22/01/2017

Một tấm gương xấu, để lại hậu quả không dễ khắc phục




Trung ương Đảng đã có nghị quyết về chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, hành động nhờ người học hộ của Bí thư Thành đoàn Cần Thơ đã biến người không học thành người có học và thêm một từ mới là "tự lưu manh hóa" mà nghị quyết không dám nhac đến.



 Bí thư Thành Đoàn thành phố Cần Thơ, cô Trần Thị Vĩnh Nghi chỉ bị khiển trách vì gian lận trong học tập. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)




Gian lận trong học tập “nâng cao trình độ” của một bộ phận không nhỏ công chức, kể cả cán bộ, đảng viên là điều đã được báo chí nhiều lần nhắc tới.


Cấp thấp nhất là xã phường, năm 2015 Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ Đặng Bá Sướng, (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhờ người thi hộ 14 môn trong chương trình tại chức đại học Luật. 


Cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh có ông Lê Thành Nhân, nguyên Trưởng ban Tổ chức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Vị Thanh - Hậu Giang từ chỗ chưa tốt ngiệp cấp 2 đã mượn bằng của bạn học để học cấp 3 rồi học đại học và cao cấp chính trị - hành chính. 


Với cấp sở, báo Nld.com.vn trong bài “Hà Nội: Người dính chuyện “thi hộ” lên chức giám đốc sở” đăng ngày 30/8/2013 viết: “buổi thi hết học phần được tổ chức ngày 19-10-2011 tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. 


Học viên Nguyễn Trọng Đông (Phó Giám đốc sở TN-MT) vắng mặt nhưng bài thi của ông Đông lại do một người khác thực hiện. Khi các cán cán bộ coi thi phát hiện sự việc, người thi hộ đã không nộp bài mà bỏ chạy khỏi địa điểm thi.

Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và Sở TN-MT Hà Nội sau đó đã xác định được người thi hộ là ông Phan Thanh Quang, cán bộ Sở TN-MT”.


Cấp thành phố trực thuộc trung ương có Bí thư Thành Đoàn thành phố Cần Thơ, cô Trần Thị Vĩnh Nghi nhờ cấp dưới đi học và điểm danh hộ khi theo học chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên tại trường Chính trị Cần Thơ.




Trường hợp của cô Nghi là rất đặc biệt bởi lẽ:


Thứ nhất, đây là một cán bộ đoàn tuổi còn trẻ (33 tuổi), không chỉ là Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cô Nghi còn là Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Thứ hai, thành phố Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ), chức danh Bí thư đoàn tương đương Giám đốc sở và thường được cơ cấu những chức vụ cao hơn trong tương lai.


Thứ ba, Bí thư đoàn Trần Thị Vĩnh Nghi là Đại biểu Quốc hội khóa 14.


Cuối năm 2016, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc của công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PVC-PT) - Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sử dụng bằng tại chức “giả” trong suốt 20 năm để leo lên vị trí Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước.


Nêu vài dữ liệu hơi dài dòng để thấy những người dính chàm không chỉ làm việc tại cơ quan công quyền, tổ chức, đoàn thể mà còn cả trong doanh nghiệp nhà nước.


Việc người đứng đầu đơn vị nhờ cấp dưới điểm danh, học hộ (hoặc thi hộ) không phải là cá biệt, nhưng một Bí thư Thành đoàn làm việc này thì lại là rất đặc biệt vì các lý do sau đây:


Không trung thực

Theo ý kiến của ông Phạm Minh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ: “bà Nghi vì vi phạm quy chế học tập, cụ thể là biểu hiện gian lận trong học tập". [1] 


Là Bí thư Thành đoàn, chắc chắn cô Nghi sẽ có những buổi diễn thuyết, huấn thị, chỉ đạo công tác đoàn tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố. 


Học sinh, sinh viên sẽ nghĩ gì khi người đứng đầu tổ chức đoàn không trung thực trong học tập? 


Liệu lớp trẻ có xem hành động của Bí thư Đoàn là tấm gương để “vô tư” nhờ người điểm danh hộ, học hộ, thi hộ?

Việc người đứng đầu cơ quan “nhờ” người khác điểm danh, học hộ không chỉ là “gian lận” mà phải xem là lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng. 


Thành ủy Cần Thơ đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đảng viên Trần Thị Vĩnh Nghi, vậy Trung ương Đoàn có cần xem xét tư cách một cán bộ đã bị kỷ luật về mặt Đảng?


Đành rằng kỷ luật là hình thức giáo dục cán bộ đảng viên, nhưng hình thức kỷ luật phải bảo đảm tính nghiêm khắc, khiến cho người khác coi là bài học để bản thân không tái phạm. 


Khiển trách rồi vẫn là Bí thư Thành đoàn thì người khác có cần phải tự răn mình?


Khi ngành Giáo dục và các cơ quan quản lý rất vất vả với vấn nạn “học giả, bằng thật”, với thói gian dối của một bộ phận học sinh, sinh viên thì hành động của một Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn rõ ràng là một tấm gương xấu, để lại hậu quả không dễ khắc phục.


Coi thường kỷ cương, phép nước

Không những gian dối, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ còn thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước khi tự ý bỏ học.


Thông tin trên báo chí cho thấy, cô Trần Thị Vĩnh Nghi “được cử đi học lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên tại trường Chính trị Cần Thơ”.


Được cơ quan, tổ chức cử đi học nhưng “Do bà Nghi đã tự động bỏ học nên trường đã gửi báo cáo đến Thành ủy, Thành đoàn, Đảng ủy khối Cơ quan Dân chính Đảng TP Cần Thơ”. [1] 


Sự việc chắc chắn không bình thường nên Trường Chính trị Cần Thơ mới phải báo cáo tới ba cơ quan là Thành ủy, Thành đoàn, Đảng ủy khối Cơ quan Dân chính Đảng.


Phải chăng học hay không học với cô Nghi cũng chẳng có ý nghĩa gì, không có bằng “quản lý Nhà nước” cô vẫn là Bí thư đoàn, vẫn là Thành ủy viên, vẫn là đại biểu Quốc hội? Vị trí của cô là “vững chắc” không thể thay đổi?


Phải chăng báo cáo xin thôi học hay không báo cáo với trường Chính trị (ngày xưa gọi là trường Đảng) cũng không cần thiết, dù là phê bình hay khiển trách cũng chưa đến mức đưa cô ra khỏi Đảng, vì cô đã được mặc nhiên công nhận thuộc vào “đội dự bị cho tương lai”? 


Một cán bộ ý thức tổ chức yếu kém như vậy có nên giữ lại bồi dưỡng thành lực lượng kế cận, nói theo ngôn ngữ thông dụng là “cánh tay phải của Đảng”?


Nhận thức kém về trách nhiệm và những điều Đảng viên không được làm

Là đại biểu Quốc hội, được cử tri gửi gắm niềm tin và trao trọng trách thay mặt nhân dân, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi sẽ làm gì tại nghị trường?


Với nhận thức yếu kém về pháp luật, coi thường cơ quan, tổ chức quản lý mình, đại biểu Nghi có thể trung thực phát biểu nguyện vọng của nhân dân tại Hội trường Diên Hồng, có thể đảm bảo lá phiếu của mình tại Quốc hội là chính xác khi biểu quyết thông quan các đạo luật?


Không thể đòi hỏi người trẻ tuổi không va vấp trong cuộc sống, trong công tác nhưng cũng không thể đưa những người trình độ chuyên môn và chính trị chưa đạt chuẩn vào những vị trí rất quan trọng, liên quan đến vấn đề quốc gia đại sự.


Việc phải nghỉ học cùng Ban chấp hành Trung ương Đoàn tham gia một chương trình tổ chức tại một đơn vị hải quân ở miền Tây là hoàn toàn chính đáng.


Vấn đề là tại sao không báo cáo nhà trường xin nghỉ học đàng hoàng sau đó xin phụ đạo hoặc học lại mà lại nhờ người học hộ?


Một việc cỏn con như vậy còn không biết xử lý thì làm sao có thể xử lý những vấn đề quốc gia đại sự tại diễn đàn Quốc hội?


Cộng đồng mạng từng xôn xao chuyện hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc hay một ca sĩ “tố” mẹ mình vay nợ mấy chục tỷ.

Trở thành người của công chúng nghĩa là trở thành thần tượng, một chút sơ sảy cũng phải trả giá bằng uy tín và sự nghiệp.


Hoa hậu Kỳ Duyên tuy không bị tước vương miện song báo Tiền Phong với tư cách đơn vị lập đề án xin cấp phép và là đơn vị thường trực Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đã đề nghị xử lý: 


Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 không sử dụng hình ảnh và không để Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên tiếp tục đồng hành với các sự kiện tiếp theo của cuộc thi”. [2]

Là thành viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, là Đại biểu Quốc hội nghĩa là người đại diện của thanh thiếu niên, của nhân dân, có thể xem là cao hơn một mức so với “người của công chúng”.


Kỳ Duyên bị dư luận phê phán, bị đòi tước vương miện vì hút thuốc lá và uống rượu nơi công cộng, đó chính xác là những hành vi không phù hợp với một Hoa hậu song các hành động của Kỳ Duyên không phải là gian dối, không phải là coi thường kỷ cương.


Một khi Kỳ Duyên bị “cấm” đồng hành với các sự kiện tiếp theo của cuộc thi hoa hậu thì có công bằng không nếu một Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn - người bị tổ chức Đảng địa phương đánh giá là “gian lận trong học tập” lại không bị “cấm” đồng hành cũng các sự kiện của Đoàn?

Và có công bằng không khi người đó tiếp tục đồng hành cùng các sự kiện của Quốc hội?


Trung ương Đảng đã có nghị quyết về chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, hành động nhờ người học hộ của Bí thư Thành đoàn Cần Thơ đã góp phần “tự chuyển hóa”(*) một

người không học thành người có học.


Nếu kiểu “tự chuyển hóa” này được tiếp tục và nhân rộng, lớp trẻ Việt Nam sẽ ra sao, đội ngũ kế cận của Đảng sẽ ra sao? 
    

Nếu không lo lắng về những con người như thế, nếu “khiển trách” là động thái xử lý cuối cùng thì các thế hệ đổ máu xương giành độc lập tự do cho tổ quốc có yên tâm chuyển giao sự nghiệp cho những người xem “gian lận trong học tập” cũng chỉ là một cách để thăng tiến?


Tài liệu tham khảo:




Xuân Dương


(*)  Không thể dùng "tự chuyển hóa" trong trường hợp này được, phải nói thẳng thừng là "tự lưu manh hóa" mới đúng  -


Nguồn: Theo GDVN


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire