Trang

29/11/2013

ĐỌC VÀO ĐÂY BIẾT ADIZ LÀ GÌ

ADIZ
(AIR DEFENSE IDENTIFICATION ZONE)

Wiki, nguồn gốc của ADIZ :

Vùng nhận dạng phòng không là gì?

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/582473/vung-nhan-dang-phong-khong-la-gi.html

28/11/2013 12:34 (GMT + 7)


TTO - Theo một chuyên gia hàng không VN, vùng nhận dạng phòng không (tiếng Anh là Air Defense Identification Zone - ADIZ) là vùng nằm ngoài không phận đương nhiên của một quốc gia và do quốc gia đó tự đặt ra, vì lý do an ninh quốc gia hoặc lý do nào đó.
Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông - Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - Đồ họa: AFP, Tuổi Trẻ


Rất nhiều quốc gia, như Mỹ, Canada… đã thiết lập ADIZ trong vùng không phận quốc tế tiếp giáp với quốc gia khác. Việc tuyên bố ADIZ là hoàn toàn đơn phương và không dựa trên căn cứ pháp lý và thương thuyết với nước láng giềng.
Vì là đơn phương nên các quốc gia quy định ADIZ sẽ có các yêu cầu bắt buộc với các máy bay dân sự khi bay qua khu vực này. Nhưng nhìn chung đều phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải gửi kế hoạch bay trước; phải thiết lập liên lạc hai chiều trả lời trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; máy bay phải được nhận dạng, thông báo vị trí, thiết lập liên lạc hai chiều, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, khi bay qua các điểm báo cáo bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định...
Nếu không gửi báo cáo kế hoạch bay mà xuất hiện trong khu vực ADIZ, máy bay dân sự sẽ phải đối mặt với việc bị máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp chế tài khác. Những biện pháp chế tài này cũng được các nước công bố khi thông báo vùng ADIZ.
Vùng ADIZ hiện nay mà Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tranh cãi nằm trùng với các đường bay dân sự mà nhiều hãng hàng không quốc tế có đường bay từ Việt Nam (từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...) sang Nhật Bản, Hàn Quốc và nối chuyến sang Mỹ.
Tuy nhiên theo chuyên gia này, các chuyến bay quốc tế từ/đến VN đều không bị ảnh hưởng vì theo quy định trước đây, các chuyến bay này đều phải bay qua không phận của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nên các hãng hàng không đều phải gửi trước kế hoạch bay và những thông tin bắt buộc cho nhà chức trách các quốc gia này.
LÊ NAM

Báo Tuổi Trẻ :

Biển Hoa Đông nóng hừng hực

http://tuoitre.vn/The-gioi/582441/bien-hoa-dong-nong-hung-huc.html

28/11/2013 12:41 (GMT + 7)


TT - Trong một thông điệp cứng rắn, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay thẳng vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc vừa mới thiết lập.
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc trong lần giới thiệu với giới truyền thông tại căn cứ không quân Yangcun, ngoại ô Thiên Tân - Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc giải thích chuyến bay diễn ra hôm 26-11 và không mang vũ khí là hoạt động thường xuyên, nhưng rõ ràng động thái này có thông điệp: không chấp nhận ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố. Các máy bay B-52 của Mỹ không thông báo lộ trình và ở trong vùng ADIZ trong gần một giờ.
Đại tá Steve Warren của Lầu Năm Góc tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng tôi đã tiến hành các chiến dịch ở quanh khu vực Senkaku/Điếu Ngư và sẽ tiếp tục theo quy trình thông thường của mình”. Giới quan sát thừa nhận động thái mới của Tokyo và Washington đẩy thêm căng thẳng hiện tại và mọi người đều chờ đợi bước hành xử tiếp theo từ Bắc Kinh.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết Bắc Kinh giám sát toàn bộ hành trình của hai máy bay B-52 tại ADIZ, đồng thời khẳng định nước này có khả năng quản lý và giám sát hiệu quả ADIZ.
Các chuyên gia cũng nhanh chóng phân tích tình hình. Reuters trích lời giáo sư Sun Zhe tại ĐH Thanh Hoa thừa nhận: “Nếu Trung Quốc chỉ phản ứng bằng tuyên bố thì sẽ rất xấu hổ. Khái niệm hổ giấy là rất quan trọng, các bên đều đối mặt chuyện này. Nhật và Mỹ không muốn trở thành hổ giấy và Trung Quốc càng không muốn”.
Dean Cheng, nhà phân tích của Quỹ Heritage, cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Washington cho thấy Mỹ “rất nghiêm túc khi nói mình là đồng minh của Nhật và đừng có đùa với điều đó”. Còn ông Brad Glosserman, thuộc Diễn đàn CSIS tại Honolulu, đánh giá tuyên bố của Trung Quốc, từng được coi là cao tay hơn trong việc khẳng định chủ quyền, giờ trở thành tác dụng ngược khi “người Trung Quốc lần nữa chứng minh chính họ là kẻ thù lớn nhất của bản thân mình..., khiến Mỹ và Hàn Quốc đứng gần hơn nữa với Nhật”.
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng Mỹ không ngần ngại lên tiếng rõ khi “Trung Quốc có hành động làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố hoặc có thể lôi kéo Mỹ vào xung đột. Như trong trường hợp Trung Quốc hướng rađa vào tàu chiến của Nhật, Mỹ đã lên án hành động ngay”.
Bà giải thích thêm: “Bằng việc đưa máy bay B-52 bay qua ADIZ, Mỹ đơn giản khẳng định quyền được bay qua không phận quốc tế cũng như khi Mỹ thực hiện quyền đi lại trên biển Đông hay ở eo biển với Đài Loan”. Bà Glaser thừa nhận có nhiều sự tương đồng giữa các căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông. “Người Trung Quốc hôm nay gây sức ép với người Nhật và họ cũng từng dùng chiến thuật dọa nạt với các nước Đông Nam Á. Cần nhớ là người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói sẽ công bố các khu vực ADIZ khác trong tương lai. Chắc chắn họ đã nghĩ đến biển Đông cũng như vùng biển với Đài Loan”.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nhận định với Tuổi Trẻ: “Trung Quốc giờ đây nhận ra hành động của họ không chỉ thách thức Nhật mà còn thách thức cả Mỹ... Mỹ cũng chỉ ra rõ rằng các ADIZ Mỹ từng công bố chỉ kiểm soát các máy bay hướng trực tiếp về phía Mỹ. Các máy bay đi qua vùng ADIZ này hoàn toàn được bay tự do”. Theo ông Thayer, chính sách này là nhất quán với chính sách trên biển khi hải quân Mỹ sẽ cương quyết chống các nước hạn chế tàu chiến đi lại trong các vùng đặc quyền kinh tế. Ông Thayer đánh giá hành động của Mỹ được hoan nghênh ở khu vực khi mà Trung Quốc nói sẽ áp đặt ADIZ trên các vùng biển khác nữa.
Động thái mới của Mỹ diễn ra một tuần trước khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến đi tới Đông Á với các điểm dừng ở Bắc Kinh, Seoul và Tokyo để tái khẳng định chiến lược “tái cân bằng” về châu Á. Washington nói Nhà Trắng sẽ nêu các vấn đề về lãnh thổ trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Nam Hải.
Theo AFP, mới đây Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Theo người phát ngôn LHQ Martin Nesirky, ông Ban Ki Moon cho rằng căng thẳng cần được hóa giải “một cách thân tình thông qua đối thoại và đàm phán”. “Hiện có nhiều tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thư ký hi vọng các tranh chấp này được giải quyết qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên có liên quan cần xử lý vấn đề với thiện ý và tinh thần xây dựng” - ông Nesirky nhấn mạnh.
THANH TUẤN


Báo Thanh Niên :

Đến lượt máy bay Nhật bay vào vùng phòng không mới của Trung Quốc 

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131128/den-luot-may-bay-nhat-bay-vao-vung-phong-khong-moi-cua-trung-quoc.aspx

28/11/2013 14:27

(TNO) Ngày 28.11, Nhật Bản cho biết nước này đã điều động máy bay bay qua vùng nhận dạng phòng không vừa được thiết lập tại biển Hoa Đông của Trung Quốc mà không gặp phải trở ngại gì.

 
Vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc, gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Đồ họa: Thanh Niên Online
Các máy bay quân sự này đã bay qua vùng phòng không mới của Trung Quốc mà không hề bị cản trở, tờ Asahi Shimbun(Nhật Bản) dẫn nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Nhật tiết lộ.
“Chúng tôi đã không thay đổi hoạt động tuần tra khu vực của mình tại nơi Trung Quốc tuyên bố là vùng phòng không mới và chúng tôi cũng không khai báo kế hoạch bay cho Bắc Kinh. Chúng tôi không gặp bất kỳ máy bay Trung Quốc nào”, AFP dẫn lời ông Yasutaka Nonaka, phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên Nhật.
Vào ngày 23.11, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông, bao trùm luôn cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bắc Kinh cũng yêu cầu tất cả máy bay khi vào vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông phải thông báo cho nhà chức trách Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay không cung cấp thông tin nhận dạng hoặc không tuân thủ những hiệu lệnh từ Bắc Kinh.
Nhật Bản gọi động thái của Trung Quốc là "rất nguy hiểm", trong khi Mỹ cho biết nước này "quan ngại sâu sắc" về tuyên bố lập vùng phòng không mới của Trung Quốc.
 
Chiến đấu cơ F-2 của Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Vào ngày 25.11, Mỹ đã điều động 2 máy bay ném bom B-52 bay qua vùng phòng không Trung Quốc và đã không gặp phải trở ngại gì.
Tương tự, một chiếc máy bay trinh sát P3C Orion của hải quân Hàn Quốc đã cất cánh từ đảo Jeju vào hôm 26.11 và bay qua vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc.
Hoàng Uy



Báo Thanh Niên :

Hàn Quốc đòi Trung Quốc vẽ lại vùng nhận dạng phòng không

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131128/han-quoc-doi-trung-quoc-ve-lai-vung-nhan-dang-phong-khong.aspx


28/11/2013 12:05

Một chiếc máy bay trinh sát P3C Orion của hải quân Hàn Quốc - Ảnh: rpdefense.over-blog.com

(TNO) Ngày 28.11, Hàn Quốc đưa ra yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh vùng nhận dạng phòng không mới mà Bắc Kinh tuyên bố hôm 23.11, chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của Seoul.

Trung Quốc hôm 23.11 đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Nhật - Trung Senkaku/Điếu Ngư.
Vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối.
Bắc Kinh còn tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nước ngoài nào xâm phạm vùng nhận dạng phòng không mới của nước này.
Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc còn bao gồm cả không phận trên bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu đang tranh chấp giữa Hàn - Trung, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 28.11.
Trong buổi hội đàm cấp cao thường niên về chiến lược quốc phòng với phía Trung Quốc tại thủ đô Seoul ngày 28.11, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo đưa ra yêu cầu Bắc Kinh vẽ lại vùng nhận dạng phòng không.
Ông Baek cho biết Hàn Quốc không thể công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố khi không tham vấn trước với Seoul.
Ông Wang Guanzhong, Phó tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tham gia buổi hội đàm, đã bác bỏ đề nghị của ông Baek, theo Yonhap.
Ông Baek khẳng định Trung Quốc phải vẽ lại vùng nhận dạng phòng không để không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc tại khu vực biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin hôm 26.11 tuyên bố sẽ mở vùng nhận dạng phòng không của nước này để nó bao gồm cả bãi đá ngầm tranh chấp Ieodo/Tô Nham Tiêu.
Trong một nỗ lực nhằm tuyên bố chủ quyền tại Ieodo/Tô Nham Tiêu, Hàn Quốc đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu hải dương tại đây hồi năm 2003, mặc cho Trung Quốc phản đối.
Đài NHK (Nhật Bản) hôm 27.11 dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết một chiếc máy bay trinh sát P3C Orion của hải quân Hàn Quốc đã cất cánh từ đảo Jeju vào hôm 26.11 và bay qua vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc mà không khai báo.
Trước đó, Mỹ cũng điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc vào ngày 25.11 mà không hề báo trước, một động thái được cho là để thách thức Bắc Kinh.

Phúc Duy


Báo Pháp Luật Tp.HCM :

Tại sao vùng phòng không TQ tự nhận chọc giận Nhật-Mỹ?http://phapluattp.vn/20131128035611672p1017c1076/chien-dau-co-nhat-cung-da-bay-vao-adiz-cua-trung-quoc.htm

Căng thẳng đang tăng cao giữa 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới quanh "vùng nhận diện phòng không" mà Trung Quốc mới tự thiết lập.

Các vấn đề tranh cãi không chỉ liên quan đến không phận mà còn cả những hòn đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp bấy lâu nay.
Hôm 23/11, Trung Quốc tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ và Nhật Bản. Cả hai nước không công nhận vùng này.

ADIZ của Trung Quốc
Trung Quốc công bố một bản đồ và các hệ thống tọa độ xác lập ADIZ trên biển Hoa Đông ngày 23/11. Nước này tuyên bố các hãng hàng không phải nộp kế hoạch bay cho Bắc Kinh nếu có máy bay hoạt động qua vùng này, yêu cầu duy trì liên lạc hai chiều bằng radio và ghi rõ quốc tịch của họ trên máy bay. Quy định mới có hiệu lực lúc 10h sáng cùng ngày, theo tin từ Tân Hoa xã.
Vùng không gian này bao gồm một vệt Biển Hoa Đông, bao phủ chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố sẽ "thực hiện các biện pháp phòng thủ khẩn cấp với những máy bay nào không hợp tác trong việc nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ quy định".
ADIZ là gì?
ADIZ không phải là một khái niệm mới, về cơ bản đó là một vùng đệm bên ngoài không phận chủ quyền của một quốc gia.
Một số nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã thiết lập ADIZ trong vùng không phận quốc tế cạnh không phận nước họ. Một máy bay nước ngoài bay vào một ADIZ có thể được yêu cầu nêu danh tính mới được phép bay vào không phận nước đó.
ADIZ được tự ý xác lập nên nó không có cơ sở pháp lý và cũng không dựa trên đàm phán với các nước láng giềng, theo James Hardy - Biên tập viên phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của tuần báo quốc phòng IHS Jane's. "Mục đích của việc làm này là cho phép một nước có vùng cảnh báo sớm để họ có thể ngăn chặn những máy bay không thiện chí".
ADIZ của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào?
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định vùng nhận diện phòng không mới không nhắm tới một nước nào cụ thể. Bản đồ và hệ thống tọa độ mà Trung Quốc đưa ra cho thấy vùng này bao trùm các phần của biển Hoa Đông và các quần đảo Senkaku/Điếu ngư.
Nhật Bản và Trung Quốc đều nhận chủ quyền đối với chuỗi đảo này. Và ADIZ mới của Trung Quốc còn chồng lấn lên ADIZ mà Nhật Bản đã thiết lập từ ngày 29/8/1968. Trung Quốc coi ADIZ của Nhật là trái phép.
Bắc Kinh cũng chọc giận người láng giềng Hàn Quốc. Một bãi đá ngầm có tên Ieodo ở Hoàng Hải nằm cách Hàn Quốc 149km về phía tây nam và cách Trung Quốc 287km về phía đông đã lọt một phần vào ADIZ của Trung Quốc. Người Hàn Quốc đã thiết lập một trạm nghiên cứu đại dương trên bãi Ieodo.
Phản ứng của các nước
Nhật Bản, cùng ngày 23/11, đã phản đối gay gắt tuyên bố của Trung Quốc và khẳng định nó "không có giá trị". Bộ Ngoại giao ở Tokyo gọi hành động của Trung Quốc là "hết sức nguy hiểm mà có thể đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông, làm leo thang tình hình, và có thể gây ra những hậu quả khó lường".
Ở Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min-seok, tuyên bố quyền thực thi pháp lý của nước này đối với bãi đá Ieodo là không thay đổi.
"Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ của họ", ông Kim nói và cho biết nó chồng lên quyền thực thi pháp lý của Hàn Quốc. Cũng theo người phát ngôn này, phía Hàn Quốc sẽ bay qua những khu vực như vậy mà không cần thông báo với Trung Quốc.
ADIZ mà Trung Quốc vừa tự thiết lập trên biển Hoa Đông bao trùm chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản.
Tại sao Mỹ can dự?
Mỹ dẫn giải về ADIZ khác với Trung Quốc.
Theo như Tân Hoa xã đưa tin thì các quy định nhận diện máy bay mới của Trung Quốc không phân biệt giữa máy bay bay qua vùng phòng không này mà không vào không phận Trung Quốc với những máy bay sẽ bay vào - Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế chỉ rõ.
Điều đó không giống như cách Mỹ dẫn giải về ADIZ, như những gì Ngoại trưởng John Kerry nói ngày 23/11: "Mỹ không áp dụng các quy định ADIZ cho những máy bay nước ngoài không tiến vào không phận quốc gia Mỹ. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không thi hành đe dọa của họ là sẽ có hành động chống lại những máy bay không tự nhận dạng hoặc không tuân thủ yêu cầu từ Bắc Kinh".
Mỹ tuyên bố nước này không công nhận ADIZ mới của Trung Quốc, cũng không làm theo yêu cầu của nước này đòi các máy bay tiến vào vùng phòng không đó phải tự nhận dạng và nộp kế hoạch bay.
"Tự do hàng không và các sử dụng hợp pháp mang tính quốc tế khác về biển và không phận là cần thiết cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh ở Thái Bình Dương. Chúng tôi không ủng hộ nỗ lực bất kỳ nước nào muốn áp đặt các quy định ADIZ của mình cho máy bay nước ngoài không tiến vào không phận quốc gia của nước đó".
Đối với Washington, ADIZ mà Trung Quốc mới thành lập không chỉ là một cuộc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản - một đồng minh lâu năm của Mỹ. Nó còn là một tranh cãi về không phận quốc tế.
Các nước hành động thế nào?
Chỉ hai ngày sau khi Washington thẳng thừng thể hiện sự khó chịu với ADIZ của Trung Quốc, hai máy bay quân sự Mỹ đã bay vào vùng này mà không thông báo cho Bắc Kinh. Mỹ cũng cảnh báo ADIZ mới của Trung Quốc làm tăng cao nguy cơ "hiểu lầm và tính toán sai".

Bắc Kinh đáp trả rằng các bình luận của Mỹ là "vô trách nhiệm". Họ cũng chỉ trích bình luận của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với Nhật bản là "không thích hợp".

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Trung - Hàn dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm trong tuần này về vùng ADIZ chồng lấn bao trùm bãi Ieodo.

Các chuyến bay thương mại có bị ảnh hưởng?
Như định nghĩa trong tuyên bố của Trung Quốc, các quy định của ADIZ mà nước này tự nhận dường như được áp dụng với tất cả các loại máy bay. Tuy nhiên, các chi tiết vẫn mập mờ.
Trong khi đó, hai hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL), hôm 27/11, thông báo họ sẽ không nộp kế hoạch bay cho phía Trung Quốc về các chuyến bay qua vùng bị áp đặt.
Theo Thanh Hảo (VNN / CNN)

1 commentaire:

  1. Nguyệt Đồng Xoài30 novembre 2013 à 23:38

    Vì tình đồng chí Vô sản XHCN, đảng và nhà nước ta sẽ ra thông báo ủng hộ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và lên án bọn sen đầm hiếu chiến Mỹ - Nhật. Chỉ có Trung Quốc bảo vệ được CNXH cho VN ta mà thôi. Tình hữu nghị Việt - Hoa do cố chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Mao Trạch Đông gầy công vung trồng. VNDCH qua đồng chí thủ tướng kính mến Phạm Văn Đồng đã ra công hàm ủng hộ lập trường về lãnh hải của CHND Trung Hoa năm 1958, nay thì kế thừa truyền thống ấy, đồng chí thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ noi gương đồng chí Phạm Văn Đồng khi xưa.

    Vô sản toàn thế giới 4 nước Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, và Việt Nam hãy đoàn kết lại, hãy đứng sau lưng nhân dân Trung Quốc trong giờ khắc khó khăn này.

    Hảo hảo.

    RépondreSupprimer