17/10/2018

Bằng chứng Thoái Đảng, nhạt Đoàn: Báo Saigon Giải Phóng nhìn thẳng thực trạng công nhân, sinh viên ngại vào Đảng


Công nhân ưu tú hỏi ngay: “Trong những ngày tôi đi học lớp cảm tình Đảng, ai trả tiền cho tôi? Tôi mất mấy ngày làm việc đó thì sống bằng cách nào? Chưa nói đến giới chủ sử dụng lao động có đồng ý cho tôi đi học không? Sau khi học xong, tôi có lợi gì hơn so với trước khi đi học?”. 
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Ảnh: Tuấn Vũ Ai trả tiền phòng ốc, khẩu hiệu?

SGGP Thứ Ba, 16/10/2018 08:14

Hoạt động của tổ chức Đảng chưa đủ sức thu hút chỉ là một trong những nguyên nhân khiến công tác phát triển Đảng trong công nhân, sinh viên chưa đạt kết quả như mong muốn.  



Trên thực tế, không ít quần chúng ưu tú trong đội ngũ người lao động tại các doanh nghiệp, sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học có ý nguyện được đứng vào hàng ngũ của Đảng; tuy nhiên với những trở ngại, khó khăn, nguyện vọng của họ không hoặc chưa thực hiện được.



“Điểm nghẽn” thủ tục


Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TPHCM), trong thực tế nhiều tổ chức Đảng, nhiều cấp ủy rất quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Thế nhưng, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn do tồn tại một số “điểm nghẽn”. Một trong những lực cản phát triển quần chúng ưu tú trong công nhân trở thành đảng viên là khâu xác minh hồ sơ lý lịch. Có những người quê ở miền Bắc, miền Trung đã di chuyển, cư trú ở nhiều địa phương khiến việc xác minh hồ sơ lý lịch không dễ dàng. Ở nơi nào cấp ủy có trách nhiệm thì việc đi xác minh, thẩm tra lý lịch thuận lợi; còn nếu cấp ủy cũng là các đồng chí công nhân trực tiếp lao động sản xuất thì rất khó bỏ thời gian đi xác minh hồ sơ lý lịch người xin vào Đảng. 


Không có nhiều cơ hội, môi trường rèn luyện

Một trong những rào cản đối với việc phát triển Đảng trong sinh viên là các bạn không có nhiều cơ hội, môi trường rèn luyện, phấn đấu để thể hiện sự ưu tú - điều kiện để được xem xét kết nạp Đảng. Hiện nay, nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng học theo chương trình tín chỉ đan xen nhau, không còn chế độ lớp như trước, lại phải di chuyển liên tục giữa các cơ sở của trường nên việc sinh hoạt Đoàn TNCS, Hội LHTN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Từ đó, tổ chức Đoàn khó bồi dưỡng, giúp đỡ, kết nạp sinh viên ưu tú vào Đảng vì phải ở chung, làm chung, công tác chung mới có thể đánh giá, nhận xét đúng và đủ. Chưa kể một số tổ chức Đoàn TNCS trường chưa chú ý đổi mới hoạt động, chưa tạo môi trường phù hợp để đoàn viên ưu tú phấn đấu, rèn luyện.

Một số em được kết nạp Đảng ở các trường THPT, khi vào đại học thì tập trung tất cả cho học tập, không quan tâm hoạt động Đoàn, nên tổ chức Đoàn TNCS không biểu quyết khi đưa ra xét chuyển Đảng chính thức, dẫn đến các em bị xóa tên đảng viên. Cũng có khi các em không theo kịp chương trình học tập của trường, dẫn đến việc học sa sút, nợ môn, thậm chí bị buộc thôi học nên bị xóa tên.
Ông PHẠM THIÊN KHA (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM)


Thủ tục, quy định rườm rà cũng khiến khó thu hút, phát triển đảng viên mới. Ông Vũ Hoài Nam (Bí thư Chi bộ Thanh Phong - thuộc Đảng ủy doanh nghiệp huyện Nhà Bè, TPHCM) tâm tư: “Hàng năm, đảng viên phải có xác nhận sinh hoạt tại địa phương cư trú. Một số đảng viên ở Chi bộ Thanh Phong có hộ khẩu thường trú một nơi nhưng lại tạm trú ở chỗ khác. Khi đảng viên về nơi có hộ khẩu thường trú để sinh hoạt thì địa phương này không chịu, còn sinh hoạt ở nơi cư ngụ thì không phải nơi nào cũng có chi bộ. Có những đảng viên ở nhà thuê, một năm chuyển nhà 2 - 3 lần, dẫn đến cuối năm không nơi nào chịu ký vào phiếu nhận xét đảng viên. Khi đó, đảng viên phải năn nỉ mới được xác nhận để phù hợp với quy định của Đảng”.


Tương tự, ông Phạm Thiên Kha, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM, cho biết: “Khi xem xét kết nạp sinh viên ưu tú vào Đảng, nhiều hồ sơ đi xác minh, sưu tra tại địa phương đã bị chậm trễ do sự hỗ trợ của các cấp ủy địa phương trong công tác này còn hạn chế. Nhiều sinh viên từ các tỉnh về TPHCM học và thuê nhà trọ không cố định, chỗ nào rẻ thì ở, chuyển đổi chỗ ở liên tục, nay chỗ này mai chỗ khác. Vì vậy, việc thẩm tra lý lịch, xác minh lịch sử chính trị, việc chấp hành pháp luật của đối tượng Đảng ở các địa phương khó khăn, bị ách tắc”.


Bạn T.H.K. (sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nói thẳng rằng chỉ muốn tập trung vào việc học và khi ra trường còn chưa rõ công việc thế nào nên chưa muốn vô Đảng. Bạn K. cũng đang ở nhà trọ, chưa ổn định chỗ ở nên ngại vô Đảng vì phải xác nhận nơi ở, nơi sinh hoạt.

Trong thời đại công nghệ, nhiều nơi áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử nhưng các đảng viên vẫn phải làm nhiều việc thủ công. Ông Vũ Hoài Nam chia sẻ, bản thân ông đi họp giải quyết công việc của công ty đều có thư ký ghi lại, mình chỉ ký tên hoặc đánh máy vi tính tạo văn bản. Nhưng sổ tay đảng viên thì… vẫn phải viết tay! Chữ viết tay trong sổ tay đảng viên cũng bị so sánh, đối chiếu nếu không cùng một kiểu chữ. Cứ nghĩ đến cảnh ngồi viết sổ tay là mọi người lại ngại.


Như… hoạt động bí mật


TS Nguyễn Việt Hùng nêu thực tế, dù lực lượng công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất rất đông, độ tuổi còn trẻ, có học vấn nhưng thời gian qua công tác phát triển Đảng trong công nhân còn nhiều khó khăn (nhất là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Có những công nhân rất xuất sắc, ưu tú, có sự tín nhiệm trong quần chúng nhưng khi được tổ chức Đảng đặt vấn đề phát triển Đảng thì họ tìm lý do từ chối. Một trong những quy định của chúng ta là phải tham dự lớp bồi dưỡng nhận thức cho quần chúng ưu tú để phát triển Đảng (còn gọi là lớp cảm tình Đảng).

Công nhân ưu tú hỏi ngay: “Trong những ngày tôi đi học lớp cảm tình Đảng, ai trả tiền cho tôi? Tôi mất mấy ngày làm việc đó thì sống bằng cách nào? Chưa nói đến giới chủ sử dụng lao động có đồng ý cho tôi đi học không? Sau khi học xong, tôi có lợi gì hơn so với trước khi đi học?”. 

Đây là điều đã diễn ra trong thực tế. Nhiều người đủ điều kiện để xem xét kết nạp Đảng, nhưng thủ tục yêu cầu phải có giấy chứng nhận về trình độ nhận thức của quần chúng đối với Đảng. “Để có được tờ giấy trên thì phải tham gia các lớp bồi dưỡng kéo dài ít nhất 3 - 4 ngày học tập trung, điều này rất khó cho công nhân lao động. Dù nhiều nơi có những hình thức, cách làm linh hoạt tùy theo ca kíp, liên cơ quan, xí nghiệp... nhưng rõ ràng vẫn chưa thật sự thuận lợi cho công nhân là những quần chúng ưu tú theo học”, TS Nguyễn Việt Hùng phân tích. 


Anh Nguyễn Công L. (đảng viên thuộc Chi bộ Đảng Công ty cổ phần Thủy tinh Hưng Phú, quận 8, TPHCM), chia sẻ điều khiến không ít đảng viên hiện nay cảm thấy như đang bị ràng buộc khi vào Đảng là phải họp hành thường xuyên. Theo quy định của tổ chức Đảng, chi bộ phải họp, sinh hoạt mỗi tháng/lần. Với số lần họp như vậy, việc tham gia của cán bộ, công chức, lãnh đạo - quản lý đơn vị thì dễ, nhưng với công nhân, người lao động - lực lượng trực tiếp sản xuất lại rất khó bởi họ phải làm việc xuyên suốt trong giờ hành chính, thậm chí tăng ca vào thứ bảy, chủ nhật. Do đó, thực tế có nhiều chi bộ trong doanh nghiệp phải họp chi bộ vào buổi tối hoặc giữa trưa khiến không ít đảng viên thấy phiền toái, có cảm giác gì đó như buổi họp... lén lút. Đáng nói hơn, tại nhiều cuộc họp chi bộ chẳng có nội dung gì quan trọng, bí thư hoặc phó bí thư chi bộ chỉ điểm lại các sự kiện đã diễn ra, thông tin cũ mòn… 


Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Lộm (Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện Nhà Bè), việc tham dự sinh hoạt Đảng của đảng viên là công nhân, người lao động tại doanh nghiệp gặp khó khăn về thời gian. Một số chi bộ mà bí thư chi bộ không phải là lãnh đạo doanh nghiệp thì hoạt động của Đảng trong doanh nghiệp không khác gì… hoạt động bí mật khi phải họp lúc 6 - 7 giờ sáng, hoặc họp sau giờ làm việc, vào ngày nghỉ. Điều đó ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, con cái của đảng viên. Còn nếu tham dự sinh hoạt chi bộ đúng quy định và vào giờ hành chính, thì có khi đảng viên là người lao động bị đuổi việc. 


Mất nhiều thời gian học tập, sinh hoạt cũng là trở ngại đối với các đảng viên và việc kết nạp đảng viên mới ở Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (thuộc Chi bộ Thanh Phong). Ông Vũ Hoài Nam thẳng thắn: “Chúng tôi phải xin lỗi khi không thể tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, học tập! Đi đầy đủ thì lấy ai làm việc? Cố gắng dung hòa lắm thì dự 50% số buổi và cuối năm được nhận xét “đảng viên hoàn thành nhiệm vụ” là may lắm rồi”. Bản thân ông Vũ Hoài Nam là bí thư chi bộ, có tuần phải học, họp, sinh hoạt đến 3 - 4 ngày và sẽ không còn thời gian làm việc nếu đi đầy đủ các buổi.


                Có sự mờ nhạt của tổ chức Đảng
Một số chủ doanh nghiệp chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, cũng khiến con đường vào Đảng của quần chúng ưu tú gặp trở ngại.
Trên địa bàn huyện Nhà Bè, chủ doanh nghiệp T. nhận lời đề nghị của cấp ủy địa phương sẽ rà lại nguồn từ công đoàn, đoàn thanh niên để lên danh sách kết nạp Đảng. Tuy nhiên, đến khi hết hạn, cấp ủy địa phương nhắc gửi danh sách thì mới biết doanh nghiệp không lên danh sách nguồn quần chúng ưu tú dự kiến kết nạp Đảng.
Một doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Nhà Bè đã thống nhất với cấp ủy địa phương lên danh sách 5 - 7 quần chúng ưu tú giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng. Nhưng sau khi người lao động học xong, chuẩn bị được kết nạp Đảng thì bị doanh nghiệp cho... nghỉ việc.
Trường hợp người lao động là nguồn dự bị kết nạp Đảng bị cho thôi việc là một bài học kinh nghiệm cho huyện Nhà Bè. Chúng tôi thêm đắn đo, thận trọng khi kết nạp Đảng cho công nhân, người lao động.
Quá trình tạo nguồn kết nạp đảng viên là công nhân, người lao động tại doanh nghiệp luôn có sự thảo luận và thống nhất với chủ doanh nghiệp; phải cân đong đo đếm làm sao cho chuẩn xác, hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp. 
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập còn nhiều hạn chế; vai trò lãnh đạo của chi bộ, chi ủy đối với các đoàn thể chính trị - xã hội, người lao động chưa được phát huy. Không ít chi bộ hoạt động chỉ làm chủ yếu công tác xây dựng Đảng; còn vai trò, đóng góp cho doanh nghiệp thì chưa thể hiện rõ rệt. Sự mờ nhạt trong đóng góp của tổ chức Đảng cho doanh nghiệp, đảng viên chưa thể hiện được vai trò, sự ưu tú so với quần chúng đã tác động ngược lại, ảnh hưởng ít nhiều tới tính thuyết phục quần chúng đến với tổ chức Đảng.
Ông NGUYỄN VĂN LỘM (Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện Nhà Bè)


ÁI CHÂN - MẠNH HÒA - TUẤN VŨ

http://www.sggp.org.vn/nhin-thang-thuc-trang-cong-nhan-sinh-vien-ngai-vao-dang-bai-2-nhan-dien-nhung-tro-ngai-552806.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire