17/05/2019

LỜI NÓI THẬT HƠN MỘT LẦN CHẾT CHÉM


Bùi Hoàng Tám




Một xã hội mà “Thẳng thắn, thật thà thường thiếu thốn – Lách luồn, lươn lẹo lại leo lên” thì đó là bi kịch cho sự trung thực bởi “Lời nói thật thêm một lần chết chém”.

Bộ Nội vụ đang xem xét đưa một số điều của Đề án văn hóa công vụ vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức và dự án Luật viên chức.

Theo đó, một qui định có nhiều ý kiến tranh luận, đó là công chức, viên chức không được nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.


Việc Bộ Nội vụ dự kiến đưa vào luật cho thấy “nịnh” không còn là tính cách, là thói hư, tật xấu của một số người mà đã trở thành một nghề, thậm chí nhiều khi cao siêu đến mức trở thành… nghệ thuật.

Tuy nhiên, muốn luật hóa nó thì phải định lượng và câu hỏi vậy hành vi như thế nào, đến mức nào thì được coi là “nịnh”?

Người viết bài này chợt nhớ một câu truyện cổ, đọc cách đây đến nửa thế kỉ kể về một vị hoàng đế rất thẳng thắn, trung thực và ghét thói xu nịnh.

Để kiểm tra độ trung thực của mình, hoàng đế cho mở một cuộc thi, nếu ai “nịnh” khiến ông siêu lòng, sẽ được thưởng lớn.

Ngày thi đến, văn võ bá quan xếp hàng chờ ứng thí.

Vị thứ nhất bước lên cao giọng:

- Thưa bệ hạ, thần có thể khẳng định rằng bệ hạ là người khôi ngô, tuấn tú nhất thế giới này. Tóc bệ hạ như mây vờn đỉnh núi. Mắt bệ hạ như sao khuê, sao mai, Trán bệ hạ mênh mông như trời xanh lồng lộng. Mũi bệ hạ…

- Im mồm. Đó là sự thật, đâu phải là nịnh.

Nhà vua quát lên.Vị thứ hai bước lên:

-  Thưa bệ hạ, thần đã đi khắp thế gian này không thấy ai thông thái, tài ba như bệ hạ. Bệ hạ là vầng mặt trời ban ngày, là mặt trăng ban đêm, là…

-  Câm ngay! Đó là sự thật, đâu phải là nịnh.

Vị thứ ba bước lên:

-  Thưa bệ hạ, bệ hạ không chỉ khôi ngô, tuấn tú, tài năng mà bệ hạ còn có trái tim vô cùng nhân hậu…

-  Đủ rồi. Cút hết đi! Nhà vua ngán ngẩm thốt lên...

Trong lịch sử văn học Phương Đông, có lẽ cho đến nay, chưa ai vượt qua được nhân vật Hòa Thân của Trung Quốc.

Chỉ nhờ “phẩm chất nịnh”, ông ta đã đạt tới tột cùng giàu sang và quyền lực, dưới một người, trên vạn người.

Song, “thành tựu” của ông ta là đã may mắn có vị vua nổi tiếng Càn Long, một người ưa nịnh bởi nếu Càn Long không ưa nịnh, chắc chắn Hòa Thân không có đất dụng võ.

Có lần người viết bài này hỏi một người hay nịnh sếp, rằng tại sao anh ta lại có thể nói những lời dối trá và trơ trẽn như vậy thì nhận được câu trả lời thẳng tuột:

“Ông ta thích nghe những lời như thế và đáng phải nhận điều đó bởi để được nghe lời nói thật phải có đủ tâm và tầm. Lời nói thật không dành cho kẻ ngu dốt và trí trá như ông ấy”.

Trở lại với qui định của Bộ Nội vụ, có lẽ cùng với việc cấm “không được nịnh bợ”, nên cấm cả việc “nhận nịnh bợ” bởi có cầu, ắt có cung. Nhất là khi nó là mặt hàng sinh lợi lớn.

Một xã hội mà “Thẳng thắn, thật thà thường thiếu thốn – Lách luồn, lươn lẹo lại leo lên” thì đó là bi kịch cho sự trung thực bởi “Lời nói thật thêm một lần chết chém”.

Bùi Hoàng Tám
http://trannhuong.top/tin-tuc-54136/loi-noi-that-hon-mot-lan-chet-chem.vhtm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire