09/06/2016

Trí Việt không thể là một trí thức cưu mang hận thù


Hồ Phú Bông

Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: internet
Nhà văn Nguyên Ngọc, mà báo chí trong nước gọi ông là “Cây xà nu Tây Nguyên”, trong bài viết “Về trường hợp Bob Kerrey”, đã kết luận: “Còn riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng ‘nấp’ trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi? Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…”



Sau khi dẫn chứng rất chi tiết thái độ của ông Kerrey khi hồ sơ về nạn nhân tại Thôn Thạnh Phong tháng 2/1969 được đưa ra ánh sáng! Là, ông không muốn bất cứ ai tìm cách thanh minh hộ ông vì ông trong toán lính biệt kích SEAL hôm đó!

Ông xác nhận là “có tội” và “đã xin lỗi nhiều lần”. Một mặt là mặc cảm tội lỗi, mặt khác là hướng về tương lai nơi mình đã gây ra, cho đất nước và con người Việt Nam. Việc làm đó tự nó đã nói thay cho tất cả. Vì, không ai có thể thay đổi được quá khứ mà chỉ có thể học hỏi từ quá khứ để thay đổi tương lai.

Điều ông Bob Kerrey đã làm cật lực với một thời gian dài đằng đẵng mới có kết quả như hiện tại nhưng tại sao lại biến thành “vấn đề”? Vấn đề chỉ vì một chức vụ của Đại học Fulbright tại Sài Gòn!

Còn, cũng với cùng một thời gian như vậy, chế độ cộng sản đã làm gì?

Về mặt chính trị, quân sự, kinh tế… thì vẫn tìm mọi cách nhờ vả Hoa Kỳ. Điển hình là liên lạc con thoi để có được TPP hay lệnh bỏ cấm vận vũ khí sát thương! Trong khi đó thì báo đài vẫn tuyên truyền hàng ngày về tội ác của đế quốc Mỹ, đặc biệt như diễn văn của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trong lễ 30 tháng Tư năm 2015, tức là tròn 40 năm ngày 30 tháng Tư! Đó chính là điều chế độ muốn đảng viên khắc cốt ghi xương, đã đành, nhưng họ vẫn cố gắng khắc ghi vào trí não lớp người trẻ Việt Nam mới nghiêm trọng!

Đấy là một việc làm vô nhân tính không những đối với tương lai dân tộc mà với cả lương tri nhân loại! Khi một trẻ thơ bị đầu độc bởi sự căm thù thì em đó lớn lên sẽ mãi mãi sống trong thù hận. Sự căm thù sẽ biến em như loài thú hoang nhưng phải sống giữa xã hội loài người!

Nhìn tội ác man rợ đang phát triển trong xã hội hiện tại mà lúc cộng sản chưa cướp được chính quyền gần như chẳng bao giờ nghe thấy! Đấy là nguyên nhân truyền thống Nhân hòa trong xã hội đã bật gốc!

Điều đó vẫn đang còn xảy ra, là cách chế độ đối xử với đồng bào miền Nam từ sau ngày 30 tháng Tư!

Trí não của bà từng là “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ” có nhiệm vụ đi giải độc cho chế độ, vừa phát biểu: Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?đã cho thấy cốt lõi của vấn đề. Một người có nhiệm vụ giải độc mà lòng dạ vẫn đầy thù hận, dù chính bản thân bà không phải là nạn nhân trực tiếp, đã cho thấy giữa Nói và Làm của người cộng sản hoàn toàn trái ngược nhau!

Thử so sánh thực tế đời sống của bà với nhà văn Nguyên Ngọc để thấy rõ hơn.

Về kinh nghiệm chiến trường là căm thù và máu lửa thì bà Tôn Nữ Thị Ninh là con số zero tròn trĩnh so với ông Nguyên Ngọc, một “cây xà nu Tây nguyên”! Bà đặt câu hỏi: “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?” là mạ lỵ dân tộc Hoa Kỳ, trong khi đó ông Nguyên Ngọc lại ca ngợi sự ăn năn, là hành động nhân bản.

Một bên là thành phần trí thức được chế độ miền Nam cho đi du học, một bên là từ miền Bắc quay trở lại miền Nam, đổ máu xương trực tiếp trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn!

Thế nhưng, người tốt nghiệp từ phương Tây vẫn giữ sự căm thù mà chính đương sự không mảy may va chạm. Còn người trực tiếp với máu lửa lại thấu hiểu được tâm trạng bị dằn vặt đau đớn mang tên “Bob Kerrey”. Từ hiện tượng “Bob Kerrey” đó, ông Nguyên Ngọc đã thức tỉnh về việc chính ông cũng “nấp” trong dân, biến họ thành những tấm bia thịt, để sau đó tuyên truyền.

Mà chỉ thuần túy tuyên truyền chứ chế độ không hề tỏ ra hối tiếc, không hề biết xin lỗi!

Điều khác nhau căn bản là người ‘vô can’ thì vẫn căm thù, còn người trực tiếp máu xương lại ca ngợi tính nhân bản của “người có nợ máu”!

Dù gì thì trí thức salon cũng như trí thức nhập cuộc xã hội chủ nghĩa cũng đã hoàn thành sứ mạng. Là giết được chế độ Tự do Dân chủ còn non trẻ của miền Nam! Công trạng đó tưởng họ phải hãnh diện suốt đời nhưng mấy ai ngờ lại có lúc phải tự vấn lương tâm?

Nhân danh tranh đấu cho Tự do, Dân chủ để giết chết Dân chủ Tự do! Nhân danh tranh đấu giải phóng cho nông dân, công nhân, để toa rập với tư bản bóc lột một cách trắng trợn và tàn tệ! Nhân danh “rừng vàng” phải bảo vệ để bây giờ bán rẻ mạt cho kẻ thù và thảm họa khôn lường không tránh khỏi. Nhân danh “biển bạc” thì hàng trăm ngàn tấn cá chết vì bị ô nhiễm môi trường mà 2 tháng qua vẫn chưa dám công bố nguyên nhân. Ngư dân bị tàu “lạ” cướp, bắn, giết giữa ngư trường mà nhà nước không hề dùng vũ lực bảo vệ, trái lại chỉ dùng nó như là điểm mấu chốt để chứng minh cột mốc chủ quyền!

Là, cũng dùng cái chết của người dân để tuyên truyền như trong thời nội chiến!

Đã thế khi người dân xuống đường bày tỏ chính kiến thì bị vu vạ, bị trấn áp tàn nhẫn với đủ thứ luận điệu bẩn thỉu, đê tiện!

Lòng dạ của một cấp lãnh đạo từng là “Đại sứ toàn quyền” về ngoại giao mà không hề có một tiếng nói nào về thực trạng bi đát đang xảy ra, lại đi phản đối về một chức vụ, chỉ một chức vụ mà thôi, của một đại học danh tiếng Fulbright vừa mở với mục đích sẽ mang lại kiến thức thực sự cho thế hệ tương lai Việt Nam, đã phản ánh bộ mặt thật của chế độ.

Dùng “bia thịt” của đồng bào để đạt được chiến thắng quân sự thì chiến thắng đó chỉ nhất thời. Vì thế, người của phe chiến thắng đã bắt đầu tự đặt câu hỏi về việc phung phí máu xương vô bổ đó, đã cho biết chiến thắng sau cùng phải thuộc về Lương Tri!

Ông Muhammad Ali, một tay boxing Hoa Kỳ lừng danh, mới qua đời hôm qua, báo chí khắp nơi đang nói về ông. Họ không nói nhiều về chiến thắng bằng sức mạnh và kỹ thuật nhưng ông được nhắc đến với sự kính trọng (Greatest) vì đời sống ông đặt trên thương yêu. Ông đã sống và đã để lại nhiều câu nói nổi tiếng, trong đó có câu: “I wish people would love everybody else the way they love me. It would be a better world”! Nghĩa là: Tôi mong ước mọi người yêu thương nhau như họ yêu thương tôi. Thế giới này sẽ tốt hơn!

Vâng, hận thù và bạo lực phải được thay thế bằng ăn năn thống hối và tha thứ. Chỉ có thương yêu mới tồn tại. Nhưng tiếc thay bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn cưu mang thù hận! Bà đã từng lý luận về những đòi hỏi chế độ mà bà đang phục vụ phải tôn trọng Nhân quyền với tuyên bố thẳng thừng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.

Thử hỏi bà là ai, đảng của bà là ai mà dám coi người dân như “… con, cháu hỗn láo…” và trừng trị theo cách riêng của đảng bà? Một người như vậy không phải là trí thức thiểu năng thì gọi là gì?

Câu kết của bài Về trường hợp Bob Kerrey “…Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…” không phải chỉ của riêng nhà văn Nguyên Ngọc mà phải là của tất cả mọi người đã vấy máu vô tội của nhân dân!

Đấy mới là Trí Việt chứ không phải giấc mơ thành lập Đại học Trí Việt của một người còn cưu mang hận thù!

H.P.B.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire