27/01/2019

NHÀ BUÔN VÀ CHÍNH KHÁCH





Nếu như hồi thanh niên Đặng Tiểu Bình không từng mở một nhà hàng ăn theo sự xúi giục của sư huynh Chu Ân Lai thì lịch sử Trung Quốc hiện đại có lẽ phải viết khác đi một chút. Chính cái máu buôn bán đã kích thích ông đưa nền kinh tế Trung Quốc sang kinh tế thị trường hơn bất kỳ lý thuyết nào ông được trang bị. 


Ở nước Anh, khi nền kinh tế bị trì trệ sau mấy chục năm quốc hữu hóa đưa nước này đến bờ vực thảm họa vào nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước thì một “con buôn” xuất hiện, đó là Margaret Thatcher. Người đàn bà thép này bất chấp sự cản trở của hệ thống quan liêu gắn liền với “các đỉnh cao chỉ huy” của kế hoạch hóa và sự rủa sả của báo chí, đã cắt bỏ không thương tiếc các khoản bao cấp khổng lồ của nhà nước, tiến hành tư nhân hóa nền kinh tế, trả các hoạt động sản xuất kinh doanh lại cho thị trường (quá trình tư nhân hóa thay cho quốc hữu hóa mà ngày nay thế giới không thể đảo ngược, bắt đầu từ người đẹp chân dài này😛). Xin nhắc lại một câu nói mà mỗi khi đọc lại tôi đều xúc động. Trước sự phản bác gay gắt ngay tại nghị viện và chính phủ do bà làm Thủ tướng, bà tuyên bố : “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta đã được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tin tưởng về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”. Và bà đã làm hồi sinh nước Anh.

Tại nước Đức sau chiến tranh, từ một đống đổ nát đã vươn lên thành một nền kinh tế phát triển thần kỳ. Người khai mào cho sự phát triển thần kỳ đó từng là một doanh nhân, Ludwig Erhard, sau này là Thủ tướng CHLB Đức. Là một tiến sĩ kinh tế, nhưng trước hết Erhard từng là một nhà buôn khi quản lý công ty của bố mẹ ông và có một thời gian làm chuyên viên tiếp thị của một Viện nghiên cứu thị trường thời phát-xít. Sau chiến tranh, Tây Đức bị đồng minh Mỹ-Anh chiếm đóng, ông ngẫu nhiên được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành kinh tế Bizonia, khu vực do liên quân Anh-Mỹ chiếm đóng dưới quyền của tướng Mỹ Lucius Clay. Tây Đức lúc này đang bị “đồng quê hóa” trong kế hoạch Morgenthau của Mỹ, bị kìm kẹp bởi một hệ thống đồ sộ các quy tắc phân phối và kiểm soát giá. Theo quy định, bất kỳ sự thay đổi nào trong hệ thống kiểm soát phải được sự đồng ý của tướng Clay, nhưng người Mỹ đã quên đưa ra quy định chế tài, nên “nhà buôn” Erhard lập tức “lách luật” bằng cách bãi bỏ tất cả các quy định sau một đêm mà không hề xin sự phê chuẩn của tướng Clay. Như một phép thần, toàn bộ chợ đen biến mất, thị trường vận hành trở lại, hàng hóa xuất hiện đầy ở các cửa hàng. Tướng Clay bực mình nói : “Ông Erhard, các cố vấn của tôi nói rằng cái mà ông đang làm là một sai lầm tệ hại. Ông nói gì về việc này ?”. Erhard trả lời : “Thưa tướng quân, mặc kệ nó đi, các cố vấn của tôi cũng nói như vậy”. Đoạn đối thoại lừng danh trong lịch sử đó được các sử gia coi là cú hích cho sự phát triển thần kỳ của CHLB Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là một nhà buôn, không phải từng là nhà buôn mà là nhà buôn "toàn tòng" trước khi trở thành chính khách. Ông đang bị báo chí Mỹ rủa sả không kém gì báo chí Anh từng rủa sả người đẹp Thatcher. Người ta chửi rủa ông về sự bốc đồng, về gái gú, về vô số những “thói hư tật xấu” của một người đàn ông nhưng lại cố tình lờ đi và có không ít sự xuyên tạc điều quan trọng nhất ông đã làm được cho người dân Mỹ : Giảm chiều kích của Chính phủ bằng đợt cắt giảm thuế mạnh mẽ, giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đối với doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập cá nhân lớn nhất kể từ thời Reagan.

Hai “thương vụ”nổi bật của ông Trump đang diễn ra là đối đầu với Hạ viện để quyết xây cho bằng được bức tường ngăn người nhập cư, tuyên bố ủng hộ lãnh đạo phe đối lập tự phong làm Tổng thống lâm thời ở Venezuela và dọa sẽ sẵn sàng “ra tay” nếu chính quyền của ông Maduro động đến sợi lông chân của các nhà ngoại giao trong đại sứ quán Mỹ. Một là đối nội, hai là đối ngoại. Có vẻ như ông đang lấy cái cứng của đối ngoại để làm mềm cái cứng của đối nội mà ông đang đương đầu. Việc buôn bán này ông có lời hay không thì chưa biết, hãy chờ xem 😛. 

HOÀNG HẢI VÂN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire