16/07/2019

‘Ông Tập không còn nhiều thời gian’ khi hai sự kiện quan trọng đang tới gần


Phạm Duy ĐKN
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), giáo sư về khoa học chính trị tại Claremont McKenna College (California, Mỹ) và là tác giả của “Chủ nghĩa Tư bản Thân hữu của Trung Quốc”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Hoàng Đình Nam)


Tóm tắt bài viết

§  Theo giáo sư Bùi, ông Tập đang đứng trước những lựa chọn khó khăn để giải quyết 2 vấn đề trọng yếu: cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và phong trào biểu tình ở Hồng Kông. 

§  Đối với cuộc chiến thương mại, nếu vòng đàm phán tới thất bại, ông Tập sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa để đạt được một thỏa thuận vì chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ sẽ sớm nóng lên. Nhưng nếu ông Tập đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Mỹ, thì sẽ có nguy cơ bị chỉ trích là chấp nhận một "hiệp ước bất bình đẳng" từ giới lãnh đạo Trung Quốc.


§  Đối với phong trào biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, nếu Hồng Kông trở nên khó kiểm soát, Bắc Kinh sẽ có thể thực hiện đàn áp và dẫn tới phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn, đồng thời cũng có khả năng làm thất bại các cuộc đàm phán thương mại. Nếu Hồng Kông bị đàn áp, gần như sẽ đảm bảo sự tái thắng cử của Tổng thống Thái Anh Văn ở Đài Loan.

§  Ông tập không có được nhiều lời khuyên thật lòng từ thân cận, không rõ ông đang nghiêng về hướng nào, nhưng ông không có nhiều thời gian để quyết định.


Giáo sư khoa học chính trị Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) tại Đại học Claremont McKenna (California, Hoa Kỳ) cho rằng đây là thời điểm khó khăn của Tập Cận Bình, với những lựa chọn không dễ dàng về thương mại, chính trị và Hồng Kông, theo Nikkei.

Giáo sư Bùi cho biết, mặc dù tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản vào đầu tháng 7, ông Tập đã cố gắng nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump để nối lại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung bị đình trệ, nhưng những khoảng trống lớn cần phải được giải quyết, và triển vọng đạt được một thỏa thuận, vẫn chưa chắc chắn. Trong khi đó, cuộc biểu tình leo thang chống lại luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hồng Kông cũng đang thử nghiệm khả năng giải quyết khủng hoảng của ông Tập.




Trong cả 2 trường hợp, Trung Quốc đòi hỏi phải có được giải pháp nhanh chóng.

Ngày 1/10 năm nay, là kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Tập rõ ràng muốn giới thiệu những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của mình trong 7 năm qua. Việc thất bại trong việc cố gắng chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng Hồng Kông, sẽ không những làm lễ kỷ niệm mất vui, mà còn làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không triệu tập hội nghị toàn thể kể từ tháng 2/ 2018. Theo quy ước của ĐCSTQ, một hội nghị toàn thể (lần thứ tư của Ủy ban Trung ương hiện tại) phải được tổ chức trước cuối năm. Nếu như ông Tập không đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump hoặc dập tắt được tình trạng bất ổn ở Hồng Kông mà không có bạo lực, thì 2 vấn đề này có thể là chủ đề bàn luận khó chịu của hơn 300 quan chức cao cấp của ĐCSTQ tại hội nghị này.

“Thật không may cho ông Tập, việc kết thúc cuộc chiến thương mại và dập ‘ngọn lửa’ ở Hồng Kông, đặt ra những lựa chọn không hề dễ chịu”, ông Bùi bình luận.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: tiến thoái lưỡng nan

Giáo sư Bùi cho rằng đối với cuộc chiến tranh thương mại, ông Tập sẽ là bên có “phát súng cuối cùng”, vì các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung đã bị phá vỡ 2 lần trước đó (vào tháng 5/2018 và tháng 5/2019) và nếu vòng đàm phán này kết thúc trong thất bại, điều đó sẽ còn khó khăn hơn nữa cho việc đạt được một thỏa thuận, khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ sẽ sớm nóng lên, và sẽ hạn chế khả năng thỏa hiệp của ông Trump.

Nhưng nếu ông Tập đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Washington, như duy trì thuế quan trừng phạt ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận và luật hóa các biện pháp thực thi một phía, thì sẽ có nguy cơ ông Tập bị chỉ trích là chấp nhận một “hiệp ước bất bình đẳng”.

Làm phức tạp thêm tính toán của ông Tập là nhận thức hiện đang ăn sâu trong các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ dù thành công thì vẫn gây thiệt hại cho Trung Quốc. Hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thấy rằng việc tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho thị trường Mỹ sẽ khiến họ phải chịu những bất lợi do xu hướng chống Trung Quốc của Washington. Cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro này là chuyển một số hoặc tất cả chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung, một mặt trận khác trong cuộc chiến đang diễn ra giữa những người khổng lồ, khó có thể chấm dứt ngay cả khi Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận thương mại.

Nếu chấp nhận thỏa thuận với Tổng thống Trump, ông Tập sẽ mất mặt, nhưng gặt hái được những lợi ích thực sự, mặc dù có giới hạn. (Ảnh: Reuters)

Theo giáo sư Bùi, để chống lại cái giá phải trả này, ông Tập phải cân nhắc những lợi ích bề mặt hạn chế. Trong ngắn hạn, chấm dứt cuộc chiến thương mại sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo của ông Tập, giúp ông thoát khỏi chủ đề bàn luận khó chịu, và khôi phục hình ảnh của mình như một người lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng đưa ra quyết định khó khăn. Ông Tập cũng có thể tập trung vào ưu tiên hàng đầu của mình: cung cấp một ‘bảng thành tích’ đáng tin cậy cho ĐCSTQ trong 3 năm tới, để đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba của ông.

Một thỏa thuận thương mại ngay cả với giá trị dài hạn bị giảm sút, vẫn có thể giúp giảm bớt sự rơi tự do trong quan hệ Mỹ – Trung. Nếu một thỏa thuận như vậy mang lại đủ lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, Bắc Kinh có thể giành lại được sự tin tưởng của họ và họ sẽ không rời đi.

Tuy nhiên, ông Tập chỉ có thể có được những lợi ích này bằng cách chịu trách nhiệm cá nhân trong việc chấp nhận thỏa thuận của ông Trump, với những điều khoản không như mong đợi. Ông Tập sẽ bị mất mặt, nhưng thu được lợi ích thực, mặc dù bị giới hạn.

Đối với phong trào biểu tình ở Hồng Kông


Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông khiến ông Tập gặp tình huống khó xử tương tự.

Giáo sư Bùi cho rằng Bắc Kinh rõ ràng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi tiếp quản thuộc địa cũ của Anh năm 1997. Phong trào phản kháng tập trung vào dự luật dẫn độ đã vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ được nêu trong bài phát biểu năm 2017 của ông Tập nhân kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả lại Trung Quốc. Khi đó, ông Tập nói: “Bất kỳ nỗ lực nào gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương và quyền hạn của Đạo luật Cơ bản của Đặc khu hành chính Hồng Kông hoặc sử dụng Hồng Kông để thực hiện các hoạt động xâm nhập và phá hoại đối với đại lục là một hành động vượt qua lằn ranh đỏ, và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Cảnh sát chống bạo động của Hồng Kông sẽ khó có thể, hoặc thậm chí sẵn sàng, áp dụng các biện pháp tàn bạo. (Ảnh: Reuters).

Nhưng đè bẹp cuộc biểu tình rầm rộ bằng bạo lực có lẽ cần phải sử dụng quân đội đóng quân tại Trung Quốc, bởi vì cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông sẽ khó có thể, hoặc thậm chí sẵn sàng áp dụng các biện pháp tàn bạo cần thiết để tái khẳng định quyền kiểm soát.

Một cuộc đàn áp theo kiểu Thiên An Môn ở Hồng Kông chắc chắn sẽ báo hiệu sự kết thúc của “Một quốc gia, hai chế độ”. Bên cạnh việc khiến thành phố trở nên khó kiểm soát, Bắc Kinh sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn, bao gồm cả việc thu hồi Đạo luật Chính sách Hồng Kông của Mỹ, coi thành phố này là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc. Một cuộc đàn áp cũng có khả năng sẽ làm thất bại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, giáo sư Bùi nhận định.

Tình trạng bất ổn liên tục ở Hồng Kông sẽ làm hỏng các lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, nhưng một cuộc đàn áp bạo lực có thể còn tồi tệ hơn (vào năm 1989, lễ kỷ niệm 40 năm quốc khánh Trung Quốc hầu như không được tổ chức vì vụ đàn áp Thiên An Môn).

Ông Tập cũng sẽ cần xem xét tác động của một cuộc đàn áp ở Hồng Kông đối với Đài Loan, nơi sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và các nhà lập pháp vào tháng 1/2020. Việc đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình của Hồng Kông, sẽ gần như đảm bảo sự tái thắng cử của Tổng thống Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân chủ, ủng hộ độc lập cho Đài Loan.

Điều này khiến sự thỏa hiệp có vẻ là một phương án ít tổn thất hơn. Ông Tập sẽ cần chấp nhận các yêu cầu của người biểu tình: rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, và sự từ chức của trưởng đặc khu Carrie Lâm. Những nhượng bộ như vậy rất khó khăn về mặt chính trị bởi chúng sẽ không chỉ khiến ông Tập bị chỉ trích vì thể hiện sự yếu kém, mà còn mang lại một chiến thắng rõ ràng cho các lực lượng dân chủ của Hồng Kông.
Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc
Theo giáo sư Bùi, nếu ông Tập muốn chơi trò chơi lâu dài, rõ ràng là ông ấy nên nhượng bộ trong cả 2 trường hợp. Nhưng nếu ông Tập cảm thấy rằng sự thỏa hiệp sẽ gây tổn hại không thể khắc phục cho quyền lực của mình, thì ông Tập phải bám vào các quan điểm lãnh đạo cứng rắn của ông, mặc dù có thể gây ra hậu quả lâu dài thảm khốc.

Theo ông Bùi, những người ôn hòa trong ĐCSTQ muốn ông Tập không chỉ đưa ra những thỏa hiệp cần thiết để vượt qua 2 cuộc khủng hoảng, mà còn bắt đầu rút khỏi các chính sách góp phần làm xấu đi mối quan hệ Mỹ – Trung, nhưng họ không chắc sẽ được ông Tập nghe đến. “Quyền lực đã được tập trung toàn bộ vào ông Tập đến mức chỉ có một vài người trung thành hiện mới có quyền tiếp cận ông”, ông Bùi cho biết. “Mà những người như vậy ngại đưa ra lời khuyên trong đó ngụ ý sự sai lầm của ông Tập hoặc làm tổn hại đến quyền lực của ông ấy, nên cách an toàn nhất đối với họ là điều chỉnh các khuyến nghị của mình cho các lựa chọn mà họ tin rằng ông Tập thích nghe hơn”, ông Bùi phân tích.
Cho đến nay thật khó để nói ông Tập đang nghiêng về hướng nào. Nhưng có một điều chắc chắn: “ông Tập không có nhiều thời gian”, giáo sư Bùi kết luận.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire