22/09/2015

Một số bình luận đáng chú ý về diễn biến mới trên Biển Đông

Hồng Thủy
 

(GDVN) - Không thể tiếp tục hạn chế lực lượng hải quân hoạt động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. 

Thượng nghị sĩ John McCain, ảnh: Fitsnews.



The Guardian ngày 15/7 nhận định, dường như Trung Quốc có những thủ đoạn mới trong việc xây dựng 2 sân bay (bất hợp pháp) trên 2 rặng san hô Vành Khăn và Xu Bi (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình ngày 24/9 tới.

Ảnh vệ tinh thương mại chụp ngày 8/9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS công bố cho thấy, Trung Quốc đang san bằng, lu phẳng và rải sỏi xuống một đường băng quân sự trên bãi Xu Bi. Đường băng rộng khoảng 60 mét, dài hơn 2 km dự kiến sẽ được trải nhựa đường tiếp theo, các chuyên gia cho biết.

Trên đá Vành Khăn Trung Quốc cũng đã hoàn thành 1 bức tường chắn sóng hình chữ nhật dài gần 3 km giống hệt sân bay dược xây dựng ở Xu Bi và Phú Lâm - Hoàng Sa. Hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) mới nhất này chắc chắn sẽ làm căng thẳng cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với ông Obama.

Michael Green, Phó chủ tịch của CSIS cho rằng: "Đây là một thách thức đối với Nhà Trắng. Họ phải làm thế nào với chuyện này? Họ kêu gọi không quân sự hóa các đảo nhân tạo và biết rằng Trung Quốc không nghe, Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng thì Bắc Kinh vẫn cứ tiếp tục. Đó là một tình thế khó xử thực sự với Nhà Trắng".

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho rằng, việc Trung Quốc xây sân bay tại Xu Bi và Vành Khăn cho thấy hai điều. Thứ nhất, việc bồi lấp xây dựng vẫn tiếp tục bất chấp nó ngược lại với tuyên bố của Bắc Kinh. Thứ hai, nó cho thấy rõ ràng Bắc Kinh có ý định quân sự hóa ở Trường Sa với sức mạnh không quân từ 3 sân bay trên 3 đảo nhân tạo khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định, ra đa và tên lửa đất đối không sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng thực thi một vùng nhận diện phòng không, có nguy cơ Trung Quốc sẽ chọn điều này. Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng các rặng san hô, bãi đá và bãi cát ngầm.

"Tôi tin rằng hành động của Trung Quốc là nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông, có thể có những hậu quả sâu rộng đối với an ninh và kinh tế Hoa Kỳ bằng cách phá vớ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được toàn cầu thừa nhận trong nhiều thập kỷ", ông Harris nhận định.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Ảnh: VOA.

Nhà Trắng bác kế hoạch tiến vào 12 hải lý xung quanh bãi Xu Bi

Đô đốc Harry Harris và các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ nên tiến hành hoạt động tự do bằng cách bay hay cho tàu hải quân qua lại trong 12 hải lý xung quanh bãi Xu Bi vốn không có lãnh hải riêng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Nhưng họ có mâu thuẫn với Nhà Trắng và đề xuất này đã bị phản đối.

Thượng nghị sĩ John McCain bình luận: "Chúng ta không thể tiếp tục hạn chế lực lượng hải quân hoạt động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Điều này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm bởi nó mặc nhiên thừa nhận một lãnh hải 12 hải lý cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp".

Tiến sĩ James Kraska từ Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton ngày 15/9 bình luận trên trang cá nhân tờ The Natinonal Interest, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải có hành động ngay bây giờ cả ở trên không, mặt biển và dưới lòng biển ở Biển Đông một cách thường xuyên, liên tục xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp. 

Chỉ có một sự hiện diện bình thường hàng ngày từ hôm nay mới đảm bảo khả năng dự báo cũng như ổn định cho ngày mai, Kraska nhận định. Theo Tiến sĩ, việc Nhà Trắng ngăn chặn kế hoạch của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho tàu qua lại trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa có thể dẫn đến hệ quả là Nhà Trắng mặc nhiên thừa nhận yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain thì gọi đây là một sai lầm nguy hiểm dẫn đến sự thừa nhận cái gọi là chủ quyền do Trung Quốc tạo ra. Bất kể vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên các bãi đá Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Biển Đông ra sao, Bắc Kinh không có căn cứ pháp lý nào rõ ràng cho yêu sách của họ. 

Các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng là thông qua hành động đơn phương, cưỡng chế, xâm lược. Khi Hoa Kỳ đã không công nhận yêu sách của Trung Quốc với các thực thể này thì Mỹ không có nghĩa vụ phải chấp hành yêu sách 12 hải lý. Lựa chọn này theo đúng tinh thần tự do hàng hải quy định trong Điều 87 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Tiến sĩ James Kraska cũng lưu ý thêm, sau năm 1945 hành động của một quốc gia xâm lược vũ trang và chiếm đóng các thực thể trên biển là bất hợp pháp, vi phạm Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire