Trang

26/01/2014

VĨNH BIỆT ANH LÊ HIẾU ĐẰNG!

Gần 1000 người, từ sáng tinh mơ đã có mặt tại chùa Xá Lợi để tiễn đưa anh Lê Hiếu Đằng. Nhiều mái đầu bạc lẫn trong những mái đầu xanh. Tiếng đàn violon trầm trầm của nghệ sĩ Tạ Trí Hải từ trong lặng im nhẹ nhẹ ngân lên, lớn dần rồi vang xa. Nhiều tiếng sụt sùi. Nhiều giọt nước mắt. Nhưng tất cả đều đứng nghiêm trang và kính cẩn. Lời giới thiệu của giáo sư Hoàng Dũng cất lên mời mọi người vào phút mặc niệm. Nhưng mọi người đã mặc niệm từ lâu. Rồi với giọng nhẹ nhàng của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, điếu văn tiễn biệt nhà yêu nước, người bạn, người anh thân thương hòa theo tiếng violon trầm buồn cứ thế đi vào lòng mọi người.


Vĩnh biệt Anh Lê Hiếu Đằng!

Điếu văn của bạn hữu do BS Huỳnh Tấn Mẫm đọc tại Lễ Truy Điệu luật gia Lê Hiếu Đằng sáng ngày 26.01.2014

Thưa quý vị, thưa quý bằng hữu,

Thay mặt Ban tang lễ và gia đình Anh Lê Hiếu Đằng, chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị đã đến đây viếng Anh lần cuối mà cũng để từ biệt Anh lần cuối. Chúng ta đã chứng kiến những ngày tháng sau cùng khi Anh vừa chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, vừa đau đáu một lòng đối với vận mệnh đầy cam go hiện nay của đất nước. Và hôm nay, chúng ta đau buồn biết rằng sẽ không bao giờ còn có thể gặp lại Anh trên thế gian này một lần nào nữa. Anh đã vĩnh viễn từ giã chúng ta để đi về Miền Tĩnh Lặng của riêng Anh và cũng là Miền Anh Linh của những tinh hoa dân tộc.


Anh Lê Hiếu Đằng sinh ngày 06.01 năm 1944, tại Đà Nẵng, Quảng Nam, nguyên quán Thừa Thiên - Huế. Sau khi học xong Tú tài phần 1 ở Đà Nẵng, Anh ra Huế hoàn thành Tú Tài phần 2, chính ở nơi đây, Anh đã tiếp cận phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh xung quanh sự biến 1963, và đã trả giá cho thái độ đầu tiên về chính trị đó bằng sự kiện bị chính quyền Sàigòn giam vào lao Thừa Phủ. 1964, theo gia đình vào Sài gòn, ghi danh học Đại học Luật, rồi từ những hoạt động công khai trong cộng đồng sinh viên, Anh bí mật liên hệ với phong trào cách mạng và trở thành cơ sở của Đảng uỷ sinh viên và Thành đoàn Sài Gòn. Năm 1968, cùng với một số trí thức, nhân sĩ thuộc “lực lượng thứ ba”, Anh ra chiến khu tham gia Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình (khu Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định), tổ chức này ra đời để vận động cho cuộc hoà giải dân tộc, chấm dứt chiến tranh và Anh đã bị chế độ cũ kết án tử hình vắng mặt. Năm 1969 Anh được hai ông Huỳnh Tấn Phát và Tôn Thất Dương Kỵ giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đất nước thống nhất, sau một thời gian đảm nhiệm công tác đào tạo cán bộ tại các trường Đảng ở Sài Gòn đến 1983, Anh được điều động về Mặt Trận với chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, và giữ chức danh này cho đến khi về hưu. Gần đây, vướng phải căn bệnh ngặt nghèo, được gia đình, bạn bè, các y, bác sĩ hết lòng giúp đỡ điều trị nhưng do bệnh tình quá trầm trọng, Anh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22.01.2014, lúc 22 giờ, tại Bệnh viện 115, hưởng thọ 70 tuổi.

Qua mấy nét tiểu sử trên đây, chúng ta thấy xuyên suốt cuộc đời Anh, vận mệnh của đất nước là điều không lúc nào rời khỏi sự bận tâm suy nghĩ của Anh. Thái độ đó đã thể hiện rất sớm khi Anh mới chỉ là một học sinh trung học và có lẽ rất sớm như vậy vì đã diễn ra trong hoàn cảnh một đất nước liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược thống trị, mà vào thời Anh lớn lên là tình thế tổ quốc bị chia đôi sau 1954: do không thống nhất được trong hoà bình, những xung đột tiềm ẩn nội tại đã bùng lên với sự can thiệp trực tiếp của chính quyền Mỹ bấy giờ, cuối cùng phát triển thành một cuộc đối đầu quân sự vô cùng tàn khốc, có nguy cơ đẩy cả dân tộc vào một thảm hoạ huỷ diệt chưa từng có. Sự chọn lựa chính trị của Anh đã phát sinh từ tình thế đó và thường được giải thích như một thức tỉnh mang tính truyền thống của những thanh niên trí thức trước họa ngoại xâm. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết: sự chọn lựa của Anh không dừng lại ở tình tự yêu nước tự nhiên đó mà lại được bồi đắp cho mạnh mẽ hơn bằng một niềm tin mới mẻ, hấp dẫn hơn nhiều lần: đó là niềm tin vào một thứ chủ nghĩa cộng sản nào đó mà Anh tin rằng sau này khi nước nhà đã độc lập trong thống nhất, hoà bình, nếu đem ra áp dụng, chúng ta sẽ kiến tạo nên được một xã hội tốt đẹp bội phần. Anh đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì niềm tin ấy, sống chết với Đảng Cộng sản suốt 45 năm kể từ ngay Anh gia nhập cũng vì niềm tin ấy.

Giữ gìn sự liêm khiết là công việc bình thường, điều quan trọng hơn nhiều lần với Anh chính là thái độ bảo vệ sự trong sáng làm nên những nguyên lý về phẩm chất để thực hiện cho được lý tưởng của mình. Cũng chính vì quan niệm như vậy mà trước những chuệch choạc, bế tắc, sai lầm của Đảng Cộng sản trong việc đem lý tưởng ra thực hiện, Anh đã có những phản ứng rất mạnh mẽ đi đôi với những đề xuất táo bạo để chấn chỉnh. Thái độ nhiều khi khá gay gắt của Anh đều xuất phát từ nỗi ưu tư của Anh về vận mệnh của toàn dân tộc: những sai lầm ấy nếu không được khắc phục một cách triệt để, thì đất nước sẽ suy sụp toàn diện và không thể nào tránh khỏi nguy cơ rơi vào vòng xiềng xích của ngoại bang một lần nữa, dưới một hình thức thâm độc hơn nhiều lần. Giữ gìn cho được những phẩm chất làm nên cái lý tưởng lành mạnh ban đầu trong thời kỳ tranh đấu giải phóng dân tộc hầu như đã trở thành chuẩn mực định hướng cho mọi hành động của Anh. Lý tưởng đó có thể điều chỉnh cho thực tế hơn, mang ra thực hiện bằng những biện pháp thích đáng hơn, nhưng cái mơ ước ban đầu về một xã hội tương lai tất yếu phải tốt đẹp hơn quá khứ đối với Anh vẫn là cái đích đến, không thể quên lãng, nhất là không thể cố tình xoá bỏ bằng những lời nói đãi bôi để che giấu những toan tính chà đạp con người, bán đứng đất nước, đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc, của nhân dân.

Cũng chính vì vậy mỗi khi có dịp nhắc lại những tháng ngày gian khổ cũ của mình như một tổng kết về cuộc sống, Anh không hề tỏ ra tiếc nuối với những gì đã làm để phải trách móc bản thân hay “sám hối” với ai khác cả. Những gì diễn ra trong quá khứ đối với Anh là một hành trình thể nghiệm đầy hào sảng, cần phân tích thấu đáo nhiều mặt để tiếp sức cho cuộc chiến đấu hôm nay với những nội dung và biện pháp khác, trong những điều kiện mới của đất nước. Với những ai hiểu Anh thì những gì Anh bộc lộ trong thời gian gần đây cũng chỉ biểu hiện cho những dằn vặt và đau xót về sự suy đồi đến mức thảm hại những giá trị mà những lớp người như Anh đã bỏ tuổi xuân và xương máu để chắt chiu nuôi dưỡng. Một số quyết định đến mức quyết liệt của Anh vào lúc cuối đời sẽ hoàn toàn lý giải được khi chúng ta biết tất cả đều không bắt nguồn từ đâu ngoài sự phẫn nộ trước những thứ làm vẩn đục những nguyên tắc đơn giản nhưng thiêng liêng, tạo nên cái cái lý tưởng cải biến xã hội mà Anh đã tiếp nhận được từ thời trai trẻ trong tranh đấu. Đó là độc lập dân tộc, cải thiện dân sinh, xây dựng cho kỳ được nền dân chủ tiến bộ trong tự do và phẩm giá, xứng đáng với bao khát vọng và hy sinh cao cả của nhân dân yêu quý.

Anh Đằng thân thiết!

Với những việc Anh đã làm, với những phẩm chất mà Anh gửi lại cho những người thân thích, những bạn bè xa gần của Anh, Anh có quyền thanh thản an nghỉ trong Miền Yên tĩnh của riêng Anh với những bài tình ca mà Anh mang theo trong suốt cuộc đời dấn thân đầy lãng mạn của mình. Cuộc từ biệt mang lẽ tử sinh này sẽ để lại cho anh em chúng tôi, những bằng hữu, những người thân của Anh, nhiều kỷ niệm tốt đẹp cùng với nhiều điều thật đáng suy ngẫm về cuộc đấu tranh thay đổi đời sống, những suy ngẫm cũng là những thao thức mà chắc hẳn không một ai trong chúng ta có thể tránh mặt được mỗi khi tưởng nhớ đến Anh. Những ước nguyện chưa thành của Anh nhất định sẽ được thế hệ sau gánh vác và thực hiện!

Đau đớn vĩnh biệt Anh, người Bạn thân thiết, nhà Trí thức dũng cảm, trang Hiền sĩ đáng kính, đáng yêu trong tâm khảm của thế hệ hôm nay!

Vừa lúc chấm dứt bài điếu văn của BS Huỳnh Tấn Mẫm, rồi lời cảm tạ của chị Giang Thị Hồng- phu nhân của anh Đằng, giọng hát Miên Đức Thắng vút lên cao dẫn dắt tất cả mọi người cùng hòa vào bài ca Tự Nguyện...Nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng... nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương.
Những người thân thương, những người quý mến và ngưỡng mộ anh Lê Hiếu Đằng đã bước theo sau quan tài anh kéo dài thành đoàn người từ chùa Xá Lợi ra đến hết đường Ngô Thì Nhiệm... 
Anh đã ra đi. Nhưng tinh thần của anh vẫn còn ở lại với anh em.

3 commentaires:

  1. Con xin nghiêng mình kính cẩn trước vong linh chú Lê Hiếu Đằng. mặc dù con chưa có dịp gặp chú, nhưng chú sẽ luôn là tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam noi theo. chúc chú được yên nghỉ.

    RépondreSupprimer
  2. Xin thắp cho Bác một nén nhang lòng!

    RépondreSupprimer
  3. Mình đi viếng nhiều đám ma thấy người ta hay trưng lên bàn thờ cái bài vị ghi tiếng Tàu. Mình chẳng biết họ ghi gì trong đó, người nhà cũng không biết, mà người chết (lúc còn sống) cũng không biết tiếng Tàu.
    Sau này, vào trường hợp hợp của mình, mình sẽ dặn người nhà không trưng cái bài vị tiếng Tàu đó.

    RépondreSupprimer