27/06/2015

GÓP PHẦN GIẢI BÀI TOÁN NGUYỄN THIỆN NHÂN



 
GS Nguyễn Đình Cống: "Nếu ông Nhân chấp nhận điều kiện, như trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII ĐCSVN, là  vẫn kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), vẫn theo con đường XHCN, thì tôi tin chắc rằng sẽ không tìm được lời giải đúng, nếu có ai đưa ra lời giải thì chắc đó chỉ là kết quả của một sự ngụy biện nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin mà thôi, chứ không thể nào biến thành hiện thực được."
 

Gần đây trong cuộc gặp mặt các chuyên gia, trí thức Việt nam ở nước ngoài , ông Nguyễn Thiện Nhân, UV BCT ĐCSVN, Chủ tịch BCH TW Mặt trận TQ VN, đã nêu ra 5 bài toán nhằm phát triển đất nước về kinh tế, xã hội đến năm 2030.
Đó là làm sao để VN trở thành : 1- Cường quốc về nông nghiệp; 2- Trung tâm chế tạo mới của thế giới; 3- Phát triển hệ thống đô thị thông minh; 4- Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ; 5- Phát triển về du lịch. . Tôi tạm gọi là 5 bài toán Nguyễn Thiện Nhân.

Tôi tin là những đề đạt của ông Nhân xuất phát từ tấm lòng yêu nước chân thành, đáng được trân trọng. Những bài toán của ông, nếu giải được sẽ làm cho VN cất cánh để có thể hóa rồng.
Tôi không biết khi đặt các bài toán ông Nhân có bị vướng víu điều gì không, vì đầu bài chỉ muốn giới hạn trong lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội mà không phải là phát triển đất nước nói chung, trong đó có cả thể chế nhà nước, văn hóa giáo dục. Nếu ông Nhân chấp nhận điều kiện, như trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII ĐCSVN là vẫn kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), vẫn theo con đường XHCN thì tôi tin chắc rằng sẽ không tìm được lời giải đúng, nếu có ai đưa ra lời giải thì chắc đó chỉ là kết quả của một sự ngụy biện nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin mà thôi, chứ không thể nào biến thành hiện thực được.

Khi ông Nhân đã đọc bài “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu-cảnh báo nguy cơ” của ông Vũ Ngọc Hoàng để biết rằng dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN theo CNML nhằm xây dựng CNXH thì đất nước VN đang bị mất ổn định xã hội đến mức báo động với những tệ nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, mua quan bán tước, suy đồi đạo đức, dối trá tràn lan…, làm phát sinh chủ ngĩa tư bản thân hữu, mà với nó thì đất nước không thể nào ngóc đầu lên được, lấy đâu mà cất cánh.

Một số người, trong đó có lãnh đạo cao cấp cho rằng tham nhũng và lợi ích nhóm là do lòng tham của con người đẻ ra, chỉ cần qua bầu cử, phát hiện ra bọn chúng và kiên quyết không bầu cho chúng thì sẽ làm trong sạch được Đảng. Đó là một nhầm lẫn lớn, rất lớn.
Đúng là lòng tham góp phần tạo ra tham nhũng và lợi ích nhóm, nhưng riêng một mình lòng tham không thể tạo nên tình trạng bi thảm như hiện nay, ngoài lòng tham còn có một thế lực mạnh hơn, phối hợp, nuôi dưỡng, cộng hưởng với nó, mà đó mới là gốc rễ.
Thử hỏi trong một đảng có điều lệ rất chặt chẽ, có vũ khí mạnh mẽ là phê và tự phê, cuộc bầu cử bất kỳ ở cấp nào cũng đều có tiêu chuẩn rõ ràng, các đại biểu đều “ sáng suốt lựa chọn…”, lại thêm 19 điều cấm, thì ở đâu ra các cán bộ tham lam, thoái hóa, biến chất trong các cấp ủy, cho đến tận trung ương.
Nghiên cứu thật kỹ mới thấy , ngoài lòng tham vốn là tính sẵn có của con người thì chính CNML, chuyên chính vô sản từng giờ từng phút sinh ra bọn tham nhũng, bọn lợi ích nhóm. Nếu vẫn kiên trì CNML , kiên trì chuyên chính vô sản thì có diệt được nhóm lợi ích này rồi nhóm khác sẽ sinh ra, mạnh hơn, thâm độc hơn.
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra 5 bài toán, yêu cầu nhiều người đóng góp lời giải. Trong 36 kế của Tôn Tử thì đó là kế “ phao bác dẫn ngọc” , theo dân gian là mẹo “ thả con săn sắt bắt con cá rô” còn theo ngôn ngữ khoa học là “phương pháp phát huy trí tuệ tập thể”. Về phương pháp này , ông Nhân từng học ở Mỹ chắc có biết “Brainstorming method” ( phương pháp não công) do Alex Osborn, người Mỹ đề xướng từ năm 1938. Tôi xin mách, nếu ông thực tâm muốn giải các bài toán nêu ra thì nên dùng PP có hiệu quả này ( ở VN có thể tìm hỏi GS Phan Dũng ở TP HCM ).

Để giải các bài toán phát triển đất nước thì nhiều nhà khoa học, trí thức, hoạt động kinh tế xã hội ở trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đề xuất mà không chờ bài toán Nguyễn Thiện Nhân, không chờ giải thưởng 1 tỷ đồng của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương (giải thưởng về hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước).
Trong các ý kiến nói trên, tôi thấy tài liệu “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” của tập thể các nhà khoa học VN ở nước ngoài ( Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sính, Nguyễn Minh Thọ, Trần văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm- 14 người) là rất có giá trị. Các vị cho rằng trong mọi cải cách thì cải cách thể chế là quan trọng và cấp thiết nhất. Chắc rằng ông Nhân không những đã đọc mà còn nghiên cứu kỹ tài liệu này , nếu ông chưa đọc thì thật đáng tiếc. (Tài liệu được gửi đến cho mọi UV BCT, tôi mong ước Đảng cho công khai tài liệu này cho toàn thể đảng viên biết, nhất là những đại biểu dự ĐH XII ).
Gần đây 12 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài trong nhóm “ Đối thoại Giáo dục VN” do GS Ngô Bảo Châu đại diện cũng đã có kiến nghị 5 điểm về cải cách giáo dục. Hình như trong những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài mà ông Nhân đã gặp để nêu 5 bài toán không có người nào trong số 14 người và 12 người kể trên. Tôi chỉ thấy xuất hiện một số tên như Nguyễn Văn Thuận, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Đức Khương, Nguyễn Trí Hiếu.

Tóm lại, để giải được bài toán Nguyễn Thiện Nhân thì trước hết phải giải xong vấn đề cải cách thể chế mà mấu chốt là từ bỏ CNML và con đường XHCN, xây dựng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập, thật sự hòa hợp dân tộc, bảo đảm mọi quyền tự do để phát huy năng lực sáng tạo.
Đây là nhiệm vụ của ĐH XII ĐCSVN. Để góp ý cho ĐH đã có nhiều thư, ý kiến của tập thể hoặc cá nhân, ví dụ thư của 61 đảng viên do tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đại diện, các ý kiến của Tương Lai, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Thu Giang, Nguyễn Khắc Mai, Lê Công Giàu, Nguyễn Đình Cống và nhiều người khác.
Không biết ông Nhân và các UV khác cúa BCT đã tham khảo được bao nhiêu những ý kiến đó và có tán thành được chút nào không.

 
 



Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire