VỤ tàu Bình Minh 02 và mới đây nhất là vụ các tàu cá Phú Yên bị tàu quân sự Trung Hoa đuổi bắn ngay trên hải phận Việt Nam là mở đầu thời kỳ gây hấn mới của Bắc Kinh sau khi họ đã tiến thêm một bước trong quá trình cô lập Việt Nam bằng các thoả thuận ngoại giao nào đó với Mỹ và một vài nước ASEAN.
Ý đồ xâm chiếm toàn bộ Biển Đông của BK càng lúc càng lộ rõ và trở nên thúc bách cùng với cơn khát dầu mà Bắc kinh đang đối đầu.
Dù đang rất nôn nóng và là một nước lớn mạnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần nhưng Trung Hoa vẫn tỏ ra thận trong khi muốn xua quân xuống phía nam. Điều làm cho Bắc Kinh dè dặt không phải là sức mạnh quân sự của Việt Nam, sự lên án của quốc tế mà là sợ Việt Nam ngã hoàn toàn vào Mỹ.
Trung Hoa từ xưa đến nay không lúc nào ngưng ý đồ tràn xuống phương nam. Họ phải chựng lại ở Quảng Đông và Quảng Tây là vì sức đề kháng mãnh liệt của Việt Nam. Một nhà nghiên cứu Trung Hoa đã từng nói, biên giới Trung Hoa đáng lẻ phải mở rộng xuống tận Đông Nam Á nếu như không có Việt Nam.
Một nhà sử học Việt Nam đưa ra tổng kết: Chưa có một quốc gia nào trong lịch sử nhân loại bị nước ngoài đô hộ đến 1000 năm mà vẫn không bị đồng hoá như Việt Nam. Qua đó thấy rằng sức đề kháng của dân Việt là vô cùng to lớn và hữu hiệu.
Sức đề kháng hữu hiệu đó có được không chỉ nhờ vào sự thiện chiến của người Việt mà còn nhờ vào sách lược (đối phó với Trung Hoa) đúng đắn và linh hoạt của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sủ..
Trải qua hàng ngàn năm, nước Việt nhỏ bé đánh thắng được xâm lược phương bắc đều nhờ vào sức mạnh tự thân, không phải nhờ cậy ai bên ngoài. Có được sức mạnh đó là nhờ vào khối đoàn kết toàn dân. Những lúc Việt Nam tạm thua phương bắc là những lúc nội bộ chia rẽ, giới cầm quyền đi ngược lại ý dân.
Nhưng dù thế nào đi nữa, thì sự cách biệt thế và lực giữa Việt Nam và Trung Hoa ngày xưa không quá lớn như ngày nay. Do Việt Nam vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lại xây dựng và phát triễn kinh tế theo một đường lối sai lầm kéo dài gần nửa thế kỷ nên cách biệt với Trung Hoa quá xa.
Tuy vậy nếu Trung Hoa xâm lấn Việt Nam thì người Việt vẫn có khả năng chống trả quyết liệt và nếu có thua thì sau đó với ý chí quật cường người Việt cũng nổi lên giành lại chủ quyền như trong lịch sử đã từng chứng tỏ.
Tuy nhiên khi phải lâm vào hoàn cảnh đó thì Việt Nam lại phải đối mặt với lạc hậu đói nghèo lâu dài. Đó là điều không ai mong muốn.
Do vậy về phía Việt Nam, chọn lựa đúng đắn nhất vẫn là đừng để chiến tranh xảy ra. Phải tìm cách dập tắt ngay từ đầu manh nha khởi phát chiến tranh.
Về phía Trung Hoa, biết Việt Nam trong thế phải kiềm chế, Bắc Kinh liên tục gây hấn và khiêu khích. Vụ tàu Bình Minh và vụ tàu đánh cá Phú Yên mới đây không là những hành động đơn lẻ. Trung Hoa dường như đang có một sách lược gây hấn Việt Nam ở Biển Đông. Họ sẽ liên tục gây ra hàng loạt vụ khiêu khích khác càng lúc càng hung hăng hơn, ngang ngược hơn để đến lúc VN không còn kiềm chế được nữa, chiến tranh trên biển sẽ nổ ra mà phần lợi thế, Trung Hoa tin chắc sẽ nghiêng về phía họ. Mà dù cho chiến tranh trên biển có thua, thì Trung Hoa sẽ áp lực mạnh lên Việt Nam bằng chiến tranh trên bộ, chiến tranh hạt nhân…
Sách lược hiện nay của Việt Nam là dập tắt mọi âm mưu gây hấn của Trung Hoa. Để làm được điều nầy Việt Nam phải nhanh chóng triễn khai các bước sau .
Một, xây dựng lại khối đoàn kết toàn dân, khơi lên lòng trách nhiệm về sự tồn vong của tổ quốc với mọi tầng lớp nhân dân cả trong lẫn ngoài nước bằng việc công khai mọi diễn biến trong quan hệ với Trung Hoa.
Hai, không mày mò đi theo Trung Hoa trong đường lối xây dựng và phát triễn kinh tế (để phải chịu cảnh tự nguyện làm em út) mà phải bức phá ra, phải triệt để phát triễn kinh tế theo đường lối tối ưu mà nhân loại đã đúc kết và hầu hết các nước phát triễn trên thế giới đang theo. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (kể cả Hồng Công trước đây) nhờ thoát ra khỏi cái bóng của Trung Hoa và triệt để theo phương tây mà đạt được thành tựu như ngày nay.
Ba, không đu dây giữa Trung Hoa và Mỹ mà phải theo hẳn Mỹ. Trung Hoa đã từng nhiều lần lợi dụng xương máu của Việt Nam để đến với Mỹ, thậm chí năm 1979 gây chiến tranh đổ máu với Việt Nam để làm vừa lòng Mỹ hầu tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ và sự giao thương với Mỹ ( Trung Hoa giàu mạnh như ngày nay cũng bắt đầu từ đó). Trong khi đó từ đầu thế kỷ 21 đến nay người Mỹ đã nhiều lần gợi ý và tạo điều kiện cho VN ngã về phe họ nhưng lãnh đạo VN đã bỏ qua. Ông Lê Khả Phiêu đã ngờ nghệt dội một gáo nước lạnh vào Bill Clinton ngay tại Hà Nội khi vị tổng thống hào hiệp này qua tận Việt Nam với lòng nhiệt tình đưa tay ra mời mọc.( trong khi đó từ năm 1978 Đặng Tiểu Bình phải qua tận Mỹ để xin xỏ và hứa là sẽ về dạy cho VN một bài học để Mỹ bớt stress vì thua trận ở VN). Mới đây nhất, Mỹ ít ra đã hai lần gợi ý mời VN tập trận chung, nhưng VN lại từ chối.(để ngay sau đó Trung Hoa nắm bắt cơ hội tập trận chung với Mỹ- và sau cuộc tập trận này họ đã gia tăng gây hấn trên Biển Đông như đã thấy). Thông qua VN, Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông thì Mỹ sẽ là đối trọng cân sức với Trung Hoa bên cạnh VN. Ngược lại, Mỹ sẽ chia quyền lợi nầy với Trung Hoa, đó là lúc VN sẽ bị cô lập hoàn toàn. Dường như sự việc đang diễn biến theo chiều hướng nầy (???)..
Đối phó với Trung Hoa là đối phó cả ngàn đời, không phải một sớm một chiều. Trung Hoa coi VN là quận huyện của họ nên chuyện thôn tính VN là ý đồ thường trực của họ. Những lúc họ tạm cho VN yên ổn là lúc họ chưa tìm ra thời cơ. Họ chẳng vì dư luận quốc tế phản đối, chẳng vì thấy giới cầm quyền VN ngoan ngoãn mà họ buông tha.
Khi lực trong và thế ngoài vững mạnh thì VN không cho Trung Hoa cơ hội để thôn tính, ý đồ gây hấn sẽ được dập tắt.
Thật ra sách lược đối phó với Trung Hoa như trên thì ai cũng biết, chẳng có gì mới mẻ sáng tạo. Nhưng tại sao không làm ngay nhỉ?
Lẻ nào tình cảnh của VN bây giờ lại giống như thời Mạc Đăng Dung cách đây mấy trăm năm. Triều đình nhà Mạc do không đoàn kết được lòng dân nên yếu thế phải ra tận biên giới tự trói tay, dâng đất để được tồn tại (cho riêng triều đình họ).
Nhưng nào có tồn tại được đâu. HUỲNH NGỌC CHÊNH
ý NÀY CỰC HAY:
RépondreSupprimer"Lẻ nào tình cảnh của VN bây giờ lại giống như thời Mạc Đăng Dung cách đây mấy trăm năm. Triều đình nhà Mạc do không đoàn kết được lòng dân nên yếu thế phải ra tận biên giới tự trói tay, dâng đất để được tồn tại (cho riêng triều đình họ).
Nhưng nào có tồn tại được đâu".
Ce commentaire a été supprimé par un administrateur du blog.
RépondreSupprimerNhưng nếu VN ngả hẳn về Mỹ như thời VNCH ,nhưng Mỹ bỏ rơi thì biết làm sao ?
RépondreSupprimerTheo mình Việt nam cần đa phương hóa quan hệ là tốt nhất ,Nga Pháp,Ấnđộ,và cả Mỹ,thậm chí cả TQ.
Với TQ ta chơi nhưng đừng " dị ứng "với họ mới là cao thủ.