Trang

11/08/2013

CƯỜI BUỒN VỀ Y ĐỨC

Tiếng than buồn của một bác sĩ về y đức trong hệ thống y tế Việt Nam. Không chỉ y đức, mọi thứ đạo đức đều khó tồn tại trong một hệ thống đã bị lỗi
BS Lê Đình Phương
Báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay khá nóng về cuộc tranh luận chung quanh cái gọi là lương tâm chức nghiệp của giới thầy thuốc ở các bệnh viện công. Khen có, chê cũng kha khá. Lại có một ý kiến của đồng nghiệp HT bị ném đá tơi bời. Nó như thế này:
Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM. Đọc bài “Bác sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).
Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời, toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?

Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn, phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000 đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?
Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.
Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem.
…..
Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP. Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học BS là khó lắm không?” (??????)
Không cần bình luận gì thêm về tính chất khiếm nhã và cực kỳ ngạo mạn của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế. Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)
Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.
Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi, tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, không lẽ cứ ít tiền thì có quyền hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?
Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế.
Còn nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi (xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?
Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!
Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết! Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như vậy!
Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc, bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. “Không ăn ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống đối chế độ điều trị, cho ra viện”.
Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ. Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe cũng phải giật mình kính phục.
Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ): “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ!
Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?
vân vân và vân vân…
Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú,  mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng biết những cách đó là gì!
Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi ổng phán thế này: “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)
Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao giảng. Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận hành guồng máy y tế như bây giờ? Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?
Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ. Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.
Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người.  Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!
Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!

11 commentaires:

  1. Tôi may mắn được làm việc ở một bệnh viện được coi là môi trường thân thiện, nhờ ông giám đốc có tâm và có tầm.
    1/ Đối với các điều dưỡng thì cứ 6 tháng một lần được giáo dục về thái độ tiếp xúc với bệnh nhân.
    2/ Đối với hàng ngũ bác sỹ, đặc biệt là các trưởng khoa thì liên tục được ổng nhắc nhở nhưng thân tình khi ngồi uống cà phê với nhau
    3/ Một ngày ông giám đốc này chỉ ngồi trong phòng làm việc vài giờ, thời gian còn lại một mặc đồ như một thường dân đi quanh cái bệnh viện rộng mênh mông để hỏi thăm người nhà bệnh nhân và thăm bệnh nhân để luôn nắm rõ về thái độ giao tiếp và việc làm của lính ổng
    4/ Đã có một số trường hợp gồm cả nhân viên điều dưỡng, điều dưỡng trưởng khoa và cả bác sỹ trưởng phó khoa bị giám đốc gọi đến phòng làm việc, sau khi ra khỏi phòng người nào người nấy coi bộ xanh lè, xanh lét. Đơn giản là giám đốc nắm rất rõ sai phạm của nhân viên, sách nhiễu bệnh nhân... Đến phòng giám đốc ổng chìa ra cái quyết định cho thôi việc. Nếu hối lỗi tự khai và làm kiểm điểm thì ổng rút lại quyết định, nếu cố tình chối tội thì nhận cái quyết định đó ra về.
    5/ Ông giám đốc này vận dụng mọi hình thức trong sạch như cho nhân viên giữ xe (không thuê bên ngoài) cũng vậy với căng tin, siêu thị mini để bán giá rẻ cho bệnh nhân... để có thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Ở cái xứ nhà quê (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) mà hàng ngũ bác sỹ có thu nhập từ 10-20 triệu, nhân viên khác bèo bọt cũng được 5-10 triệu là điều hiếm. Nếu biết chịu khó thì hàng tháng có thể mua được 1 chỉ vàng để dành.
    6/ Ông này phong cách rất nghệ sĩ, tên là Thân Trọng Long, giám đốc bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam (không phải bệnh viện Quảng Nam). Nếu có dịp ghé qua đây tham quan thì sẽ thấy là tôi không nói dốc

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Tôi có một thời là lính anh Long trước bạn, tôi là người được anh Long nâng đỡ trong chuyên môn (chỉ trong chuyên môn thôi) rất nhiều, tôi cảm phục anh Long ở Tấm Lòng của anh đối với những người đồng nghiệp trẻ. Giờ anh Long không còn làm việc chổ tôi nữa, nhưng qua các đời Giám Đốc, tôi ngưỡng mộ và rất quý anh Long.
      Tôi cũng MÊ anh Long ở cái tính NGHỆ SĨ của anh.

      Đỗ Văn Liêm.
      BV ĐKKVMN PB Quảng Nam.

      Supprimer
  2. đọc bài của bạn mà ứa nước mắt

    RépondreSupprimer
  3. xin thưa!đất nước chúng ta còn được bao nhiêu người còn chút tự trọng và ưu tư như L.Đ.PHƯƠNG? rất mong trong đêm giông bão không những bầu trời chỉ còn một vì sao mà còn rất nhiều vì sao ít nhất là ở trong tim mọi người...... TRÂN TRỌNG.

    RépondreSupprimer
  4. Việc làm bây giờ khó kiếm quá, nhiều lúc bị bắt chẹt, xử ép, xúc phạm nhưng cũng đành nhịn cho qua. Tự trọng là cái gì đó nghe cao xa ...

    RépondreSupprimer
  5. "...Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại..." rất đúng và đáng hoan nghênh, có điều, không phải là bây giờ.

    RépondreSupprimer
  6. Tôi là bệnh nhân ở Viện Huyết học Truyền máu TW. Tôi dac hữa bệnh ở đó 1 tháng, ở lấu 4 gốm những bệnh nhân nhẹ. Ai thì tôi không biết nhưng tôi thấy đội ngũ y bác sĩ ở đây rất tốt. Họ không có... làm tiền bệnh nhân. Tôi cũng từng đưa tiền nhưng BS không nhận, cương quyết không nhận, nói là cất đi để chữa bệnh. (Vị BS ấy trẻ, điều trị trực tiếp cho tôi, tên Linh).
    Ở Hà Nội, theo tôi được biết, còn đúng không thì chịu ( vì ở các bệnh viện khác tôi đâu biết) BV Huyết hojclaf một trong những BV có đội ngũ Y, BS rất có tâm
    Vâng, các bác đừng vơ đũa cả nắm. Vẫn còn nhiều BS tốt, thực tâm.

    RépondreSupprimer
  7. " Lũ mất dạy và ngu xuẩn",bản thân tôi vì là tuổi già nên cũng thường xuyên lui tới bệnh viện( công lẫn tư),chuyện dài và rất nhiều, nhưng xin được góp ý vắn gọn bằng mấy từ trong ngoặc kép,xin thông cảm!

    RépondreSupprimer
  8. Tôi không tưởng tượng nổi khi người ta dám lấy xét nghiệm của người nầy đưa cho kết quả người khác /giả dụ bạn đang khỏe mạnh và khi nhận kết quả ghi bạn nị giang mai /sida/viêm gan b /thì gia đình bạn và cuộc sống của bạn sẻ đảo lộn ra sao /vì sao có nhửng kẻ gọi là ăn học có thể kiếm tiền 1 cách bất nhân và vô đạo đức như vậy họ còn thua cả nhửng cô gái mà xả hội gọi là mải dâm vì họ bán cái của họ không ăn cắp của ai cả /tôi đả nhiều lần đưa con đi khám bệnh tại 1 bệnh viện khá nổi tiếng từ xưa đến nay /khi cho kháng sinh thay vì họ cho nhửng loại bình thường như ampi hay amoxcline thì họ lại cho nhửng thuốc trụ sinh đời mới đắt gắp 2,3 lần /khi đem toa ra ngoài mua vì bệnh viện không còn thuốc thì các dược sỉ nói công dụng như nhau ,nhưng vì có hoa hồng của các hảng dược nên họ cứ ghi trên toa cho mua và sau đó sẻ có người của hảng dược thanh toán hoa hồng cho họ ?ngày xưa khi còn chế độ saigon2 ai giỏi hay dở củng có thể mở phòng mạch tư /nhưng người dân là người quyết định ai giỏi hay dở /anh giỏi thì sống còn dở chửa không hết bệnh thì đóng cửa đó là quy luật /còn bây giờ lắm nơi còn mượn hay mua cả bác sỉ về cho có rồi cho toa bán thuốc /bất an quá trên biến dưới loạn thật kinh hoàng

    RépondreSupprimer
  9. Gốc rễ của những chuyện tày đình này là từ đâu? Tôi vẫn nghe nói xã hội chủ nghĩa bình đẳng bác ái, dân chúng hạnh phúc lắm nhưng giờ sao toàn chuyện tán tận lương tâm vậy?

    RépondreSupprimer
  10. VÌ ĐÂU LÊN NỖI
    TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY CÓ NƯỚC CỘNG SẢN NÀO DÂN ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?

    RépondreSupprimer