27/04/2017

Làm sao tẩy sạch chi phí đen dưới bàn?


Thổ Ngọa

Các doanh nghiệp luôn ghét và sợ, luôn khinh và chán chuyện luồn lách, hối lộ, dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng kiểu tội phạm có tổ chức. Nhưng họ không làm như thế thì ách tắc, khó khăn trăm bề. Chỉ riêng chuyện chậm thông quan hàng hóa, chuyện đôi co về chi phí và thuế, chuyện đủ loại giấy phép là đã sống dở chết dở rồi.
Nguồn: https://transparency.org/cpi

Nguồn: https://towardstransparency.vn/vi/chi-so-cam-nhan-tham-nhung





Đề tài tham nhũng được xếp vào loại nhạy cảm. Ít khi được mổ xẻ, phân tích, nói thẳng, nói thật, nói hết vì nguy cơ bị đì, bị ám hại là rất lớn.
Thậm chí “người tham nhũng sẽ xét xử người tố tham nhũng” và kết quả báo cáo thành tích “cả năm qua không phát hiện được một vụ tham nhũng nào để đưa ra tòa cả” thật sự là một điều đáng buồn.
Thế nhưng nhan nhản khắp nơi đều thấy bóng dáng tham nhũng, từ thế giới bên ngoài của doanh nghiệp - mà phổ biến ở trên đường là chuyện cảnh sát giao thông chặn phạt xe mà không ghi biên lai, ở chốn công quyền thì bị nhân viên nhận hồ sơ hay cô thư ký đóng dấu làm khó - cho đến chuyện bên trong của doanh nghiệp là chị kế toán làm khổ đối tác để chậm giải ngân, mua mía mà hẹn nông dân một tuần sau quay lại lấy tiền...
Dĩ nhiên ta không thể vơ đũa cả nắm, nhưng kết quả điều tra đã cho thấy thứ bậc của bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất ở Việt Nam là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng (1). Các doanh nhân còn có thể làm dài thêm danh sách với các ngành như quản lý thị trường, thanh tra, quản lý tài nguyên, thuế... Đã từng có quan chức để quên trên máy bay một chiếc cặp còn nguyên hàng chục bao thư đựng tiền mà đến giờ thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhắc lại.
Tuần trước, tại hội thảo Thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam do VCCI tổ chức, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị xã hội cho biết có đến 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả doanh nghiệp đều có hành vi lại quả cho đối tác... Theo bà Viễn hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp đang bị đi xuống trong con mắt của người dân, có đến 38% người dân Việt Nam được hỏi đánh giá các lãnh đạo doanh nghiệp là một trong ba nhóm đối tượng tham nhũng nhiều nhất, bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (Tuổi Trẻ, 13-4).
Doanh nghiệp hối lộ, chuyện thường ngày để bôi trơn
Theo kết quả khảo sát về vấn đề tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện cách nay vài năm, có khoảng 5% trong số trên 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ bị các công chức yêu cầu bán tài sản giá rẻ hoặc thuê tài sản, chi trả chi phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân của cán bộ. Hơn 15% doanh nghiệp tham gia khảo sát bị cán bộ “vòi vĩnh” tiền, quà tặng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức khá tốn kém song lợi ích mà doanh nghiệp nhận được lớn hơn chi phí bỏ ra. Gần 63% doanh nghiệp tin rằng, chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết công việc một cách nhanh chóng” và hơn 50% ý kiến cho rằng nó khiến cán bộ tích cực làm việc. 70% trường hợp trả phí ngoài quy định là do doanh nghiệp chủ động đề nghị, còn 30% trường hợp là cán bộ yêu cầu (1).
Còn theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2015, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trong năm 2015 là 66%, cao hơn cùng kỳ các năm trước, 64% năm 2014 và 50% năm 2013. Có 11% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức, 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến (2). Hơn 70% doanh nghiệp FDI khẳng định phải dành trên 5% quỹ thời gian trong năm giải quyết các thủ tục hành chính (3).
Thật đáng buồn là việc bị ép đút lót, bị “xin đểu” đã phổ biến thành sự “tự nguyện”, đã trở thành “kỹ năng khôn khéo”, là “biết làm việc”, là “lệ”... Ra luật kiểu nào cũng có ngõ ngách để những kẻ có quyền lạm quyền và tìm cách đa dạng hóa hình thức tham nhũng. Cho phép cũng kiếm được tiền bỏ túi riêng, cấm cản cũng bỏ riêng được khoản tiền phạt “cưa đôi”. Công thức này đã thành luật bất thành văn rồi!
Cách đây 13 năm, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tại một hội nghị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói “đại diện của Phòng Thương mại Mỹ nói tham nhũng ở nước ta tràn lan, làm vô hiệu hóa bộ máy nhà nước, có pháp quyền nhưng hóa ra là lại vô pháp quyền. Chúng ta nghe thì có thể cảm thấy khó chịu nhưng đó là thực tế và chúng ta phải thấy đó là điều rất đau lòng. Không biết các đồng chí nghĩ sao nhưng tôi thấy đó là sự thật... Ta cứ nói là lo cho dân nhưng đâu cũng có tiêu cực thì người ta đâu có tin mình. Trong nhiều năm làm thủ tướng, tôi canh cánh một điều trong lòng, và chắc là cả đến lúc nghỉ hưu, là bộ máy chúng ta hư hỏng, làm sao đẩy lùi được”. (4)
Một trong những phát hiện chính của PCI 2015 là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngại lớn vì “càng lớn càng bị thanh tra nhiều”. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ ba lần trở lên trong năm 2015 đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 18%, doanh nghiệp nhỏ là 24%, doanh nghiệp vừa là 43%, và doanh nghiệp lớn là 50% (3).
Để môi trường kinh doanh trong sạch
Chi phí “đen” dưới bàn thường gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, làm mất thời gian, căng thẳng, không hạch toán được chi phí để trừ thuế (bởi chưa có hóa đơn VAT nào ghi là tiền hối lộ cả!) đó là còn chưa nói đến sự phập phồng lo sợ bị truy tố tội đút lót, “làm hư” công chức và bộ máy nhà nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, xin được đề xuất một số giải pháp để môi trường kinh doanh được trong lành.
Thứ nhất là luật hóa sâu rộng và rõ ràng như có thể, đi đôi với thẩm quyền độc lập của lĩnh vực tư pháp.
Chuyện này không mới cũng chẳng lạ bởi ở các nước, tòa án xử mọi mâu thuẫn giữa người dân và Nhà nước một cách công minh và công bằng, xử cả chuyện tranh cãi sai sót vài xu của một hóa đơn điện.
Thứ hai là phạt thật nặng, kể cả truất quyền công chức suốt đời của cán bộ, viên chức mọi cấp khi vi phạm tội nhận hối lộ. Nhìn câu chuyện mà Hàn Quốc đã và đang làm với các tổng thống vi phạm tội nhận hối lộ hay lạm quyền thì rõ. Vấn đề đạo đức của người công chức, cán bộ và chính khách phải được xử lý nghiêm.
Thứ ba là chế tài người hối lộ, nhưng trong trường hợp vì bị ép buộc, bị vòi vĩnh, bị đòi tiền hối lộ thì người đưa tiền chỉ nên bị phạt hành chính thay vì hình sự hóa bởi lỗi chính nằm ở người nhận của đút.
Thứ tư là hạn chế việc thanh tra mà không có lý do chính đáng; không được xét duyệt theo một quy tắc ứng xử công minh; không hà hiếp, nhũng nhiễu và làm khó doanh nghiệp dưới mọi hình thức (kể cả “khủng bố tinh thần” và lạm dụng sự vào cuộc của công an kinh tế mà không có cơ chế độc lập giám sát).
Các hiệp hội nghề nghiệp phải bảo vệ doanh nghiệp mạnh mẽ, dựa theo luật và quyền giám sát việc làm của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp.
Chỉ số tham nhũng luôn là một chỉ số quan trọng nói lên uy tín và trình độ văn mình xã hội của một quốc gia, là sự tôn trọng đối với một dân tộc. Việt Nam xếp vị trí 113 trên tổng số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu 2016, là một nỗi nhục phải rửa! Hy vọng nước ta sẽ từng bước xây dựng sự liêm chính, sự trong suốt của luật pháp và thực thi luật pháp, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, sa thải sạch sành sanh mọi cá nhân vòi vĩnh hối lộ. Đến lúc đó cái thực tế trần trụi là luân thường đạo lý và tinh thần phục vụ nhân dân bị thui chột, xói mòn và thậm chí bị nhuộm đen chỉ là một đêm tối được xua tan bằng ánh sáng luật pháp! 


(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/4-nganh-tham-nhung-nhieu-nhat-2390377.html
(2) http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160331/66-doanh-nghiep-vn-chi-tra-chi-phi-khong-chinh-thuc/1076662.html
(3) http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160401/chi-phi-den-nuot-doanh-nghiep/1077115.html
(4) http://www.amchamvietnam.com/comment-by-prime-minister-phan-van-khai-th-t-ng-phan-v-n-kh-i-ph-t-bi-u-ch-o-t-i-h-i-ngh/


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire