26/09/2016

Tư lệnh Hải quân hơn 80 nước họp tại Mỹ bàn cách chống chiến tranh ở Biển Đông


Hồng Thủy

(GDVN) - Giám đốc Học viện Chiến tranh Hải quân, Đô đốc Jeffrey Harley nhận định: "Một số người tin rằng, một cuộc xung đột với Trung Quốc chắc chắn không thể tránh...

Nikkei Asian Review ngày 21/9 đưa tin, Tư lệnh Hải quân từ hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tập trung tại Hoa Kỳ tuần này để thảo luận về các tranh chấp, căng thẳng và nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Trong bối cảnh ám ảnh xung đột Trung - Mỹ trên Biển Đông ngày càng tăng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh được xung đột, đối đầu.
 
 


Nhiều khả năng cả hai phía Washington và Bắc Kinh đều đang thiếu một phương tiện để ngăn chặn chính mình rơi vào một cuộc chiến ở Biển Đông.

Đây là một hội nghị quốc tế được tổ chức hai năm một lần tại Học viện Chiến tranh Hải quân.

Kết quả từ những phiên hội thảo và các hoạt động nghiên cứu chiến lược tương tự sẽ được báo trở lại Lầu Năm Góc, làm căn cứ sử dụng lập kế hoạch phòng thủ chiến lược cho hải quân Mỹ.


Ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc họp tại Hoa Kỳ, ảnh: Nikkei Asian Review.

 

Hội nghị Tư lệnh Hải quân diễn ra từ 21/9 đến 23/9 sẽ tập trung vào vấn đề tự do hàng hải. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng được mời tham dự hội nghị.

Lo ngại nguy cơ chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông gia tăng

Mỹ lập luận rằng, hoạt động xây dựng các tiền đồn quân sự (bất hợp pháp) và đòi yêu sách 90% diện tích Biển Đông từ phía Trung Quốc đang đe dọa tự do hàng hải, thương mại quốc tế.

Giám đốc Học viện Chiến tranh Hải quân, Đô đốc Jeffrey Harley nhận định: 

"Một số người tin rằng, một cuộc xung đột với Trung Quốc chắc chắn không thể tránh khỏi. Trong khi một sức mạnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể tìm thấy không gian trên thế giới bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế."

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, "luật pháp quốc tế" theo cách hiểu của Trung Quốc là không hợp lệ. Trung Quốc bác bỏ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông hôm 12/7.

Rand Corporation, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ nhận định, quân đội Hoa Kỳ sẽ chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc chiến nào ở thời điểm hiện nay (với Trung Quốc), hơn là đợi 1 thập kỷ nữa tính từ bây giờ, khi quân đội Trung Quốc lớn mạnh hơn.

Năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Belfer thuộc Đại học Harvard công bố một kết quả nghiên cứu, trong đó nhận xét, nhiều trường hợp một siêu cường mới nổi thách thức một siêu cường hiện có, thường cuối cùng hay nổ ra chiến tranh.

Trong thế kỷ trước, điều này ứng với trường hợp của nước Đức ở châu Âu và Nhật Bản ở châu Á. Graham Allison, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết:

"12 trong số 16 trường hợp trong 500 năm qua đều có kết quả là chiến tranh nổ ra. Để tránh được chiến tranh, đòi hỏi các bên nỗ lực rất lớn, điều chỉnh thái độ và hành động."

Tính đến nay, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều chưa điều chỉnh thái độ hay hành động, chủ yếu vì hai bên nhìn nhận vấn đề Biển Đông theo các lăng kính khác nhau.

Mỹ xem Trung Quốc là kẻ đang chống lại một hệ thống quốc tế tự do. Còn trong mắt Bắc Kinh, kiểm soát Biển Đông không phải là ý thức hệ, mà để tránh lặp lại "thế kỷ bị sỉ nhục".

Tuy nhiên ngoài sự cạnh tranh của lực lượng hải quân Trung - Mỹ ở Biển Đông, vùng biển này còn bị đe dọa bởi một lực lượng khác, đó là dân quân biển, hải cảnh thường được Trung Quốc triển khai để quấy rối tàu thuyền quốc tế.

Trung Quốc sử dụng lực lượng này như cách Nga sử dụng lực lượng quân sự mặc thường phục ở Crimea năm 2014. Cả hai đều được gọi tên là chiến thuật "cắt lát xúc xích".

Biển Đông sẽ là nơi thử nghiệm, nếu không có sự thay đổi đáng kể từ hai phía, nguy cơ xung đột có thể nổ ra. Khi các giải pháp chính trị thất bại, lực lượng hải quân sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. [1]

Vẫn có những quan điểm lạc quan về khả năng kiểm soát xung đột Biển Đông

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Denny Roy từ Trung tâm Đông - Tây, Honolulu bình luận trên The National Interest ngày 21/9, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm dấy lên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hiếu chiến trong chính sách đối ngoại để thu hút sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những bất mãn về đối nội.

Nhận thức được điều này không phải là lý do để Hoa Kỳ và các đồng minh thu mình lại trước những hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh.

Có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng hoặc thậm chí tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự, xem đó như một phương tiện chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước khỏi các vấn đề đối nội.

Tuy nhiên Trung Nam Hải sẽ phải tính đến những khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội nếu để đất nước rơi vào một cuộc chiến tranh. [2]

Học giả Wang Jisi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc thì có một cái nhìn tích cực hơn.

Theo bài phân tích của ông trên The Huffington Post ngày 21/9, Trung - Mỹ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong một "trạng thái bình thường mới".

Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự hai nước nên mở rộng đối thoại để giảm nghi ngờ lẫn nhau.

Mặc dù hiện tại sự ngờ vực nhau từ hai phía còn khá sâu đậm, nhưng cả Washington lẫn Bắc Kinh đều khá thành công trong việc quản lý sự khác biệt và tránh các cuộc khủng hoảng có thể. [3]

Tài liệu tham khảo:




Hồng Thủy
 
Nguồn: Theo GDVN
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire