Trang

05/01/2014

MỘT NĂM MỚI KHÔNG BÌNH YÊN

Thanh Trúc  
Theo RFA
Những trường hợp mới nhất về các cựu tù nhân chính trị và các nhà hoạt động dân chủ, bị bắt khi đi thăm hỏi người quen dịp đầu năm, xảy ra khá nhiều trước và ngay trong ngày đầu Tết Dương Lịch 2014.
Góp nhặt từng vụ việc mới xảy ra, Thanh Trúc trình bày trong bài sau:
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, ảnh chụp trước đây
“Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tàng phát triển nhanh và bền vững” là những ý chính trong thông điệp năm mới của thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Sách nhiễu, đe dọa
Đối với các tù nhân lương tâm, cựu tù chính trị, các nhà hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân “ là thông điệp mang hy vọng cho tân niên 2014 nhưng lại không hứa hẹn điều gì tốt lành hơn cho chính họ, là đối tượng hay đúng hơn là mục tiêu luôn bị công an sách nhiễu, đe dọa, hành hung để họ phải nhụt chí.

Trường hợp thứ nhất xảy ra hôm 31 tháng 12/ 2013, khi các cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân và chồng, bị công an dọa nạt chủi bới khi đị thăm bạn là cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội:

Tôi không bao giờ nghĩ, không lường trước được là có một sự chuyển hướng của nhà nước này đối xử với chúng tôi qua một hình thức thô bạo dữ dội như vậy.
-Huỳnh Ngọc Tuấn
“Vì lực lượng dân chủ chúng tôi, những người hoạt động bảo vệ nhân quyền trong nước thì nó ít, nên chúng tôi cố gắng giữ mối dây liên lạc thường xuyên đến thăm nhau hỗ trợ nhau. Bây giờ Phạm Bá Hải rủ đi thì tôi đi, tôi không bao giờ nghĩ, không lường trước được là có một sự chuyển hướng của nhà nước này đối xử với chúng tôi qua một hình thức thô bạo dữ dội như vậy.”

Đó là lời cựu tù nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, bị công an đánh đau nhất trong ngày 31 tháng Mười Hai, trong lúc luật sư Lê Thị Công Nhân và nhà dân chủ Phạm Bá Hải bị chửi mắng thậm tệ:

“Khi chúng tôi đến đó, đang nói chuyện trong nhà thì công an bảy tám người đứng ở ngoài kêu réo và đập cửa. Chúng tôi ra mở của thì họ yêu cầu chúng tôi về Ủy Ban Nhân Dân xã Tiên Dương làm việc. Họ hỏi là chúng mày có chịu về không, nếu không thì chúng tao dùng vũ lực.

Trong mấy người đó thì có hai nhân viên an ninh dưới 30 tuổi, sáu người còn lại từ 45 đến 55 tuổi, khuôn mặt rất hung ác.

Đến khi họ áp lực chúng tôi về trụ sở của xã Tiên Dương thì họ nói chúng tôi là người lạ, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Tôi, anh Hải và Lê Thị Công Nhân giải thích là yêu cầu xuất trình giấy tờ giữa ban ngày ban mặt và áp giải chúng tôi về đây là trái pháp luật. Phó công an Tiên Dương nói “chúng tao có luật của chúng tao, ở đây khác những nơi khác và chúng tao không ngần ngại đánh chết chúng mày”.

Thấy công an mà nói như vậy thì mình biết không thể đối phó thế nào, nhưng Hải và Công Nhân không chịu xuất trình giấy tờ và không chịu ký vô văn bản. Cuối cùng, vì tôi bấm nhỏ Hải là không thể nói chuyện với bọn người này thì sau đó Phạm Bá Hải đưa Chứng Minh Nhân Dân cho họ, còn Lê Thị Công Nhân không chịu nói tên mà cũng không chịu đưa Chứng Minh Nhân Dân.  Tôi nói Chứng Minh Nhân Dân của tôi để lại khách sạn nhưng tôi có thể nói với mấy anh tên tôi là Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam.”
Cựu tù nhân chính trị, anh Ngô Quỳnh, ảnh chụp trước đây.
Khi công an xã Tiên Dương lập biên bản, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đòi một bản sao có con dấu và chữ ký, đồng thời yêu cầu được ghi ý kiến là ông phản đối thái độ hành xử thô bạo trái pháp luật của công an. Nhà dân chủ Phạm Bá Hải nhất quyết không ký vào biên bản, luật sư Lê Thị Công Nhân cũng nhất mực không khai tên tuổi với công an:

“Cứ dằng co qua lại thì đến chiều họ nói họ không kiên nhẫn nữa và họ đi ra. Ba mươi phút sau thì họ trở lại nhưng hai nhân viên an ninh của Hà Nội không có mà chỉ còn sáu người của xã Tiên Dương thôi.

Họ tóm cổ tôi và lôi vào phòng, Lê thị Công Nhân chạy theo thì họ xô ra ngoài và đóng cửa lại. Đầu tiên họ đánh vô đầu tôi một cú, tiếp một cú nữa vô hàm tôi, mạnh đến mức độ máu tụ lại trong cổ họng và dưới lưỡi. Họ ấn tôi xuống ghế thì một công an đá vào ngực tôi. Mỗi người đánh một cái mà cứ tiếp tục, sáu người đánh bằng cùi chỏ vô trong vai và vô trong lưng, đấm vô ngực tôi. Họ chửi đủ thứ, nói là “chúng tao sẳn sàng đánh chết mày”

Thấy tôi làm thinh họ nói tha cho mày, và họ lôi Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, anh Ngô Duy Quyền vào . Họ không đánh anh Hải, không đánh Lê Thị Công Nhân nhưng họ cách ly hai phòng. Tôi nghe họ nói năng thô lỗ, hung ác, chửi anh Phạm Bá Hải, chửi Công Nhân, kinh khủng giống như một cái chợ. Lúc đó có một số người dân nghe ồn thì người ta đứng lại nhìn vào, mấy tên công an yêu cầu mọi người ra về. Một công an chỉ mặt Công Nhân nói ‘mày có con nhỏ tao không đánh chết mày nhưng mày có thái độ vậy thì tao sẵn sàng đánh chết mày’.”

Bị bắt chỉ vì đi thăm viếng
Bước sang ngày Tết Dương Lịch 1 tháng Giêng 2014, cựu tù nhân chính trị Ngô Quỳnh bị công an sách nhiễu khi đến thăm anh Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân.

Cùng ngày, thêm nhà hoạt động Lê Công Cầu bị bắt khi đáp máy bay từ Phú Bài đi thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Công Cầu là vụ trưởng Gia Đình Phật Tử thuộc Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà nhà nước Việt Nam không công nhận, thường lên tiếng yêu cầu nhà nước cho phục hoạt phong trào Gia Đình Phật Tử trong nước bao năm qua.

Cũng trong thời gian trước Tết Dương Lịch, bà Trần Thị An, vợ tù nhân lương tâm Lê Thanh Tùng, cho biết hồi gần đây chồng bà không hề được quản lý trại giam Lam Sơn 5 ở Thanh Hóa trao lại bất cứ món quà thăm nuôi nào mà bà đã bới xách đều đặn cho ông.

Mặt khác, hôm 25 tháng 12, nhà giáo Đinh Đăng Định được chuyển từ bệnh viện 30 tháng Tu mà ông được đưa tới từ ngày 17 để trị bệnh ung thư, về lại nhà tù An Phước là nơi ông đang thụ án.

Đó là trường hợp những người đương tù hay cựu tù lương tâm hoặc các nhà họat động dân chủ bị công an sách nhiễu bắt bớ khi đi thăm viếng nhau nhân năm mới 2014.

Những tên tuổi được nhắc tới trong bài này ít nhiều được dư luận trong và ngoài nước chú ý theo dõi vì tính cách oan sai và vi phạm quyền con người của nó .

Đáng nói nhất là hôm 18 tháng Mười Hai 2013, đại sứ các nước phương Tây ở Hà Nội gởi văn thư yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho người tù lương tâm Đinh Đăng Định để ông có thể chạy chữa căn bịnh ung thư đang trở nặng.

2 commentaires:

  1. Toi co y kien la cac dan oan hay cac nha bat dong chinh kien thay vi bieu tinh, cang bieu ngu chong doi o Ha Noi hay o cac tinh thanh Vietnam thi ho bo them chut it iten tau xe di qua Bac Kinh bieu tinh thi co khi co tac dung va hieu qua hon . Chu y la cac bieu ngu nen chuyen thanh chu tau nhe. Nghe vui roi bo neu thay khong dung

    RépondreSupprimer
  2. Trích thông điệp của ô Dũng đầu năm làm gì? Mấy ông lãnh đạo cs như những con vẹt đọc và nói khẩu hiệu có từ thời ô HCM còn đến chừ! Việc của các ô làm là giữ sự lãnh đạo của đảng để giữ quyền lực đứng trên luật pháp

    RépondreSupprimer