17/08/2018

Khi đảng viên sợ mạng xã hội…


Phạm Mạnh Hà: "Và nói thật với ông, quần chúng nhân dân vẫn gặp trên mạng một lực lượng gọi là "dư luận viên", hay "lực lượng 47" gì đó, mang danh đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc để bảo vệ Đảng và nhà nước, thế nhưng người ta chỉ thấy đội ngũ này đi chửi bới nhiều hơn là lập luận đàng hoàng chống luận điệu xuyên tạc. Thế thì bảo vệ Đảng và nhà nước cái nỗi gì được?"
 
Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội năm 2016 - Ảnh: minh họa (nguồn internet)

Hôm 2.8, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng ông Trương Quang Nghĩa có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố. Nhiều lãnh đạo sở, ngành thành phố Ðà Nẵng đã bày tỏ lo ngại về các thông tin lan truyền trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo, cán bộ cũng như hình ảnh của thành phố trong thời gian qua.


Trả lời về vấn đề này, ông Nghĩa cho rằng, hiện nay cán bộ của ta đang “sợ” mạng xã hội, “sợ” facebook quá. “Họ dùng công cụ này, tự nhiên mình sợ đóng hết không ai được xem, không ai được nhìn. Họ chửi gì, nói gì trên đó cũng không biết, chỉ người khác vào đọc và xem được”, ông Nghĩa nói và cho rằng, phải coi mạng xã hội như một công cụ để tuyên truyền chủ trương, chính sách.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa



“Họ dùng facebook thì mình cũng dùng. Từng này đảng viên chúng ta không nói lại được những người ấy à? Vấn đề chúng ta sử dụng công cụ như thế nào?". "Nếu có comment vào đó cũng phải có nội dung và giữ được chất cơ bản của mỗi đảng viên. Phải sử dụng một số lực lượng từ Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT. Đừng để người của Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo vào bình luận, hùa theo”, ông Nghĩa nhắc nhở.

Dư luận nghe ông Nghĩa nói như vậy, thấy cũng... chí lý. Cán bộ đảng viên nhà ta có đầy đủ bằng cấp, trình độ lý luận, kinh nghiệm được rút ra từ những năm tháng kháng chiến chống các thực dân đế quốc hùng mạnh nhất, lẽ nào nay lại... sợ đối đầu tranh luận phản biện với quần chúng?

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng phải thấy rằng, tình hình thực tế ngày nay đã diễn biến quá phức tạp, khác xa so với thời kỳ trước, trong khi quần chúng lại đòi hỏi phải giải thích thỏa đáng những vấn đề hiện nay. Cho nên ông bà ta đã dạy "yếu thì đừng ra gió", cũng phải thôi. Cán bộ đảng viên nếu yếu lý luận mà lại ra đương đầu với gió bão phản biện của quần chúng, nói những câu lung ta lung tung kiểu như: "Quốc Hội là dân, dân sai thì biết kỷ luật ai", "tham nhũng vẫn ổn định", "đường hỏng do không có người đi", "luật đã gọi là thu giá thì ta cứ gọi là thu giá", "thực phẩm nhiễm độc vẫn an toàn",v.v... thì lại khiến người ta cười cho. Thôi thì... tránh voi chả xấu mặt nào, ông ạ!

Và nói thật với ông, quần chúng nhân dân vẫn gặp trên mạng một lực lượng gọi là "dư luận viên", hay "lực lượng 47" gì đó, mang danh đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc để bảo vệ Đảng và nhà nước, thế nhưng người ta chỉ thấy đội ngũ này đi chửi bới nhiều hơn là lập luận đàng hoàng chống luận điệu xuyên tạc. Thế thì bảo vệ Đảng và nhà nước cái nỗi gì được?

Và ông Nghĩa nói rất đúng: “Minh bạch công khai sẽ có sự chia sẻ và đồng tình. Ðừng có tư tưởng đóng lại và tránh né. Anh càng sợ họ càng khoái, càng thích”.

Chí phải. Xưa nay ai cũng thế, quần chúng nhân dân càng rất thích sự khách quan. Nói về tuyên truyền, thì làm sao phải thật khách quan. Càng khách quan thì càng thuyết phục được mọi người, và ngược lại, càng tuyên truyền "lấy được" thì lại càng làm cho dư luận "dị ứng", bị dư luận "ném đá".

Bởi lẽ, tất cả mọi lý luận nếu thiếu khách quan thì đều không thể đứng vững. Thế cho nên những lý luận của quan chức như kể trên bị dư luận cười chê chính là do thiếu khách quan nên đã không đương đầu được với gió bão phản biện của quần chúng là vì thế.

Cho nên, cũng xin có lời khuyên chân thành rằng, các cán bộ đảng viên lên mạng xã hội thì trước tiên phải có thái độ khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật cái đã. Cái gì quần chúng đúng thì công nhận là đúng, cái gì mình sai thì phải thừa nhận là sai. Mà phàm đã là con người thì đều có bản chất là không hoàn hảo, cho nên có sai thì sửa, có lỗi thì xin lỗi, có trách nhiệm thì chịu trách nhiệm, không sao cả. Cứ quang minh chính đại, thì dù có khiếm khuyết đến mấy, quần chúng nhân dân vẫn sẵn sàng đón nhận và ủng hộ.

"Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại", truyền thống đạo lý của nhân dân ta là thế, cho nên cứ khách quan thì lý luận sẽ mạnh và không phải sợ mạng xã hội như vậy.


Phạm Mạnh Hà

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire