16/06/2016

Siêu “loạn” xe công, cá nục nhiễm Phenol “không độc” và hàng ngàn tỷ đồng thua lỗ mang dấu ấn Bộ Công


 Hoàng Văn Minh (tổng hợp)


Bộ Nông nghiệp hiện dư thừa hàng trăm chiếc xe công.

Những tưởng chuyện cá nục nhiễm độc ở Quảng Trị đã là kết luận cuối cùng nhưng hóa ra không phải. Hóa ra chuyện “loạn” xe công không chỉ là chuyện riêng của ông Phó chủ tịch, của Hậu Giang hay Sóc Trăng mà là chuyện “loạn” của cả nước khi “đụng đâu sai đó”. Hóa ra mấy doanh nghiệp thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng đều có dấu ấn của Bộ Công trong việc nhân sự "ấn xuống". Hóa ra anh thượng sĩ Công an trộm tang vật buôn lậu bán cho dân buôn lậu ở An Giang vừa có đơn nói “em không ăn trộm một mình” mà ăn trộm theo chỉ đạo của cấp trên… 

 

1. Bộ càng lớn, “loạn” xe công càng nhiều

“Loạn” xe công, không chỉ là những ví dụ nhỏ lẻ về cái xe biển trắng đi mượn biển xanh để “tiện công tác” của ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang hay lấy tiền nộp phạt giao thông mua xe xịn ở Sóc Trăng…

Mà “loạn” lớn đang xảy ra ở những bộ lớn!

Thì đây, Bộ Tài chính vừa phát văn bản yêu cầu hai “siêu bộ” là Bộ Nông và Bộ Công rà soát, sắp xếp lại lượng xe công bởi lý do trước đó tự xác định “nhầm” tiêu chuẩn, định mức khiến lượng xe công dư thừa lên đến hàng trăm chiếc.

Cụ thể, Bộ Nông đang thừa 267 xe công phục vụ và 39 xe chuyên dụng. Bộ Công đang thừa 57 xe phục vụ chung. Và thay vì bán thanh lý số xe thừa này, Bộ Nông lại có một  đề nghị sai quy định về việc các đơn vị thuộc Cục, Viện thuộc Bộ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo dưới 0,7 được tiếp tục sử dụng số xe hiện có.

Và mặc dù thừa xe nhưng Bộ Công vẫn tiếp tục đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu xe ô tô so với định mức.

“Loạn” xe công cũng không phải là chuyện riêng của hai “siêu bộ” mà tình trạng mua sắm, sử dụng xe công ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay có thể nói "đụng đâu sai đó".

Trong đợt rà soát, sắp xếp lượng xe công do Bộ Tài chính đã và đang tiến hành, hầu như nơi nào đã thực hiện rà soát, nơi đều có nhiều vi phạm về tiêu chuẩn, định mức mua sắm, sử dụng xe theo Quyết định 32/QĐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành.


2. Cấp biển xanh từ năm 2013 và chuyển công tác liên tục trong 3 năm

Chuyện khó tin về chiếc Lexus 570 biển xanh được “hóa kiếp” và ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đúng là kể cả ngày không hết.

Hôm qua thì Tuổi Trẻ phát hiện theo giấy tờ do công an cấp, xe Luxes 570 này sản xuất năm 2012, có số máy 3UR3137795, số khung JTJHY7AX3D4102971 được Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cấp biển số (29A-790.93) lần đầu vào ngày 24.5.2013 cho ông Nguyễn Đặng Toàn (thường trú số 50 Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Hà Nội).
 
Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang từ năm 2015 nhưng trước đó 2 năm, năm 2013, chiếc Luxes của ông đã được Công an tỉnh này quy hoạch cấp biển số?

Nhưng chỉ một ngày sau đó, ngày 25.5.2013, hồ sơ chiếc xe biển trắng của ông Toàn đã vượt hàng ngàn cây số để chuyển vào tận Hậu Giang và mang tên chủ sở hữu mới là Phòng hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang với biển số mới là 95A-0699 do thượng tá Võ Chí Thanh - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang - ký tên cấp.

Điều đáng nói, giai đoạn này ông Trịnh Xuân Thanh đang công tác tại Bộ Công thương, nhưng trong các lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây chính ông Trịnh Xuân Thanh và các lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đều khẳng định việc cấp biển số xanh 95A-0699 cho chiếc xe Lexus cho ông Thanh đi lại khi ông Thanh vào nhận nhiệm vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào tháng 5.2015!

Hoa ra người chưa được quy hoạch, nhưng xe thì đã được quy hoạch từ trước đó 2 năm!

Nhắc chuyện qua hoạch, lại không thể không kể sau khi rời ngành Dầu khí và trước khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển 3 chức vụ khác nhau ở Bộ Công trong vòng 3 năm gồm: Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng bộ (dạng điều động) và Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.

Và mỉa mai thay là trước đó, trong 5 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Thanh đã góp phần làm cho đơn vị này lỗ lũy kế hơn 3000 tỷ đồng!


3. Mang họ Vũ và 25 tuổi bổ nhiệm làm giám đốc đúng hay sai?

Nhưng việc đưa đi làm lãnh đạo doanh nghiệp gây thua lỗ te tua rồi rút về làm lãnh đạo ở Bộ Công như ông Trịnh Xuân Thanh không phải là trường hợp cá biệt trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng .

Bằng chứng là mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản về nhân sự tại Sabeco gửi đích thân ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công và bà Hồ Thị Kim Thoa, đương kim Thứ trưởng.


Tại văn bản, VAFI cho biết, năm 2015, một người cùng họ với ông Vũ Huy Hoàng là ông Vũ Quang Hải, khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công điều động về Tổng Cty Cổ phần Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc và tiến tới có thể bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Sabeco.
 
Ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Sabeco năm 25 tuổi là đúng hay sai?

Trước đó, năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVFI, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.

Theo VAFI, PVFI dưới sự “chèo lái” của ông Vũ Quang Hải, năm 2011 đã lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng, qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.

Sau đó, ông Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và thời điểm này theo VAFI, PVFI đã “gần như tê liệt hoạt động và đã ở tình trạng phá sản”, dù là công ty đại chúng nhưng mọi thông tin về PVFI đều bị “bưng bít” khi ông Vũ Quang Hải nắm quyền.

Theo đó, VAFI đưa ra hàng loạt câu hỏi cụ thể như “việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?”.

VAFI cũng đặt câu hỏi: cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách lại đang chịu án kỷ luật tại PVFI vì theo quy định Tổng giám đốc làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức.

Ngoài ra, VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco.

Mấy ông VAFI cũng kỳ cục. Sao những câu hỏi này không hỏi lúc ông Vũ Huy Hoàng còn làm Bộ trưởng và ngay khi ông Vũ Quang Hải mới được ấn xuống?

Vậy là đường đi của ông Trịnh Xuân Thanh đến ông Vũ Quang Hải đều có dấu ấn của Bộ Công thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng. Nhưng đằng sau dấu ấn này là chuyện gì? Câu trả lời lại là những khoảng trống giữa hai dòng chữ!


4. Công an trộm xe tang vật buôn lậu bán cho... dân buôn lậu

Nguyễn Phước Tiền, một thượng sĩ thuộc Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang vừa bị kỷ luật với hình thức tước quân tịch và khai trừ Đảng do đã lấy trong kho 13 xe máy là tang vật buôn lậu sau đó đem bán lại cho… dân buôn lậu để lấy tiền tiêu xài.

Tha hóa đến thế là cùng!

Nhưng chuyện hay đến đây vẫn chưa hết bởi Nguyễn Phước Tiền vừa làm đơn khiếu nại án tước quân tịch và khai trừ Đảng gởi Công an tỉnh An Giang với lý do: Số lượng tang vật lớn như vậy một mình Tiền thì không thể tự ý lấy ra.


Bãi xe tang vật của công an thị xã Tân Châu.
Theo đơn khiếu nại của Nguyễn Phước Tiền, số tang vật 13 xe máy anh ta  đem bán và đem cho đều theo chỉ đạo của cấp trên. Số tiền bán xe cũng được giao hết cho cấp trên chứ Tiền không giữ.

Trả lời khiếu nại của Tiền, ông Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang nói xử vậy là nhẹ, là do gia đình có công chứ đúng ra phải truy tố nhưng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Công an tỉnh làm rõ.

Tiền ơi là Tiền, em “chết” một mình được rồi, em kéo theo các anh làm gì? Các anh cũng là con người, các anh còn có gia đình vợ con và cả sự nghiệp ở phía trước…

Là lời của các anh chưa bị lộ!



5. Ấn tượng trong ngày: Địa phương nói độc, Trung ương nói không!

Chiều muộn hôm qua (13.6), Cục phó cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Hùng Long khẳng định với lượng 0,037 mg/kg phenol có trong cá nục ở Quảng Trị không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Long cũng cho biết thêm, với mức phát hiện 0,037mg so với 0,18mcg thì nếu trung bình một người Việt nặng 50- 50kg, mỗi ngày ăn 2 lạng cá, ăn hàng ngày có chứa chất này vẫn ở dưới mức 0,18 thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.


Tuy nhiên cũng trong chiều qua, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị một lần nữa khẳng định Phenol phát hiện trong lô cá nục là độc, cần tiêu hủy để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
 
Trong khi ông Cục phó Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm nói cá nục nhiễm Phenol ở Quảng Trị không độc thì một lần nữa Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị khẳng định là có độc.

Ông Thành cho biết, kết luận trên được Sở Y tế căn cứ  vào các văn bản liên quan hiện tại về quy chuẩn Việt Nam (QCVN) quy định hàm lượng Phenol trong một số loại hình như: Hàm lượng Phenol có trong nước biển là 0,03 Miligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng Phenol và dẫn xuất Phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); Hàm lượng Phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa Phenol là 5 microgam/l (QCVN 12-1: 2011/BYT).

Căn cứ vào đó, sẽ thấy Phenol được phát hiện trong mẫu cá đại diện của lô hàng 30 tấn cá nục suôn có hàm lượng 0,037 Miligam/kg là lớn hơn nhiều lần so với QCVN về Phenol trong nước biển, trong nước ăn, trong bao bì.

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, ông nói vịt bà nói gà, chúng tôi biết tin vào ai đây hả giời?

 
 


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire