24/04/2016

Sau họp báo vụ khởi tố chủ quán cà phê "Xin chào": Giới luật sư, chuyên gia kinh tế không đồng tình với tướng Phan Anh Minh

Phương Dung

“So với hàng triệu hộ kinh doanh thì đúng như lời bên công an nói đây chỉ là một vụ án cực nhỏ, vô cùng nhỏ, nhưng nhỏ đến mức không đáng tội mà phải đi làm như thế để gây ra ảnh hưởng lớn, lớn hơn cả những vụ thiệt hại tiền tỉ", Luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
 
Quán cà phê Xin chào của anh Tấn liên tục bị cơ quan chức năng "hỏi thăm" kể từ khi khai trương.




Liên quan tới vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM) đang gây xôn xao dư luận, sáng nay (21/4), Công an TPHCM đã tổ chức buổi họp báo thông tin chi tiết vụ án. Tại đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an thành phố - khẳng định việc khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê - dù hơi vội vàng và cứng nhắc nhưng là có cơ sở, có căn cứ.

"Hộ ông Tấn là kinh doanh cố định và có pha chế nên thuộc diện phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Tấn hiểu rõ quy định này nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh khi chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm”, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết.

Ông Minh cũng cho rằng đây là vụ việc "nhỏ như móng tay", báo chí không nên thông tin quá đà gây nên những suy diễn không tốt. Ông cho biết sẽ tham vấn cho Viện Kiểm sát thành phố để có kết thúc phù hợp, nhưng quyết định thế nào là ở Viện Kiểm sát.

Hỏng từ gốc

Chia sẻ với Dân trí, LS Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Nói về câu chữ, dấu hiệu thì có thể nói thế nào cũng được, vụ án này có thể khởi tố và có thể xét xử nhưng đánh giá mức độ như thế nào, toà tuyên ra làm sao vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tinh thần, nguyên tắc đã hỏng từ "cái gốc”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, xử lý hình sự được tiến hành với các hành vi, hoạt động nguy hiểm cho xã hội, cần phải trừng trị, ngăn chặn. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án với chủ quán cà phê Xin Chào không có yếu tố này.

Ông Đức cũng cho rằng: “Vô lý ở chỗ ti tỉ ông gây nguy hiểm thì không sao. So với hàng triệu hộ kinh doanh thì đúng như lời bên công an nói đây chỉ là một vụ án cực nhỏ, vô cùng nhỏ, nhưng nhỏ đến mức không đáng tội mà phải đi làm như thế để gây ra ảnh hưởng lớn, lớn hơn cả những vụ thiệt hại tiền tỉ. Vụ án này không thiệt hại đồng nào nhưng ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh, mong muốn của hàng chục triệu người dân và gây tâm lý hoảng loạn không đáng có".

“Nhức nhối nhất và đáng nói nhất là tội “kinh doanh trái phép” Quốc hội thấy vô lý đã bỏ quy định đó đi và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Nếu làm đúng theo luật thì tới ngày 30/6 cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố nhưng với một quy định chỉ chờ ngày chờ giờ để bỏ đi thì không ai đi làm như thế trong lúc này cả”, ông nói.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn: “Vụ việc này Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã có ý kiến rồi. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, hành xử như vậy là quá độc đoán, cửa quyền, cần phải có xử phạt thật nặng. Chúng ta nói về cải thiện môi trường đầu tư nhưng như vậy thì còn cải thiện gì nữa, ở đây chỉ là tăng thêm rào cản, làm thui chột ý chí kinh doanh của người dân”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong thì đắn đo: “Thức ăn chủ quán bán có dùng chất gì gây nguy hiểm hay không? Còn nếu chỉ thuần tuý bình thường thì không phải đáng thế, chỉ nên phạt nhẹ thôi và không cần hình sự hoá, trừ khi có những thông tin nào đó chưa nói hết”.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hải, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói ngắn gọn: “Cộng đồng doanh nghiệp nói chung, không kể lớn nhỏ vừa, Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển vì đây chính là động lực cho phát triển kinh tế. Dĩ nhiên là trong quá trình kinh doanh có thể xảy ra sai phạm, tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu thông tin kĩ càng hơn, rõ ràng hơn".

“Về các chính sách hướng dẫn doanh nghiệp trong việc đăng ký thủ tục kinh doanh hay các giấy tờ liên quan như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện đã có nhưng việc hoàn thiện chính sách còn là con đường dài. Trong lúc đó, tôi chỉ có ý kiến là cần thông tin nhiều hơn, rõ hơn với doanh nghiệp và người dân”, ông Hải nói thêm.

Vụ việc nhỏ ? Công an không hình dung hết sự hoang mang của gia đình ông Tấn

Tham gia phân tích dưới góc độ pháp ký, Luật sư Trần Minh Hùng – Phòng luật Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc công an huyện Bình Chánh dựa vào biên bản kiểm tra lần 2, xác định ông Tấn không có giấy phép đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm để xác định ông Tấn kinh doanh trái phép là không đúng.

"Theo Thông tư 26/2012/TT-BYT thì ông Tấn có thời hạn hơn 30 ngày để nộp hồ sơ xin được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cơ quan công an lại tiến hành kiểm tra lần 2 cách lần 1 chưa đầy 1 tháng thì ông Tấn không thể cung cấp được Giấy chứng nhận áp dụng quy định :Đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm", luật sư Hùng phân tích.

Hơn nữa, theo luật sư Trần Minh Hùng, theo Luật An toàn thực phẩm hiện hành và các văn bản hướng dẫn kinh doanh thực phẩm chỉ quy định ngành nghề này phải có Giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, đây không phải là giấy phép. Một khi Giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là giấy phép thì không thể áp vào trường hợp vi phạm kinh doanh không có giấy phép riêng để xử hình sự ông Tấn theo Điều 159 Bộ luật hình sự hiện hành.

“Tôi nghĩ có lẽ phía công an cho rằng vụ việc này nhỏ nhưng lại không đứng dưới góc độ và hoàn cảnh ông Tấn nên có thể chưa hiểu hết sự hoang mang, lo lắng của gia đình ông Tấn khi vướng vào lao lý. Hơn nữa việc này liên quan đến tội kinh doanh trái phép, Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ tội này và Hiến pháp, Luật doanh nghiệp 2014 đang khuyến khích phát triển kinh doanh nên việc khởi tố 1 người chỉ vì bán phở theo tôi không thể nói là nhỏ được.Việc này còn ảnh hưởng nhiều đến nhiều vấn đề khác từ kinh doanh, giấy phép và dư luận”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phương Dung
Nguồn: Theo Dân Trí
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire