Trang

05/03/2013

XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ BẢN HIẾN PHÁP

Phạm Lê Vương Các

gửi cho BBCVietnamese từ TP HCM

Đợt đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 đang bước vào giai đoạn cuối với những diễn biến đầy bất ngờ và cũng không kém phần sôi động.
Mở đầu bằng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Đảng nói về sự “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” dành cho những những góp ý đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, và phi chính trị hóa quân đội.
Một ngày sau, Chủ tịch Quốc hội cũng có quan điểm tương tự khi cảnh cáo việc lợi dụng góp ý dự thảo Hiến pháp để chống phá Đảng, Nhà nước, và cũng không quên phê phán việc tự tổ chức lấy ý kiến là “không đúng quy định”.

Tiếp theo đó, các chuyên gia lý luận nhà binh tấn công dồn dập vào quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”
Các động thái này như một cú “vỗ mặt” hàng ngàn người trực tiếp ký tên vào Kiến nghị 72 được khởi xướng từ những thành phần tinh hoa và dũng cảm nhất của dân tộc vào thời điểm này.
Qua đó cho thấy rằng, những góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa được tôn trọng một cách đúng mực, cầu thị và dân chủ.
Thế nhưng, qua đợt sửa đổi Hiến pháp lần này đã gửi đi những tín hiệu tích cực dự báo cho một sự chuyển dịch xu thế chính trị theo hướng dân chủ trong tương lai thông qua các phong trào xã hội dân sự.

Sức mạnh từ phong trào

Trước tiên, có thể nói phong trào xã hội dân sự đã được hình thành có khả năng gây sức ép lên nhà cầm quyền.
Biểu hiện là những cá nhân, không thông qua đảng phái hay tổ chức chính trị, đã tự tương tác với nhau hình thành nên những phong trào có một tiếng nói chung.
"Các phong trào dường như đã vượt ra khỏi sự sợ hãi và kìm kẹp từ phía chính quyền."
Đáng kể đến trong thời gian gần đây Lời kêu gọi thực thi Quyền con người và Kiến nghị 72 đã tập hợp nên một lực lượng đông đảo về số lượng lẫn chất lượng gây ra những âm vang dân chủ thôi thúc lòng người.
Hay như Kiến nghị của Sinh viên và Cựu sinh viên Luật, dù không có sự tham gia đông đảo của giới chuyên ngành nhưng qua đó cho thấy, mỗi cá nhân khi đã ý thức được vai trò của mình trong xã hội cũng đều có thể tạo ra các phong trào theo khả năng và sở trường của mình.
Cho đến các phong trào dường như đã vượt ra khỏi sự sợ hãi và kìm kẹp từ phía chính quyền.
Chẳng hạn phong trào No-U ở Hà Nội và Sài Gòn đã cố gắng duy trì các cuộc biểu tình chống Trung quốc thời gian gần đây bất chấp những quyết tâm ngăn cản từ phía chính quyền, cũng như cho tới việc đứng trước các đồn công an “đòi trả người” khi bị bắt bớ, một việc mà đảng phái hay tổ chức chính trị đối lập sẽ còn rất lâu để dám làm.
Hay như “Tuyên bố của Công dân tự do” vào trưa ngày 28/2 vừa qua được khởi xướng chủ yếu từ các blogger trẻ trong nước đã quy tụ được hơn 3 ngàn chữ ký chỉ sau 72 giờ, với những nội dung “đáp trả” vào các điều khoản thiêng liêng mà nhà cầm quyền đang ra sức bảo vệ.
Với lời mở đầu bằng việc “Sát cánh bên Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên”, những người ký tên vào Tuyên bố này như muốn nói lên rằng: không ai lẻ loi trong cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ và nhân quyền.
“Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4… Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng … Chúng tôi ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập …Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội...” được tuyên bố ngay sau phát biểu của các nhà lãnh đạo đòi “xử lý” những quan điểm này.
Điều này cho thấy họ, những người ký tên vào Tuyên bố ở ViệtNam, như đang chứng minh cho sự dấn thân của mình, bất chấp những răn đe của nhà cầm quyền, sẵn sàng đối mặt với bất kỳ sự trừng phạt nếu có xảy ra.

Thử thách cho chính quyền

Có thể nói, đây là những thử thách mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng lo ngại.
Tiêu diệt đảng phái và tổ chức chính trị đối lập là việc mà đảng cầm quyền hiện nay có thể làm được. Nhưng không thể nào tiêu diệt được phong trào xã hội dân sự, vì nó như là hơi thở cuộc sống, được sinh ra một cách tự nhiên từ những đòi hỏi cấp bách và nhu cầu cần thiết của mỗi con người.
Thực tế cũng cho thấy rõ điều này. Năm 2006, các đảng phái và tổ chức chính trị ở Việt Nam nở rộ như “nấm mọc sau cơn mưa”, tạo ra những phong trào dân chủ, nhưng sau đó nhanh chóng bị nhà cầm quyền tiêu diệt, và giờ đây như đang ở trạng thái “chết lâm sàng” và gần như không có hoạt động nào đủ sức gây ảnh hưởng lên đời sống chính trị hiện tại Việt Nam.
Sinh viên bắt đầu đóng vai trò trong xã hội dân sự
Trong khi đó, các phong trào ký tên kiến nghị, các tuyên bố, các lời kêu gọi đã tập hợp được hàng chục ngàn người tham gia, dù không có bất kỳ cương lĩnh, hay đường lối và phương pháp đấu tranh … nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực bằng sức lan tỏa vào quần chúng nhân dân một cách sâu sắc trước sự bất lực của chính quyền nhằm đối phó với các phong trào này.
Chính quyền muốn “đánh” vào phong trào xã hội này cũng chẳng biết đánh vào đâu. Bỡi lẽ nó không phải là một thực thể nhất định, nó không có cơ quan đầu não, không có người lãnh đạo, không có cơ cấu tổ chức và có thể biến dạng và chuyển hóa một cách linh động.
Với hiệu quả lớn nhất là khả năng bảo toàn nguồn nhân lực và lan rộng một cách nhanh chóng dưới sự tiếp sức của nền “báo chí công dân”, các phong trào này luôn trao cho mỗi cá nhân tưởng chừng như rất bình thường đều có khả năng gây ra đột biến khi có điều kiện thích hợp, mà vụ Nguyễn Đắc Kiên vừa mới xảy ra là một ví dụ.

Chính quyền nên làm gì?

Qua đó cho thấy, tạo ra và hưởng ứng các phong trào xã hội dân sự sẽ là hướng đi hiệu quả trong cuộc vận động dân chủ trong hiện tại và tương lai.
Bất kỳ phản ứng “cứng rắn” nào từ phía nhà cầm quyền nhằm dập tắt các phong trào xã hội cũng sẽ là phản tác dụng vì phong trào xã hội là nơi tích tụ của những nhu cầu và mong muốn chính đáng của phần đông dân chúng hiện nay.
Phong trào xã hội dân sự như một quả bong bóng, đánh chỗ này thì nó sẽ lăn đi chỗ khác, bóp chỗ này thì nó lại phì sang chỗ kia, mà nếu chọc mạnh vào thì nó sẽ phát nổ kèm theo một hiệu ứng lây lan.
Diễn biến ở các quốc gia Bắc Phi gần đây cho thấy, đối đầu hay đàn áp các phong trào này, sẽ là sự ngu ngốc của bất kỳ chế độ chính trị nào.
Nhưng không vì thế mà trở nên lo sợ phong trào xã hội dân sự, sự thật là, hoạt động của các phong trào xã hội này không có mục đích tranh giành quyền lực, không nhắm vào mục tiêu “lật đổ chính quyền”, mà chỉ đưa ra các yêu sách buộc chính quyền phải tự cải cách, minh bạch và thực thi dân chủ để đáp ứng nhu cầu phù hợp với cuộc sống hiện tại.
"Nhà cầm quyền hiện nay cần phải tỉnh táo và đòi hỏi cả sự dũng cảm. Chấp nhận tự thay đổi và tự lột xác mình để được tồn tại và phát triển."
Nếu chính quyền không biết lắng nghe, đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của nó, mà lựa chọn phương pháp đối đầu, thì các phong trào này có thể “xô ngã” bất kỳ thể chế chính trị lúc nào, và tạo thời cơ cho đảng phái khác đứng lên nắm quyền.
Do vậy, một chính thể khôn ngoan là một chính thể biết cách hòa mình vào các phong trào xã hội, biết cách đáp ứng đòi hỏi của nó, và qua đó mới có thể điều chỉnh và định hướng các phong trào xã hội nhằm giữ vững sự ổn định và cả mục đích bảo vệ sự an toàn cho chính thể.
Ở Việt Nam trong thời điểm này, sẽ là tốt hơn cho chính quyền nếu có những cuộc “đối thoại” với các phong trào này một cách cầu thị khi nó còn nằm trong tầm kiểm soát.
Điều này đòi hỏi nhà cầm quyền hiện nay cần phải tỉnh táo và đòi hỏi cả sự dũng cảm. Chấp nhận tự thay đổi và tự lột xác mình để được tồn tại và phát triển.
Cố gắng duy trì và bảo thủ “ý thức hệ” như hiện nay không những dẫn đến những sai lầm không đáng có, mà còn tạo ra những vực thẳm chôn vùi những năng lực và sức mạnh vốn có của mình.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3 ở TP. HCM.

9 commentaires:

  1. Bài viết tuyệt vời. Chính quyền hãy coi chừng!

    RépondreSupprimer
  2. Chấp nhận tự thay đổi: "Rắn lột vỏ thành rồng?". Hay là Miu vẫn hoàn Mèo?
    Cáo biến thành thỏ, dễ thương chưa? Sau đó, cáo ăn thịt chả còn thỏ nào!
    Tác giả vạch đường cho cáo chạy, ngây thơ không biết rằng, cáo chẳng cần ai chỉ đường cả. Cáo ăn không chừa một thứ gì. Vì sao? Vì cáo đây là siêu cáo rồi.

    RépondreSupprimer
  3. Một SV luật năm thứ 3 mà có lý luận rất vững vàng hơn cà chủ tịch nước.Trần Văn

    RépondreSupprimer
  4. Cũng phải có 1 hoặc nhiều tổ chức chính trị với cương lĩnh rõ ràng đứng ra tập hợp và liên kết các phong trào này lại để đấu tranh, chứ cứ tự phát thế này thì không ăn thua.

    RépondreSupprimer
  5. Suy nghĩ rất chín chắn của một sinh viên.

    RépondreSupprimer
  6. Chống đảng là không có trái tim.
    Tin đảng là không có khối óc.
    Đảng muốn chiếm được trái tim, khối óc của người dân để duy trì vị trí lãnh đạo của mình, xem ra chỉ còn một cách duy nhất lúc này là nghiêm túc nhìn nhận bản "kiến nghị 72".

    Dùng quyền hành, tuyên truyền, bạo lực để củng cố vị trí lãnh đạo là hạ sách,bế tắc, sai lầm.

    Không ai chống đảng,chỉ mong đảng cải cách để tốt lên.Không làm được điều này, chính đảng đã tự phủ định mình,đã không còn tồn tại trong lòng nhân dân,nói gì đến vai trò lãnh đạo.

    Đừng lặp lại sai lầm như mấy chục năm qua bằng cách thông qua cái dự thảo HP của QH
    .
    72 NSTT đã thay mặt nhân dân chỉ ra cho đảng lối thoát trong danh dự,trật tự,văn minh.Nếu không nghe theo thì đúng là dân cũng không còn hiểu cái đảng vinh quang "của mình" là đảng gì nữa, Tất yếu rồi cái gì phải đến,sẽ đến.Cái quy luật ác nghiệt này hoàn toàn có thể tránh bằng cách rất đơn giản là phải thay đổi tư duy.Sao không làm?

    Xin đừng tham bát bỏ mâm,đừng tham mâm mà bỏ cả nhân dân và danh dự của đảng.
    Có người đã nói: đcs không thể sửa đổi,chỉ có phế bỏ. Không lẽ đúng?

    RépondreSupprimer
  7. Cái tham quyền cố vị lại đa nghi của đảng đã đánh mất đi rất nhiều cơ hội cho tổ quốc Việt Nam.
    Hiện nay trong đảng đa số là bọn cơ hội, đi lên bằng đầu gối & mua bán bằng cấp, ghế mão...vì thế mà đa số cán bộ đảng viên không có tâm, không có tầm, ăn xổi... tranh thủ vơ vét, cướp bóc. Bọn chúng bản năng nịnh trên lừa dưới đẻ tồn tại, những ông chóp bu không quen nói thẳng, nói thật... góp ý xây dựng. Chúng tin vào những gì chúng nghĩ ra & ra sức bảo thủ mặc cho dân chúng la ó, dân chúng, trí thức càng la ó chúng càng chống lại, càng đối lập, chẳng bao giờ bản chất lừa dối tráo trở của chúng thay đổi. Cả đời tôi thấy như vậy!

    RépondreSupprimer
  8. Không Phải Là DLV xin được góp ý Phản Biện7 mars 2013 à 15:55

    Các Bác chỉ nghĩ có mỗi 1 hướng cho mình, biết 1 mà không biết 10.
    Tôi xin có chút ý kiến như sau:
    "Việc ra đời bản Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức cấp tiến soạn ra rồi gửi cho UB soạn thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi" như các bác đã biết là tất cả cư dân mạng đều đọc và đều hiểu rõ nội dung.
    Khẳng định: chúng tôi (ĐCSVN) cũng hiểu như các bạn, thậm chí hiểu rõ hơn các bạn, mà không phải ĐCS mới biết mà chúng tôi đã biết rõ điều này trước đây hàng chục năm. ĐCS khẳng định nội dung của bản HP 72 hoàn toàn đúng. Tất cả chúng ta đều biết rằng 72 nhân sĩ trí thức soạn thảo ra bản Hiến pháp 72 đều là những Đảng viên ưu tú của ĐCS.
    Tuy nhiên, với quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay rất phức tạp, kể cả tình hình chính trị trong nước cũng phức tạp không kém. ĐCS đang phải tìm cách ứng phó phù hợp nhất với điều kiện khách quan để đảm bảo đời sống của người dân ổn định, đất nước tránh thương vong.
    Chẳng lẽ ĐCS (người lãnh đạo) cứ phải công bố rõ mọi điều, mọi ý, mọi đường lối đối nội, đối ngoại trên khắp các mặt báo để thỏa mãn người dân chăng? Như vậy chỉ được 1 mà mất 10. Kẻ thù của chúng ta biết chúng ta làm gì thì chúng sẽ tìm mọi cách triệt hạ, phá hoại chúng ta.
    Để người dân thấy thỏa mãn về dân chủ như trong bản Hiến pháp 72 thì chỉ được 1 mà mất 10. Mất 10 ở đây chính là xã hội bạo loạn, người dân lầm than, cướp bóc, chém giết khắp nơi,...
    Các bác có biết tình trạng hiện nay của đất nước Iraq, Syria, Libya,.. không? Các bạn có muốn Đất mẹ Việt nam đau thương như vậy không? Tôi tin chắc, không có người dân nào, nhân sĩ nào muốn điều này.
    Vậy thì sao? Chúng ta hãy để ĐCS lãnh đạo, uyển chuyển trong đối nội và đối ngoại,... từng bước đưa đất nước ta qua giai đoạn khó khăn này và đưa đất nước ta từng bước lớn mạnh như tất cả chúng ta đã và đang mong muốn.
    Đừng vội vàng, đừng hoài nghi và hãy kiềm chế để tránh âm mưu và thủ đoạn của kẻ địch tìm cách chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của chúng ta.
    Mục tiêu của ĐCS là lãnh đạo đất nước, cùng với quân đội và nhân dân: giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mong ước của ĐCS là đảm bảo mọi người dân Việt Nam đều được tự do, ấm no và hạnh phúc. Đó cũng chính là mong ước của nhân dân ta, dân tộc ta. Chưa bao giờ có sự sai lệch giữa mục tiêu, mong ước của ĐCS với mục tiêu và mong ước của nhân dân ta, dân tộc ta.
    Để tránh sự hoài nghi và lấy lại lòng tin của nhân dân, từ nay trở đi, ĐCS sẽ cùng với nhân dân kết hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước. Kiên quyết xử lý công khai các cán bộ lãnh đạo vi phạm Luật pháp, vi phạm điều lệ ĐCS, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc. Dứt khoát xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bất kể họ là ai.

    Kiên quyết thực hiện "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật"

    Xin trân trọng.


    (Tôi không phải là DLV, tôi chỉ xin được "phản biện" một chút thôi)

    RépondreSupprimer
  9. ý kiến hay xác đáng,đúng là người có tinh thần yêu nước thật sự

    RépondreSupprimer