Trang

27/06/2011

THOÁT RA KHỎI CÁI BÓNG CỦA TRUNG HOA

Trung Hoa quá lớn, có một nền văn minh lâu đời đã vươn bóng ra che phủ các nước nhỏ chung quanh từ hơn ngàn năm qua. Nằm trong cái bóng râm ấy, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam đã trì trệ và tụt hậu theo sự trì trệ của Trung Hoa.
Từ thế kỷ thứ 19, Nhật Bản đã kịp thức tỉnh, tìm cách thoát ra khỏi cái bong râm ấy, nhanh chóng vươn lên và vươn ra hòa nhập vào vùng ánh sang văn minh của nhân loại hiện đại.
Nhờ vào sự chia cắt, một nửa Triều Tiên, vào giữa thế kỷ 20 cũng thoát ra khỏi cái bong Trung Hoa để vươn lên thành quốc gia có nền kinh tế đứng hang thứ 11 trên hành tinh.

Đớn đau thay, Việt nam với một dân tộc cường sinh nhất nhì thế giới, mãi đến tận thế kỷ 21 vẫn còn gắn chặt số phận của mình vào cái bóng râm nghiệt ngã của cường quốc phương bắc như thân phận cô vợ hầu bị nghi là dâm loàn của một tay cường hào trọc phú dâm đảng, vũ phu, keo kiệt và lắm ghen tuông ích kỷ.
Những năm tháng kéo dài hàng bao thế kỷ, Trung Hoa tự sướng với niềm tự mãn là trung tâm của thế giới, đắm chìm trong đêm dài phong kiến, tự cô lập với ánh sáng bừng chói bên ngoài thì giới lãnh đạo Việt Nam thời đó vì quyền lợi cục bộ cũng chịu cảnh hèn mọn theo kiểu khuê môn bất xuất nấp vào trong bóng tối dâm dật ấy, cô lập với thế giới bên ngoài hầu tìm cái gọi là sự an toàn và ổn định cho quyền lợi thấp hèn của giong họ mình.
Từ xưa, những lãnh đạo anh minh thời Lý- Trần đã từng bước đưa Đại Việt thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhờ vào sự độc lập đó mà Đại Việt nhỏ bé đã xây nên một một nền văn hóa có bản sắc riêng và một nền quân sự có sức mạnh đáng nể tự thân đánh tan được những đợt xâm lược hung mãnh của đội quân Mông Cổ bách chiến bách thắng dày xéo hơn một nửa thế giới trong đó có cả cường quốc tự nhận là trung tâm của thế giới.
Bước đột phá Hồ Quý Ly với mong muốn nhanh chóng đưa Đại Việt thoát hẳn ra khỏi cái bóng Trung Hoa bằng những chính sách mới về giáo dục, tiền tệ mà Trung Hoa không hề có đã gặp phải sự cản trở của nhóm quyền lợi suy nhược thời tàn Trần. Sự xung đột tai hại này đêm lại cơ hội cho Trung Hoa một lần nữa nhảy vào cưỡng bức Đại Việt.
Bước đột phá thứ hai để đem đến cơ hội cho Việt Nam thoát ra khỏi cái bóng Trung Hoa là Quang Trung Nguyễn Huệ. Người có những quyết tâm sáng chói đưa Đại Việt lúc đó đã thống nhất từ Nam ra Bắc vượt thoát vĩnh viễn tầm ảnh hưởng của Trung Hoa phong kiến vốn đang ở vào thời kỳ sung mãn về thể xác nhưng đã có dấu hiệu trì độn về tinh thần ( so với thế giới bên ngoài) bằng những cải cách tuyệt vời về giáo dục, chữ viết, kinh tế… Nhưng ý đồ sáng ngời đó cũng gặp phải sự cản trở quyết liệt của nhóm quyền lợi phong kiến tàn Lê - Nguyễn. Rồi cái chết bất ngờ tức tưởi của Quang Trung đã tạo cơ hội cho đám con cháu lưu vong của chúa Nguyễn phục hồi lại chế độ phong kiến lệ thuộc phương Bắc thối nát và lạc hậu. Triều đình nhà Nguyễn là một bước thuộc lùi ô nhục của lịch sử Việt Nam. Vì sự tồn tại của giòng họ, nhà Nguyễn đã tự thu mình vào trong cái bóng che của Trung Hoa Mãn Thanh. Từ luật pháp, giáo dục, chữ viết, chế độ thi cử, cơ chế tuyển dụng đến chính sách ngoại giao đều nhất nhất sao chép lại y như ông anh phương bắc. Luật Gia Long là bản sao của Luật Càn Long. Trung Hoa bế môn tỏa cảng, Việt Nam bế môn tỏa cảng. Trung Hoa cho phương Tây là man di, Việt Nam cũng lố bịch cho phương Tây là man di mọi rợ…
Thời đó cơ hội để Việt nam thoát ra khỏi cái bóng Trung Hoa như Nhật Bản đã đến dồn dập cùng với những đoàn tàu buôn và những giáo sỹ truyền đạo từ phương tây. Những Hà Lan, Y pha Nho, Pháp lãng Sa…đã đưa những điều tân tiến mới lạ của họ đến tận cửa chào mời nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã lắc đầu vì đàn anh phương bắc cũng đang lắc đầu như thế.
Cơ hội tự mở cửa để bình đẳng giao thương với thiên hạ bị đánh mất và nàng hầu Việt Nam bị cướp giật ra khỏi tay anh chàng độc đoán ngu muội phương bắc để tiếp tục số phận làm hầu cho một kẻ phương Tây. Việt Nam thì mất nhưng nhóm quyền lợi nhà Nguyễn thì vẫn tồn tại (vật vưỡng). Nhục.
Trong ách thống trị của thực dân Pháp, Việt Nam cơ khổ lien tục vùng lên giành lại chủ quyền bằng nhiều con đường. Hết lớp nầy đến lớp khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác, hết phương cách nầy đến phương cách khác kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ hai mươi. Và năm 1945, cơ hội đã đến khi Nhật tuyên bố bại trận, Việt Nam với nhiều lực lượng, nhiều thành phần, nhiều đường lối cùng nhau đoàn kết vùng lên giành độc lập. Tuy vậy, lực lượng giành độc lập bằng con đường dựa vào khối cộng sản đang trở nên thắng thế cùng lúc với phe cộng sản cũng đang dần dần thắng thế ở Trung Hoa.
Hoàn cảnh lịch sử đã đẩy một nửa Việt Nam độc lập trong vòng ảnh hưởng của hai ông trùm cộng sản và nửa còn lại trong vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Một nửa Việt Nam những tưởng đã có cơ hội thoát ra khỏi cái bóng của Trung Hoa để vươn lên giàu mạnh và tiên tiên tiến như Nam Triều Tiên. Thời đó Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông, có nhiều thứ đứng nhất Đông Nam Á và thậm chí hơn hẳn Nam Triều Tiên.
Thế nhưng Việt Nam phải trả một cái giá quá đắt cho sự thống nhất. Cả nước rơi vào vùng ảnh hưởng của cộng sản, phát triễn đất nước theo một con đường mà khởi tổ ra nó là ông trùm số một Liên Xô đã rơi vào khủng hoảng và tự sụp đổ.
Mất đi chỗ dựa nền tảng, lại bị phương tây nghi ngờ xa lánh, Việt Nam hốt hoảng tự nguyện quay trở lại với ông trùm số hai còn lại.
Sự nghiệt ngã của hoàn cảnh đã đẩy Việt nam trở vào với cái bóng của đàn anh phương bắc một lân nữa. Một sự quay về đớn hèn của thân phận cô vợ hầu bị xem là phản trắc bỏ nhà theo trai, sẳn sàng trở lại phủ phục dưới chân tên chồng cũ trọc phú đốn mạc để xin được nương nhờ dù cho hắn có vũ phu bợp tai đá đít, dạy cho bài học và trấn lột dần các tài sản nhỏ nhoi có được. Nghịch lý đớn đau là vừa muốn dựa vào nó để tồn tại lại vừa lo sợ nó bạo dâm.
Trung Hoa cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, Việt nam cũng cải cách và đấu tố đến tan hoang nghĩa tình. Trung Hoa đóng cửa bao cấp, Việt Nam đóng cửa bao cấp. Trung Hoa mở cửa đổi mới, Việt Nam cũng mở cửa đổi mới. Trung Hoa giật mình quay lui với đổi mới, Việt Nam cũng giật mình quay lui. Trung Hoa cơ chế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa, Việt cũng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trung Hoa sợ Mỹ diễn biến hoà bình, Việt Nam cũng canh cánh nổi lo ấy. Trung Hoa cứ dò dẫm đi trước, Việt Nam tiếp bước theo sau mà không có một chút sáng tạo bức phá nào khác lại có khi sau đến cả một thập kỷ. Năm 1976, Trung Hoa đã mở cửa với phương tây thì mãi đến năm 1986 Việt Nam mới dám làm chuyện đó.  Tại sao ngay từ năm 1975 Việt Nam không mở cửa, không theo kế sách một quốc gia hai chế độ? Cộng sản Việt Nam không có những người đủ tài, đủ đảm lược như Đặng Tiểu Bình, Chu Dung cơ để có thể sáng tạo và thay đổi được cục diện nước nhà.
Ngày trước triều Nguyễn sao chép Trung Hoa phong kiến một thì ngày nay Việt Nam xả hội chủ nghĩa sao chép Trung Hoa xã hội chủ nghĩa đến mười. Sự lệ thuộc nầy khá nặng nề. Mà không thể không lệ thuộc, vì Trung Hoa là thành trì xã hội chủ nghĩa cuối cùng, nó còn Việt Nam xã hội chủ nghĩa còn, nó mất Việt Nam xã hội chủ nghĩa mất. Cho dù có bị khinh rẽ, bị chà đạp, bị chơi xấu, bị lăm le lấn chiếm thì nhà cầm quyền Việt Nam đương đại cũng không dám nữa bước rời xa khỏi cái bóng của Trung Hoa vỹ đại.
Thế nhưng cái gương sụp đổ của triều đình nhà Nguyễn vẫn còn như nóng hổi mà Việt Nam ngày nay không thể không soi vào để mà tránh.
Muốn bình đẳng và không sợ Trung Hoa bắt nạt như Nam Triều Tiên và Nhật Bản thì Việt Nam phải vươn lên giàu mạnh. Muốn vươn lên giàu mạnh thì ngay từ bây giờ phải thoát ra khỏi cái bóng che của Trung Hoa. Trong lúc Trung Hoa còn đang rối mò với lý thuyết định hướng xã hội chủ nghĩa cơ chế thị trường, đang tự mãn ngủ quên trong bóng đêm độc đảng, đang bất an với vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan thì Việt Nam hãy vượt qua, hãy bức phá đi ra, hãy bỏ qua cái lý thuyết cơ chế thị trường vớ vẫn, hãy thôi ì ạch sao chép theo mô hình Trung Hoa, vươn ra thực sự hoà nhập với thế giới văn minh, thừa hưởng và sử dụng phương cách và kinh nghiệm của nhân loại tiên tiến đi trước để lại , tạo ra những bước đột phá để nhanh chóng tiến lên giàu mạnh vượt qua mặt Trung Hoa như Nhật Bản trước đây hàng trăm năm đã làm, như Nam Triều tiên, Đài Loan, Singgapore, Thái Lan, Mã lai đã và đang làm.
Còn Việt Nam cứ đi theo con đường đang đi thì cứ mãi mãi cách xa đàng sau Trung Hoa, và khoảng cách ấy cứ tăng dần lên. Chẳng biết tương lai dân tộc nầy sẽ đi về đâu.
                                                                            HUỲNH NGỌC CHÊNH
                                                                              Công dân Đông Nam Á

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire