Trang

14/01/2014

TỪ VERSAILLES ĐẾN RẠCH GẦM

Nguyệt Quỳnh

Tôi đi dọc giòng sông Seine trong thời tiết giá rét của mùa đông Paris. Những tiệm cà phê dọc theo hè phố và cơn mưa nhẹ làm tôi nhớ đến câu chuyện tình trong một nhạc phẩm kinh điển của ban nhạc Abba “Mùa hè cuối cùng của chúng ta” (Our last summer). Đôi trai gái trong bài hát là bóng dáng thanh xuân của bất cứ ai trong cuộc đời này. Tay trong tay, họ cười đùa trong mưa, họ dạo bước ở Elysée, họ dừng chân trên mỗi quán cà phê. Chàng trai nói với thiếu nữ về triết lý cuộc sống, về chính kiến, lý tưởng của anh… Có lẽ họ đã dừng chân trên cầu Pont des Arts, cây cầu với hàng ngàn những ổ khóa, người ta viết tên nhau trên những ổ khoá đó, vất chiếc chìa khoá chìm sâu xuống dưới lòng sông, để lại một hình tượng tình yêu bền chặt trên chiếc cầu.


Rồi tất cả chỉ là giấc mơ, khi họ thực sự bước vào cuộc đời. Chàng thanh niên kia sống cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác, anh làm việc trong nhà băng, mê bóng đá, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Không có gì đáng tiếc cho cuộc sống của anh, nhưng người thiếu nữ thì tiếc nhớ cái hình ảnh lý tưởng của người bạn trai của cô vào mùa hè cuối cùng của họ ở Paris. Đi trên đại lộ Champs-Elysées, tôi tưởng như còn nhìn thấy hình ảnh họ qua những đôi trai gái đang thả bước trên đường và chạnh lòng nghĩ đến lý tưởng thời trẻ của mình, của các bạn tôi.
Tôi đến từ một quốc gia bị xâu xé bởi chiến tranh, tuổi của họ, các bạn tôi đang phải thi hành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia thời 1979. Tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong một bài thơ viết về cơn mưa rừng ở Phnom penh: “tuổi trẻ chúng tôi lớn lên khẩu súng lại cầm tay / đâu đã biết bờ môi, vòng eo thon con gái”. Ngày ấy, tất cả những bài thơ đều phải viết theo một chiều, phải mang tính chiến đấu. Hai câu thơ như lời thở dài, là hai câu cuối trong một bài thơ mà tác giả kể lại những gian nan cùng cảnh tượng anh phải chứng kiến bạn mình bị cơn lũ rừng cuốn đi mất. Chẳng biết anh có còn sống sót để trở về sau mùa mưa lũ, sau những biến động chính trị và tình hình phức tạp tại Campuchia? Tuy nhiên, bài thơ anh viết thì tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Paris là đất nước của thành quách và lâu đài. Đi trong thành Versailles tôi như nghe thấy tiếng vọng của quá khứ, tiếng vó ngựa lẫn trong tiếng kèn rộn ràng. Nhiều bức tranh ghi lại các trận đánh lịch sử của Napoleon, những bức tượng sống động của các vị tướng qua nhiều thời đại. Tôi đi giữa cái hùng vĩ của cung điện Versailles mà nghe như cái hồn, cái uy linh của các vị tướng ngày xưa còn lẩn quất đâu đây. Chẳng biết khi nào quê hương tôi lấy lại niềm tự hào để những bức tranh hoành tráng về những trận đánh lịch sử như Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút được treo trong các viện bảo tàng. Để du khách có thể cảm nhận được cái hồn của tổ quốc tôi trong mỗi bước chân qua; mà không phải là những đồi cù, những siêu thị, những vũ trường, nơi chốn mà người ta chỉ cần vung tiền ra là có thể dễ dàng mua được những cái thật đắt giá như nhân phẩm, văn hoá, lịch sử, … của một con người.
Thế giới có thể đang nhìn đất nước tôi với một con mắt khác. Làm sao người ta có thể giải thích được cũng chính đất nước này, chính những con người đã từng đánh Tây, đuổi Mỹ, sau chiến thắng được mệnh danh là vĩ đại, là thần thánh, bỗng trở nên nhu nhược một cách lạ lùng! Hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung cùng những hổ tướng thời Tây Sơn cứ lởn vởn trong đầu khi tôi ngắm nhìn những trận đánh lịch sử của nước Pháp. Chỉ có dân tôi mới biết rõ, chỉ có dân tôi mới nhìn rõ những chiến tích cùng những gian nan của tiền nhân còn nguyên vẹn trên từng tấc núi, gang sông. Tại Rạch Gầm, Xoài Mút, hiện nay vẫn còn dấu vết đá hàn ngang qua sông Tiền, nơi ngày xưa người dân ở đây đã cùng với quân Tây Sơn hàn sông để ngăn đường rút binh của chiến thuyền quân Xiêm La. Nơi đây còn ghi dấu niềm kiêu hãnh của người xưa qua câu hò đêm đêm trên sông nước: “Chẻ tre bện sáo cho dày/Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”. Phải là đất nước của những con người lẫm liệt lắm người ta mới gặp nhau ở nơi chốn đó. Nơi người ta quên chính thân mình, cùng đổ mồ hôi để ngăn sông, cùng đổ máu xương để gìn giữ bờ cõi.

Để có những Rạch Gầm, Xoài Mút phải có những người chẻ tre, bện sáo, phải có những người vác đá ngăn sông. Để có một chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, phải có tám ngàn người sẵn sàng ngã xuống giữa khói lửa của đồn Ngọc Hồi. Nhìn đỉnh cao của ngọn sóng trắng chúng ta nhớ đến những con sóng nhỏ mà nó tựa vào. Tôi tin vào dân tôi, tôi tin vào những con sóng ngầm nằm bên dưới của ngọn sóng.
Cuối năm, cùng với thế giới, nước Pháp ngậm ngùi đưa tiễn Nelson Mandela, người được mệnh danh là người hùng bất bạo động của đất nước Nam Phi. Một dòng chữ chạy ngang trên tháp Eiffel ghi ngày sinh và ngày qua đời của ông. Nhớ đến câu nói của Nelson Mandela, lòng tôi chùng xuống, một cảm giác vừa thương cảm vừa hãnh diện khi chợt nghĩ đến những Vi Đức Hồi, Điếu Cày, Lê Quốc Quân… “Một xã hội mới không thể được tạo ra bởi những người khoanh tay đứng nhìn từ xa mà phải bởi những người đứng giữa chiến trường, chiến bào tả tơi vì bão tố và cơ thể thì bầm dập vì trận mạc”
Lý tưởng, hoài bảo của Vi Đức Hồi, Điếu Cày đã phải trải nghiệm bằng máu xương của đồng đội, của cả một thế hệ thì nó không thể một ngày bỗng bốc hơi, bỗng biến mất. Các anh đã can đảm đem chính thân mình bước vào một cuộc chiến mới, chính sự hy sinh đó đang dẫn lối cho những người trẻ men theo. Những vết bầm, vết máu trên mặt của Lê Quốc Quyết, Angust Anh là câu trả lời cho sự góp mặt của những con sóng nhỏ. Lời nhắn gởi của Nguyễn Đặng Minh Mẫn hay của Trần Minh Nhật trước toà là lời khẳng quyết cho sự góp mặt của cả một thế hệ Việt Nam. Tôi tin vào họ, những con người ngày nào hàn đá ngang sông Tiền, đang cùng nhau bước ra từ lịch sử.
Nguyệt Quỳnh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire