Trang

10/12/2012

5 NĂM NHÌN LẠI CÁC CUỘC BIỂU TÌNH


Nhà văn Nguyễn Viện
Cập nhật: 03:32 GMT - thứ hai, 10 tháng 12, 2012
Biểu tình ở Hà Nội 9/12/2012
Một sự tình cờ thú vị xảy ra đúng vào ngày 9/12 năm 2007 và 2012.
5 năm cho cùng một sự kiện: biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở cả 2 đầu thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn.
Trong vòng 5 năm, nhiều người đã đi tù, nhiều người đã lưu vong, nhiều người bị hành hạ, đọa đày… Và nguy cơ mất hẳn hai quần đảo ấy càng ngày càng trở nên rõ ràng.

Năm 2007

Tôi nhớ khoảng ngày 6/12, sau khi nghe tin Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lúc ấy chúng tôi gồm: họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các nhà thơ Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Lynh Bacardi và tôi ngồi uống cà phê ở bên hông siêu thị Diamond (phía đường Phạm Ngọc Thạch) cùng nghĩ: Không thể im lặng, phải làm cái gì đi chứ.
Và chúng tôi thống nhất quyết định ra một tuyên cáo kêu gọi chống Trung Quốc. Tôi nhận nhiệm vụ chấp bút.
Sau khi mọi người xem lại, góp ý sửa đổi, ngày 7/12 văn bản hoàn tất với cái tựa là “Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước” và được ký tên bởi:
“Văn Nghệ Sĩ Việt Nam” với đầy đủ tên tuổi của nhóm chúng tôi lúc đó.
Văn bản này được gửi đến anh Hoàng Ngọc-Tuấn (tienve.org) và anh Phùng Nguyễn (damau.org) để nhờ dịch sang tiếng Anh và phổ biến trên mạng (gần như đồng thời với cuộc biểu tình đầu tiên 9/12).
Kết quả đã có hơn 3.000 chữ ký ủng hộ. Sau ít ngày phổ biến, văn bản này chỉ còn ghi là “Văn Nghệ Sĩ Việt Nam”, không còn tên những người chủ xướng.
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc được tiếp tục và được ghi nhận là có sự tham gia đặc biệt của giới văn nghệ sĩ.
Biểu tình tại Hà Nội 9/12/2012
Phần lớn các cuộc biểu tình đã bị chính quyền giản tán nhanh chóng
Tôi cần ghi chú điều này: tất cả các cuộc biểu tình vừa qua xảy ra được đều có một yếu tố mang tính kích nổ.
Cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 đầu tiên ở Sài Gòn là cú liều mạng của hai nhà thơ Phan Bá Thọ và Vương Văn Quang, hai anh đã lừ lừ từ phía Nhà Văn hóa Thanh Niên bước sang bên kia đường đến sát Tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc kéo mọi người ùa theo. Thế là có biểu tình.
Ngày 29/4/2008, ở Sài Gòn có cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh. Toàn bộ anh chị em văn nghệ sĩ có dính dáng đến biểu tình đều bị mời lên phường “chơi” suốt ngày.
Chỉ trừ tôi (có lẽ an ninh muốn để tôi tường thuật cho BBC hoặc RFA). Nhưng tôi đã từ chối vụ tường thuật với cả hai đài, mặc dù tôi đã có cơ hội quan sát trực tiếp.
Tôi vốn làm cho một công ty chuyên về event, cho nên tôi phải công nhận nhà tổ chức cuộc rước đuốc này là… hoàn hảo. Không một con muỗi nào có thể bay qua lọt để phá hoại.
Và tôi cũng phải công nhận cuộc bắt giữ các anh em mình ngày hôm đó là… có thể hiểu được (tôi không nói là đúng). Bởi vì, các cổ động viên người Trung Quốc tràn ngập và họ cực 'máu'. Nếu những người Việt Nam cũng 'máu' như họ có mặt , thật sự không thể biết điều gì sẽ xảy ra.
Trong lúc rước đuốc, có thêm vài người bạn tôi quen bị bắt.
Những tên tuổi nổi bật xuất hiện từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007 ở Sài Gòn: Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Tuấn Khanh, Song Chi, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Uyên Vũ, Huỳnh Công Thuận, Thiên Sầu, Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn), Kim Duy… Ở Hà Nội, tôi nhớ nhất bài viết của nhà văn Trang Hạ kể chuyện chị bị bắt.
Có một hiện tượng mà tôi cho rằng lịch sử văn học Việt Nam cần ghi nhận. Đó là sự bùng nổ văn thơ chống Trung Quốc (tất nhiên không do nhà nước chỉ đạo) chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa với những ngôn ngữ chưa từng có trong văn học Việt Nam, đa phần được phổ biến trên hai trang mạng tienve.org và damau.org.
Phong trào văn chương này vẫn còn đang tiếp tục đến nay. Nó khác hẳn với loại văn chương yêu nước chung chung xưa nay vốn thiếu cái trực diện nồng nhiệt, máu me của tính thời sự.
Biểu tình ở Hà Nội 9/12/2012

Năm 2011

Nếu năm 2007 các cuộc biểu tình thường gắn với văn nghệ sĩ và sinh viên học sinh, thì năm 2011, lại là sự đóng góp nòng cốt của “nhân sĩ, trí thức” với các vị như Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Phạm Xuân Nguyên… ở Hà Nội.
Ở Sài Gòn, ngoài cụ Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Tương Lai là sự trỗi dậy ngoạn mục của quí vị trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Miền Nam trước 1975 với các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên…
Ngày 5/6 biểu tình lớn xảy ra ở Hà Nội và Sài Gòn mở đầu cho một đợt đấu tranh mới. Sài Gòn nổ được 2 lần chính thức, Hà Nội kéo dài được đến lần thứ 10 liên tiếp mỗi chủ nhật. Công đầu thuộc về “Nhật Ký yêu nước” đã phát động kêu gọi.
Mỗi cuộc biểu tình đều có một số người bị bắt và đôi khi bị đánh. Hình ảnh Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt tiêu biểu cho cách hành xử của nhà nước đối với công dân biểu thị lòng yêu nước của mình.
Tôi cũng như nhiều người khác có dính dáng đến biểu tình đều bị an ninh canh cửa hoặc mời đi uống cà phê ngày cuối tuần.
Ấn tượng đặc biệt của tôi từ các cuộc biểu tình là sự hình thành của 2 nhóm No-U Sài Gòn và Hà Nội. Họ có tinh thần tương trợ, đoàn kết và yêu thương, thể hiện một thái độ chính trị dứt khoát, mạnh mẽ.
Tôi cũng đặc biệt ngưỡng mộ các chị Bùi Hằng, Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Phan Thị Lan Phương, Trịnh Kim Tiến… các anh Nguyễn Chí Đức, Người Buôn Gió…

Năm 2012

Lại cũng “Nhật ký yêu nước” ra lời kêu gọi biểu tình ngày 9/12 trước các hành động leo thang lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc như hộ chiếu in hình lưỡi bò, cắt cáp tàu Bình Minh, kiểm soát tàu bè từ 2013… nhưng chỉ ở Hà Nội.
Sài Gòn lên tiếng. Năm ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng và Lê Công Giàu đã ký tên ngày 7/12/2012 (thay mặt cho 42 nhân sĩ trí thức đã từng kiến nghị tổ chức biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 7/2012) trên một Thông báo kêu gọi mít tinh tại Nhà hát Thành phố cũng vào ngày 9/12.
"Sự kiện 9/12 đã đánh dấu một cuộc vận động mới mang tính nội tại thể hiện sức sống dân tộc, tách rời ý chí áp đặt của chính quyền."
Sự kiện đặc biệt ở chỗ, đây là lần đầu tiên, biểu tình có danh xưng người tổ chức chính thức. Một bước tiến bộ lớn trong sinh hoạt chính trị của người dân.
Báo chí quốc tế và lề dân đều đã có thông tin về hai cuộc biểu tình này.
Ở đây, tôi muốn nói đến một số chi tiết khác. Tại sao chỉ có một ông Huỳnh Tấn Mẫm trong số 5 năm ông ký tên tổ chức mít tinh có mặt tại hiện trường?
Ngày 9/12, hầu như tất cả các ông đều bị khoảng 10 công an canh cửa không cho ra khỏi nhà. Các ông/bà khác trong số 42 người như Cao Lập, Phạm Đình Trọng, Tuấn Khanh… cũng bị canh cửa.
Đỗ Trung Quân bị giữ. Huỳnh Ngọc Chênh uống cà phê với tôi ở khu vực trung tâm bị phát hiện bởi an ninh theo tôi và canh trước cửa quán. PA 25 gọi sẽ đến chỗ tôi cùng cà phê, buộc tôi phải về. Anh Chênh sau đó cũng được ưu ái áp tải về nhà. Còn nhiều người khác tôi chưa biết cụ thể.
Yêu nước quả thật không đơn giản. Nhưng dù thế nào, sự kiện 9/12 đã đánh dấu một cuộc vận động mới mang tính nội tại thể hiện sức sống dân tộc, tách rời ý chí áp đặt của chính quyền.

6 commentaires:

  1. Nghe ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tp Hồ Chí Minh và ông Huỳnh Tấn Mẫm trả lời phỏng vấn đài BBC sau cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121209_tai_sao_chinh_quyen_ngan_bieu_tinh.shtml

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. CẬN CẢNH XÔ ĐẨY, GIỰT CỜ, CƯỚP BIỂU NGỮ CỦA NGƯỜI BIỂU TÌNH TẠI SAIGON 9/12/2012

      http://www.youtube.com/watch?v=34Joumj_DMM

      Supprimer
  2. Không phải chính quyền nhân nhượng 42 vị nhân sỹ phát động biểu tình mà bởi vì họ thực sự bất ngờ và chưa kịp tìm đối sách tốt nhất để áp đảo họ. Trước mắt, họ tìm cách chia cách 42 vị với cuộc biểu tình, biến cuộc biểu tình thành hỗn loạn như rắn mất đầu vì thiếu người lãnh đạo. Mặt khác, 42 vị là những người có uy tín trong xã hội và chính quyền, nên khi vắng mặt họ trong cuộc biểu tình, chính quyền dễ dàng bắt người tham gia biểu tình để "tạm dẹp" đợt biểu tình này, sau đó, dựa vào tình hình không có vị nào lãnh đạo cuộc biểu tình, chính quyền sẽ truy bắt lại những người tham gia biểu tình và gán cho họ những tội danh cũ rích.
    Trong cuộc biểu tình lần này, có nhiều khuôn mặt ... có vẻ an ninh (hoặc lưu manh) tàu tham gia đàn áp biểu tình. Hy vọng rằng tôi nhìn sai!
    Sau cuộc biểu tình lần này, chính quyền sẽ đưa danh sách 42 vị vào một danh sách những phần tử nguy hiểm cho chế độ và tìm đủ mọi cách để triệt hạ quý vị. Bước tiếp theo quý vị sẽ làm gì? Ngồi yên để họ hành động? Họ sẽ không chừa bất kỳ thủ đoạn nào để tiêu diệt ý chí (kể cả sinh mạng) của quý vị. Cách tốt nhất là kêu gọi sự quan tâm của cả thế giới, chuẩn bị đề phòng mọi tình huống xấu nhất, và có thể là liên kết với tất cả những người cùng chung chí hướng để thành lập một đảng phái chính trị mới để tranh đấu cho quyền yêu nước chính đáng của nhân dân và của chính quý vị. Tại sao quý vị có thể tranh đấu cho tự do khi chính quyền miền Nam còn tốn tại mà không thể tranh đấu cho QUYỀN TỰ DO YÊU NƯỚC trong giai đoạn này?

    RépondreSupprimer
  3. Người Việt Yêu Nước11 décembre 2012 à 09:35

    Hôm nay em làm "tai mắt" Cho các đồng chí X-Y-Z một phát.
    1- kế hoạch bưng bít thông tin của ta hoàn toàn thất bại, em thấy nhân dân nắm rõ còn hơn đảng và chính phủ các bác ạ.
    2- Đâu cần các cụ lão thành "dơ gậy" kêu gọi đâu mà bọn trẻ nó lại phất cờ "khởi nghĩa".
    3- cái nghị quyết 71 ..bao nhiêu đó của đồng chí X lại có "phản tác dụng" quá rõ. Bằng chứng là lời kêu gọi mít tinh bà biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn tuyền đăng trên báo lề dân, vậy mà xem danh sách nhân sĩ trí thức mới toanh ở Sài Gòn sao đông thế? chưa kể một số người bị lực lượng ta chặn, bắt một cách vất vả. Chúng ta còn dùng cả một lực lượng hùng hậu lên phá cái đám còm trên Ba Sàm và nhiều trang mạng khác nữa chứ, vậy mà biểu tình vẫn nổ ra.( Cái này thì em phê bình và góp ý thẳng thắn :các đồng chí nên trừ lương hết một lũ ăn hại không hoàn thành nhiệm vụ này đi)
    4- Sau khi các đồng chí cho công an làm hàng rào kẽm gai bao vây cuộc biểu tình ở nhà hát thành phố, dân biểu tình nó lại bảo: Được ôn lại cuộc sống ấp chiến lược ngày xưa, mà ngày xưa có vài thằng canh à, ngày nay công an đông hơn quân Nguyên ( cái này thì em biểu dương: chứng tỏ ta vẫn hơn địch ). Rồi mấy lão già lẩm cẩm cũng hùa vào nói: Được sống lại không khí hừng hực khi đi biểu tình trước năm 75.
    Em xin bẩm báo.
    Đề nghị các đồng chí rà soát lại nội bộ trấn chỉnh kịp thời.
    Chào thân ái và quyết thắng

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Người Việt Yêu Nước11 décembre 2012 à 16:16

      Em quên nhắc nhở các đồng chí một việc vô cùng quan trọng;
      Chúng ta đã có những thành quả cách mạng vô cùng oanh liệt. Bây giờ các đồng chí phải cẩn thận không rớt chữ OANH mà còn mỗi chữ LIỆT....là toi.

      Supprimer
  4. Lê Hiếu Đằng: Tố cáo và đòi hỏi bí thư Lê Thanh Hải, chủ tịch Lê Hoàng Quân phải trả lời về hành động trấn áp, bắt bớ các nhân sĩ trí thức

    http://anhbasam.wordpress.com/2012/12/10/1256-le-hieu-dang-to-cao-va-doi-hoi-bi-thu-le-thanh-hai-chu-tich-le-hoang-quan-phai-tra-loi-ve-hanh-dong-tran-ap-bat-bo-cac-nhan-si-tri-thuc/

    RépondreSupprimer