04/09/2016

Đừng đẩy thêm bĩ cực vào dân bằng sự tô hồng lạc quan


Quốc Nam 

Thật tai hại khi bà Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH, Nguyễn Thị Hải Vân đánh giá Formosa giết biển nhưng "thất nghiệp không nhiều", "thiệt hại vừa phải". Lại càng vô cảm hơn khi trong bối cảnh Formosa nhấn chìm cả chuỗi kinh tế biển (xin nhấn mạnh: cả chuỗi) 4 tỉnh miền Trung, bà lại thốt lên "người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình, cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm".

Những chiếc thuyền trùm bạt chờ ngày ra khơi tại bờ biển Hải Ninh đầu tháng 7. Ảnh: Kim Dung - Người Đô Thị Online


Không biết bà Cục trưởng có lội cát về tận những làng biển để điều tra sự thất nghiệp nghề biển như thế nào hay chưa mà vội vàng lạc quan như thế? Tại hội nghị hôm 28.8 do Bộ NN&PTNT chủ trì tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, bà Vân công bố thêm thông tin rằng, đã xây dựng phần mềm để các đơn vị cập nhật tình hình việc làm của 4 tỉnh bị thảm họa cá chết vào đó. Như vậy thì niềm tin bà có đi về bất cứ làng biển nào thật khó để nên hình dạng.

Nghề biển của ngư dân không phải chỉ là ra khơi đánh cá, nó bao gồm cả hậu cần, đan lưới, vá lưới, cung cấp nước ngọt, dịch vụ lao động, dịch vụ đá lạnh, thực phẩm, nhiên liệu, làm chì và phao cho lưới, đóng máy, thợ gỗ, rồi làm muối, bơm nước cho muối, làm cá khô, hấp cá, làm mắm, chượp mắm... thu hút hàng trăm ngàn lao động và có hàng triệu người phụ thuộc vào kinh tế biển để mưu sinh, làm giàu từ các chuyến cá bán về các chợ xa... Du lịch trong tầm 4 tỉnh cũng bị Formosa tiêu diệt mà riêng Quảng Bình có 10.000 lao động trực tiếp ảnh hưởng, 36.000 lao động gián tiếp điêu đứng.

Du lịch vùng 4 tỉnh tan hoang không đón được khách.

Bạn bè của tôi làm nhiều lĩnh vực, từ buôn bán đến xây dựng, từ bác sĩ đến kỹ sư, biển chết, các ngành nghề không liên quan đến biển cũng ảnh hưởng tai hại vô cùng. Người bạn của tôi mở công ty lắp ráp nhôm kính, năm 2015 làm ăn khấm khá, năm 2016, các nhà hàng ven biển đua nhau thuê lắp mái che di động để đón đầu phục vụ du khách, vốn đổ ra ở hàng trăm nhà hàng này rất lớn. Cá chết, anh bạn không thể thu hồi công nợ, lương công nhân lắp mái che di động nợ mấy tháng nay bởi các chủ quán, chủ nhà hàng không kinh doanh được để có tiền trả. 

Nhiều chủ nhà trọ ở Quảng Bình phải chấp nhận cho công nhân trong ngành du lịch hoặc các nghề khác nợ tiền phòng, hoặc giảm giá phòng, bởi công nhân bị nợ lương hoặc mất việc làm, kế sinh nhai bị Formosa dập tắt. Gần 300 khách sạn, nhà nghỉ ở Quảng Bình trong tình trạng nợ nần chồng chất, công suất buồng giường chỉ bằng 1/10 năm ngoái, có nơi còn tệ hơn là đóng cửa cả quán xá, nhà nghỉ.

Người bán đũa dùng một lần cũng than vãn, khách khứa không về Quảng Bình, đũa làm ra chẳng tiêu thụ được. Những người mù làm tăm tre để bán cũng điêu đứng vì tăm xỉa răng bán không chạy như năm ngoái, bởi chẳng có khách khứa về dùng hải sản. Những gì Formosa gây ra thật tai hại khủng khiếp.

Người bán áo quần, chợ búa, giày dép... cũng điêu đứng, vì nghề biển thất bát, tiền đâu để ngư dân sắm sanh, tiền đâu để những phận người trong chuỗi thiệt hại mua sắm cho con cái vào năm học mới.

Trên một tờ báo trích lời một học sinh miền cát Quảng Trị rằng: "Con xin ba mẹ, đừng bắt con nghỉ học. Con muốn đi học, con muốn đi học…”, cay đắng như thế nhưng bà Cục trưởng Cục Việc làm lại vô cảm thốt lên là "thiệt hại vừa phải".     

Trên thực tế, không chỉ 4 tỉnh này mà các địa phương khác như Nghệ An hoặc Đà Nẵng cũng ảnh hưởng nặng nề. Tại xã Nghi Lộc (Nghệ An) làm nghề nướng cá bán đi khắp nơi, sau khi cá chết do Formosa gây ra, cả xã này "như có đám ma" vì đơn hàng bị cắt, việc làm thất bát. 

Cá chết, người bán hoa quả cũng ảnh hưởng.

Đọc lại lời phát biểu của đại biểu Trần Công Thuật trước diễn đàn Quốc hội vừa qua để biết nó thiệt hại như thế nào: "Ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, nó kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự bất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân. Sự cố này làm cho nền kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động gây ra sự cố môi trường vừa rồi của Formosa". Ở chính trong tâm thảm họa mới hiểu hết bao đau đớn do Formosa gây ra, bà Cục trưởng không lẽ vô cảm đến không biết người dân ở đây bị thiệt hại như thế nào? Không lẽ mất biển, đầu gối phải bò đi kiếm ăn, xin xỏ, bán vé số vẫn xem là một nghề nghiệp để nói thất nghiệp không nhiều?

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiệp hội vừa có công văn kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT về thiệt hại sau sự cố môi trường biển tới xuất khẩu thủy sản tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. “Sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề, bao gồm cả hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu”.

Hàng loạt công ty xuất khẩu thủy sản đã bị ảnh hưởng tới 60% sản lượng. Theo số liệu thống kê, sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh sáu tháng đầu năm nay giảm 16.000 tấn, Quảng Bình giảm 23.600 tấn, Quảng Trị giảm 16.000 tấn và Thừa Thiên-Huế giảm 13.300 tấn so với cùng kỳ. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, ước tính tổng thiệt hại đến hết tháng 6 là 2.662 tỉ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỉ đồng.

Như vậy không thể nói là "thiệt hại vừa phải". Khi không cùng nhân dân bưng bát cơm chan đầy mồ hôi nước mắt, rất khó để định nghĩa khó khăn vô vàn của ngư dân mà lại thổi vào đó sự lạc quan tô hồng thái quá. Nếu bà Cục trưởng biết như thế nào là việc làm trên cát thì ngư dân có sự đồng cảm sẻ chia, nhưng câu nói của bà đã hắt thêm bĩ cực vào cuộc đời ngư dân vùng thảm họa cá chết khiến người ta không tin vào lời nói phi thực tế này.

Quốc Nam

Theo Một thế giới

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire