16/02/2020

Sự đa dạng chính trị tại Âu châu

Vũ Ngọc Yên

Nền chính trị Âu châu rất phong phú, đa dạng và hiệu quả là nhờ sự hiện diện của nhiều khuynh hướng, trào lưu và chính đảng sinh hoạt sôi động trong một thể chế dân chủ đa nguyên và đa đảng.


Các khái niệm chính trị đối nghịch

Tả - Hữu
Sự phân biệt Tả Hữu khởi nguồn từ quy định chỗ ngồi của Quốc hội Pháp vào năm 1814. Theo đó các đảng chủ trương thay đổi chính trị và xã hội ngồi phía trái của Chủ tịch Quốc hội và các đảng chủ trương duy trì hiện trạng chính trị ngồi phía tay phải. Nay khái niệm Tả và Hữu được diễn tả cho quan điểm chính trị của một cá nhân, nhóm hay một chính đảng và dùng để phân biệt với phía đối nghịch chính trị khác. Tuy nhiên sự phân biệt Tả Hữu thường diển giải đơn giản nên tạo nhiều tranh cãi trong công luận. Một chính đảng tự nhận Tả, nhưng giới truyền thông báo chí lại liệt đảng ấy vào một khuynh hướng chính trị khác.
Trong ý nghĩa phổ quát, Chính trị Tả được hiểu là những nỗ lực tranh thủ bình đẳng xã hội. Tự do xã hội đứng trên tự do cá nhân. Theo quan điểm Tả, mọi người bình đẳng và  người trong xã hội liên kết với nhau không chỉ vì công bằng, mà còn vì những giá trị như công lý, nhân bản và tinh thần quốc tế. Ngược lại Chính trị hữu khuynh cho rằng phe tả theo đuổi một "hư cấu" mọi người bình đẳng. Theo họ các cá thể trong xã hội tự bản chất đã có khác biệt nên không thể ngang bằng như nhau đươc. Hữu khuynh chủ trương một hệ thống phẩm trật dựa trên dị biệt cá nhân, định chuẩn xã hội và các giá trị truyền thống quốc gia. Và qua đó mọi người trong xã hội ràng buộc nhờ uy quyền, kỷ kuật và tinh thần quốc gia.

Cực hữu - Cực tả
Các khuynh hướng tả hữu thể hiện qua các sinh hoạt phù hợp với tinh thần dân chủ và hiến pháp quốc gia nên không thể đồng hoá với các khuynh hướng cực tả ( cộng sản, vô chính phủ)  hay cực hữu (Quốc gia cực đoan, Phát xít). Thành phần cực hữu chủ trương  hủy bỏ thể chế dân chủ-tự do. Đối với họ, chỉ Dân tộc mình là trên hết. Họ bài ngoại và chống người khác chính kiến,  thậm chí bằng bạo lực. Họ phủ nhận quan điểm mọi người bình đẳng. Truyền thông báo chí thường dùng từ phát xít, Tân quốc xã (Neonazi) để chỉ các  phần tử cực hữu. Còn cực tả cho rằng nhà nước chỉ là công cụ của giới thống trị dùng để trấn áp và bóc lột nhân dân nên họ chống lại hệ thống dân chủ hiện tại bằng bạo lực để tạo ra một chế độ vô chính phủ.

Tiến bộ – Bảo thủ
Trong thời kỳ khởi đầu của nền dân chủ tây phương, đặc biệt trong thế kỷ 19, Tả phái nỗ lực cải cách xã hội qua việc thực hiện những chính sách cải thiện đời sống của tầng lớp công nhân và thực thi  nhân quyền. Họ đề cao những thành quả canh tân  và tự xem mình là thành phần tiến bộ. Ngược lại dựa vào những định chuẩn xã hội, phe hữu muốn bảo lưu hiện trạng kinh tế và chính trị cũng như thận trọng đổi mới nên từ bảo thủ dùng cho phe hữu khuynh. Sự phân chia khái niệm Bảo thù - Tiến bộ trải qua nhiều thời gian cũng bị thay đổi. Sau thế chiến thứ hai, các đảng hữu đã triển khai và thực hiện nhiều chương trình hiện đại tiến bộ, thậm chí hiệu quả nhiều hơn  so với các đảng tả.

Bình đẳng - Tự do
Là những khẩu hiệu tranh cử  được các chính đảng tả – hữu dùng làm nổi bật trọng tâm chương trình chính trị. Hai từ này có vẻ cạnh tranh. Triết gia xã hội Max Horkheimer cho rằng "Càng nhiều Bình đẳng thì càng ít Tự do, một xã hội hoàn toàn bình đẳng mà không có tự do thường dẫn đến độc tài. Và ngược lại hoàn toàn tự do và không có bình đẳng sẽ tạo ra tình trạng man rợ, kẻ yếu bị phó thác cho kẻ mạnh".  Đây là điểm cực đoan của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do.

Quốc tế – Quốc gia
Đáp ứng tư tưởng bình đẳng, từ lâu phe Tả theo đuổi tiêu chí quốc tế và hiểu đây là một cuộc vận động. Sau 1945 nhiều nhóm Tả xem công tác chống chủ nghĩa đế quốc là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng nay nhiều nhóm Tả lại phê phán toàn câu hoá và chống lại việc quốc tế hoá chủ nghĩa tư bản cũng như xem chủ quyền quốc gia  là điều kiện đầu đãm bảo những thành quả xã hội trong quốc gia. Từ giữa thế kỷ 20, Phe hữu theo đuổi một đường lối dân tộc, duy trì ý thức hệ quốc gia . Nhưng đồng thời tự nhân là lực đẩy của công cuộc toàn cầu hoá  và thống nhất Âu châu.

Cộng sản - Xã hội
Cũng cùng theo đuổi "Chủ nghĩa xã hội", nhưng giữa người Cộng sản và người Xã hội chủ trương thực hiện hoàn toàn khác nhau.
Về mặt lịch sử, phong trào xã hội và cộng sản đều xuất phát từ tư tưởng Karl Marx. Các đảng chủ trương lật đổ nền thống trị giai cấp của tư bản chủ nghĩa để thiết lập một trật tự chính trị công bằng theo chủ nghĩa xã hội.
Về mặt ý hệ, các chính đảng xã hội bác bỏ chuyên chính độc đảng, đấu tranh giai cấp, dân chủ tập trung, kinh tế  nhà nước chỉ huy. Tuyên ngôn quốc tế xã hội 1951 tại Luân Đôn, Anh quốc  khẳng định quan điểm "Sẽ không có chủ nghĩa xã hội khi không có tự do. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện qua dân chủ và dân chủ chỉ hoàn hảo qua chủ nghĩa xã hội".
Về mặt chính sách, các chính đảng xã hội, dân chủ xã hội hay lao động đều đưa ra những chương trình chính trị thực tiễn theo định hướng pháp trị, dân chủ, tự do, nhân quyền, đoàn kết và công bình xã hội.
Những người Xã hội thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa bằng con đường dân chủ-tự do thay vì độc tài-độc đảng như Cộng sản.
Tóm lại phe xã hội là một thành trì không chỉ đối nghịch chủ nghĩa Cộng sản và Tư bản, mà còn quyết tâm theo đuổi bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ.
Đồng hóa Cộng sản với Tả và Xã hội là không đúng.

Khuynh hướng chính trị của các đảng dân chủ Âu châu
Bảo thủ
Bên cạnh chủ nghĩa tự do và xã hội, chủ nghĩa Bảo thủ là một trong ba ý hệ chính trị chính tiêu biểu trong những thế kỷ 18 và 19 ở Âu châu. Bảo thủ là  kháí niệm tập hợp  cho các phong trào chính trị chủ trương duy trì hiện trạng hay phục hồi những truyền thống trước.
Người  bảo thủ rất thận trọng trước những cái mới. Họ đòi hỏi trước khi áp dụng mặt hữu ích của cái mới cần phải minh chứng để tránh thiệt  hại. Người Bảo thủ cũng có ý muốn cải cách nên không phài bất cứ hiện trạng nào củng phải bảo vệ. Các đảng bảo thủ ít khi đề cao  khiá cạnh công bằng trong chương trình, đôi khi còn giới hạn quan điểm phóng khoáng. Phe Bảo thủ tránh dùng khái niệm Hữu cho đảng của mình và thích nhận mình là bảo thủ hơn. Theo họ  nhãn hiệu Hữu đã bị lạm dụng trong lịch sử bởi phát xít và Quốc xã (Nazi).  Đối với bảo thủ, các tiêu điểm Tự do cá nhân,  An ninh và một nhà nước hùng mạnh là những ưu tiên trong chương trình chính trị. Các chính đảng bảo thủ  thường quảng bá  khái niệm "trung dung" cho đường lối  của mình để phân ranh  với các đảng tả hay cực hữu hầu dễ tiếp cận với mọi tầng lớp xã hội.

Dân chủ xã hội
Dân chủ xã hội phát xuất từ tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Các đảng dân chủ xã hội chủ trương xây dựng một xã hội tự do và công bình. Họ đòi hỏi một hệ thống không có bóc lột, bạo lực và trấn áp, đãm bảo các quyền cơ bản kinh tế, chính trị và xã hội cho tất cả mọi người. Dân chủ xã hội hiện thực quyền tham dự chính trị trong mọi lãnh vực.
Đảng dân chủ xã hộ tự xác định là chính đảng Tả, nhưng nay cũng dùng "từ tân trung dung" hay "đảng trung dung đoàn kết". Mục tiêu dân chủ xã hội là bằng phương tiện dân chủ thực hiện lý tưởng công bằng, công lý và đoàn kết.

Tự do
Các đảng theo khuynh hướng tự do khó liệt vào trục Tả Hữu. Vì một mặt đề cao bình quyền chính trị nhưng lại nhấn mạnh yếu tố năng lực cá nhân dị biệt  là động lực thăng tiến. Phe tự do chủ trương quyền tự quyết trong lãnh vực kinh tế và đề cao cá thể. Phe tự do có lập trường gần giới hoạt động kinh doanh  nên thuộc về phe tư sản hữu khuynh..

Xanh
Xanh là một trào lưu chính trị hay phong trào xã hội  bảo vệ môi sinh, thiên nhiên, chủ trương xây dựng một xã hội sinh thái bền vững dựa trên công bằng, dân chủ và phi bạo lực. Phong trào Xanh  dân chủ lan rộng từ những năm 70 cũa thế kỷ 20 và đã trở thành một lực lương chính trị quan trọng trong hệ thống chính đảng ở các nước Âu châu. Phong trào xanh rất dấn thân trong lãnh vực Nhân quyền.

Dân túy
Chủ nghĩa dân túy phân xã hội thành "nhân dân" và "tầng lớp tinh hoa". Các đảng dân tuý tự nhận là "tiếng nói của nhân dân" đứng lên chống đối giới tinh hoa trong chính quyền và các chính đảng lớn. Họ hỗ trợ những yêu sách mở rộng vai trò của nhân dân được thể hiện trong các quyết định chính trị, chẳng hạn qua trưng cầu dân ý. Nhưng ngược lại quyền lực của các cơ quan dân chủ như Quốc hội, Liên minh Âu châu, các đại công ty và giới truyền thông phải hạn chế. Trong thập niên gần đây, Phong trào dân tuý trổi dậy nhờ sự bất mãn của nhiều thành phần trong quần chúng đối với vấn đề toàn cầu hoá và  di dân tị nạn. Các đảng dân túy thường kích động người dân bài ngoại, đề xuất những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp cũng như thường sử dụng dối trá và hứa suông cho các chương trình tranh cử .

Vài mô hình diễn tả sự đa dạng  chính trị
Có nhiều cách thức dùng để biểu hiện mức độ Tả-Hữu, Bảo thủ-Tiến bộ, Phóng khoáng - Độc đoán của các chính đảng như mô hình, một chiều ngang, hay hai chiều ngang dọc hoặc hình thoi, hình móng ngựa hay GAL/TAN skala..

Mô hình một chiều ngang và hai chiều ngang-dọc
Chiều  ngang tiêu biểu cho tuyến kinh tế ( Lao động - Tư bản ) với hai cực. Cực Tả biểu hiện cho các lập trường chủ trương tái phân phối tài sản, công bằng xã hội, sự can thiệp của nhà nước trong lãnh vực kinh tế. Trong khi các lập trường chủ trương tự do thị trường, một nhà nước phúc lợi không qúa lớn và một thị trường lao động linh hoạt thuộc về cực hữu.
Để phân biệt với chiều kinh tế, chiều dọc  của tuyến  xã hội không dùng khái niệm Tả và Hữu mà dùng khái niệm Tiến bộ, phóng khoáng, tự do cho  phía trên và khái niệm Bảo thủ, truyền thống  hay độc đoán  cho phía dưới. Lập trường Tiến bộ đòi hỏi Tự do cá nhân và tách rời tôn giáo và nhà nước, ủng hộ bảo vệ môi sinh và chấp nhận một xã hội đa văn hoá. Ngược lại phía bảo thủ nhấn mạnh tầm quan trọng của những định chế xã hội (gia đình, tôn giáo và quốc gia), đòi hỏi một nhà nước mạnh lo trật tự và pháp luật cũng như bảo vệ văn hoá dân tộc   

Các chính đảng tại Đức
Hệ thống chính trị của Đức có những điểm mạnh là: Khả năng đạt tới sự đồng thuận trong quá trình ra quyết định. Sự ổn định chính trị rất lớn. Sự gắn kết về mặt xã hội và sự thịnh vượng về kinh tế là những nét đặc trưng của xã hội Đức.
Ở Đức có hai nhóm đảng chính trị chính là cánh hữu và cánh tả.

Phe Tả :    Đảng Tả (Die Linke),  Đảng xanh ( Grün), Đảng Dân chủ xã hội (SPD) .
Phe Hữu: Đảng Tự do dân chủ (FDP),  Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU), Đảng Chọn lựa cho nước Đức( AFD).
Chính trị Tả – Hữu  của các chính đảng được diển tả  trên Trục ngang Tả-Hữu 11 cấp.
Cấp 1 cực Tả và cấp 10 cực hữu.
Tả        Die Linke     Grün    SPD     FDP     CDU    CSU     AFD                    Hữu
1      2          3             4           5           6          7           8            9           10            11
Chính trị Tả-Hữu và khuynh hướng Bảo thủ hay Tiến bộ  được diển tả qua trục ngang Tả – Hữu và trục dọc Bảo thủ – Tiến bộ. 
        Tiến bộ
Die Linke                                              I
             Grün                   I
SPD             I
Tả                                    I      FDP                                 Hữu
                                        I
                                        I            CDU/CSU
                                        I                          AFD
     Bảo thủ

Sự  phân biệt khuynh hướng chỉ  thông qua  chiều Tả - Hữu  hay Tiến bộ-Bảo thủ  quá đơn giản không đủ để diễn tả sự  đa dạng  chính trị. Trong hai thập niên qua nhiều vấn đề liên hệ đến cách sống, môi sinh, đa văn hoá, chủ nghĩa dân tộc và  di dân được bàn cãi sôi nổi trong công luận. Nhu cầu định hướng chính trị rất cao. Các đảng không còn thuần tuý Tả hay Hữu. Phong cảnh chính trị ở Âu châu mang nhiều mầu sắc hơn nên khuynh hướng và lập trường của  các chính đảng cần được phân định theo những tiêu chuẩn mới thay vì giới hạn trong cách phân định Tả-Hữu. Tại Đức đảng CDU đang tìm cách  giới hạn biên giới chính trị tả,  hữu,  còn đảng SPD đang phân tích để xem đảng còn bao nhiêu phần trăm tả. Báo chí truyền thông thường bình luận chính quyền tương lai sẽ thuộc phe hữu hay tả. Thật ra câu hỏi  tả hữu không hửu ích gì cho sự trả lời. Sự phân biệt tả hữu không còn đủ để hiểu hệ thống chính đảng Đức.
Hai thí dụ điển hình: Một số đảng tả như Die Linke cũng chủ trương giới hạn di dân như lập trường cố hữu của các đảng hửu . Hoặc đảng dân túy hữu  khuynh  như AFD chủ trương giới hạn tình trạng lao động mướn qua dịch vụ trung gian đáp ứng yêu sách của Công đoàn hay của SPD.
Các đảng hiện nay không còn thuần tuý Tả hay hữu. Chúng thuộc về phe GAL hay  phe TAN  Liesbet Hooghe và Gary Marks thuộc Đai học Chapel Hill đã đưa ra một mô hình phân biệt mới gọi là Skala GAL/TAN . GAL (Green, Alternatively,Liberal- Xanh/Bảo vệ môi sinh,Chọn lựa /,Phóng khoáng/Tự do và TAN  (Traditional, Authoritarian, Nationalistic  - Truyền thống / bảo thủ,  Độc đoán / Kỷ luật, Dân tộc /Địa phương ).
GAL đaị diện cho các chính đảng Xanh-Chọn lựa và Phóng khoáng còn TAN cho các đảng Truyền thống Độc đoán-Dân tộc tính. 

Mô hình  GAL-TAN Skala
Lập trường GAL-TAN trên cột vị trí từ 0 đến 10 : Số 0 là Phóng khoáng/ hậu vật chất (Post-materialism chỉ  nhu cầu tinh thần như sức khỏe, hạnh phúc, môi sinh lành mạnh). Số 10 là độc đoán/vật chất. Số 0 biểu hiện giá trị tự do-hậu vật chất và tán thành sự mở rộng các quyền tự do cá nhân như phá thai, hôn nhân đồng phái và tham dự chính trị. Số ngược lại đề cao những giá trị truyền thống –vật chất và đòi hỏi nhà nước phải có uy quyền trong những vấn đề xã hội và văn hoá.

Các chính đảng tại Phần lan.
Hệ thống các đảng chính trị của Phần Lan khá ổn định. Trong hệ thống chính trị đa đảng của Phần Lan, có 3, 4 đảng lớn nhất mỗi đảng thu hút khoảng 20% sự ủng hộ và khoảng 10 đảng nhỏ khác cạnh tranh phần còn lại và khoảng một nửa trong số đó thành công trong việc có được ghế trong Quốc hội.
Liên minh cánh tả (tả) VAS.
Liên minh Xanh (khuynh tả)  VIHR.
Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan  (khuynh tả) SDP
Đảng nhân dânThụy điển, Phần lan (trung dung)  SFP
Đảng Trung tâm Phần lan (khuynh hữu) KESK
Đảng Tập hợp dân tộc (trung hữu)  KOK
Đảng Dân chủ Thiên chuá giáo (hữu)  KD
Đảng Người Phần lan (dân túy)  PS
Tả      VAS    VIHR   SDP    SFP      KESK         KOK      KD      PS              Hữu
1     2        3      4        5          6              7               8       9      10     11
Theo mô hình GAL/TAN các chính đảng Phần lan chia thành hai phe. Các đảng truyền thống, vật chất được đai diện bởi KESK, KOK,  KD và PS và đối nghịch là các đảng phóng khoáng-hậu vật chất như SDF, SFP, VAS và VIHR.


10
9                                                           KD       PS          
8
7                                      KESK
6
5                                                    KOK
4
3                  SDP        SFP
2     VAS
1            VIHR
0                                                                              

Những con số đươc đưa ra chỉ  tượng trưng minh hoạ, chứ không chính xác. Đảng dân túy hữu khuynh  PS ở số 9 và đảng KD với lập trường độc đoán ở số tương tự 8,4. Đảng KESK khuynh hữu với lập trường độc đoán có số 7. Ngược lại các đảng có lập trường phóng khoáng như SDP  và SFD  có vị trí số 3. Đảng tả VAS  có 2  Đảng xanh VIHR  ở số 1. Riêng đảng Trung tâm KOK đứng vị trí số 5.

Thay lời kết
Sự khác biệt với các chế độ độc tài, độc đảng như Việt nam là nền chính trị dân chủ đa đảng Âu châu rất phong phú và hiệu quả. Tại mỗi nước thành viên Âu châu đều có hàng chục đảng tham gia sinh hoạt, tranh cử. Chính quyền thay đổi thường xuyên theo ý dân thể hiện qua kết qủa bầu cử, nhưng không vì thế mà đất nước bị xáo trộn. Không có đảng nào mạo nhận là "chính quyền nhân dân" và xem thành phần đối lập là "kẻ thù của nhân dân". Quốc hội là cơ quan tối cao của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng, thông qua sự hiện diện của nhiều chính đảng phản ảnh lợi ích và tính đại diện của mọi thành phần trong xã hội. Tại nhiều nước, một chính đảng khi giành được chính quyền qua cuộc bầu cử  thường có khuynh hướng sử dụng ưu thế đa số để áp đão hoặc tìm cách loại trừ thiểu số đối lập ra khỏi các cuộc hiệp thương chính trị. Đối với Âu châu, Dân chủ không chỉ có ý nghĩa là tôn trọng thiểu số đối lập  mà còn hỗ trợ sinh hoạt của thiểu só đối lập hôm nay có cơ hội sẽ trở thành chính đảng cầm quyền trong ngày mai. . 

Vũ Ngọc Yên

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire