22/11/2015

Có gì mới trong phim Terror in Little Saigon?


Nguyễn Phúc Hiếu 
21-11-2015
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Nguồn: Frontline
Phim Terror in Little Saigon được chiếu ngày 3/11/2015 trên hệ thống PBS truyền hình toàn quốc (Mỹ), mục tiêu là gợi lại cho quần chúng Mỹ thấy 5 vụ ám sát ký giả gốc Việt trên vùng đất định cư của người Việt tỵ nạn cộng sản trong thập niên 1980 mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.  

Khác với luật pháp của nhiều nước, ở Mỹ, hồ sơ những vụ giết người chưa có kết luận không bao giờ bị đóng lại vĩnh viễn. Nó sẽ được mở lại khi có sự kiện mới, hoặc những phương tiện kỹ thuật mới.  



Đây là một cuốn phim phóng sự điều tra, nằm trong chương trình làm sáng tỏ thêm những vụ việc mờ ám chưa có lời giải và nhất là khi tự do ngôn luận trên đất Mỹ bị xâm phạm. Rất nhiều vụ việc đã được ngành tư pháp mở lại hồ sơ nhờ tiết lộ của những cuốn phim thuộc loại này. 
 
Điều ngược đời là đã không có sự tranh cãi trong giới người Mỹ vì họ xem cuốn phim là chuyện bình thường phải làm, trong khi đó trong giới người Việt lại gây ra nhiều tranh cãi.

Cái mới trong phim Terror in Little Saigon

 Có 3 cái mới trong vụ cuốn phim này:

Cái mới thứ nhất được ghi nhận là lần đầu tiên những gì được đồn đãi từ 30 năm nay trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Mỹ được đưa ra cho cả nước Mỹ biết.

Thập niên 1980, ở Orange County, gọi là Quận Cam, vùng tập trung nhiều người Việt tỵ nạn CS nhất thế giới đã, tồn tại một không khí chống cộng, diệt cộng mãnh liệt, đồng thời với một không khí ngột ngạt (hăm dọa, hành hung, tống tiền, ám sát…) cho những ai không đồng ý với tư tưởng “diệt cộng” trên đất Mỹ mà Mặt trận Quốc gia Thống nhất đã bị ông Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh tóm thâu để đại diện cho khuynh hướng này. (những thành viên, tổ chức đồng sáng lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất đã rút ra khỏi tổ chức khi thấy nó xoay chiều qua hướng cực đoan). 

Giữa những năm 90 không khí ngột ngạt vẫn còn mãnh liệt. Chủ tịch của một tổ chức đồng sáng lập Mặt Trận Quốc gia Thống nhất (nay đã rút tên) đã ngao ngán diễn tả không khí ấy với người viết bài này qua câu nói “Quận Cam là vùng gió tanh mưa máu”.  

Bản thân ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận trong Ban Chấp hành Tổng vụ Hải ngoại của Mặt Trận tại San Jose, khi rời Mật trận, theo những người thân cận ông Nghĩa cho biết, đã phải thay đổi tên họ và lẩn trốn trong một thời gian dài, nếu gặp và kêu tên ông Nghĩa, ông ta cũng không quay đầu lại. 

Cái mới thứ hai là việc ký giả A.C. Thompson và giám đốc Richard Rowley khẳng định : trong phần off record (không ghi âm), ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói ông ta đã dự một cuộc họp với những thành viên Mặt trận về việc ám sát một nhà báo ( he had been in a meeting with Front members who talked about killing a newspaper publisher). Ông Nguyễn Xuân Nghĩa phản bác trên tuyền thông là đã không nói điều ấy. Ký giả A.C. Thompson cho rằng họ sẽ vui lòng trả lời thẳng với ông Nghĩa về việc này nếu ông Nghĩa muốn phản bác trực tiếp với họ. (We would be happy to respond directly to Nghia should he want to raise an objection with us).  

Ở đây, nếu ông Nghĩa cho rằng ông bị vu vạ thì ông nên kiện ký giả A.C. Thompson và giám đốc Richard Rowley. Vì khi đó cho phép tòa án trả lời câu hỏi: có vu vạ hay không, và trong trường hợp không có chuyện vu vạ thì ông Nghĩa phải trả lời trước cơ quan điều tra FBI rằng ông đã họp với những ai trong nhóm sát thủ để mở lại hồ sơ các vụ ám sát. Làm như vậy ông Nghĩa sẽ giúp làm sáng tỏ công lý cho gia đình những người đã chết oan uổng vì bất đồng chính kiến trên đất Mỹ và giúp ngành tư pháp Mỹ mở lại cuộc điều tra bị bỏ dở để tìm ra thủ phạm.  

Trong một bài báo về cuốn phim đăng trên Sống Magazine, Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vẩn – Về Bọn Sát Nhân Cầm Máy Của PBS/ProPublica, ông Nghĩa viết:

Họ (chỉ ký giả A.C. Thompson và giám đốc Richard Rowley) cũng không dám nói rằng khi K-9 của ông Phạm Văn Liễu muốn ra tay, đối tượng cái nhóm phiêu lưu này muốn chọn chính là… Nguyễn-Xuân Nghĩa. Về sau, sợ bị FBI điều tra về tội bắn Nguyễn-Xuân Nghĩa (vì đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận trong Ban Chấp hành Tổng vụ Hải ngoại của Mặt Trận tại San Jose), nhóm người này mới nhắm vào các nhà báo “thân cộng”, kể cả Đỗ Ngọc Yến của tờ Người Việt, một bạn chí thiết của người viết này. Và cuối cùng thì Trần Khánh Vân lãnh đạn! “

Viết như vậy ông Nghĩa càng chứng tỏ ông biết ai chỉ đạo nhóm sát thủ và sự kiện ông kể bọn sát thủ muốn ám sát ông chứng tỏ ông không lạ gì nhóm sát thủ này?  

Chấm dứt bài báo nói trên ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Người viết này chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!“.

Hay lắm ông Nghĩa! Nhưng xin ông bắt đầu tiết lộ những gì ông biết về các sát thủ, trước khi dạy bài học cho cộng đồng.

Thực tế là ông Nghĩa cũng như Việt Tân rất sợ làm to các việc ám sát vì lỡ cơ quan điều tra mở lại hồ sơ thì với kỹ thuật tân tiến, có nhiều nguy cơ chủ mưu các vụ ám sát này sẽ lộ diện. Vì thế họ sẽ không dám kiện tụng. 

Chiến thuật duy nhất của ông Nghĩa và Việt Tân là vơ vào cộng đồng, những gì họ cảm thấy chống họ thì họ đẩy sang cộng đồng, có khác nào đảng cộng sản đã đồng hóa đảng với nhân dân, những ai chống lại đảng là chống lại nhân dân. Những ai chống lại ông Nghĩa và Việt Tân là chống lại, bôi xấu cộng đồng! Họ lại còn giở lại ngón đòn chụp mũ của thời kỳ “gió tanh mưa máu“, là việt cộng, tay sai cộng sản,… đối với những người họ không thích. Cũng trong bài báo nói trên ông Nghĩa còn mập mờ chụp mũ tác giả cuốn phim nhận tiền cộng sản khi ông viết:

Người viết này xin trở về chuyện kế toán: người Việt hải ngoại gửi về nhà 14 tỷ đô la. Chế độ cộng sản chỉ dùng 1% của ngân khoản ấy – là 140 triệu một năm – cũng đủ sai khiến các doanh gia hay nhà báo Mỹ đã có sẵn thiên kiến về Việt Nam Cộng Hòa! Sẽ có ngày họ về Việt Nam để lại làm phóng sự về vụ Mỹ Lai mà bỏ qua Mậu Thân 1968 tại Huế…

Đồng thời ông Nghĩa dùng thủ đoạn nhục mạ rằng đây là kiểu phóng sự ba xu”(nikelodeon) mà quên rằng trong “phóng sự ba xu” ấy ông Nghĩa là một nhân vật nổi bật.

Một chiến thuật khác cũng rất rõ là quy kết hết tội trạng cho một người đã quá cố: Đại tá Phạm Ngọc Liễu. Khi ông Liễu còn sống, ông Nghĩa có lẽ đã “mắc bệnh câm, điếc hay mù” (nguyên văn lời ông Nghĩa) nên không thấy ông tố cáo gì. 

Cái mới thứ ba là phản ứng của cộng đồng. Nhiều người công khai không chấp nhận ở một nước tự do dân chủ đa nguyên đa đảng như Mỹ mà lại tiếp tục xử sự như ở Miền Nam trước ngày 30/4. 

Điển hình của phản ứng này được viết lên trên FaceBook Thu Ngoc Dinh tựa: Về phim “Khủng bố ở Little Saigon”, xin phép tác giả cho đăng lại nguyên văn dưới đây:

“Quan điểm của mình về sự kiện Frontline công chiếu bộ phim “Khủng bố ở Little Saigon” là: bất cứ kẻ nào liên quan tới nhóm sát thủ, khủng bố và thủ tiêu các nhà báo và những công dân vô tội khác, đều phải bị đưa ra trước ánh sáng công lý.

Mỹ là đất nước có luật pháp và luật pháp đó áp dụng cho tất cả mọi người, từ người dân thường cho tới tổng thống Mỹ. Cho dù người bị giết có quan điểm ủng hộ CS đi nữa, họ không đáng phải bị giết một cách mờ ám, không thông qua một bản án có hiệu lực của tòa án Mỹ.

Quyền được nói của những người dân sống trên đất Mỹ được bảo vệ bởi Tu Chính án thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Những người sống trên đất Mỹ có quyền lên tiếng mà không sợ bị ai đe dọa giết. Đó là lý do đất nước này khác với các nước khác.

Những người dân sống trên đất nước này khó có thể chấp nhận chuyện giết người vì khác quan điểm, như những nhà báo đã bị ám sát trong phim “Khủng bố ở Little Saigon”. Bất kể những kẻ sát nhân kia là ai, bất kể lý do gì mà họ nhân danh, họ đã vi phạm luật pháp nước Mỹ!

Nếu ai đó nghĩ rằng, nhóm ám sát có tên K9 đó được phép tồn tại trên đất nước Mỹ, thì những người này nên quay về Việt Nam sống, vì nhà cầm quyền Việt Nam cho phép những băng đảng, hành xử theo kiểu xã hội đen như vậy tồn tại, những kẻ mới vừa khủng bố, đánh đập hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân. Nhưng luật pháp Mỹ không cho phép những băng đảng như thế tồn tại!

Vì sao những kẻ thủ ác đó đã ở ngoài vòng pháp luật quá lâu? Vì nạn nhân và gia đình của họ bị đe dọa, bị khủng bố, nên họ sợ bị giết tiếp? Nếu đúng như vậy thì nước Mỹ đã thất bại trong việc bảo vệ những nhà báo kia và những người dân lành vô tội đã bị giết chết một cách oan ức.

Có ý kiến cho rằng, có thể chính phủ Mỹ lúc đó ủng hộ tổ chức có liên quan đến các vụ giết người được nhắc đến trong phim, nên những vụ giết người kia không được đưa ra ánh sáng. Nếu có chuyện này thì đó là sai lầm của chính phủ Mỹ vào những năm 1981-1990 và chính phủ Mỹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã ủng hộ những kẻ làm sai. Việc làm của các nhà báo Mỹ thực hiện cuốn phim này giúp lên án thái độ của chính phủ Mỹ thời đó, đã để tội ác diễn ra trong một thời gian dài.

Không thể nhân danh mục đích tốt đẹp để thực hiên những hành vi xấu xa. Những người Cộng sản sử dụng phương châm: “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ, chống lại cái xấu của CS, không nên làm như CS, bởi làm như vậy, chúng ta chẳng khác gì CS!”

Thời này chắc số người sợ Mặt trận Hoàng Cơ Minh cũng đã giảm đi. Tuy nhiên, theo Giám đốc Rick Rowley, được phỏng vấn qua clip đài MSN về phim Khủng bố ở Little Saigon cho biết, khi làm phóng sự này, có nhiều người vẫn còn sợ, không dám lên tiếng hoặc nói với thái độ e dè. Ngày nay, thành viên Mặt trận chuyển hết sang Việt Tân, hai tên gọi này tuy hai mà một. Chắc mọi người còn nhớ việc ông HCM (không phải Hồ Chí Minh) gửi thư chúc tết đồng bào hải ngoại, các cháu nhi đồng nhân dịp Trung thu trong thời gian ông đã …hy sinh ở Lào. Hai năm sau tin ông chết, người viết bài này trong lúc vui vẻ đặt câu hỏi về tin ông hy sinh với một thành viên Ban chấp hành Trung Ương Việt Tân thì được trả lời rằng “HCM không chết vì tụi tao vừa nhận được cú điện thoại của ông Minh tuần rồi.”. Anh bạn này không phải “nhà báo nói láo ăn tiền” mà là một lãnh tụ chính trị hẳn hoi!

Thay lời kết

 Có thông tin cho rằng hiện nay Tổ chức Việt Tân là một tổ chức duy nhất ở hải ngoại có tiền trả lương cho một số đảng viên hoạt động toàn thời.  

Thông tin cũng cho rằng Việt Tân có một số đảng viên không ra mặt, những người này được giúp đỡ phương tiện, tiền bạc để len lỏi vào các tổ chức…chống cộng khác, hoặc tổ chức đấu tranh cho dân chủ, dân quyền nhằm giựt dây, tuyên truyền, lũng đoạn, gây chia rẽ nội bộ, tranh giành ảnh hưởng để nắm được quyền lãnh đạo duy nhất. Nếu thế thì họ đã học được và xứng đáng là cháu ngoan Bác HCM. (Hồ Chí Minh) 

Cũng theo thông tin trên, khác với thời chiến tranh lạnh (1980-1990), Mỹ hiện nay ủng hộ một chính phủ VN thân Mỹ, họ không muốn xóa bài làm lại từ đầu và họ đã nhắm được người. Mỹ không muốn ai làm trở ngại cho chính sách của họ, nên họ không cần đến những tổ chức quá khích kiểu Mặt trận/Việt Tân như trước kia nữa. Nếu thông tin này là chính xác, có lẽ phim “Terror in Little Saigon” là sự dằn mặt đối với một tổ chức bị dư luận nghi là có dính dáng đến những vụ ám sát các ký giả chống cộng, nhưng không đồng quan điểm, ở thập niên 1890.

Về phần chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng: Để xây dựng một đất nước Việt Nam tự do dân chủ văn minh tiến bộ nhằm mưu cầu hạnh phúc cho dân, cần phải gạt bỏ đường lối theo Tàu của đảng cộng sản hiện nay, gạt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê.  

Nhưng những tổ chức chủ trương lừa dối, không lấy chữ tín làm đầu, những tổ chức lấy sự đe dọa cộng đồng thay cho sự thu phục nhân tâm làm trọng, những tổ chức với não trạng cực đoan lấy “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, thì chúng tôi không thể nào chấp nhận. Nếu những tổ chức như thế nắm được chính quyền, đất nước cũng sẽ lại rơi vào đại họa. 

Đất nước này đã đau khổ triền miên, sau khi đã dứt khoát xem chủ nghĩa cộng sản là một đại họa, chúng tôi cũng dứt khoát từ chối bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, đến đất nước này với một hành trang không trong sáng.
 
Nguyễn Phúc Hiếu 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire