Trang

06/03/2013

TÍNH PHÁP LÝ CỦA QUYỀN LỰC

KS Nguyễn Văn Thạnh

Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ:
Một lần Khổng Tử đi qua Thái Sơn, thấy có người phụ nữ ở trước nấm mồ khóc lóc vô cùng thảm thương. Ông bèn bảo Tử Lộ ra hỏi nguyên nhân, người phụ nữ ấy nói: "Bố chồng bị hổ ăn thịt, chồng bị hổ ăn thịt, bây giờ con trai cũng chết trong miệng hổ, thì không đau lòng sao được?". Khổng Tử hỏi: "Sao các ngươi không dọn đi ở chỗ khác ?". Người phụ nữ nói: "Ở đây không có chính trị hà khắc, không có áp bức nên bị hổ ăn thịt cũng không dọn đi". Khổng Tử nghe xong nói với các học trò của mình: - Các trò hãy nhớ lấy: “Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ”.
Từ khi con người sống thành xã hội thì tất yếu sinh ra chính quyền để quản lý xã hội. Nhờ có chính quyền mà xã hội không còn cảnh loạn lạc, đâm chém, cướp bóc tranh đoạt lẫn nhau; cuộc sống bình yên và phát triển. Tuy nhiên, như hai mặt của một con dao, chính quyền cũng chính là nguồn cơn gây đau khổ và tai họa cho con người nhất. Xưa nay kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình, độc tài và cường quyền là vấn nạn của lịch sử nhân loại. Bao cuộc chiến tranh đẫm máu, bao cuộc thanh trừng tàn khốc, bao cuộc diệt chủng man rợ cũng từ quyền lực của chính quyền gây ra. Nếu không có quyền lực chính trị thì con người cũng chỉ có thể giết nhau ở qui mô cá thể hoặc nhóm nhỏ, chính quyền lực chính trị mà con người tàn sát nhau, bức hại nhau ở qui mô lớn lên đến hàng chục triệu nhân mạng.
Danh chính ngôn thuận trong quyền lực chính trị:
Tại sao trong xã hội có người có quyền ký quyết định điều hàng ngàn người ra chiến trường, ký giấy tuyên án tử hình người này, bắt giam người khác? Quyền lực của họ có là do đâu?  Quyền lực người đó có được gọi là quyền lực chính trị.
Quyền lực chính trị là thứ rất nguy hiểm, do vậy không phải ai muốn có là có. Nó cần phải có tính chính danh. Xưa các vị đế vương đánh nhau đẫm máu để thâu tóm quyền lực, tuy nhiên để có thể cai trị cũng cần phải có danh chính, ngôn thuận. Nếu không có tính chính danh thì quyền lực sẽ lung lay dù có dùng bạo lực để đàn áp.
Tính chính danh của quyền lực cũng có tính lịch sử. Nó đi từ ngộ nhận đến khoa học. Từ ngộ nhận là quyền lực đến từ siêu nhiên như Chúa Trời (phương Tây) hay Con Trời (phương Đông) đến khoa học là quyền lực đến từ nhân dân. Ngày nay, mọi quyền lực chính trị, muốn có chính danh đều phải được người dân ủy quyền, tức là phải được người dân bầu. Cũng vì lý do này mà hiện nay bầu cử trở thành bắt buộc đối với các chính thể nắm quyền. Một chức vụ nào đó nếu không do dân bầu (bầu trực tiếp hoặc qua đại biểu) thì đều không có tính chính danh, tức là phi pháp. Nhân đây có câu hỏi pháp lý cho các nhà lập pháp ở VN là “ông Tổng bí thư lấy danh nghĩa gì để là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo toàn dân khi mà chức vụ của ông không do dân bầu” (tổng bí thư là chức vụ có thực quyền đứng đầu hệ thống chính trị nước ta)?
Chúng ta thấy ở các nước quân chủ lập hiến như Anh hay Nhật, hoàng gia vẫn theo kiểu cha truyền con nối, không do dân bầu, tuy nhiên họ cũng chỉ có quyền lực tượng trưng chứ không có thực quyền. Vị trí họ có được và dành được sự kính trọng của dân chúng là vì công lao to lớn của gia tộc đó trong buổi ban sơ kiến thiết đất nước, đưa dân tộc đến con đường của thịnh vượng.
Khi quyền lực không chính danh, rất nguy hiểm:
Lịch sử cho thấy, khi tính chính danh (khoa học) của quyền lực không có thì sẽ có việc tranh nhau quyền lực. Lịch sử chế độ phong kiến từ đông sang tây là lịch sử thăng trầm của sự tranh giành quyền lực giữa các dòng tộc, các tập đoàn thống trị phong kiến. Nhóm người có quyền thì ra sức giữ nó bằng mọi cách: trấn áp đẫm máu, những qui định man rợ kiểu tru di tam tộc, cửu tộc,…Nếu quyền lực nhà nước được xây dựng đúng cơ sở khoa học pháp lý là “sự ủy quyền của người dân”  thì xã hội sẽ ổn định, không có chuyện tranh giành quyền lực, bạo động đổ máu. Do vậy một cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch và một nền truyền thông tự do không bị kiểm duyệt luôn là nền tảng để sự ủy quyền được thực hiện đầy đủ và đúng đắn. Bên cạnh đó quyền tự do thành lập hội, tự do thành lập tổ chức chính trị, quyền ứng cử, vận động tranh cử và quyền được bầu cử tự do không theo kiểu bày sẵn “đảng cử dân bầu”,….là cơ sở cho tính hợp pháp của quyền lực chính trị.
Quyền lực có một thuộc tính là sinh ra từ đâu thì phục vụ tại đó, nếu nó sinh ra từ nhân dân thì phục vụ cho nhân dân, sinh ra từ đảng phái thì phục vụ cho đảng phái, sinh ra từ phe nhóm thì phục vụ cho phe nhóm. Điều này giải thích vì sao trong các chế độ độc tài hay chuyên chế thì người nắm quyền bảo vệ quyền lợi đảng phái, phe nhóm hơn là phục vụ cho lợi ích nhân dân. Chính quyền nằm trong tay một nhóm nhỏ thì đất nước sẽ là của nhóm thiểu số. Khi đó nó sẽ sinh ra những con quái vật tham nhũng, lạm quyền. Đây là vấn nạn của tất cả các nước nghèo nàn, lạc hậu, độc tài chuyên chế.
Hiện trạng Việt Nam:
Nền chính trị Việt Nam hiện nay do một đảng duy nhất là ĐCS lãnh đạo. Trên thực tế, chính phủ Việt Nam vẫn được xây dựng qua cuộc bầu cử, dân bầu đại biểu, đại biểu bầu chính phủ. Tuy nhiên nó mang tính trình diễn (dân chủ giả hiệu) hơn là thực chất, vì tất cả các yếu tố đi kèm để bảo đảm sự ủy quyền thực sự từ người dân không có. Nguyên tắc “đảng cử-dân bầu” đã phá hỏng tính pháp lý của bầu cử tự do; chưa nói tổ chức bầu cử, kiểm phiếu và công bố kết quả cũng do đảng nắm.
Tất cả những chức vụ đã được quyết định từ khi đại hội Đảng. Đại hội Đảng bầu xong, Ban Chấp hành Trung ương cử ra Bộ Chính trị và Bộ Chính trị cử ra những cầm quyền, còn Quốc hội chỉ làm một công việc là hợp thức hóa những gì Đảng đã sắp đặt. Thêm nữa Quốc hội do Đảng sắp xếp trước rồi người dân bầu lên (đảng cử-dân bầu), cho nên Quốc hội này cũng là Quốc hội của Đảng.
Vì lý do đó mà người dân không có một tác động gì vào bộ máy lãnh đạo. Quyết định người nào làm chức gì do Bộ Chính trị chứ không do dân tác động được. Đó chính là vấn đề căn bản của thể chế Cộng sản.
Có người biện luận cho quyền lực độc tôn của ĐCS hiện nay là do công trạng trong chiến tranh, nếu như vậy thì chế độ hiện nay là một biến thể kéo dài của chế độ phong kiến, nơi các triều đại cũng được dựng lên từ chiến tranh, sự khác biệt là chế độ phong kiến có tính cha truyền con nối trong dòng tộc còn nay là trong “đảng tộc”.
Có người biện luận ĐCS là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước vì ĐCS là lực lượng chỉ có một lý tưởng duy nhất là trung thành với lợi ích của nhân dân, đất nước. Nói vậy thì những người này không hiểu về vấn đề tự xưng và thủ tục pháp lý trong cuộc sống. Có thể bạn là một người hiền lành, tử tế và nổi tiếng, tuy nhiên khi ở khách sạn bạn phải có nghĩa vụ trao giấy CMND cho chủ khách sạn, đây là thủ tục pháp lý bắt buộc để quản lý an ninh. Ở một số nước như Nhật, Singapore,….một đảng có thể liên tục lãnh đạo đất nước trong hơn nửa thế kỷ, mang lại nhiều thành tựu to lớn cho đất nước; tuy nhiên họ cũng phải làm thủ tục pháp lý là nhận được được sự ủy quyền của nhân dân theo định kỳ. Họ không thể nói “tôi lãnh đạo rất tốt, hãy để tôi lãnh đạo luôn, không cần các đảng phái khác vì gây ra tranh giành quyền lực, bất ổn cho đất nước” hay “tôi có công làm cho đất nước phát triển đến siêu cường, nay tôi có quyền lãnh đạo mãi mãi”. Hay đặc biệt hơn nhân lúc đảng họ mạnh chiếm đa số trong quốc hội, họp lại thay đổi hiến pháp, qui định hẳn điều 4 chẳng hạn để họ có quyền lãnh đạo duy nhất, mãi mãi.
Ở các nước quyền lực người đứng đầu (tổng thống hoặc thủ tướng) được xây dựng từ dân, được quốc dân bầu ra, khi phạm sai lầm nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ kinh tế, gây nợ nần cho dân thì sẽ tự động từ chức, vì nếu không từ chức thì cũng sẽ bị đại diện của dân phế truất. Còn ở ta thì thủ tướng có thể vin vào cớ theo đảng 51 năm, không xin chức tước, đảng phân công công việc thì chấp hành để không từ chức dù kết quả điều hành thì yếu kém; gây ra cho quốc dân đồng bào là hàng trăm ngàn tỷ nợ nần.
Việt Nam hiện nay không chỉ khủng hoảng kinh tế mà còn có một cuộc khủng hoảng khác là khủng hoảng về tính pháp lý của quyền lực. Dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất qua cuộc bầu cử trình diễn “đảng cử -dân bầu”, rõ ràng quyền lực chính trị không thể nằm ở nhân dân, nó nằm ở tổ chức đảng. Một tổ chức chỉ có 3 triệu người trên 90 triệu dân.
Để có một nhà nước thật sự của dân và vì dân, để đất nước phát triển tốt đẹp, chúng ta cần phải xây dựng quyền lực nhà nước đúng trên cơ sở pháp lý và khoa học, chỉ có như vậy quyền lực sinh ra từ dân và quay lại phục vụ nhân dân thay vì phục vụ một nhóm nhỏ lợi ích hưởng lợi như ta thấy.
Lịch sử tiến đến văn minh cũng là lịch sử tiến đến tính khoa học của quyền lực chính trị. Chúng ta thấy một chiếc máy bay nặng hàng chục tấn, có thể bay vút lên cao hàng chục km, mang hàng trăm người đi xa hàng ngàn km cũng vì nó hoạt động đúng qui luật, nếu không đúng các qui luật, nguyên lý khoa học nó sẽ bị rơi theo trọng lực và gây ra thảm họa. Quyền lực chính trị cũng vậy, nếu được xây dựng đúng đắn thì nó sẽ phát huy đem đến quốc thái dân an, xã hội thịnh vượng, nếu xây dựng trên nền tảng sai, phi pháp thì nó sẽ gây ra bao thảm cảnh cho nhân dân đất nước: lũng đoạn, tham nhũng, đói nghèo, lạc hậu. Trên bước đường tiến đến văn minh, dân tộc nào sớm xây dựng quyền lực chính trị phù hợp với qui luật khoa học thì xứ đó sớm có văn minh, thịnh vượng.
Giải pháp thúc đẩy tính chính danh của quyền lực ở nước ta:
Làm cho người dân hiểu nguồn gốc, tính pháp lý của quyền lực:
Khi quốc dân đồng bào biết được quyền lực chính trị có nguồn gốc từ đâu, và như thế nào thì hợp pháp, chính danh thì không tổ chức nào có thể lũng đoạn quyền lực đất nước phi pháp được. Trong quá trình dân chủ hóa đất nước, có vô số công việc phải làm, một trong những việc quan trọng là tuyên truyền để người dân biết thế nào là một quyền lực chính danh, thế nào là một quyền lực phi pháp.
Chúng ta thấy rằng, ngày nay nếu một viên tướng nào đó dùng quân đội để đảo chính, cướp chính quyền rồi nhân danh thiên tử hay viện lý do dẹp loạn để cai trị sẽ không bao giờ còn có thể xảy ra được. Vì sao vậy? Vì toàn dân đã biết rằng quyền lực đến từ sự nhân danh như thế là tào lao. Ngày nay sự tào lao nó không thể trắng trợn như thế mà nó tinh vi, chỉ có tầng lớp tinh hoa trí thức mới thấy rõ. Nhiệm vụ của họ là vạch trần, cạo bỏ lớp sơn trình diễn để nhân dân biết được sự thật. (Slogan tranh đấu có thể là “dân không bầu thì không có quyền”)
Muốn ngăn chặn thâu tóm quyền lực hữu hiệu và thực hiện dân chủ chân thực, không ai khác chính người dân phải làm. Xây dựng nền dân chủ, bảo vệ nền dân chủ và hưởng lợi từ nền dân chủ không ai khác ngoài nhân dân. Người dân chỉ có thể làm được việc trên khi họ có sự hiểu biết đầy đủ.
Chặn các bổng lộc sinh ra từ quyền lực:
Tại sao con người tranh giành quyền lực? Tại vì có quyền lực là có bổng lộc. Ai không muốn có bổng lộc? Ai không muốn giàu sang? Ai không muốn vinh qui bái tổ? Ai không muốn gia đình, dòng họ rạng rỡ, phồn vinh?....Do vậy để chấm dứt sự tranh giành quyền lực thì một mặt chúng ta phải tranh đấu để nguồn gốc phát sinh quyền lực phải đảm bảo tính khoa học, có tính chính danh của nó, mặt khác chúng ta cũng phải đấu tranh để ngăn chặn các loại bổng lộc có được từ quyền lực. Để khóa các vòi dẫn bổng lộc đến cái ghế quyền lực, chúng ta cần đấu tranh dứt khoát, không khoan nhượng cho sự minh bạch của người cầm quyền, xem sự  tự minh bạch là một điều kiện tiên quyết để cầm quyền. Chúng ta phải buộc quan chức khai báo tài sản, danh tính vợ con. Rõ ràng trong căn phòng tối thì chuột bọ cùng nhau tha đồ chạy thoải mái, còn nếu phòng tràn ngập ánh sáng thì chuột bọ sẽ không còn đường trốn. Chúng ta cần siết lại trách nhiệm của người lãnh đạo, làm sai phải từ chức ngay (sai về đường lối) hoặc phải bồi thường (sai về chấp pháp). Minh bạch và giảm chi tiêu công tối đa, giải thể các loại doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta phải làm cho chiếc ghế quyền lực là nơi không có gì để gặm và kém hấp dẫn đi.
NVT

5 commentaires:

  1. Hoàng nguyên6 mars 2013 à 18:14

    Quá có lý và logic

    RépondreSupprimer
  2. Lâu quá mới đọc được bài chính trị luận xuất sắc! Mong rằng bác Tư sâu cũng đọc bài này; thức tỉnh kịp lúc, trước cơn cuồng nộ của lòng dân?

    RépondreSupprimer
  3. Bìa viết rất hay và rất dễ hiểu, xứng đáng được sử dụng để tuyên truyền và giáo dục (khai dân trí) cho nhân dân.

    Các bài viết của tác giả Nguyễn Văn Thạnh đã chứng tỏ tác giả có sự nhận thức rất sâu sắc về chính trị và xã hội đương thời. Xin chúc mừng một lần nữa tác giả và cũng xin bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với việc "Muốn thay đổi xã hội hiện tại hãy bắt đầu bằng việc giác ngộ người dân về tính chính danh của quyền lực"

    RépondreSupprimer
  4. "Tính pháp lý của quyền lực" đã có nhiều người nói đến. Cho đến giờ nầy chưa ai phân tích dễ hiểu và rành mạch như bài nầy của KS Thạnh - đó là cảm nhận của riêng tôi.
    Phần chót, anh Thạnh có nói phớt qua "Bổng lộc sanh ra quyền lực". Tôi có nghĩ ngược với ý anh Thạnh: << "Tham nhũng quyền lực là mẹ đẻ tham nhũng vật chất". Tham nhũng quyền lực là phương tiện để đạt mục đich tham nhũng vật thể. Đảng CSVN tham nhũng quyền lực dẫn đến tham nhũng vật thể khủng khiếp như thế nào? - Cùng là nạn nhân, "biết rồi, nói mải, khổ quá!".

    RépondreSupprimer
  5. Một bài viết rất thấu tình đạt lý .

    RépondreSupprimer