29/01/2019

Trăm tội, dội đầu dân!


(Dân trí) - Sẽ không có bất cứ thứ gì “giả, rởm” có thể lọt vào Việt Nam nếu như không có sự “tiếp tay”, dù dưới bất cứ hình thức gì từ trong nước...






Một thông tin không mới, song rất quan trọng, nhức nhối bởi liên quan đến sinh mệnh chính trị của không ít người vừa được nhiều tờ báo, trong đó có Dân trí đề cập. Đó là việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.


Tại cuộc giao lưu trực tuyến do báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều 25/1, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề vốn nan giải này.

Do sự việc kéo dài đã nhiều năm, có quá nhiều ý kiến nên người viết bài này chỉ xin kể lại câu chuyện vừa mới diễn ra. Đó là đơn tố cáo ông Nguyễn Quang Hiếu - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (HN) kê khai học vị cao nhất trong hồ sơ là thạc sĩ của Trường Đại học Irvine University (có địa chỉ tại California, Hoa Kỳ) và khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Song, đây lại là tấm văn bằng không được Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận bởi Irvine University thực chất là “đại học ma”, một “công xưởng sản xuất bằng cấp” đã từng gây xôn xao công luận một thời.

Tuy nhiên, nó lại “du nhập” vào Việt Nam bằng con đường rất… chính qui bởi sự “dẫn dắt”, “liên kết” của khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội, một tên tuối nổi tiếng, có uy tín trong nền giáo dục lâu nay.

Chính sự “bảo lãnh” này đã khiến nhiều người “tiền mất, tật mang”. Họ mất tiền của, công sức học hành nhưng bằng cấp không được công nhận. Trong đó, không ít người còn bị mang tiếng mà trường hợp ông Hiếu là một trong số đó.

Theo ông Nguyễn Công Hiệp, Chánh Văn phòng UBND quận Hoàng Mai cho biết đầu năm 2018, ông Hiếu (cùng với 20 trường hợp tương tự) đã chủ động làm đơn gửi đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xin rút nội dung bằng thạc sĩ trong hồ sơ nhân sự tự kê khai.

Hiện, ông Hiếu đang tham gia học thạc sĩ quản trị kinh doanh chương trình Executive MBA tại trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội.

Vì sao lại để xảy ra tình trạng dở khóc, dở cười này? Theo người viết bài này có ba lý do chính.

Thứ nhất, về chủ quan, những người theo học đã không chủ động tìm hiểu kỹ thông tin, bị hư danh làm “choáng ngợp”.

Lý do thứ hai, đó là trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội mà cụ thể ở đây là khoa Quản trị Kinh doanh. Nếu không có sự “liên kết”, “tiếp tay” của họ, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng này.

Nói rộng ra, sẽ không có bất cứ thứ gì “giả, rởm” có thể lọt vào Việt Nam nếu như không có sự “tiếp tay”, dù dưới bất cứ hình thức gì từ trong nước.

Thứ ba, xin trích lời của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT tại cuộc giao lưu nói trên: “Tôi làm phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học 19 năm, suốt cả một thời gian rất dài, vấn đề công nhận văn bằng làm một vấn đề nhức nhối nhưng chúng ta chưa có một giải pháp triệt để. Nếu bây giờ, Bộ đưa ra một giải pháp để xây dựng khung pháp lý thuận lợi hơn thì sẽ tốt hơn”.

Ông Khuyến đề nghị Bộ GD&ĐT cần công khai danh sách các trường đạt chất lượng, có khung chương trình quốc gia để từ đó tham chiếu.

Về cá nhân, người viết bài này còn có một băn khoăn, đó là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong sự cố này là khoa Quản trị Kinh doanh – ĐH Quốc gia nhưng cho đến thời điểm này, hình như vẫn chưa ai chịu kỉ luật. Trong khi người theo học không chỉ mất tiền bạc, công sức mà sau đó còn phải mất công xịn rút tấm bằng đó ra khỏi lý lịch.

Băn khoăn hơn nữa, đó có vẻ như đã thành “mặc định”, chưa có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm một khi để xảy ra những sai phạm tương tự?

Phải chăng họ có… quyền cứ sai để rồi “trăm tội, dội đầu dân”?


Bùi Hoàng Tám


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire