi,
bay hết vào làng.
Sau khi cuộc biểu tình bạo động chặn quốc lộ hơn 30 giờ trở thành một vấn đề quốc gia, theo VnExpress Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vội vàng lên tiếng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết. Ông Hải yêu cầu các Bộ ngành hữu quan chỉ đạo thực hiện gấp rút giải pháp sử dụng tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân làm vật liệu xây dựng không nung, phụ gia xi măng…

Tại sao tác động môi trường lại không thể tiên liệu trước mà phải đợi dân biểu tình mới chữa cháy. Đây là một sự thực khó lòng giải thích.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay mới chỉ có một nhà máy Vĩnh Tân 2 được vận hành, theo kế hoạch từ nay tới 2019 ở khu vực huyện Tuy Phong Bình Thuận sẽ có thêm 3 nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân khác được xây dựng để góp phần ổn định nguồn điện cho các tỉnh thành lân cận. Trong 4 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chỉ có dự án Vĩnh Tân 4 đang xây dựng dự trù hoàn tất vào năm 2018 là có nguồn tín dụng tài trợ của Hàn Quốc và Nhật Bản và sử dụng tổ hợp nhà thầu Hàn Quốc-Nhật Bản-Việt Nam. Các Dự án Vĩnh Tân 1 và 3 cũng tương tự như Vĩnh Tân 2 lệ thuộc nguồn vốn và tổng thầu Trung Quốc.

Các nhà hoạt động xã hội dân sự hy vọng Nhà nước rút ra được bài học Vĩnh Tân 2 và các cuộc biểu tình bạo động mù mịt khói lửa cắt đứt QL 1A vừa qua, để có biện pháp thích hợp cho 3 dự án vĩnh Tân còn lại là Vĩnh Tân 1, 3 và 4.

Nguồn: Theo RFA

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire