25/07/2018

Nghĩ từ bản án với nông dân Đặng Văn Hiến


Đặng Văn Hiến quay đầu nhìn người thân trong phiên xét xử - Ảnh: 24h


Hiến lúc đầu đã bắn chỉ thiên để xua đuổi nhóm người đến phá vườn của mình nhưng không thành công, bị nhóm người này đuổi đánh thì Hiến đã bỏ chạy. Sau đó, do nhóm người này vẫn quyết liệt đến cùng phá hết vườn cây của Hiến nên Hiến mới phải chạy ra bắn vào nhóm người đó.

Dư luận cả nước đã theo dõi sát sao diễn biến vụ án nông dân Đặng Văn Hiến và đồng phạm nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương trong vụ doanh nghiệp tự mình cưỡng chế đất tại Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông. Từ tháng 10.2016, qua xét xử sơ thẩm các bị cáo đều kháng cáo. Và đến ngày 12.7.2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên y án các nông dân Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tử hình về tội giết người, Ninh Viết Bình 18 năm tù giam (giảm 2 năm), Hà Văn Trường 9 năm tù giam (giảm 3 năm) cùng về tội giết người; bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn 4 năm tù giam (giảm 2 năm), Phạm Công Thiện, Trưởng phòng quản lý công ty 2 năm tù giam (giảm 2 năm) cùng về tội hủy hoại tài sản; bị cáo Đoàn Văn Diện 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội che giấu tội phạm.
Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, đã có những ý kiến không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt với án tử hình đã tuyên với bị cáo Đặng Văn Hiến. Mặc dù hậu quả bị cáo Hiến gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, thế nhưng hậu quả này lại là sinh ra từ hậu quả mà các nạn nhân đã gây ra cho bị cáo.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 23.10.2016, Nghiêm Xuân Thiên Sửu và Phạm Công Thiện chỉ đạo cho hơn 30 người mang theo quần áo, mũ, giày bảo hộ, khiên chắn, áo giáp, gậy, đá cục chia thành 2 nhóm chốt chặn đường vào khu đất nhà ông Hoàng Văn Thắng và Đặng Văn Hiến trồng cây điều, cà phê, không cho người dân kéo lên ngăn cản để cho Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến trực tiếp lái xe ủi phá hủy cây trồng nhằm chiếm lại đất về cho Công ty Long Sơn. Hậu quả đã hủy hoại 287 cây điều, 45 cây cà phê của ông Hoàng Văn Thắng, Triệu Phục Cao và Đặng Văn Hiến với tổng giá trị tài sản thiệt hại là 73, 624 triệu đồng. Trong đó, Lê Phi Thông đã phá hủy của ông Hoàng Văn Thắng 75 cây điều, nhà Đặng Văn Hiến 39 cây, nhà ông Triệu Phụ Cao 40 cây điều có tổng giá trị tài sản là 32, 648 triệu đồng. Dương Văn Tiến phá hủy 133 cây điều, 45 cây cà phê nhà ông Hoàng Văn Thắng có tổng giá trị tài sản thiệt hại là 40,976 triệu đồng.
Khi thấy cây trồng nhà mình bị phá hủy, Đặng Văn Hiến đã sử dụng súng thể thao bắn vào những người của Công ty Long Sơn còn Hà Văn Trường tiếp đạn cho Hiến bắn làm Điểu Vinh, Điểu Tào, Dương Văn Tiến chết tại chỗ và 13 người bị thương tích từ 6-54%.
Xem xét toàn diện nội dung vụ án thì thấy nổi lên mấy vấn đề sau:
- Vấn đề thứ nhất:
Trong 3 nạn nhân bị chết, thì Dương Văn Tiến là người đã thực hiện phá ủi cây trồng của Đặng Văn Hiến gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bị cáo Hiến. Còn lại 2 nạn nhân Vinh và Tào thì có vai trò ngăn cản bị cáo Hiến để cho nạn nhân Tiến thực hiện phá ủi cây trồng của bị cáo Hiến.
Trong khi Hội đồng xét xử ở cả 2 cấp đều đã xác định Nghiêm Xuân Thiên Sửu và Phạm Công Thiện cùng phạm tội hủy hoại tài sản, kết án Sửu 6 năm tù giam và Thiện 4 năm tù giam.
Theo điều 20 BLHS về tội danh này, thì Sửu và Thiện đóng vai trò là người chủ mưu, tổ chức chứ không phải người thực hiện hành vi phạm tội. Trong hơn 30 người theo chỉ đạo của Sửu và Thiện mang thiết bị và công cụ hỗ trợ đến phá vườn cây nhà bị cáo Hiến thì Lê Phi Thông và Dương Văn Tiến có vai trò đồng phạm, là người thực hiện hành vi phạm tội khi trực tiếp phá hủy cây trồng, những người còn lại có vai trò đồng phạm, là người giúp sức thực hiện tội phạm khi ngăn cản Hiến ra chống lại việc hủy hoại tài sản. Đó là những điều không thể bác bỏ được.
Thế nhưng những người đóng vai trò thực hiện và giúp sức cho hành vi phạm tội hủy hoại tài sản này lại không bị truy tố về tội hủy hoại tài sản, trong khi 2 người chủ mưu và tổ chức đã bị truy tố. Không có người thực hiện, giúp sức thì làm sao mà Sửu, Thiện (là người chủ mưu, tổ chức) lại có thể hủy hoại cả vườn cây hơn 70 triệu đồng được ?
- Vấn đề thứ hai:
Nạn nhân Tiến bị bắn chết khi đã thực hiện hành vi phạm tội hủy hoại tài sản của bị cáo Hiến, tức là đã có "hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó" theo điều 95 BLHS, cho nên có cơ sở để xác định Hiến phạm tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh".
Còn 2 nạn nhân Điểu Vinh, Điểu Tào bị bắn chết khi đã có vai trò đồng phạm, giúp sức ngăn cản bị cáo Hiến chống lại hành vi hủy hoại tài sản của Thông và Tiến, giúp Thông và Tiến thực hiện trót lọt. Hành vi giúp sức ngăn cản này không phải là "hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó" như nạn nhân Tiến vì tính chất nguy hiểm không bằng, cho nên đối với 2 nạn nhân Vinh và Tào thì Hiến lại phạm tội giết người. Tuy nhiên tội giết người của Hiến lại có tình tiết giảm nhẹ là 2 nạn nhân bị bắn chết này đều có lỗi trước với Hiến.
Như vậy là với 3 nạn nhân bị bắn chết thì Hiến phạm 2 tội khác nhau. Với nạn nhân Tiến thì Hiến phạm tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh", với 2 nạn nhân Vinh và Tào thì Hiến phạm tội "giết người".
Còn lại các nạn nhân bị bắn thương tích khác thì Hiến phạm tội Cố ý gây thương tích, do Hiến đã không ngắm bắn vào phần nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Cũng cần lưu ý đến tình tiết hết sức quan trọng là Hiến lúc đầu đã bắn chỉ thiên để xua đuổi nhóm người đến phá vườn của mình nhưng không thành công, bị nhóm người này đuổi đánh thì Hiến đã bỏ chạy. Sau đó, do nhóm người này vẫn quyết liệt đến cùng phá hết vườn cây của Hiến nên Hiến mới phải chạy ra bắn vào nhóm người đó. Do đó hành vi của Hiến không phải mang bản chất côn đồ như quy kết của bản án.
Như vậy xét về mặt pháp luật thì các bản án đã bỏ lọt tội phạm với những người thực hiện và giúp sức trong tội hủy hoại tài sản; xác định không đầy đủ, không chính xác các hành vi phạm tội của bị cáo Hiến. Lỗi của bị cáo Hiến là lỗi hỗn hợp, trong đó có lỗi của công ty Long Sơn và lỗi của cả chính quyền địa phương đã không giải quyết dứt điểm tranh chấp để doanh nghiệp tự mình cưỡng chế đất nên xảy ra vụ án. Nhưng với án tử hình như vậy là một mình bị cáo Hiến phải gánh cả lỗi hỗn hợp này, là không thỏa đáng. Đã vậy, bị cáo Hiến đã đầu thú, ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường nạn nhân, mẹ nạn nhân có đơn xin giảm án tử cho Hiến, nhưng Hiến lại vẫn bị xử tội chết. Điều này giải thích tại sao dư luận phản ứng bất bình trước án tử hình đã tuyên với bị cáo Hiến.
Còn nữa, xét về mặt tác động xã hội, thì tiếng khóc than ai oán của gia đình bị cáo Hiến cùng với nỗi bất bình của dư luận đã gợi nhớ tiếng kêu uất ức xuyên thời gian của người nông dân Chí Phèo năm nào khi bị dồn đến đường cùng: "Ai cho tôi lương thiện? Chỉ còn có một cách này là... Biết không? Biết không?"
Ở đây, doanh nghiệp cậy thế đông người ào ào vào phá nát tài sản là mồ hôi nước mắt, miếng cơm manh áo cuối cùng của người nông dân, trong khi chính quyền địa phương thì "vắng bóng". Thử hỏi, bị dồn vào đường cùng như thế, thì ai cho người nông dân Hiến đó lương thiện được? Thử hỏi tất cả chúng ta, nếu đặt mình ở vào vị trí của người nông dân Hiến đó, thì mấy ai trong chúng ta kiềm chế được uất ức và sự phản kháng?
Khi đặt ra mục tiêu lý tưởng là xóa bỏ cảnh người bóc lột người, thì nhất định phải xóa bỏ hoàn toàn những tiếng kêu đau đớn như tiếng kêu khi bị dồn vào đường cùng của người nông dân Chí Phèo năm nào: "Ai cho tôi lương thiện?". Dư luận cả nước đang trông chờ vào câu trả lời sáng suốt của cấp có thẩm quyền trước bản án đau thương này.

Phạm Mạnh Hà
http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/nghi-tu-ban-an-voi-nong-dan-dang-van-hien-92654.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire