Trang

19/09/2013

Máu đã đổ, người đã chết… vì cưỡng chế đất

Mẹ Nấm

000_Hkg2312974-305.jpg
Khu vực tranh chấp đất đai giữa chính quyền Hà Nội và người Công giáo tại giáo xứ Thái Hà chụp hôm 24/4/2009. Ảnh minh họa.
AFP photo
Chiều ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, trú tại phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng súng bắn 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình khiến một người chết, ba người bị thương.
Sau đó, ông Viết về quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình và tự sát dưới chân tượng Phật trong buổi chiều cùng ngày.
Theo thông tin trên các báo, nguyên nhân bức xúc của ông Viết có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.

Sự việc gây chấn động này một lần nữa nhắc người ta nhớ đến các bất cập trong những vụ giải phóng mặt bằng.
Trong nhiều năm gần đây, số lượng người đi khiếu nại, khiếu kiện các vấn đề liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng.
Đỉnh điểm là năm ngoái tại Hải Phòng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã buộc phải nổ súng vào đoàn công an, cán bộ tham gia cưỡng chế để bảo vệ tài sản của mình. Luật đất đai năm 2003 ở điều 7 có quy định: “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.
Rất khó để viện dẫn, giải thích cho toàn dân hiểu vì sao đất đai do mình sở hữu nhưng nhà nước lại đại diện quản lý.
Trên thực tế, trong những dự án giải phóng mặt bằng, với những quy định có sẵn trong luật đất đai 2003, trong những dự án thu hồi đất do nhà nước làm chủ đầu tư thì nhà nước sẽ áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư…
Đối với các dự án phục vụ mục đích phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học, chợ… thì hầu như người dân không còn cách lựa chọn nào ngoài việc đồng ý với các thoả thuận do phía nhà nước đưa ra, nhanh chóng nhận tiền đền bù hoặc chấp nhận di dời theo phương án tái định cư nếu không muốn bị cưỡng chế giải toả trắng.
Nhưng vấn đề dễ gây cho người dân bức xúc nhiều nhất đó chính là những dự án mà nhà nước đứng ra thu hồi đất để giao cho tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý.
Đây chính là kẽ hở lớn nhất để nhà nước và các chủ dự án mập mờ đánh lận con đen với quyền lợi của người dân. Bởi khi nhà nước thu hồi đất thì sẽ áp mức đền bù theo giá do nhà nước quy định (thường giá này thấp hơn nhiều so với thị trường thực tế), sau khi đã có đất sạch (đất đã giải toả xong) thì nhà nước giao lại cho chủ đầu tư tư nhân tiếp quản, toàn quyền định đoạt.
Những mảnh đất đó thường sẽ được tư nhân bán lại với giá cao gấp chục lần giá đền bù mà người dân nhận được. Đây chính là mấu chốt của nhiều vụ việc bức xúc đã xảy ra.
Một nút thắt thứ hai thường gặp trong những vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng chính là quy trình, thủ tục triển khai của các dự án. Theo quy định của luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành luật này thì những trình tự pháp lý liên quan tới chủ trương, thu hồi, đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tái định cư... đất của người dân đều có những quy định rất rõ ràng nhưng trên thực tế người dân hầu như không được biết (ví dụ như quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ học nghề, tái định cư..).
image-250.jpg
Nông dân chuẩn bị đất cho vụ lúa mới trên một cánh đồng ở một tỉnh phía Bắc, ảnh minh họa. AFP photo
Theo quy định của pháp luật, tất cả phải được thông báo công khai hoặc gửi tận tay người dân có quyền lợi liên quan, nhưng thực tế nhiều dự án đã lơ đi chuyện này. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến các cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng làm việc với các gia đình bị mất đất.
Thay vì làm rõ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, đa số các văn bản, các thủ tục hướng dẫn lại thường chỉ muốn người dân đồng ý ký vào các biên bản thoả thuận càng sớm càng tốt.
Đặc biệt với các biên bản giao nhận đất tái định cư, hoặc biên bản đồng ý với việc nhận tiền đền bù. Thậm chí có những địa phương còn áp dụng đủ thứ “lệ”, để lừa dân ký cho bằng được, và với quan niệm “một khi đã ký nhận đền bù thì coi như kết thúc không thoả thuận, đàm phán gì nữa”.
Cũng có tình trạng các cán bộ đi vận động, “bỏ nhỏ” với từng hộ dân rằng “khu này đã nhận đền bù hết, gia đình cũng nhận đi chứ không khi tất cả đã đồng ý thì ở trên buộc phải ra lệnh cưỡng chế nhà anh (chị)”.
Nhiều người dân không có đủ thông tin và không được hỗ trợ về mặt kiến thức luật pháp đã chấp nhận ký kết thoả thuận.
Đến khi người dân có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin, được tư vấn đầy đủ về pháp luật và biết được nhà nước hoặc chủ đầu tư lừa mình thì đi việc khiếu nại, khiếu kiện sẽ diễn ra rất dây dưa và chậm chạp trong khi dự án vẫn cứ triển khai, nhà cửa vẫn bị giải toả.
Chính điều này đã dẫn đến những hệ luỵ khó giải quyết: Có nhiều người mất nhà cửa, mất ruộng vườn lặn lội khiếu kiện ròng rã từ năm này sang năm khác. Có nhiều người im lặng trong cay đắng chấp nhận làm lại từ đầu và góc nhìn của họ với xã hội thay đổi hẳn đi. Và cũng có người đã lựa chọn cách hành động theo bản năng để giải thoát cho bản thân và gia đình như ông Vươn, ông Viết.
Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu luật pháp đã đảm bảo được hoàn toàn quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những gia đình có đất đai bị giải toả hay chưa? Pháp luật và những quy định của nó được tạo ra là để đảm bảo quyền lợi của người dân, để hướng dẫn mọi người hiểu và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chứ không phải để đánh lừa họ.
Vì sao những người như ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Ngọc Viết phải chấp nhận đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình? Phải chăng là họ không còn tin rằng mình sẽ được bảo vệ bởi luật pháp nữa?
Một khi công dân mất niềm tin rằng nhà nước sẽ bảo vệ được mình, thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu trong xã hội này?
Với tình trạng người dân phải đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình như hiện nay, liệu có tồn tại một nhà nước “do dân và vì dân” như người ta thường được nghe tuyên truyền hay không?

4 commentaires:

  1. cám ơn em Nguyễn Ngọc Như Quỳnh !

    RépondreSupprimer
  2. Bài viết ngắn gọn nhưng rất chí lí.Hầu hết các dự án bồi thường GPMB do nhà nước đứng ra thực hiện đều là áp đặt người dân với nhiều thủ đoạn ,mánh khóe lừa đảo ,bưng bít thông tin với người dân .Cán bộ đền bù thường dụ khị người dân kí đồng ý với nhiều chiêu tù mù, dối trá.Nào là đang có những chính sách hỗ trợ kèm theo gộp lại cũng cao lắm,nào là hầu hết bà con đã nhận tiền đền bù rồi(còn thắc mắc thì được cái gì),nào là họ gặp riêng từng chủ hộ mà rỉ tai :Nếu làm đơn tập thể là phạm luật đó ....Rốt cục người dân méo miệng ,cắn răng uất ức vì bị cưỡng đoạt hợp pháp đất đai mà cha ông họ đã chăm sóc,tích góp và gắn bó sinh sống nhiều đời nay .Thì còn biết tin ai, cầu cứu ai đây ?Đành đau lòng im lặng hoặc phẫn uất quá mà tự xử bằng dao,bằng súng ,bằng lửa...Càng cay đắng và phẫn nộ hơn là ngay sau đó một thời gian ngắn đất đai nhà mình đã mặc nhiên vào tay các ông chủ phân lô bán nền với giá gấp hàng mấy chục lần !
    Nói đâu xa, một dự án đền bù giải tỏa quy hoạch khu đô thị mớiNhơn Đức-Phước Kiển (đang vào thời kì nước rút) do tập đoàn GS hàn Quốc làm chủ đầu tư tại huyện Nhà Bè -TP.HCM đang được ban Bồi thường GPMB huyện dùng nhiều chiêu thuật mị dân,dọa dân để cưỡng cho bằng được đất đai của hàng trăm hộ người dân làm nông ở đây mà dâng cho Trung tâm quĩ đất TP bàn giao "đất sạch" cho Tập đoàn Gs càng sớm càng được thưởng.Mà giá đất đền bù ở dây chỉ tương đương vài chục phần trăm đất cùng loại do các doanh nghiệp trong nước như Him Lam ,HAGL...trực tiếp giải quyết cho người dân.Thử hỏi Người dân có tim óc không đau xót ,phẫn uất mới là chuyện lạ!

    RépondreSupprimer
  3. Cũng có tình trạng các cán bộ đi vận động, “bỏ nhỏ” với từng hộ dân rằng “khu này đã nhận đền bù hết, gia đình cũng nhận đi chứ không khi tất cả đã đồng ý thì ở trên buộc phải ra lệnh cưỡng chế nhà anh (chị)”.

    Tôi xác nhận đây là một chiêu vừa lừa gạt vừa hăm dọa của chính quyền xảo trá này.

    RépondreSupprimer
  4. Mau da do, nguoi da chet...
    Dung nhu Me Nam viet, tat ca la do "chinh quyen" khong phai cua dan, do dan, vi dan; hay noi nhu GS Hoang Xuan Phu, vi the cua Nhan dan va cua Dang da bi danh trao, nhan dan chi la day to, no le cua Dang.

    Dang "ta" keu gao "mot bo phan khong nho" can bo dang vien suy thoai, coi thuong phap luat...nhung keu vay thoi, vi neu khong co "bo phan khong nho" ay thi khong co dang CSVN.
    "Bo phan khong nho" vao Dang voi muc dich duy nhat: de duoc co dac quyen, dac loi!!!

    RépondreSupprimer