12/09/2015

Ts Trần Công Trục: Trung Quốc đã nhảy lên võ đài và ra chưởng ở Biển Đông


Ts Trần Công Trục
 
Tiến sĩ Trần Công Trục,
nguyên Trưởng ban
Biên giới Chính phủ.
(GDVN) - Con sư tử Trung Quốc không còn nằm ngủ. Nó đã thức giấc, vươn vai, giơ nanh vuốt và có những cú tát cú vồ hết sức nguy hiểm.

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bài bình luận của ông về cục diện đối nội, đối ngoại của Trung Quốc hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông. Những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay sẽ khiến ông Tập Cận Bình đẩy mạnh bành trướng ở Biển Đông hay tạm dừng, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
 


Sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc, rối loạn của thị trường cổ phiếu, bong bóng bất động sản, phá giá đồng nhân dân tệ cho đến những tai nạn kinh hoàng như vụ nổ Thiên Tân xảy ra liên tiếp khiến không ít người có cảm giác Trung Quốc đang đứng trước những khó khăn nội tại chưa từng có. Thậm chí có quan điểm cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ và ông Tập Cận Bình đang cố níu giữ cho quả bong bóng khủng hoảng khỏi "xì hơi".

Những biến động trong chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập Cận Bình rõ ràng có tác động, ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế bởi mối liên hệ tương hỗ trong quan hệ giữa các nước hiện nay. Ở Biển Đông, điều này càng trở nên rõ nét nên việc nhìn nhận sao cho khách quan và đúng đắn về những nguy cơ Trung Quốc phải đối mặt có ý nghĩa quan trọng. 

Diễn biến kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Biển Đông?

Ngày 27/8 giáo sư Mỹ người Hoa Bùi Mẫn Hân đã bình luận về nguy cơ "sụp đổ" của nền kinh tế Trung Quốc, ông cho rằng điều này xảy ra có thể "cứu" cả Biển Đông. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta nghĩ nền kinh tế Trung Quốc có thể "sụp đổ" hay một kịch bản tồi tệ nào đó tương tự thì e rằng hơi thái quá, thậm chí là lạc quan "tếu" và dễ dẫn tới tâm lý chủ quan. Tại sao?

Trung Quốc đã thành công trong một phần tư thế kỷ qua về phát triển kinh tế, chỉ trong 10 năm trở lại đây đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Những gì đang xảy ra như truyền thông đề cập, suy giảm tăng trưởng, rối loạn thị trường chứng khoán, bong bóng bất động sản...cũng giống như các "phép lạ" của nền kinh tế Nhật Bản đột ngột kết thúc vào những năm 1990. Lúc đó nhiều người dự báo kinh tế Nhật sụp đổ, nhưng rồi thời gian cho thấy Nhật Bản lại vươn lên mạnh mẽ.

Mặc dù cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ nhiều vấn đề, nhưng với kích thước hiện nay của nó, Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mạng lưới kinh doanh, mặc dù những khó khăn, thách thức đặt ra với họ không hề nhỏ.

Câu hỏi quan trọng hơn đặt ra là, có nước nào được lợi lộc gì nếu xảy ra kịch bản kinh tế Trung Quốc "sụp đổ" như ông Hân nói? Tôi tin là không. Nói nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ có thể "cứu" cả Biển Đông lại càng không. Bởi lẽ Bắc Kinh đã dành 20 năm qua để phát triển sức mạnh quân sự cho mình và đang leo thang quyết liệt ở Biển Đông để theo đuổi yêu sách phi pháp và vô lý - đường lưỡi bò của họ.

Nhiều học giả đã nhận định rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có "truyền thống xì hơi bức xúc của dư luận trong nước ra bên ngoài" như Chiến tranh Trung - Ấn 1962, Chiến tranh Biên giới Trung - Xô 1969, Chiến tranh xâm lược Hoàng Sa -1974, Chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam 1979 đều có mối liên hệ với những nguy cơ khủng hoảng nội tại trong xã hội Trung Quốc.
 
Ông Tập Cận Bình tuần du phương nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải ngay khi lên nắm quyền Chủ tịch Quân ủy trung ương.
 
Nếu theo logic này thì khi kinh tế Trung Quốc "sụp đổ" như giáo sư Hân nói, phải chăng Bắc Kinh sẽ "xì hơi" ra Biển Đông? Nếu điều này xảy ra, không phải cả Biển Đông được cứu mà cả Biển Đông có nguy cơ thành ao nhà Trung Quốc.

Trong trường hợp ngược lại, khó khăn chỉ là tạm thời và những gì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp, thế giới cũng đang gặp và nó không còn là câu chuyện riêng của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao G-20 đã ép Trung Quốc phải cam kết không tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ. Câu hỏi đặt ra là, nếu như trong 3 - 5 năm tới, thậm chí là khoảng thời gian dài hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó khăn, trì trệ thì liệu Trung Quốc có tiếp tục leo thang bành trướng trên Biển Đông hay không?

Với những gì đang diễn ra hiện nay, tôi e rằng xu hướng đáng lo ngại ấy sẽ vẫn tiếp tục.

Trung Quốc còn giấu mình chờ thời hay đã nhảy lên võ đài và ra chưởng?

Nhiều học giả quốc tế đã nhận xét rằng giai đoạn giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã bị Tập Cận Bình đào mồ chôn lấp. Nhưng vẫn có những ý kiến còn băn khoăn cho rằng Trung Quốc với cách hành xử hiện nay thì "còn lâu" mới trở thành cường quốc khu vực chứ đừng nói chuyện đuổi kịp Mỹ hay vượt Mỹ.

Có lẽ có sự nhầm lẫn hay đánh đồng nào đó giữa khái niệm "cường quốc" với chính sách giấu mình chờ thời, và việc "xếp hạng" Trung Quốc có phải cường quốc khu vực, cường quốc thế giới hay không không nên căn cứ vào những giá trị giàu cảm xúc như có trách nhiệm/vô trách nhiệm.

Thực tế kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông đã tập trung phát triển mạnh mẽ sức mạnh quân sự, chú trọng không quân - hải quân - tên lửa chiến lược. Cũng chính ông Bình là người khởi xướng ý tưởng, chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển, công khai hóa và cụ thể hóa cái Bắc Kinh gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi" ở Biển Đông.

Trong quan hệ đối ngoại có thể thấy rõ, với Mỹ thì Trung Quốc thường ra đòn thăm dò phản ứng để điều chỉnh chiến lược. Với các nước láng giềng trong khu vực, Trung Quốc phân hóa rõ nét thành hai nhóm, một nhóm họ xem là thân thiện thì sẵn sàng rót tiền, cung cấp các lợi ích kinh tế cũng như chính trị, điển hình như Campuchia

Nhóm họ xem là đối địch với lợi ích của họ thì rõ ràng ông Tập Cận Bình có xu hướng gạt sang một bên, gây sức ép về cả kinh tế - chính trị - quân sự - ngoại giao. Philippines là trường hợp điển hình nhất. Việt Nam chúng ta cũng đã từng chứng kiến và phải đương đầu với ngón đòn mang tên giàn khoan 981 tháng 5 năm ngoái.

Và hiện tại, bất chấp mọi tiếng nói phản đối của các bên liên quan cũng như dư luận khu vực, quốc tế, Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng và đang quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp với quy mô chưa từng có, tiến tới làm thay đổi cán cân lực lượng ở Trường Sa.

Với những nước cờ rõ ràng như vậy thì không thể nói Trung Quốc còn "giấu mình chờ thời", mà nói như ông Tập Cận Bình, Trung Quốc là con sư tử đã bị đánh thức. Mặc dù ông Bình nói Trung Quốc là con sư tử "hiền hòa". Không những con sư tử thức giấc, mà nó còn nhảy lên võ đài và thực sự đã tung ra những đòn tấn công rất hiểm.

Mặt khác, bối cảnh quốc tế và khu vực, trong nước cũng như ngoài nước cho phép Trung Quốc thi triển điều này. Mỹ đang phải căng mình đối phó với nhiều điểm nóng như Trung Đông, Ukraine, chủ nghĩa khủng bố, đồng thời có nhiều điểm cần phải hợp tác với Trung Quốc. Nga đang khó khăn do phương Tây bao vây, cấm vận và các vấn đề nội tại về kinh tế, các nước trong khu vực ASEAN đang trong giai đoạn giao thời...Với Bắc Kinh, có thể nói là thiên thời địa lợi để thực hiện giấc mơ xưng hùng xưng bá.

Những ngón đòn thâm hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông

Nếu như năm 1956, 1974, 1988 Trung Quốc lợi dụng bối cảnh khu vực và quốc tế để cất quân xâm lược chớp nhoáng, đánh chiếm Hoàng Sa và 6 bãi đá ở Trường Sa thì ngày nay điều kiện không cho phép Bắc Kinh làm như vậy. Nhưng họ lại nghĩ ra chiêu mới nguy hiểm hơn nhiều mà có người gọi là cắt lát xúc xích, có người gọi là chiến lược cờ vây, rồi chiến lược bắp cải.
 
Cảnh sát biển, ngư dân biển trở thành lực lượng chủ lực, đòn âm nguy hiểm đánh vào yếu huyệt đối phương trên Biển Đông. Ảnh: Philnews.
 
Điển hình như việc Trung Quốc cố tình gây sự đưa Philippines vào tròng rồi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trên Biển Đông năm 2012. Mỹ đưng ngoài cuộc không làm gì cả. Sự kiện này trở thành mô hình kiểu mới, thành "đòn âm" nguy hiểm đánh vào trúng yếu huyệt của đối phương. Rõ ràng con sư tử Trung Quốc không còn nằm ngủ. Nó đã thức giấc, vươn vai, giơ nanh vuốt và có những cú tát cú vồ hết sức nguy hiểm.

Vụ giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là một "đòn hiểm" tiếp theo Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, đồng thời cũng nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.

Nó "hiểm" ở chỗ hút hết mọi sự chú ý cũng như nguồn lực của chúng ta vào sự vụ này để rảnh tay làm việc lớn hơn, nguy hiểm hơn ở Trường Sa. Trường hợp Việt Nam phản ứng không đủ mạnh thì họ sẽ còn lấn tới xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam tại đây.

Đòn nguy hiểm nhất của Trung Quốc hiện nay nằm ở các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trên 7 bãi đá chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa. Chắc chắn không lực lượng nào ép được Trung Quốc "trả lại nguyên trạng", đó là còn chưa nói đến hoạt động quân sự hóa, biến chúng thành những pháo đài quân sự nguy hiểm, đe dọa trực tiếp an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tất cả những điều này cho thấy, Trung Quốc đã cởi áo, thượng đài và ra chưởng, không còn phải giấu mình chờ đợi thời thế gì nữa. Các bên liên quan và Việt Nam cần tìm cách đối phó.

Mời bạn đọc đón đọc phần bình luận thứ 2 của Tiến sĩ Trần Công Trục: Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo trên Biển Đông, chìa khóa nằm ở Tập Cận Bình

Ts Trần Công Trục

Nguồn: TheoGDVN

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire